Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

10 lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về Thánh Têrêsa Lisieux

popefc1
 Antoine Mekary | ALETEIA


Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã thông báo rằng ngài sẽ viết một tông thư về Thánh Têrêsa. Nhân dịp này, trang tin Aleteia tổng kết 10 lần Đức Giáo Hoàng đã biểu dương thánh nữ
kể từ năm 2013.

Vào năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được một nhóm người vô gia cư phỏng vấn để viết sách, và họ hỏi ngài xem vị thánh yêu thích của ngài là ai. Câu trả lời của ngài chính là: Thánh Têrêsa Lisieux (1873-1897)!

Điều này không có gì ngạc nhiên, vì trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng thường nhắc đến vị thánh nữ trẻ tuổi người Pháp và là Tiến sĩ Hội thánh, qua đời lúc 24 tuổi. Ngài thậm chí còn tuyên thánh cho cha mẹ của thánh nữ là Louis và Zélie Martin vào tháng 10 năm 2015.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 07 tháng 6 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố ngài sẽ viết một tông thư về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu để kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 50 năm ngày tuyên chân phước cho thánh nữ. Trang tin Aleteia tổng kết 10 lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ lòng sùng kính đối với vị thánh nữ trẻ tuổi này!

1. Khi Thánh Têrêsa đến gặp Đức Giáo Hoàng

Trong chuyến đi Sri Lanka và Philippines vào tháng 01 năm 2015, trong một cuộc họp báo trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ về việc ngài thường xin Thánh Têrêsa giúp đỡ. Nhà báo người Pháp Caroline Pigozzi đã tặng ngài một bức tượng vị thánh người Pháp này trong chuyến bay đó.

“Tôi có thói quen mỗi khi không biết mọi thứ đang diễn ra như thế nào, tôi đã hỏi Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu rằng nếu thánh nữ giải quyết được vấn đề gì đó, bất cứ điều gì, hãy gửi cho tôi một bông hồng,” Đức Giáo Hoàng nói với các nhà báo trên chuyến đi. “Đôi khi thánh nữ đã làm y như thế, nhưng theo những cách lạ thường. Cũng thế, tôi cầu xin thánh nữ dõi theo chuyến đi này và gửi cho tôi một bông hồng. Thay vì một bông hồng, thánh nữ đã tự mình đến chào thăm tôi. Cảm ơn Caroline, rất cảm ơn Thánh Têrêsa và tất cả các bạn.”

2. “Vị thánh nói với chúng ta về ân sủng của Thiên Chúa

Khi phỏng vấn Đức Giáo Hoàng cho tạp chí Paris Match của Pháp vào tháng 10 năm 2015, nhà báo Caroline Pigozzi đã hỏi tại sao, với tư cách là người Argentina, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại có lòng sùng kính Thánh Têrêsa như vậy.

Thánh nữ là một trong những vị thánh nói với chúng ta nhiều nhất về ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta, nắm tay chúng ta và giúp chúng ta dễ dàng leo lên ngọn núi cuộc đờira sao,” Đức Giáo Hoàng giải thích. “Với điều kiện là chúng ta phó thác hoàn toàn cho Người, để Người ‘vận chuyển’ chúng ta. Trong suốt cuộc đời của mình, Thánh Têrêsa bé nhỏ đã hiểu rằng chính tình yêu, tình yêu giao hoà của Chúa Giêsu, đã lôi kéo các thành viên trong Giáo Hội của Người lại với nhau. Đó là điều Thánh Têrêsa Lisieux đã dạy tôi.”

3. Thánh Têrêsa: vị thánh bảo trợ cho công cuộc truyền giáo

Thánh Têrêsa là vị thánh bảo trợ cho công cuộc truyền giáo và do đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường đề cập đến thánh nữ khi nói chuyện với các tu sĩ nam nữ. Vào Ngày Đời sống Thánh hiến, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với những người tham dự rằng “sự gần gũi” với mọi người và sự đau khổ của họ là điều cần thiết cho sứ mệnh của họ.

Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy nghĩ về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh bảo trợ cho công cuộc truyền giáo, người đã gần gũi với trái tim nhiệt thành của mình, và những lá thư mà thánh nữ nhận được từ các nhà truyền giáo đã khiến thánh nữ gần gũi với mọi người hơn. Đó chính là sự gần gũi. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chưa bao giờ phàn nàn về công việc, về sự phiền phức khi phải đưa sơ ấy đến phòng ăn mỗi tối: từ ca toà cho đến phòng ăn. Không bao giờ! Vì sơ ấy đã lớn tuổi, gần như bại liệt, đi lại khó khăn, và phải chịu nhiều đau đớn.”

4. Mẫu gương sáng ngời của một người phụ nữ thánh thiện

Đã hơn một lần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng Thánh Têrêsa là một gương mẫu về sự thánh thiện cho các phụ nữ Kitô hữu. Trên thực tế, trong Tông huấn Gaudete et Exsultate (2018) về lời mời gọi nên thánh, ngài đã trích dẫn vị thánh nữ trẻ tuổi này, trong số những vị thánh khác, như một gương mẫu về “đặc tính của người phụ nữ” vốn “được nhận thấy trong các phong cách thánh thiện đầy nữ tính”.

Tương tự như vậy, ngài cũng nhắc đến thánh nữ trong một Thánh lễ ở Tbilisi, trong chuyến tông du của ngài đến các quốc gia Georgia và Azerbaijan vào năm 2016. Ngài nhấn mạnh rằng một trong “nhiều kho báu của đất nước tráng lệ này” là “tầm quan trọng của phụ nữ”.

“Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người mà chúng ta kính nhớ hôm nay, đã viết: ‘Họ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn loài người rất nhiều,’” Đức Giáo Hoàng giải thích. “Thánh Têrêsa chỉ cho thấy ‘con đường nhỏ’ của mình” đến với Thiên Chúa, “sự tin tưởng của một đứa trẻ nhỏ ngủ thiếp đi trong vòng tay của người cha mà không sợ hãi,” bởi vì “Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta những hành động vĩ đại, mà chỉ đơn giản là phó thác và biết ơn” (Tự truyện, Bản thảo B, 1). […] Đúng hơn, vị thánh nữ trẻ tuổi và Tiến sĩ Hội thánh này là một chuyên gia về “khoa học tình yêu” (ibid), và dạy chúng ta rằng “đức ái hoàn hảo hệ tại ở việc chịu đựng lỗi lầm của người khác, không ngạc nhiên về điểm yếu của họ, trong khi được kiện toàn bằng những hành động nhỏ bé nhất nhưng đầy nhân đức mà chúng ta thấy họ thực hành”; thánh nữ cũng nhắc nhở rằng “lòng bác ái không thể giấu kín trong sâu thẳm trái tim chúng ta” (Tự truyện, Bản thảo C, 12).

5. Định nghĩa về sự an ủi của Thánh Têrêsa

Trong bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự biện phân tại buổi tiếp kiến chung vào tháng 11 năm 2022, ngài đã giải thích cách Thánh Têrêsa định nghĩa sự an ủi thiêng liêng sau một kinh nghiệm cụ thể mà ngài đã có và điều đó có thể giúp chúng ta ra sao trong cuộc sống.

Sự an ủi thiêng liêng không thể bị điều khiển - bạn không thể nói bây giờ hãy có sự an ủi’ […] nó là một quà tặng của Chúa Thánh Thần: nó giúp chúng ta có sự thân thuộc với Thiên Chúa, điều dường như xóa đi mọi khoảng cách. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, năm lên 14 tuổi, khi viếng thăm đền thờ Thánh Giá Giêrusalem ở Rôma, đã cố gắng chạm vào chiếc đinh được tôn kính ở đó, một trong những chiếc đinh được dùng để đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh Giá. Thánh nhân cảm thấy sự táo bạo của mình giống như một sự thúc đẩy của tình yêu và sự tự tin. Và sau đó thánh nữ viết: “Tôi đã thực sự quá táo bạo. Nhưng Chúa nhìn thấy tận đáy lòng, Người biết rằng ý định của tôi là trong sáng [...]. Tôi đã hành động với Người như một đứa trẻ tin rằng mọi thứ đều được cho phép và coi kho báu của Cha là của riêng mình” (Bản thảo Tự truyện, 183).”

Ngài nói tiếp: “Trẻ em rất tự nhiên, và sự an ủi mang khiến bạn làm với sự dịu dàng, với sự bình an vô cùng. Một thiếu nữ 14 tuổi cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự an ủi thiêng liêng: chúng ta nhận thấy một cảm giác dịu dàng đối với Thiên Chúa, điều khiến chúng ta mạnh dạn ước muốn tham gia vào sự sống của chính Người, làm những gì đẹp lòng Người, vì chúng ta cảm thấy quen thuộc với Người, chúng ta cảm thấy rằng nhà của Người là nhà của chúng ta, chúng ta cảm thấy được chào đón, được yêu thương, được phục hồi. Với niềm an ủi này, chúng ta không đầu hàng trước những khó khăn: thật ra, với sự táo bạo đó, Thánh Têrêsa đã xin phép Đức Giáo Hoàng để vào dòng Cát Minh, mặc dù còn quá trẻ, và đã được chấp thuận. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là sự an ủi làm cho chúng ta mạnh dạn...”

6. Thánh Têrêsa xuất thân từ một gia đình thánh thiện

“Đôi vợ chồng thánh thiện Louis Martin và Marie-Azélie Guérin đã thi hành tác vụ Kitô giáo trong gia đình, ngày qua ngày tạo ra một môi trường đức tin và tình yêu nuôi dưỡng ơn gọi cho những người con gái của mình, trong đó có Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tại Thánh lễ tuyên thánh cho cha mẹ của Thánh Têrêsa, Louis và Zélie Martin, vào tháng 10 năm 2015. Đức Giáo Hoàng đã tuyên thánh cho các ngài trong Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền đạt đức tin cho con cái.

Trên thực tế, cả cha mẹ của Thánh Têrêsa đều đã nghĩ rằng các ngài phải theo đuổi đời sống tu trì. Khi những con đường đó không thành công, cuối cùng các ngài gặp nhau, kết hôn và thề hứa sẽ nuôi dạy con cái trong đức tin. Trên thực tế, các ngài có chín người con, chỉ có năm cô con gái sống qua được tuổi thơ và tất cả đều bước vào đời sống tu trì.

7. Trở nên khiêm nhường giống Chúa Giêsu Hài Đồng

Thánh Têrêsa Lisieux còn được gọi là Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đây là tên mà thánh nữ đã chọn khi trở thành một nữ tu dòng Cát Minh. Vào năm 2015, trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về sự cần thiết phải khiêm nhường như Chúa Giêsu Hài Đồng qua việc lấy Thánh Têrêsa làm gương.

“Lòng sùng kính Chúa Hài Đồng rất phổ biến. Nhiều vị thánh đã nuôi dưỡng lòng sùng kính này trong lời cầu nguyện hàng ngày của các ngài, và muốn điều hướng cuộc đời của mình theo cuộc đời của Chúa Giêsu Hài Đồng. Tôi nghĩ cách đặc biệt đến Thánh Têrêsa Lisieux, người khi còn là một nữ tu dòng Cát Minh đã lấy tên là Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan,” Đức Giáo Hoàng giải thích. “Thánh nữ cũng là một Tiến sĩ Hội thánh, người đã biết sống và làm chứng về ‘một thời thơ ấu thiêng liêng’ được hấp thụ qua suy niệm, như Đức Trinh Nữ Maria đã dạy, về sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên nhỏ bé vì chúng ta. Đây là một mầu nhiệm lớn lao. Thiên Chúa thật khiêm nhường! Chúng ta, những người đầy lòng kiêu hãnh và phù phiếm, tin rằng chúng ta là một điều gì đó vĩ đại: chúng ta chẳng là gì cả! Người, Đấng vĩ đại, thì khiêm nhường và trở nên một đứa trẻ. Đây là một mầu nhiệm đích thực. Thiên Chúa thật khiêm nhường. Điều này thật đẹp!”

8. Thánh Têrêsa dạy chúng ta chăm sóc lẫn nhau

Trong Thông điệp Laudato Sì năm 2015 về việc chăm sóc tạo vật và hệ sinh thái toàn diện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng trích dẫn về sự quan tâm thường xuyên của Thánh Têrêsa đối với những người xung quanh như một tấm gương về cách tiếp cận môi trường của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng nói: “Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu mời gọi chúng ta thực hành con đường bé nhỏ của tình yêu, không bỏ lỡ một lời nói tử tế, một nụ cười hay bất kỳ cử chỉ nhỏ bé nào để gieo rắc hòa bình và tình bạn. Một hệ sinh thái toàn diện cũng được tạo thành từ những cử chỉ đơn sơ hàng ngày nhưng lại phá vỡ logic của bạo lực, bóc lột và ích kỷ. Cuối cùng, một thế giới tiêu thụ quá mức đồng thời lại là một thế giới ngược đãi sự sống dưới mọi hình thức.”

9. Ngủ gật trong khi cầu nguyện là điều có thể xảy ra

Trong một cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình của Ý vào năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận rằng đôi khi ngài ngủ gật trong khi cầu nguyện. Tuy nhiên, ngài cảm thấy đó không phải là vấn đề, vì vị thánh yêu thích của ngài đôi khi cũng làm như vậy. “Khi đi cầu nguyện, đôi lúc tôi ngủ gật. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã làm như thế. Thánh nữ nói rằng Chúa, Thiên Chúa, Chúa Cha cũng yêu thích khi một người ngủ gật,” Đức Giáo Hoàng giải thích.

10. Câu nói khích lệ một Giáo hội đang lâm cảnh khốn đốn

Vào năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới các người Kitô hữu ở Iraq, những người phải chạy trốn khỏi thành phố Mosul của mình và đang lưu trú trong một trại tị nạn ở Erbil sau cuộc tiến công của những kẻ Hồi giáo cực đoan. Ngài đã sử dụng một câu nói từ Thánh Têrêsa để khích lệ các Kitô hữu đang gặp khó khăn này.

Đức Giáo Hoàng nói: “Hôm nay tôi muốn hướng mình đến gần anh chị em, những người đang chịu cơn khốn khổ này, để được gần gũi với anh chị em... Và tôi nghĩ đến Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã nói rằng chính mình và Giáo Hội giống như cây sậy: khi gió bão ập đến, cây sậy uốn cong nhưng không gãy đổ! Lúc này anh chị em là cây sậy, anh chị em uốn cong trong đau đớn, nhưng anh chị em có sức mạnh để tiếp tục kiên vững trong đức tin của mình, đó là một minh chứng cho chúng ta. Hôm nay anh chị em là cây sậy của Thiên Chúa! Những cây sậy bị cơn gió dữ dội này quật ngã, nhưng sẽ lại vươn lên!”

 

Tác giả: Isabella H. de Carvalho - Nguồn: Aleteia (09/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

2151    10-06-2023