Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Xin hiệp nhất chúng con

06/06/2019

Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh

Ga 17, 20-26

XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON

          Ta thấy Chúa Giêsu luôn hướng về và cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các môn đệ và của Hội Thánh. Lời cầu nguyện của Chúa cho chúng ta biết: chứng tá mạnh nhất và có tính thuyết phục nhất về Thiên Chúa Chí Thánh là sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúa cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với nhau như Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con. Sự hiệp nhất này đặt trên nền tảng tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con.

Khi các Kitô Hữu hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với Chúa Kitô, thì được tham dự vào sự hiệp nhất thần linh của Ba Ngôi. Họ được mời gọi tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, chiêm ngưỡng vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa. Còn những ai đã sống đẹp lòng Chúa và khát khao nước Thiên Chúa mà chưa có cơ hội lãnh nhận bí tích Rửa Tội, thì lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng là lời mời gọi, đưa tất cả hiệp nhất với các Kitô hữu và với Thiên Chúa trong tình yêu và ơn cứu độ của Ngài.

Trước khi từ giã các môn đệ thân tín để trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã dâng lời nguyện tế hiến (Chương 17) để cầu nguyện cho các môn đệ thân yêu của Ngài còn ở trần gian.

Mỗi người chúng ta cũng có phần trong lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (c.20). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu thật tha thiết và cảm động, được xuất phát từ thâm tâm sâu lắng của Ngài. Lời cầu nguyện đặc biệt này đủ để an ủi và động viên các môn đệ, giúp các ông thêm mạnh mẽ và can đảm làm chứng tá cho Ngài giữa bao gian nan thử thách. Đời chứng tá của chúng ta chắc chắn cũng được nâng đỡ và phù trợ bằng sức mạnh chuyển cầu của chính Đức Giêsu bên cung lòng Chúa Cha.

Trọng tâm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu chính là “Xin cho chúng nên một” (cc. 21-23). Đây là yếu tố nền tảng để các môn đệ có thể chu toàn sứ mệnh chứng tá giữa trần gian. Yếu tố này cũng là dấu hiệu thiết thực nhất để mọi người tin vào sứ điệp Tin Mừng mà chúng ta mang đến cho họ.

Ngài không hề cầu xin cho con người có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu của tham vọng, tham vọng thống trị, buộc người khác phải phục vụ mình, tham vọng giàu sang đã có quyền lại có thế để rồi từ đây sẽ phát sinh ra biết bao nhiêu tham vọng khác.

Hẳn thật, sức mạnh và quyền lực sẽ chóng giúp con người từ thành đạt đến thành công. Có được hai yếu tố này, mọi tổ chức chẳng lo gì phải thất bại, Vậy mà khi cầu nguyện cho Giáo Hội, cộng đoàn của những kẻ nhờ lời các tông đồ mà tin, thì Chúa Giêsu lại không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài hằng ao ước cho lửa ấy cháy lên. Ngài vẫn luôn mong mỏi cả thế gian tin nhận rằng: Ngài là Ðấng Cứu Thế duy nhất.

Lời cầu nguyện cuối cùng trọng thể nhất và tha thiết nhất của Đức Giêsu với Chúa Cha và cũng là Di chúc của Người để lại cho các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn chính là lời cầu nguyện cho hiệp nhất, một sự hiệp nhất thật sâu xa và trọn vẹn đến mức đôi bên “ở trong nhau”: “để chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha và họ ở trong chúng ta.”

Nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c.21). Chúa Giêsu đã thực sự “ở trong Cha” với một tình yêu tuyệt đối khi Ngài tự nguyện xuống trần gian, hoà mình trong kiếp nhân sinh, để hoàn tất thánh ý Cha qua cái chết và phục sinh của Ngài, nhờ đó cả nhân loại được ơn cứu độ. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi hãy thành tâm tìm kiếm và chu toàn thánh ý Chúa Cha, bằng một tình yêu tinh ròng như Chúa Giêsu trong cuộc đời mỗi người, để chúng ta cũng được hoà nhập vào trong tình yêu của Cha và Con ngay từ cuộc sống trần thế này. Chúa Giêsu đã chia sẻ cho các môn đệ vinh quang phục sinh của Ngài. Vinh quang ấy chính là sự sống viên mãn trong tình yêu hiệp nhất với Chúa Cha, và nhờ đó các môn đệ được “nên một như chúng ta là một” (c. 22). Mỗi chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh của Đức Giêsu bằng đức tin và lòng mến, nếu mỗi ngày sống chúng ta biết trung kiên vác thập giá theo Ngài.

Trong tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, có sự hiện hữu của mỗi chúng ta theo chương trình yêu thương của Ngài “Con ở trong họ và Cha ở trong Con” (c.23). Chính sự hiệp nhất trong một tình yêu kỳ diệu ấy, là dấu hiệu căn bản để thế gian nhận ra sự hiện diện gần gũi và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trong ý nguyện sâu thẳm này, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy đi sâu vào mối tương quan thân mật với Chúa Cha và với chính Ngài, bằng một đời sống tâm linh tràn sức sống yêu thương. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể hiệp nhất với nhau trong một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ . . . Bởi lẽ chính sự hiệp nhất trong một tình yêu duy nhất này, mới có sức xoá tan mọi bất hòa, chia rẽ, để tạo nên một bầu khí chan hòa yêu thương trong an bình và hiệp nhất.

Kiếp nhân sinh chỉ là một cuộc sống tạm gởi, cuộc sống mai hậu mới là viên mãn trường cửu. Chúa Giêsu đã đi trước dọn chỗ cho chúng ta trong cung lòng yêu thương của Chúa Cha nơi Quê Trời vĩnh phúc: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (c.24). Hạnh phúc thật sự của chúng ta là có được một vị trí nơi Quê hương Nước Trời, chứ không phải là những thành công, địa vị mau qua nơi trần thế này.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu xem ra rất đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện, Bởi vì bao lâu còn góc cạnh là bấy lâu chẳng thể đặt sát gần nhau và nếu chỉ một phía cắt bỏ các góc cạnh mà thôi thì vẫn còn xa cách. Sự hiệp nhất chỉ được phát sinh từ những cố gắng của mọi phía. Chẳng thể ngồi chờ đợi kẻ khác, còn tôi cứ đóng khung trong các chứng tật cố hữu của mình, xem như chẳng liên quan đến ai cả.

 Chia rẽ là bóng ma luôn ám ảnh, rình rập và chờ cơ hội lung lạc đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Khi chia rẽ, các bên liên quan đều cho rằng mình đúng, mình đang thuộc Hội Thánh, mình đang có Thánh Thần. Thế nhưng, Thần Khí Thiên Chúa là nguyên lý hợp nhất chứ không phải chia rẽ. Vì vậy, hành động nào mang tính chia rẽ không thể được coi là hành động của Thánh Thần. Và đảo lại, suy nghĩ, nhận định và hoạt động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần là bảo đảm cho tính duy nhất của Giáo Hội.

Để trở nên những người thuộc về Thiên Chúa, cùng hiệp nhất với nhau trong tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta cần phải tránh mọi điều gây chia rẽ, hận thù, ganh ghét, nói hành nói xấu và tập những thói quen tốt: quảng đại, vị tha, nói những lời tốt đẹp cho người khác và cố gắng duy trì sự hiệp nhất huynh đệ để làm chứng cho Chúa.


 

724    04-06-2019