Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Vòng xoáy kim tiền...

VÒNG XOÁY KIM TIỀN…
Gv 1, 2; 2, 21-23; Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9; Cl 3, 1-5, 9-11; Lc 12, 13-21

heaven felt"Vòng xoáy kim tiền" là tựa đề của một bộ phim nhiều tập trên truyền hình. Quả thực, chúng ta đang sống trong vòng xoáy đó. Vì thế, sứ điệp Tin Mừng hôm nay xem ra lạc lõng với con người thời đại.

Mọi sự đều phù vân?

Con người thời nay phần đông không nghĩ vậy. Họ đang nghĩ “tiền là tiên là phật…”, là mục đích và ý nghĩa cuộc sống, là tất cả. Câu cửa miệng hôm nay là “thủ tục đầu tiên”, “bôi trơn”, “có tiền là có tất cả”… vì “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Quá đề cao giá trị của đồng tiền như thế sẽ dẫn đến thói thờ “ngẫu tượng”. Thánh Phaolô trong bài đọc II gọi “hà tiện” là “thờ ngẫu tượng”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới nguy cơ “thờ ngẫu thần mới” trong Niềm vui Tin Mừng số 55: “Chúng ta đã tạo ra các ngẫu thần mới. Việc thờ con bò vàng thời xưa (xem Xh 32,1-35) nay đã trở lại dưới một dạng mới và sống sượng là việc sùng bái ngẫu thần tiền bạc và sự chuyên chế của một nền kinh tế phi nhân không có một mục đích nhân bản đích thực […] con người bị giản lược vào một nhu cầu duy nhất của họ mà thôi: tiêu thụ”.

Sứ điệp của sách Giảng viên mời gọi chúng ta định giá đúng mức tiền bạc của cải, đặt chúng vào đúng giá trị của chúng. Quá chạy theo của cải tiền bạc có thể khiến con người đến chỗ đánh mất chính mình và phí phạm cuộc sống của mình vào những giá trị mau qua chóng hết. Hình ảnh ông đại gia trong bài Tin Mừng là một thí dụ minh họa sống động. Cả một cuộc đời thu góp của cải tiền bạc, gắn bó với chúng, cậy dựa vào chúng, để rồi cuối cùng chuốc lấy sự hư không chỉ “nội trong một đêm”!

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Lời Chúa không nhằm phủ nhận giá trị của tiền bạc của cải, nhưng muốn chúng ta có cái nhìn đúng đắn về chúng và hơn nữa, sử dụng tiền của như là phương tiện đạt tới những giá trị lớn lao hơn và bền vững hơn: “hãy tìm những sự trên trời”!

Tiền của nếu được làm ra một cách lương thiện và được sử dụng một cách quảng đại thì sẽ là phương tiện tốt giúp chúng ta đạt tới cứu cánh của mình. Lao động chân chính giúp ta góp phần mình vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa. Sống hiền hòa rộng rãi sẽ giúp ta phúc âm hóa tiền bạc của cải, nâng chúng thành những giá trị vĩnh cửu: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).

Như vậy, Lời Chúa mời gọi chúng ta ra khỏi “vòng xoáy kim tiền”, để không tìm cách làm giàu trước mặt thế gian, nghĩa là tìm kiếm sự tích trữ, sở hữu và hưởng thụ một cách ích kỷ, nhưng hãy “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng một cuộc sống lương thiện, công chính và bác ái. Tích cực làm việc, nhưng không phải chỉ để làm giàu kinh tế nhưng là để góp phần làm cho cuộc sống đáng sống hơn, tốt đẹp hơn, yêu thương hơn, nhân bản hơn, tin mừng hơn.

Giá trị của con người không phải ở cái họ có (sở hữu) mà ở cái họ là (hiện hữu) (xem Hiến chế Gaudium et Spes, số 35). Tư cách, nhân cách, phẩm giá của một con người thì đáng quý hơn kiểu cách, phong cách và bảng giá của những đồ dùng mà người ấy có.

Sự giàu có đích thực của một con người là “sở hữu” sự thánh thiện! Đó là “mặc lấy con người mới” theo hình ảnh của Đấng vốn giàu sang đã trở nên nghèo nàn, để dùng cái nghèo khó của mình mà làm cho anh em được giàu có. Theo nghĩa này, Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói: “Thành công lớn nhất của một cuộc đời là nên thánh”.

Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

2058    03-08-2019