Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Xây dựng lòng tự tôn cho con

Xây dựng lòng tự tôn cho con

Lên đại học, con tôi bước vào đời sinh viên xa nhà, tôi lo lắng cuộc sống mới sẽ ảnh hưởng lên cách con nhìn nhận giá trị của bản thân, từ đó bớt tin vào những điều cha mẹ dạy. Tôi phải làm sao giúp con tự tin, thành thực với chính mình và với những người xung quanh? Giúp con vun đắp giá trị bản thân thế nào đến suốt đời?

(Nguyễn Hoàng V. Phan Rang, Ninh Thuận)

Một bạn trẻ tự nhìn nhận giá trị bản thân từ việc nghe người khác nhận xét về mình cho tới việc thực hiện một nhiệm vụ có thành công hay không, môi trường gia đình thế nào, niềm tin của mình ra sao, ý thức về sự say mê của mình có rõ ràng không, cho tới ngoại hình hoặc kết quả thi cử. Việc cha mẹ có lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận và định hướng con hay không tác động rất lớn tới sự hình thành và phát triển sự tự tôn của con. Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ làm gương cho con, khen ngợi khi con làm đúng, cho con tiếp xúc với những người có cùng quan điểm và hệ giá trị, cung cấp cho con thêm tài liệu (sách báo, bài viết, bài nói chuyện...) giúp con khẳng định hướng phát triển bên trong, từ đó nhìn nhận đúng đắn hơn những hiện tượng xã hội diễn ra trước mắt. Hãy giúp con xây dựng được:

1.Hình ảnh bản thân (self-concept) là suy nghĩ của một người về bản thân, thứ cần được nuôi dưỡng bởi thời gian. Thông qua cách mà gia đình tác động vào sẽ gây dựng một hình ảnh “đẹp” cho đứa trẻ, để con lớn lên với cảm giác tự tin vào giá trị của mình khi đối diện với cuộc đời nhiều biến động.

2.Sự tự tôn hay ý thức về giá trị của bản thân (self-esteem) là thứ mà môi trường và con người xung quanh tác động vào, tạo ra ấn tượng cá nhân về chính bản thân mình (mình là ai, mình như thế nào...).

Các nhà khoa học cho rằng, sự hình thành, phát triển và thay đổi giá trị bản thân chia thành 4 độ tuổi:

◆Trẻ em có xu hướng lấy bản thân làm trung tâm, nhiều lúc tự đánh giá mình quá cao, “ở nhà nhất mẹ nhì con”. Lớn lên, trẻ dựa vào cách đánh giá từ bên ngoài về mình và so sánh với người xung quanh để nhìn nhận lại giá trị của mình, độ tự tôn giảm dần và có cơ sở rõ ràng hơn. Vì thế, nếu người lớn nhận định mang tính tiêu cực (về năng lực học tập, các kỹ năng giao tiếp xã hội, tính cách, hình thức) thì trẻ sẽ thấy mình “kém cỏi, vô dụng”.

◆Sự tự tôn tiếp tục suy giảm khi bước vào tuổi vị thành niên, năng lực tư duy trừu tượng phát triển khiến ý thức về bản thân tăng lên, những suy nghĩ về tương lai dần định hình (từ ý thức về hình dáng cơ thể đến những rắc rối của tuổi dậy thì, từ ý việc khiến người khác thất vọng về mình đến áp lực trong học hành thi cử...). Con trai giữ sự tự tôn ở mức cao hơn con gái dù lúc nhỏ chúng có cảm nhận như nhau về bản thân.

◆Sự tự tôn lại tăng dần lên khi lớn, đạt đỉnh cao ở tuổi lục tuần (quyền lực, địa vị, khả năng kiểm soát làm chủ bản thân, thành tựu trong công việc...). Phái nữ vẫn có xu hướng đánh giá bản thân thấp hơn nhiều so với phái nam.

◆Ở người cao tuổi, sự thay đổi rất lớn về vai trò trong các mối quan hệ đã có (về hưu, mất người bạn đời, bệnh tật...) khiến họ cảm thấy mình mất dần giá trị nhưng cũng thoải mái hơn khi thừa nhận sai lầm, hạn chế của mình, không còn nhu cầu thể hiện trước mặt người xung quanh như trước kia nữa.

Gia đình hãy tăng cường nối kết với con, lưu ý những biểu hiện tưởng như rất tự nhiên nhưng lại ẩn chứa thông điệp về sự tự ti và bất an bên trong để kịp thời uốn nắn: luôn chiều lòng người khác để họ có cảm tình với mình; kể lể để thu hút sự quan tâm; tỏ ra thật “ngon lành” (chứng tỏ mình cứng cỏi để che giấu mình đang sợ hãi, thể hiện qua việc “chém gió” về bản thân hoặc dùng từ ngữ thô tục để lấn lướt người khác, thậm chí văng tục chửi thề khi nói chuyện...); đồng thời ngăn chặn mầm mống của sự kiêu ngạo, “coi trời bằng vung”, tìm mọi cách chứng tỏ mình giỏi hơn người khác, lao theo trào lưu “tình, tiền” bất chấp lẽ phải. Không tự ti cũng không tự kiêu, một người trẻ khiêm hạ và cầu tiến là đã giữ được sự tự tôn cần thiết.■

THS – BS LAN HẢI

1557    05-10-2017