|
1. Bắt đầu bằng một lời cầu nguyện thầm
Chẳng hạn như: "Lạy Chúa Giêsu, chúng con tề tựu nơi đây để chứng kiến một phép lạ kỳ diệu, hiệp cùng các Thiên thần và các Thánh, và cùng với Đức Mẹ Maria đang hiện diện nơi đây. Qua lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa giúp chúng con hiệp thông sâu sắc trong Thánh Lễ này."
Hãy nhìn lên tượng Đức Mẹ, các Thánh và các Thiên thần để ý thức về sự hiện diện thật sự của các ngài trong mỗi Thánh Lễ.
2. Hãy cầu nguyện đặc biệt cho một ai đó trong mỗi Thánh Lễ
Bạn không cần phải nói cho họ biết, nhưng chính bạn hãy "dâng" Thánh Lễ bạn tham dự để cầu nguyện cho một người nào đó bất kỳ. Thánh Lễ không thể có thêm ý nghĩa nào vĩ đại hơn, nhưng có thể có thêm sốt sắng.
3. Khi đầu óc bạn lo ra
Hãy nhìn ngay lên Thánh Giá và nhà tạm. Điều này có thể giúp bạn dừng "đọc lời cầu nguyện" mà thay vào đó là "dâng lời cầu nguyện". Khi nhìn lên, hãy để ý nghe lời kinh vị linh mục đang đọc hay lời bài hát thánh ca. Những lời này chính là con đường của Thánh Lễ.
4. Nếu bạn sợ đi quá sâu vào Thánh Lễ, hãy hỏi tại sao
Đôi khi tội lỗi trong đời sống là căn nguyên nỗi sợ của chúng ta về việc trở nên thân mật với Chúa. Nếu chúng ta nghiêm túc đặt vấn đề, để có thể thấy được sự yếu đuối đang kìm hãm chúng ta, chúng ta có thể mang chúng ra trước toà giải tội.
5. Nếu bạn bắt đầu xét đoán ai đó trong Thánh Lễ
Chúng ta rất dễ để ý đến người khác. Thánh Lễ dễ có như vậy: sự lười biếng của mọi người quanh ta, thói xấu của người đứng phía trước... Đừng để ý đến họ, mà hãy chú tâm đến các vật dụng được dùng trong Thánh Lễ, là các biểu tượng của Chúa Kitô: bàn thờ, nến cháy, áo lễ, chén thánh. Những thứ này đã được thiết kế để nâng tâm hồn ta lên.
6. Lắng nghe "những mật mã" trong các bài đọc
Các bài đọc trong Thánh Lễ chính là những nguồn mạch ý nghĩa: chính những từ ngữ là lời khuyên để ta sống cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu mặt chữ không tác động được bạn, hãy để ý đến ý nghĩa được mã hoá trong đó.
Nghe bài đọc Cựu Ước, cố mường tượng xem bài này liên quan thế nào đến Đức Kitô. Nghe bài Thánh Vịnh đáp ca, hãy biến những lời kinh thành lời của chính bản thân bạn thay vì cứ lặp đi lặp lại vô hồn. Nghe bài Thánh Thư, hãy nhìn vào điểm nhấn - tức là thông điệp hữu ích mà bạn có thể áp dụng. Nghe bài Tin Mừng, hãy chiêm ngắm cách Chúa Giêsu xử sự.
7. Dâng chính mình làm hy lễ
Khi các hy lễ được mang lên, bạn hãy đặt chính mình bên cạnh những hy lễ ấy. Hãy dâng chính mình cho Chúa Giêsu, và nói với Người: "Lạy Chúa Giêsu, con đặt chính mình con trước Chúa cùng với các hy lễ này, để được Chúa đón nhận và biến đổi trong ân sủng của Chúa."
8. Hãy du hành ngược thời gian
Khi nghi thức truyền phép đến, bạn không đơn giản chỉ là có mặt trong Thánh Lễ với người xung quanh nữa. Không phải bạn chứng kiến một cử chỉ mới, mà là chứng kiến hy tế nguyên thuỷ của Chúa Giêsu Kitô đang được tái hiện diện. Vậy đừng chỉ nhìn cách trơ trơ một linh mục già giơ lên một cái chén thánh cũ; hãy chiêm nghiệm cùng một hy tế và lễ dâng của Đức Giêsu Kitô trên Thánh Giá xưa.
9. Cầu nguyện thầm khi Bánh Rượu được giơ lên
Một tập tục ý nghĩa đã tồn tại lâu đời, đó là tín hữu cầu nguyện thầm khi Bánh Rượu Thánh được giơ lên, "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con", "Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng xót thương con."
10. Cầu nguyện khi đứng xếp hàng lên rước lễ
Nhiều người quen cầu nguyện cùng Đức Mẹ, các Thánh khi trên đường lên hiệp lễ. "Lạy Mẹ Maria, xin dẫn con lên bàn thờ tình yêu." "Lạy Thiên thần Bản mệnh, xin đem con đến gần Chúa Giêsu của con hơn." "Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện thật trong phép Thánh Thể, con bái lạy Chúa, con tôn thờ Chúa."
11. Cuối cùng, trên lối ra cửa
Cố nhớ lại vài chi tiết trong bài giảng hay trong bài Phúc Âm bạn đã lắng nghe, đến mức bạn có thể trình bày lại cho một người khác nếu được yêu cầu. Hãy lặp lại những lời đánh động trái tim bạn nhất để nhớ sâu hơn.
Thánh Lễ là điều quý giá nhất của bạn trong ngày đó, ngày bạn tham dự Thánh Lễ. Hãy rút tỉa được nhiều nhất từ kho báu này!
Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn chuyển dịch