Sidebar

Thứ Năm
14.11.2024

10 điều Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện

popefrancis1
 © Catholic Press Photo / Ciric


Vào tháng 3
năm sau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ kỷ niệm 10 năm trên ngai tòa Thánh Phêrô. Dưới đây là 10 lời cầu nguyện chân thành của ngài, được thuật lại trong một cuốn sách mới, Tôi cầu xin bạn nhân danh Thiên Chúa”.

Tôi cầu xin bạn nhân danh Thiên Chúa: 10 lời cầu nguyện cho một tương lai đầy hy vọng” (Ask You in Name of God: Ten Prayers for a Future of Hope” - “Os ruego en nombre de Dios. Por un futuro de esperanza) là tựa đề cho một cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được biên tập bởi nhà báo người Argentina Hernan Reyes Alcaide. Cuốn sách này được viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, một dịp mà ngài sẽ kỷ niệm vào tháng 3 năm 2023.

Bản văn là mười lời thể hiện tâm tình đạo đức, chiêm niệm, cầu nguyện nhằm mục đích, thông qua 10 lời cầu xin, để mang lại hy vọng vững chắc cho nhân loại. “Tôi muốn kêu mời tất cả mọi người nam và người nữ thiện chí tham gia cùng tôi để thắp lên hy vọng cho thế giới sắp tới,” ngài viết. “Chúng ta có thể góp phần vào một tiến trình thay đổi.”

Sau đây là 10 lời cầu xin của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “nhân danh Thiên Chúa” để nhân loại tìm lại được niềm hy vọng, chăm sóc ngôi nhà chung, chấm dứt nghèo đói, chấm dứt lạm dụng, chấm dứt những diễn ngôn đầy hận thù, không dùng Danh Thiên Chúa để kích động chiến tranh và tránh thảm họa hạt nhân, cùng với các chủ đề khác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết:

Trong gần 10 năm đầu tiên của tôi với tư cách là giáo hoàng, bạn đã nghe thấy tôi liên tục cầu xin mỗi tuần. Tôi đã nói với các bạn trong các buổi tiếp kiến, các buổi đọc kinh Truyền Tin, và các bài diễn văn rằng, “Hãy cầu nguyện cho tôi.” Bạn đã đồng hành với tôi, và những lời cầu nguyện của bạn - dù là các tín hữu hay những người có thiện chí - đều là nguồn năng lượng bền bỉ để tôi tiến bước trong triều đại giáo hoàng của mình. Vì vậy, trước hết, tôi muốn cảm ơn bạn. Nhưng tôi cũng muốn nói với bạn rằng hôm nay tôi đòi hỏi nhiều hơn bình thường một chút, và tôi muốn chia sẻ với bạn 10 lời thỉnh cầu mà tôi nhân danh Thiên Chúa để chúng ta có thể đối mặt với thế giới sắp tới bằng niềm hy vọng.

Lời cầu nguyện thứ năm có nội dung: “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin hãy chấm dứt sự điên cuồng của chiến tranh.” Ở đây, chúng tôi đã đặt lời cầu xin này lên hàng đầu trong phần trình bày của mình, dựa trên tính thời sự của cuộc chiến ở Ukraine và sự lên án của Đức Giáo Hoàng về “một cuộc chiến tranh thế giới được tiến hành từng phần”.

1. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin hãy chấm dứt sự điên cuồng của chiến tranh.”

Trong lời cầu xin này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ mối quan tâm sâu sắc nhất của ngài đối với điều mà ngài gọi là “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần” mà xã hội đang chứng kiến, một cuộc chiến tranh được tạo ra từ các cuộc xung đột khu vực “có nguy cơ ngày càng lớn hơn cho đến khi chúng mang hình thức của một cuộc xung đột toàn cầu”.

Đức Giáo Hoàng hoàn toàn bác bỏ tính chất bạo lực này vì chiến tranh vốn không chính đáng và không bao giờ giải quyết được những vấn đề mà nó dự định khắc phục.

Đức Giáo Hoàng đặt câu hỏi: Khi trưng dẫn một số ví dụ thời hiện đại, liệu chúng ta có thấy rằng Yemen, Libya hoặc Syria có trở nên tốt hơn so với trước khi xảy ra xung đột không?” Đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc chiến khác, ngài kêu gọi “đối thoại, đàm phán, lắng nghe, ngoại giao sáng tạo và chính trị có tầm nhìn xa để có thể xây dựng một hệ thống không dựa trên sức mạnh vũ khí hay sự đe doạ”.

Thật vậy, về ý tưởng đe doạ hạt nhân, ngài nói rằng “sự tồn tại của vũ khí hạt nhân và vũ khí nguyên tử gây nguy hiểm cho sự sống liên tục của con người trên trái đất […]”. Ngài còn tiếp tục nói rằng, “Mục sư Martin Luther King, […] đã diễn giải rõ ràng trong bài phát biểu cuối cùng của mình trước khi bị ám sát rằng sự lựa chọn ngày nay không còn là giữa bạo lực và phi bạo lực. Mà chínhgiữa phi bạo lực hoặc không tồn tại.’” Tùy chúng ta lựa chọn,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định.

2. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin cho nền văn hoá lạm dụng bị loại bỏ khỏi Giáo Hội.”

Trong chương đầu tiên, với lời mời gọi “nhổ tận gốc rễ nền văn hóa lạm dụng ra khỏi Giáo Hội”, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo cầu xin sự tha thứ và nhìn nhận rằng “chúng ta đã phạm tội trọng”.

Bất kỳ sự đền bù nào cho tội ác đã phạm trong Giáo Hội “sẽ không bao giờ là đủ” khi đối mặt với “những gì chúng ta đã làm quá ít trong quá khứ,” ngài than thở và cũng đồng thời tuyên bố rằng một trường hợp lạm dụng đơn lẻ “tự nó đã là một điều quái gở”, là một “tội ác ghê tởm.”

Theo Đức Giáo Hoàng, một trong những “lỗi lầm nghiêm trọng nhất” là không xem xét nghiêm túc lời khai của các nạn nhân, và hiện nay chính ngài cũng là người yêu cầu không được bác bỏ các khiếu nại nặc danh và các giám mục cẩu thả phải bị rút khỏi chức vụ.

Mặt khác, Đức Giáo Hoàng cũng bảo vệ nguyên tắc suy đoán vô tội cho đến khi công lý đưa ra phán quyết.

3. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin chúng ta hãy bảo vệ ngôi nhà chung.”

Một lời cầu xin khác từ tác giả của Thông điệp Laudato Si’ liên quan đến việc bảo vệ môi trường - bởi vì “không có hành tinh B,” ngài nói, ám chỉ đến tựa sách thuộc loại bán chạy nhất “Không có Hành tinh B” (There Is No Planet B) của Mike Berners-Lee.

Ngài chỉ trích “thói thèm muốn tài nguyên thiên nhiên”, cũng như xu hướng “sa đà vào những cuộc nói chuyện phù phiếm” hoặc những tin đồn thất thiệt ở cấp độ quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng “thời điểm để hành động là hôm nay, không phải ngày mai.”

Đức Giáo Hoàng nói: “Chúng ta sẽ phải thực hiện bước đi để đưa tội chống lại môi trường vào Sách Giáo Lý.” Ngài kêu gọi các chính phủ áp dụng các biện pháp để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh, đồng thời ca ngợi sự sáng tạo và sức bật của người trẻ, điều mà “ông bà của họ, thế hệ của tôi hay cha mẹ của họ” đều không có được.

4. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin truyền thông hãy chống lại tin giả và tránh những phát ngôn hận thù.”

Đức Giáo Hoàng viết rằng các vùng biên truyền giáo mới mà Tin Mừng nói đến là “kỹ thuật số ngày nay,” và ngài khuyến khích Giáo Hội hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, tuy nhiên, không “thay thế Thánh lễ của chúng ta bằng chương trình phát sóng ‘Tiktok’ trực tiếp hoặc tạo ra ‘các nhận thức lan truyền’ (memes) của các tử đạo để truyền bá chúng trên Internet.” Ngài còn nói trong chương thứ ba rằng những lượt thích (like) “không thể thay thế cho sự tiếp xúc giữa con người”.

Nhân danh Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng kêu gọi “truyền thông chống lại tin giả và tránh những phát ngôn thù hận.” Ngài hướng về những “kẻ phá bĩnh” ẩn danh trên Internet, những dạng người dùng “bóng ma” làm việc để gây ảnh hưởng và thao túng dư luận.

Ngài còn khuyên các phương tiện truyền thông, “giới báo chí” (the fourth estate), đánh giá sự độc lập của họ với các cổ đông và sự tự do của họ khỏi những xung đột lợi ích tiềm tàng, và ngài bày tỏ lo ngại về “thói nệ luật” nhằm làm mất uy tín của đối thủ.

Là người bảo vệ “quyền thay đổi, sửa chữa và hoán cải”, ngài phản đối “tư tưởng nguyên khối” (monolithic thought) muốn phủ nhận hoặc viết lại lịch sử, và tư tưởng cho rằng có thể “phán xử những sai lầm của quá khứ bằng tờ báo của ngày Thứ Hai trong tay”.


popequote
5. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin các hoạt động chính trị hướng đến lợi ích chung.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói chuyện với các chính trị gia. Trong khi nhận ra rằng họ không phải là “siêu nhân”, ngài yêu cầu họ đừng sa chân vào sự tham những. Đức Giáo Hoàng còn đi xa hơn nữa khi gợi ý rằng mặc dù “việc một người bị thu hút bởi tiền bạc, bởi những chuyến du lịch hạng nhất không phải là bất hợp pháp,” nhưng một chính trị gia vẫn phải sống với “sự điều độ” và “mộc mạc”.

6. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin cho những cánh cửa được mở ra cho người di cư và tị nạn.”

“Tôi chưa bao giờ quên các bạn,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với những người di cư và tị nạn trong một chương dành riêng cho họ. Ngài tin rằng “lương tâm” của các nước phát triển “nên cân nhắc trước mỗi cái chết của anh chị em khi băng qua sa mạc hay đại dương”.

7. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin cho sự tham gia của phụ nữ trong xã hội được thúc đẩy và khuyến khích.”

Đức Giáo Hoàng mong muốn sự phát triển nghề nghiệp và vai trò làm mẹ không bị coi là “những dự án không tương thích” đối với một người phụ nữ. Ngài gợi nhớ đến “tất cả những người phụ nữ bị sát hại chỉ vì họ là phụ nữ” và những người bị xem là “công dân hạng hai”. Đức Giáo Hoàng nói: “Thế giới của chúng ta cần nhiều lãnh đạo là phụ nữ hơn.”

8. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin cho sự phát triển của các nước nghèo được nhìn nhận và khuyến khích.”

Trong một hệ thống kinh tế “đau yếu” và “không bền vững”, vốn “giết chết và loại trừ”, Đức Giáo Hoàng đã phá bỏ lý thuyết nhỏ giọt dựa trên lợi nhuận của những người rất giàu, một hệ thống mà những người nghèo khổ nhất sẽ mong đợi từ đó “những giọt” từ thiện. “Điều gì đã xảy ra với chúng ta, với tư cách là loài người, khiến chúng ta không bắt đầu mỗi ngày tự hỏi bản thân làm thế nào để quan tâm, mang đến thức ăn, chăm sóc và cung cấp quần áo cho những người bé mọn nhất trong xã hội, thay vì loại trừ họ?”

9. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin cho mọi người được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.”

Dành một chương nói về “quyền được chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người”, Đức Giáo Hoàng kiên quyết bảo vệ giá trị của các vaccine chống lại coronavirus, mà theo ngài nên được xem là “lợi ích chung của nhân loại”. Ngài phiền trách những người phản đối vaccine vì “cách tiếp cận ích kỷ và thiếu cảm thông”.

10. “Nhân danh Thiên Chúa, tôi cầu xin cho Danh Người không được dùng để kích động chiến tranh.”

Ở cuối cuốn sách, trong chương cuối cùng, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tôn giáo đoàn kết “trong việc đồng lòng lên án mọi nỗ lực dùng danh Đấng Toàn Năng để biện minh cho bất kỳ hình thức bạo lực hoặc gây hấn nào”.

Ngài nói: “Ước mong rằng không ai sử dụng Thiên Chúa để làm lá chắn khi lên kế hoạch và thực hiện các hành vi bạo lực và lạm dụng, vì bạo lực nhân danh Thiên Chúa là một sự phản bội tôn giáo”.

Nhìn chung, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng không có “công thức kỳ diệu” nào để giải quyết các vấn đề được đề cập trong cuốn sách, nhưng một số “thái độ đối với cuộc sống” có thể giúp ích. Vì vậy, “Người không có niềm hy vọng sẽ chẳng đi đến đâu.”

“Không giống như sự lạc quan, niềm hy vọng không bao giờ phản bội chúng ta.”

 popefrancisquote1


Tác giả: Ary Waldir Ramos Diaz - Nguồn: Aleteia (22/11/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

4758    23-11-2022