Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Xin Chúa chữa mù lòa cho ta

20/02/2019

Thứ Tư Tuần VI Mùa Thường Niên 

St 8, 6-13. 20-22; Mc 8, 22-26

XIN CHÚA CHỮA MÙ LÒA CHO TA

          Mù lòa là một tình trạng bất hạnh, người mù bị ngăn cách với vạn vật, khó liên đới với những người xung quanh. Những ai bị mù lòa cũng khao khát ánh sáng, ước mong được thấy. Bác sĩ, lương y nào có thể chữa lành bệnh mù lòa là họ tốc tả tìm đến. Ai chữa được bệnh mù lòa cho họ thì được xem như là vị cứu tinh, vị đại ân nhân của họ suốt đời. Họ chấp nhận mọi đòi hỏi của lương y hay bác sĩ. Họ nhẫn nại trong quá trình chữa bệnh, miễn sao họ được sáng mắt là đủ.

          Thánh Kinh nói tới bệnh mù 80 lần. Riêng Tân Ước nói tới 52 lần. Riêng Phúc Âm Nhất Lãm kể ra 5 trường hợp phép lạ cho người mù lòa (Mt 9,20; Mc 8,22; Mt 12,22; Ga 19,16; Mt 20,29), mà hôm nay là một trong 5 phép lạ đó: phép lạ hôm nay là của riêng thánh sử Máccô ghi lại. Phép lạ này xảy ra ngay sau khi hoá bánh lần thứ 2 và trước lời tuyên xưng của thánh Phêrô, vào giữa năm thứ 2 đời sống công khai của Chúa Giêsu. Nơi xảy ra phép lạ là thành phố nhỏ Betsaida, thuộc Galilê mà gần nơi đây là nơi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ 1. Chúng ta thấy một số sự kiện trong phép lạ hôm nay: Chúa đã tuần tự làm nhiều cử chỉ, chứ không chữa ngay như nhiều phép lạ khác.

          Chúa Giêsu đã không chữa người mù khỏi ngay lập tức. Ngài phải chữa lần thứ hai anh mới thấy rõ hẳn. Đây là chuyện lạ, vì nơi các sách Tin Mừng, chẳng bao giờ có chuyện như thế. Đặc biệt nơi Tin Mừng Máccô, mọi sự đều xảy ra rất nhanh. Trong chương 1, có 8 từ lập tức (euthus) ở các câu 12, 18, 20, 23, 28, 29, 30, 42. Sau khi được Chúa Giêsu bôi nước miếng trên mắt và đặt tay lần đầu anh mù mới chỉ thấy lờ mờ, thấy người ta như những cái cây biết đi (c. 24). Sau khi được Chúa Giêsu đặt tay lần thứ hai trên mắtanh mới thấy tỏ tường mọi sự (c. 25).

          Chúa Giêsu phải chữa đến hai lần, chắc không phải vì trường hợp này khó hơn. Nhưng vì chuyện anh mù được sáng mắt ở đây tượng trưng cho hành trình mở mắt đức tin của các môn đệ. Họ sẽ phải đi từng bước một để nhận ra con người của Thầy Giêsu. Lúc đầu họ chỉ thấy một phần con người Ngài, thấy không rõ như anh mù. Phải đợi sau này, khi Thầy Giêsu được phục sinh, họ mới thấy Ngài trọn vẹn.

          Quyền năng Chúa thì vô biên nhưng tội lỗi có khi đã “di căn” trầm trọng trong tâm hồn con người. Chúa vẫn nhẫn nại không mệt mỏi để chạm đến chúng ta, đặt tay trên chúng ta lần nữa, và lần khác nữa. Phần chúng ta muốn được Chúa chạm đến và chữa tận căn tật bệnh tâm hồn, không phải chỉ đến lãnh nhận ơn tha tội một lần là đủ mà phải kiên trì và nỗ lực để sám hối và thăng tiến mỗi ngày. 

          Cuộc hành trình tìm ánh sáng của anh mù, tương tự như cuộc hành trình tìm kiếm đức tin của các tông đồ. Họ phải ý thức họ đang mù về thiêng liêng, họ cần được Chúa Giêsu chỉ dạy và mạc khải. Các tông đồ cũng được Chúa tách riêng ra để thuận tiện cho việc chỉ dạy. Rồi Ngài cũng hỏi các ông: “Các con nghĩ gì về Ta?” Ban đầu các ông cũng chưa nhận thức được cách rõ ràng thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu, cái biết của các ông còn mù mờ, các ông nhận ra Đấng Cứu Thế trong con người Đức Giêsu, nhưng đức tin họ chưa phân biệt được tất cả các chiều kích Con Thiên Chúa trong Đức Giêsu, nên khi Chúa Giêsu hỏi: “Theo dư luận quần chúng, thì Thầy là ai?”. Họ đáp: Là Gioan Tẩy Giả, là Êlia, hay một trong các Tiên tri, một vĩ nhân của Israel. Rồi có lần Chúa khiển trách các ông về việc lo thiếu bánh, tuy đã hai lần thấy Chúa làm phép lạ nhân bánh ra nhiều. Chúa nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”.

          Đức tin tức ơn sáng mắt là một ơn nhưng không của Thiên Chúa. Những người Biệt phái đã tự giam hãm trong sự mù quáng tức trong ánh sáng riêng của họ để khước từ Chúa, đồng thời chối bỏ chính ánh sáng của Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thể thấy được ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu. Chữa lành cho người mù, Chúa Giêsu vừa tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.

          Qua nhiều lần Chúa giáo dục mạc khải, Phêrô mới đại diện cho các tông đồ, tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu đem lại đức tin cho các tông đồ cách tiệm tiến, dần dần, và nhẫn nại như Chúa đã ban ánh sáng cho anh mù với lòng yêu thương nhân ái.

          Con người chúng ta nơi trần gian bước đi về trời giữa ánh sáng và bóng tối. Con người luôn sẵn trong mình một khả năng bị mù. Chúng ta có thể bị mù vì dục vọng, bởi tham sân si, bởi tiền của, danh vọng, tự cao. Chúng ta có thể bị thu hẹp cái nhìn như kiểu ếch ngồi đáy giếng. Chúng ta thu hẹp sự thật cũng là một loại bệnh mù trên phạm vi siêu nhiên. Có khi chúng ta chỉ thành công trên một phương diện mà cứ tưởng trên mọi phương diện khác. Hơn được một người, cứ tưởng là hơn mọi người, cũng là bệnh quáng hay cận thị, viễn thị siêu nhiên. Trường hợp ấy, chúng ta cần nhìn về Chúa để thấy được mình và thấy rõ sự thật.

          Thế giới hôm nay cũng đang sống trong “mù lòa,” không nhận ra đâu là ý Chúa, không nhìn thấy Chúa nơi anh em mình, nên vẫn sống trong tối tăm của tranh chấp, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, hững hờ. Nhiều khi chúng ta như “ông nhà giàu” không nhận biết “người nghèo Ladarô” sống ngay trong cùng một mái nhà với mình. Chúng ta đã trở nên mù loà trước những nỗi thống khổ của anh chị em.

          Ước gì chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, để chúng ta có thể vượt thắng mọi gian nan thử thách trong cuộc sống và luôn tin vững nơi tình yêu của Chúa.

843    17-02-2019