Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Xao xuyến hay vui mừng

Xao xuyến hay vui mừng

1. Qua đời

“Thoạt khi vừa mới chào đời

Ðã mang tiếng khóc ôm đầu mà ra”.

Có người đã ví tiếng khóc đầu đời như tiếng còi khởi đầu cho một chuyến hành trình của một cuộc “đời là bể khổ”, lại có những tiếng khóc để tiếp về bến đậu là cái chết. Khi một đời người chấm dứt, nhưng người nằm xuống thì an nghỉ. Nếu có đưa tin về người đã “ra đi” thì người ta gọi là “ai tín”.

Người ta thường nói “sống gởi thác về” (sinh ký tử quy). Người ta cũng thường dùng từ “qua đời” để ghi nhận cái thời điểm một người giã từ kiếp nhân sinh tạm gởi mà tiến vào cuộc sống vĩnh hằng, không còn “ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh”. Ôi, đẹp biết bao, đáng mơ ước chừng nào, cái giây phút qua đời, kết thúc đời lữ thứ vì đã cập bến bình an.

2. Ở và đi

Cái giây phút chuyển tiếp tuyệt vời là thế. Vậy mà nhiều người sao lại khiếp sợ đến thế. Chính Chúa Giêsu khi “đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12,33) dường như cũng chia sẻ những tâm tình rất người: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12,27).

Ðối với “Người Con Một vốn là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18), thì Ngài hằng hướng về Cha là lẽ tự nhiên. Ba lần báo trước cuộc thương khó (Mc 8,31-33; Mc 9,30-32; Mc 10,23-34), người con hiếu thảo đã coi “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy...” (Ga 4,34), chứng tỏ khát vọng “qua đời” để về với Cha mãnh liệt tới mức độ nào. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn cảm thấy xao xuyến khi Giờ đã điểm. Tại sao?

- Thực tế, “sự sống” là một vốn quý, là ơn ban của chính Thiên Chúa mà mọi người phải trân trọng, muốn hướng và bảo tồn nó. Kèm theo sự sống này là những thứ “đồng tiền nối liền khúc ruột”, mất là đau đến chảy cả máu.

- Cuộc vượt qua còn có những chướng ngại như bệnh tật, tai nạn... làm con người khiếp sợ. Có lẽ đây là điều khiến Chúa Giêsu, đã phải trải qua cơn hấp hối, đến chảy cả mồ hôi giữa đêm lạnh, và mồ hôi còn trộn lẫn cả máu đào (Lc 22,44).

- Gắn bó thiết thân là thế. Nhưng “có sinh có tử”. Vì cái đời đời, mà “Ai yêu quý mạng sống mình thì mất...” (Ga 12,25). Dừng lại, ở những thực tại đời này thì không thể qua đời sau được, cuộc lữ hành trần thế không thể cập được bến bờ! Cần có một niềm tin vững mạnh để không ngừng tiến tới.

3. Tin yêu và hy vọng

Khi có mấy người Hy Lạp muốn gặp, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Là con người, giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi, “Ðức Giêsu đã lớn tiếng kên van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Hr 5,7). Gần đến giờ hiến thân mình làm của lễ cứu độ, Chúa Giêsu đã sẵn sàng chịu giương cao trên thập giá, Người cũng được giương cao vì một tình yêu đến cùng (Ga 13,17), đối với Chúa Cha và đối với loài người.

Hẳn là giữa đời này và đời sau, có những giằng co. Sức mạnh giúp vượt qua mọi chướng ngại, vượt qua chính mình, phải là tình yêu như Chúa đã yêu. May mắn vào thời sau cùng này, Thiên Chúa đã “ghi khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta” (Gr 31,33). Cần vun đắp niềm tin yêu vào Chúa, chính niềm tin yêu này là sức mạnh giúp chúng ta sống trong hy vọng mà qua đời vĩnh cửu, viên mãn.

Lm. Phaolô  Phạm Quốc Túy 

490    20-03-2021