Sidebar

Thứ Hai
14.10.2024

12 quyết tâm dành cho 12 tháng của năm mới từ Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Hướng dẫn để có cách sống tốt nhất cho năm mới.

1. Xây nhịp cầu chứ đừng dựng bức tường lũy

 

2. Hãy để chính mình được đánh động bởi nỗi khổ đau… và rồi làm điều gì đó

3. Đừng sợ lấy làm hổ thẹn với chính mình và thừa nhận khi bạn làm sai

4. Mơ về tình yêu

5. Tránh dính bén với của cải

6. Cầu nguyện hàng ngày cho sức khoẻ của bạn và của những người bạn yêu thương

7. Củng cố đức tin hầu vượt thắng sự chia rẽ

8. Làm việc chăm chỉ vì phẩm giá của bạn và vì gia đình bạn

9. Đừng để mình bị tước mất niềm hy vọng

10. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta

11. Mưu cầu hạnh phúc nhờ kiến tạo sự hòa hợp

12. Hãy biết rằng bạn được yêu, nên bạn cần trao ban tình yêu và tha thứ.

.

Danh sách này là kết quả một sự chọn lọc trong số những bài viết và diễn từ của Đức Phanxicô, chúng ta có thể trích ra:

  1. Xây nhịp cầu chứ đừng dựng bức tường lũy

Mỗi Kitô hữu luôn cần xây những nhịp cầu đối thoại với tha nhân chứ đừng dựng nên những bức tường của lòng oán giận. Là một Kitô hữu, hãy luôn theo đuổi đường hướng của sự lắng nghe, hoà giải, với lòng khiêm nhượng và dịu hiền, vì đó là những gì Con Thiên Chúa đã dạy chúng ta. (bài giảng tại nhà nguyện Marta, 23.01.2015).

  1. Hãy để chính mình được đánh động bởi nỗi khổ đau… và rồi làm điều gì đó

Bạn biết rằng, những kẻ đạo đức giả không biết làm sao để khóc, họ đã quên mất khóc thế nào, họ không xin cho được ơn nước mắt.

Khi ai đó thực hiện một việc tốt, gần như một cách tự nhiên, ước muốn gợi nên trong họ là được tôn trọng và thán phục vì hành động tốt đẹp này, và lấy làm thoả lòng vì đó.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện những cử chỉ ấy mà không phô trương, và chỉ dựa vào phần thưởng của Chúa Cha “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6,4, 6, 18). (trích bài giảng thứ Tư lễ Tro, 18.02.2015)

  1. Đừng sợ lấy làm hổ thẹn với chính mình và thừa nhận khi bạn làm sai

Chúng ta nên học biết và khôn ngoan trong việc kết tội chính chúng ta…tôi buộc tội chính mình, cảm nhận nỗi đau gây nên bởi vết thương, học biết xem nó đến từ đâu, và buộc tội chính mình về điều ấy. Đừng sợ phải ăn năn hối hận, vì nó là một dấu chỉ của ơn cứu độ. (trích bài giảng tại nhà nguyện Marta, 28.09.2017).

  1. Mơ về tình yêu

“Bạn không thể có một gia đình mà không ước mơ”, Đức Phanxicô chia sẻ ở Manila vào năm 2015. “Một khi gia đình mất đi khả năng để ước mơ, những đứa trẻ không thể lớn lên được, yêu thương không thể triển nở, cuộc sống héo úa và lụi tàn…. Uớc mơ thật quan trọng, đặc biệt trong những gia đình. Đừng đánh mất khả năng mơ ước!” (Đức Thánh Cha: chúng ta nên để trẻ em vui chơi! Vui chơi là ước mơ…)

  1. Tránh dính bén với của cải

Dính bén với của cải là đầu mối của tất cả những thứ tham nhũng ở mọi nơi. Đây là một huyền nhiệm về sự sở hữu của cải. Của cải có khả năng quyến rũ và làm cho chúng ta tin rằng, chúng ta đang ở thiên đường nơi trần gian này. “Thiên đường” đó là một nơi không có chân trời. (trích bài giảng tại nhà Nguyện thánh Marta, 25.05.2015)

  1. Cầu nguyện hàng ngày cho sức khoẻ của bạn và của những người bạn yêu thương

Giáo Hội không ngừng mời gọi cầu nguyện cho những người yêu thương đang lâm vào khổ đau. Đừng bao giờ thiếu một lời cầu nguyện cho người đau yếu. Hơn thế, chúng ta cần cầu nguyện hơn nữa, cả cá nhân cũng như cộng đoàn… Nói chung, những khi đau bệnh cho phép gia đình gắn bó với nhau bền chặt hơn. Tôi nghĩ về vai trò quan trọng của việc dạy dỗ con cái, ngay từ thời ấu thơ, nghĩ về sự liên đới trong những lần bị đau bệnh. Một nền giáo dục mà đi ngược lại với sự nhạy cảm trước yếu đau phận người sẽ làm con tim hao mòn đi cảm xúc . Nền giáo dục ấy chấp nhận để người trẻ trở nên “vô cảm” trước nỗi đau của những người khác, không thể đối diện với khổ đau và với việc sống kinh nghiệm của sự giới hạn của phận người. (tiếp kiến chung, 10.06.2015)

  1. Củng cố đức tin hầu vượt thắng sự chia rẽ

Khi chúng ta cho đi chính mình, chúng ta khám phá ra căn tính đích thực của mình như là con cái của Thiên Chúa nơi hình ảnh của Chúa Cha, và giống như Người, Đấng đã trao ban cuộc sống; Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là anh chị em của Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta làm chứng. Đây là ý nghĩa của phúc âm hóa; đây là cuộc cách mạng mới – vì đức tin của chúng ta luôn mang tính cách mạng – đây là lời mời gọi sâu xa nhất và bền bỉ nhất. (trích Thánh lễ ở Ecuador, 7.7.2015)

  1. Làm việc chăm chỉ vì phẩm giá của bạn và vì gia đình bạn

Làm việc – tôi nhắc lại, trong nhiều hình thức của nó – là thích đáng cho con người. Công việc diễn tả phẩm giá của thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì lẽ đó, có thể nói rằng công việc được thánh hoá… Tôi cảm thấy vui mừng sâu xa khi thấy những chính phủ đi đến chỗ tìm kiếm công việc và cố gắng để mỗi người đều có công việc. Lao động vốn được thánh hoá, lao động đưa tới phẩm giá cho một gia đình. Chúng ta phải cầu nguyện để không có gia đình nào bị bỏ quên mà không có công việc. Do đó, lao động cũng giống như lời tán dương, là một phần trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. (Buổi tiếp kiến chung, 19.08.2015)

  1. Đừng để mình bị tước mất niềm hy vọng

Trong thực tế cuộc sống hàng ngày, phải có chỗ cho những ước mơ. Một người trẻ mà không thể mơ ước là tự đóng kín, tự tách biệt. Mỗi người đôi khi ước mơ những thứ mà không bao giờ xảy ra. Nhưng dầu sao hãy mơ, hãy khao khát chúng, tìm kiếm những chân trời mới, mở ra cho những điều lớn lao hơn. (tại Havana, Cuba, 20.09.2015)

  1. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta

Đức Giêsu luôn cho chúng ta thấy Thiên Chúa không phải là một ông chủ nghiêm khắc hay bất khoan dung, nhưng là một Người Cha đầy yêu thương, dịu hiền và nhân hậu. Vì lẽ đó, chúng ta có thể và nên có một niềm tin tưởng sâu xa vào Người. (trích bài giảng tại nhà nguyện Marta, 20.11.2017)

  1. Mưu cầu hạnh phúc nhờ kiến tạo sự hòa hợp

“Khi chúng ta tiếp tục xét đoán một người, chúng ta tạo nên sự loại trừ,” có thế nói: “không phải với người này, người kia…không.” Khi làm như vậy, “chúng ta giam mình trong một nhóm nhỏ và cho mình là những kẻ tuyển chọn, và đây không phải là Kitô hữu.” Chúng ta tuyên bố, “không, người đó là một kẻ tội lỗi, anh ta đã làm điều này…”.

Tuy nhiên, “thái độ của Đức Giêsu là quy tụ… Có hai đường hướng có thể xảy ra: hướng loại trừ con người ra khỏi cộng đoàn của chúng ta và con đường quy tụ.” Hướng đầu tiên, “dẫu với một mức độ giới hạn, là gốc rễ của tất cả các cuộc chiến tranh: mọi tai hoạ, mâu thuẫn đều bắt đầu với sự loại trừ.” Có sự loại trừ “đến từ cộng đồng quốc tế, nhưng cũng còn từ những gia đình: giữa những bạn hữu, tồn tại bao nhiêu là sự lục đục!”  Trong khi đó, “con đường mà Đức Giêsu bày tỏ cho ta, dạy cho ta biết lại hoàn toàn khác và nó đối lại với con đường kia: đó là quy tụ.” (Marta, 5.11.2015)

  1. Hãy biết rằng bạn được yêu, nên bạn cần trao ban tình yêu và tha thứ

Đức Phanxicô sánh ví tình yêu của Thiên Chúa như tình yêu của một người cha hay người mẹ nói với đứa con của họ sau khi nó đã tỉnh dậy khỏi một ác mộng. Giống như lời đảm bảo của bố mẹ chúng ta, “Có bố/mẹ đây, đừng sợ”, Thiên Chúa cũng nói như vậy “đừng sợ hãi vì những tội con phạm, ta yêu thương con; ta ở đây để tha thứ cho con.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm, “đây là lòng thương xót của Thiên Chúa.” “Tất cả chúng ta cũng hoảng sợ như vậy khi một số điều nào đó không diễn ra theo dự định; chúng ta kêu than và la lối, chúng ta thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, Ngài nói “hãy bình an; đúng, con đã gây nên một lỗi lầm, nhưng đừng lo lắng, đừng sợ hãi. Ta tha thứ cho con.” (Marta, 10.12.2015)

Và cuối cùng, khuôn vàng thước ngọc là quyết tâm tốt nhất cho mọi tháng trong năm: Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình.

 

Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

Nguồn: https://aleteia.org/2018/01/07/12-new-years-resolutions-for-12-months-from-pope-francis/

5193    06-01-2019