Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Xác tín tình yêu

Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện thân mật rất riêng giữa Chúa Giêsu và vị tông đồ niên trưởng là Phêrô. Bên Biển hồ rất thân quen ấy, trong bầu khí rất thân tình, sau khi Chúa Giêsu thiết đãi các môn đệ một bữa Agape, trước mặt các anh em, ngài đã chất vấn tình yêu của Phêrô dành cho Ngài.

Chúa Giêsu lên tiếng hỏi Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Câu hỏi của Thầy quá đơn giản nếu không muốn nói là dư thừa vì rất nhiều lần Phêrô tuyên xưng lòng tin vào Thầy, nhất là sau ba lần vấp ngã chối Chúa, ông đã phần nào ý thức được sự yếu đuối của mình nên trả lời đầy vẻ khiêm tốn: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Nghe vậy, Chúa Giêsu liền trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc chiên con.

          Người ta thường nói: yêu là tín nhiệm, là tin tưởng, là ủy thác; yêu là bao dung, quảng đại và tha thứ. Tình yêu không chấp nhất, không so đo, không tính toán… Đức Giêsu đã rất yêu Phêrô và Ngài cũng rất hiểu Phêrô. Ngài hiểu Phêrô không nói dối khi ông tuyên bố sẵn sàng sống chết vì Ngài; nhưng ngài cũng thấu hiểu sự yếu đuối mong manh của con người. Nếu chỉ dựa vào sức mình, con người chẳng làm được chuyện gì. Nếu không có ơn Chúa ban thì tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công trạng gì”.

Chắc có lẽ để kiểm tra lại lòng yêu mến của Phêrô, Chúa Giêsu lại hỏi thêm 2 lần nữa. Lúc này Phêrô cảm thấy như bị Thầy coi thường, ông tỏ vẻ không hài lòng nên đã trả lời vẻ hờn dỗi « Khổ lắm, nói mãi ! Thầy đi guốc trong bụng con rồi còn gì », Thầy biết rõ mọi sự rằng con yêu mến Thầy…Nghe vậy Chúa Giêsu nói rõ cho Phêrô biết đường tương lai, định mệnh của cuộc đời ông là phải chết cách nào.

Có nhiều người thắc mắc cho rằng « Tại sao Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần ?» Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho Phêrô biết sứ mạng sắp tới rất quan trọng mà cũng thật khó khăn, nếu ông không có  lòng yêu mến cao độ trổi vượt thì không thể chu toàn được. Chúa Giêsu cũng muốn Phêrô ý thức sứ mạng cao quý của người lãnh đạo là phải chịu thiệt thòi, đau thương thậm chí phải hy sinh cả mạng sống.

Phải chăng Ngài muốn chơi khăm nhằm bêu diếu, trả đũa Phêrô vì đã sáo rỗng ngôn từ thề thốt, hứa sống chết với ngài, nhưng sau đó lại quay lưng 180 độ chối ngài vì lời nói của một người tớ gái (một người không có giá trị theo thời đó)? Chắc chắn là không! Đối với Phêrô 3 lần chối thầy đã đủ cho ông thấm thía bài học về thân phận mỏng manh yếu đuối của con người, về sự phù du của tính kiêu căng, tự mãn, cậy mình; đã đủ cho một đời sám hối khôn nguôi. Hơn nữa Phêrô đã rất thật trong tình yêu của ông dành cho Đức Giêsu, nhưng “tinh thần mau mắn, xác thịt lại nặng nề”, Phêrô đã cảm nhận được rất rõ điều đó và chắc chắn Đức Giêsu đã biết điều đó. Vậy Ngài muốn gì khi 3 lần chất vấn Phêrô về tình yêu của ông dành cho Ngài trước mặt anh em?

 

Câu hỏi dành cho Phêrô năm nào bây giờ Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: « Con có mến Thầy không ? » Lấy gì để đo lường lòng mến của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta đặt lòng tin mến của mình nơi Chúa thì ít nhưng nơi tạo vật thì nhiều. Chúng ta đã đặt lòng tin vào tiền bạc, giàu sang, danh vọng, địa vị chức tước, vào một đam mê lệch lạc hoặc những thú vui bất chính…Mỗi ngày chúng ta hãy cật vấn lòng yêu mến của mình đối với Chúa.

Chúa Giêsu đã hiểu Phêrô và đồng thời Ngài cũng biết “cú ngã” ông vấp phải là cần thiết để rèn luyện ông nên người lãnh đạo thực thụ của Ngài trong tương lai. Một người lãnh đạo, một vị chủ chăn không cai trị bằng “gươm giáo” (tuốt gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thầy Thượng Tế), bằng quyền lực của sức mạnh; không luôn đòi hỏi sự vẹn toàn của con chiên. Nhưng là một vị chủ chăn, vị lãnh đạo có tấm lòng của Chúa, một tấm lòng nhân hậu,  bao dung, thông cảm và sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của anh em, của con chiên; một vị lãnh đạo không cai trị bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của loài người nhưng bằng sức mạnh và sự khôn của chính Chúa. Và từ đó ông hiểu và thấm nhuần bài học yêu thương, phục vụ mà Đức Giêsu đã dạy : “Thầy là thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).

Chúa Giêsu đã rất yêu Phêrô và tình yêu của Ngài dành cho ông không hề thay đổi sau khi ông chối Ngài. Ba lần Đức Giêsu chất vấn Phêrô về tình yêu của Ông dành cho Ngài trước mặt anh em, như là một cơ hội để cho Phêrô cách công khai xin lỗi anh em, sửa lại lỗi lầm và lấy lại uy tín của người anh Trưởng. Đức Giê-su đã rất tế nhị trong cách huấn luyện của Ngài. Ngài đã cho Phê-rô cơ hội để  bày tỏ tình yêu và lòng mến, sự trung thành của ông trước mặt anh em. Mỗi lần tuyên xưng lòng mến là mỗi lần Đức Giê-su tín nhiệm và ủy thác việc chăn dắt con chiên của Ngài cho Phê-rô.

Và những lời xác tín của Phê-rô về tình yêu ông dành cho Đức Giê-su giờ đây cũng mang nét thâm trầm của một cuộc trải nghiệm thiêng liêng. Không còn phải là những lời lẽ chứa đầy tự mãn của một Phê-rô xốc nổi cậy mình, nhưng là những lời phát xuất từ trái tim của con người khiêm hạ, biết mình yếu đuối và hoàn toàn cậy dựa vào Chúa “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (c.17c) "Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

          Tiêu chuẩn để Đức Giê-su ủy thác sứ vụ của Ngài cho chúng ta là tình yêu chúng ta dành cho Ngài. Mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều có một sứ vụ mà Đức Giê-su ủy thác trong công trình cứu độ của Ngài và Ngài muốn chúng ta thực hiện với tình yêu và sức mạnh của Chúa. Chúng ta làm công việc của Chúa chứ không phải chúng ta làm việc cho Chúa. Thực ra chúng ta thường lầm lẫn, tự mình hoạch định những kế hoạch để hoạt động và nghĩ rằng mình làm công kia việc nọ cho Chúa, bức bối, bực tức khi công việc gặp trở ngại, khó khăn, thất bại… mà không nghĩ rằng chúng ta làm việc của Chúa và mở lòng ra để Chúa hướng dẫn thực hiện kế hoạch của Ngài trên cuộc đời ta,còn về phần ta chỉ có một điều quan trọng là hãy yêu Chúa hết lòng.

Tình yêu và sứ vụ không thể tách rời nhau. Có tình yêu mà không thi hành sứ vụ thì đó chỉ là tình đầu môi chót lưỡi. Thi hành sứ vụ mà không có tình yêu thì chỉ là những việc làm vô ích không sinh hoa kết trái. Sứ vụ ở đây không phải là điều gì lớn lao to tát đâu bạn ạ, nhưng chỉ là làm cho cuộc sống nảy sinh hoa trái yêu thương, đẩy lui hận thù để cùng nhau tiến vào Vương quốc vĩnh cửu của tình yêu và hạnh phúc bất diệt.

Trên bước đường theo Chúa không phải lúc nào chúng ta cũng đi trên nẻo đường bằng phẳng với cây cao bóng mát, cỏ hoa rộn ràng nhưng cũng có đoạn đường gồ ghề sỏi đá, chông gai. Không phải lúc nào chúng ta cũng trải qua những ngày nắng đẹp nhưng cũng có những lúc u sầu ảm đạm, thậm chí có cả giông tố bão bùng. Không phải lúc nào việc ta làm cũng được mọi người chấp nhận, tán dương nhưng cũng có những chống đối, vùi dập khiến ta bị tổn thương và thất vọng ê chề. Hãy nhìn lên Thầy Giêsu – Đấng đã chiến thắng bằng đức khiêm tốn vâng phục, bằng sự từ bỏ ý riêng mình để ý Cha nên trọn.

Chấp nhận đi theo Chúa là chúng ta phải chấp nhận thiệt thòi đi vào đường hẹp, chấp nhận lội ngược dòng. Vì đường Cứu Độ không phải là con đường của dễ dãi, của hưởng thụ nhưng là con đường từ bỏ. Vì có hạnh phúc nào mà không dệt từ những đau khổ, có vinh quang nào mà không phải đi qua thập giá. Nhưng người theo Chúa phải luôn xác tín dù đường đời có đau khổ cũng là đau khổ có Chúa. Dù tình yêu có trắc trở gian nan cũng là vẫn là những ân ban huyền nhiệm để ta được lớn lên, được hiệp thông trong Tình Yêu của Chúa Ba Ngôi.CTV TTVL

 

 

 

1551    02-06-2017