Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Vì sao Giáo hội không bán của cải của mình để giúp người nghèo?

 

Thánh Phêrô ở Rôma… Các viện bảo tàng Vatican với 80 000 tác phẩm, trong đó có các tác phẩm của Raphaël, Michelangeli và cả Gauguin, Rodin, van Gogh… Các thư khố bí mật… tất cả làm mơ và… cũng là bịa chuyện! Di sản kiến trúc và văn hóa của Vatican thì có tầm quan trọng rất cao, nhưng khó ước lượng, các tác phẩm này được ghi vào bản tổng kết tài sản là 1 euro! Giáo hội chỉ có danh hiệu như người có trách nhiệm về tài sản này, gìn giữ nó và trao truyền nó.

Đức Gioan-Phaolô II đã nói với Unesco, cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc: “Văn hóa là điều mà qua đó con người trở nên người hơn, “được” người hơn, đạt đến “người hơn”… Văn hóa luôn ở trong tương quan thiết yếu và cần thiết liên hệ đến bản chất con người, trong khi tương quan của con người với những gì nó có, với cái “có được” của nó, không những chỉ là thứ yếu, mà hoàn toàn tương đối”.

Với những gì Vatican có, người ta có thể phân biệt ba ngân quỹ lớn: trước hết là ngân quỹ Tòa Thánh, gồm việc quản trị Giáo hội hoàn vũ với Giáo triều và gần ba ngàn người cọng tác với Tòa Thánh. Trung bình ngân sách hàng năm vào khoảng 230 triệu euro, năm 2015 bị thâm thủng 12,4 triệu euro. Sau đó là việc quản trị Quốc gia Vatican; một ngân sách hàng năm khoảng 250 triệu euro, năm 2015 với một thặng dư 59,9 triệu euro. Và cuối cùng là các công việc truyền giáo giáo hoàng – gồm các việc như giúp các Giáo hội gặp khó khăn và hỗ trợ chương trình phúc âm hóa – với ngân sách hàng năm khoảng 145 triệu euro. Một con số đưa ra để so sánh, địa phận Cologne ở Đức có ngân sách 811 triệu và Quốc gia Monaco có 1 tỷ. Như thế sự giàu có của Vatican chỉ là một huyền thoại chứ không phải là một thực tế!

Về điều này, Đức Gioan-Phaolô II viết: “Thuộc về truyền thống cổ xưa nhất của Giáo hội, xác tín với ơn gọi của mình – chính Giáo hội, các sứ vụ viên và mỗi thành viên của mình – có nhiệm vụ thoa dịu sự khốn cùng của những người đau khổ ở gần hay ở xa, và không phải chỉ ở cái dư thừa mà cũng ở cái cần thiết”. Ngài viết thêm: “Khi cần, chúng ta không thể cho các đồ trang hoàng dư thừa của các nhà thờ và các vật dụng thờ phượng quý giá; ngược lại, chúng ta buộc phải chuyển nhượng các của cải này để cho thức ăn thức uống, áo quần, nhà cửa cho những người thiếu thốn”.

Phải biết vô số công việc từ thiện trải rộng ra trên khắp thế giới.

Tuy nhiên Giáo hội không thể chỉ thu gọn vào Vatican. Cũng cần phải biết vô số công việc từ thiện của tín hữu cũng như của các thể chế giáo hội trải rộng ra trên khắp thế giới. Chẳng hạn, 42 % cơ sở vệ sinh y tế ở Phi châu thuộc Giáo hội công giáo; ở Êti-ô-pia, 1 % người công giáo cung cấp cho 90 % trợ cấp xã hội của đất nước. Sự dấn thân giúp người nghèo ở đây thật khổng lồ!

Đức Phanxicô đã tuyên bố: “Lựa chọn hàng đầu để giúp người nghèo là ‘sứ mệnh rõ ràng và trực tiếp’ […] mà không một biện minh nào của giáo hội có quyền làm tương đối hóa”. Chính vì vậy, hành động cụ thể cần nhiều sáng tạo hơn, khéo léo hơn mà lý do duy nhất là để chia sẻ. Ngài còn viết: “Tôi đau lòng mà nói, sự kỳ thị là điều tệ hại nhất mà người nghèo phải chịu, đó là sự thiếu quan tâm về mặt thiêng liêng”. Không phải để tương đối hóa sự dấn thân về mặt xã hội, nhưng để làm rộng ra cái nhìn của chúng ta đối với những người nghèo nhất.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

655    21-11-2017