Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Xin tin

Thứ Hai Tuần VI Mùa Chay 

Is 65, 17-21; Ga 4, 43-54

XIN TIN

          Thánh sử Gioan thuật lại trong Tin Mừng hôm nay việc Chúa Giêsu rời bỏ Nazarét là quê hương của mình, vì dân làng đã không tin vào quyền năng của Chúa khi họ được thấy rất nhiều các phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Họ đã đóng khung Ngài lại bằng định kiến có sẵn của mình. Họ biết bản lý lịch rất bình thường của Ngài: Sinh ở Nagiaret, nghề nghiệp của cha là thợ mộc, anh em họ hàng là dân chài lưới, làng xóm láng giềng không phải là những người hùng vĩ đại, nguyên quán của Ngài không phải là vùng đất của danh nhân hào kiệt…

          Chính vì những lẽ đó, Ngài đã bỏ họ để đi đến vùng Galilê. Sự cứng lòng tin, mờ tối trước các biến cố Chúa gởi đến, đã tạo khoảng cách giữa những người đồng hương với Chúa Giêsu. Khoảng cách ấy đã làm họ rời xa Chúa.

          Điểm đẹp nhất mà ta thấy trong Tin Mừng hôm nay là lấp đầy khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa đó chính là lấp đầy khoảng cách của niềm tin. Viên sĩ quan trong Tin Mừng đã tuyên xưng mạnh mẽ vào quyền năng chữa lành của Chúa. Ông đã đi một đoạn đường từ Caphácnaum đến Galilê để nài xin Chúa đến nhà ông, chữa lành cho con trai ông đang lâm bệnh nặng sắp chết : "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! " Đáp lại lời nài xin này. Chúa đã thử thách đức tin của ông khi Ngài nói : "Ông cứ về đi, con ông sống." Thánh sử Gioan tiếp lời : “Ông tin vào lời Chúa Giêsu nói với mình, và ra về”. Ông và con ông đã được chữa lành.

          Ông đã vượt qua được sự thách đố của niềm tin như đã vượt qua quãng đường từ nhà ông đến với Thiên Chúa. Từ đây khoảng cách của không gian địa lý không còn nữa mà thay vào đó chính là sự hiện diện của Chúa ngay trong nhà của ông. Ngài đã ban cho ông điều ông cầu xin là con trai ông được lành, và hơn nữa “ông và cả nhà đều tin”, ông và mọi thành viên trong gia đình, đều nhận ra quyền năng của Ngài. Người dân trong vùng đã vượt qua thách đố của niềm tin, khi mở lòng ra với Chúa. Họ nhìn ra được gương mặt của Chúa hiện diện khi họ cảm nghiệm và chứng kiến các phép lạ Chúa làm.

           Thái độ khẩn khoản của ông trước Chúa Giêsu chứng tỏ tình thương đối với đứa con mà ông đang từng giây từng phút giành lấy từ tay tử thần. Ông đã không để ý đến lời khiển trách của Chúa Giêsu nhưng một mực tin vào quyền năng và tình thương của Chúa: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất” (câu 49). Ông vui mừng khi Chúa Giêsu nhận lời: “Ông cứ về đi, con ông sống”(câu 50) và vội vã trở về nhà. Ông ta mong ước Chúa Giêsu có mặt lúc này để cứu sống con ông, nhưng Chúa Giêsu đã làm điều mà chính ông ta cũng không ngờ, Ngài dùng Lời quyền năng để phán và phép lạ đã xảy ra. Chúa Giêsu sẵn có sự sống Thiên Chúa nơi mình nên Ngài chỉ phán có một lời, đứa trẻ đã được lành mạnh. Kết quả là viên sĩ quan và cả gia đình của ông đã nhận được sự sống thần thiêng và ơn cứu độ.

          Dựa vào định kiến có sẵn của mình, những người dân Nagiaret không mở ra với Chúa Giêsu qua tình yêu và cuộc sống của Ngài dành cho họ. Sống trong ân sủng của Chúa, chúng ta chỉ việc tin vào tình yêu quan phòng của Chúa, gạt bỏ định kiến có sẵn để mở ra với Chúa và với anh chị em. Việc cứng lòng tin đã làm chúng ta xa rời Thiên Chúa, tạo một khoảng trống vắng trong lòng chúng ta. Và chính bởi lòng tin nơi Thiên Chúa, kêu xin Ngài, Ngài sẽ giúp chúng ta phá đổ khoảng cách giữa ta với Chúa, gắn kết đời sống chúng ta với sự hiện diện của Người. Đức tin làm nên phép lạ. Đức tin gắn kết Thiên Chúa và con người. Đức tin có sức màu biến đổi.

          Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thực hiện những việc tương tự và được rất nhiều người tin theo. Phép lạ ấy vẫn có thể xảy ra trong thời đại chúng ta. Chúng ta không dùng lời để phán nhưng dùng đôi chân để đi đến với những người bất hạnh, dùng đôi tay để nâng đỡ những người túng thiếu chung quanh chúng ta. Chúng ta có dư khả năng để làm phép lạ khi chúng ta bớt những khoản chi tiêu trong gia đình  để chia sẻ cho các trại nuôi trẻ mồ côi, người tàn tật, các cụ già yếu neo đơn. Những người này không chìa tay xin chúng ta đâu, nhưng trong tinh thần bác ái Kitô giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta tự nguyện sống khắc khổ để chia cơm sẻ bánh cho họ, không phân biệt lương giáo.

          Và rồi ta có thể cứu sống một đứa trẻ lâm bệnh không có tiền chữa trị, chúng ta có thể giúp nuôi dưỡng một trẻ em nghèo có điều kiện đến trường, một người tàn tật có công ăn việc làm nhờ vào những khoản tiết kiệm của chúng ta…và còn biết bao việc mà chúng ta có thể làm để thăng tiến đời sống của những người cùng khổ. Đó là những phép lạ mà chúng ta có thể làm trong thời đại hôm nay.

          Định kiến đã đóng cánh cửa tâm hồn, tạo ra khoảng cách của niềm tin, làm cho con người không còn đón nhận Thiên Chúa trong cuộc đời mình nữa. Thiết nghĩ đó là khoảng ngăn cách đáng ghê sợ hơn cả vì nó tách chúng ta xa rời Thiên Chúa. Một khi xa rời Thiên Chúa con người chỉ toàn thấy trống vắng, tuyệt vọng. Bệnh tật và chết chóc hậu quả của tội lỗi, là một dấu hiệu cho thấy con người xa rời Thiên Chúa.

          Mở lòng ra, nhìn ngắm và cảm nghiệm về Thiên Chúa là tiến trình khai mở đức tin. Đóng lòng lại, suy nghĩ bằng định kiến, cố chấp trong suy nghĩ và lối sống cũ là bước ngăn cả đức tin.

          Người Kitô hữu hôm nay được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu là đem Tin Mừng đến với con người thời đại. Chúng ta không đi con đường nào ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Muốn được như thế, trước tiên, bản thân chúng ta phải là những người tin. Tin thì không cần có điều kiện, tin là nhắm mắt bước đi theo sự chỉ đường của Thiên Chúa. Con đường ấy không bao giờ phù hợp tâm thức của con người. Đó là con đường hy sinh, cầu nguyện; con đường canh tân, hoà giải; con đường bác ái, sẻ chia mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy thực hành trong Mùa Chay thánh.

521    01-04-2019