Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

180 nữ tu… tất cả gần 100 tuổi!

 

Mẹ bề trên hỏi: “Con muốn đi đâu?

Nữ tu bác sĩ Suzanne Labelle trả lời: “Xin mẹ gởi con đến nơi những người nghèo nhất.”

Sơ được gửi đến một ngôi làng của các thợ mỏ ở Andes, Bôlivia với độ cao 4.000 mét. Tại đây có một bệnh viện của công ty khai thác mỏ mở ra để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho hàng ngàn công nhân làm việc ở mỏ thiếc khổng lồ này, nơi bệnh lao đang hoành hành. Và một trạm xá có một nữ y tá tận tâm phục vụ dân làng.

Sơ Labelle hành nghề y gần như tình cờ. Sơ bị cấm học thần học vì môn này dành cho các chủng sinh chuẩn bị chức linh mục.

Cuối cùng, sau khi học y khoa, sơ là phụ nữ đầu tiên lấy bằng tiến sĩ Thần học của Đại học Ottawa, Canada. Sơ nói được các tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ý và tiếng Quechua, ngôn ngữ của người bản địa Bôlivia.

Sơ là một trong 180 nữ tu về hưu ở nhà hưu dưỡng Laval ít ai biết này. Một trăm tám mươi cuộc đời của những cuộc phiêu lưu đáng kinh ngạc trên tất cả các châu lục, từng nếm qua các cuộc đảo chính, cách mạng, đình công, đàn áp, bệnh tật, khốn khổ và bất công.

Ảnh: Hugo-Sébactien Aubert, La Presse

Michelle Payette, Yolande Laroche, Blanche Cloutier, Éliette Gagnon và Suzanne Labelle, nữ tu dòng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Một trăm tám mươi nữ tu gần… 100 tuổi, đi đến tận cùng thế giới để yêu người anh em, nhân danh Chúa Giêsu.

Nữ bác sĩ Émilie Hamel biết các nữ tu trong một khóa thực tập ở Bôlivia, bác sĩ cho biết: “Các nữ tu này không sợ bất cứ điều gì. Các sơ có thể đi sáu giờ xe jeep trên các con đường núi Andes gập ghềnh để đón một em bé bị bệnh, có những ông mang vũ khí trên cánh đồng coca, các sơ nói với tôi: đừng sợ, họ không làm gì hết..  Các sơ như những người xông mình, hơi hơi giống cao bồi một chút! Họ đi đến cùng con đường phục vụ của họ.”

Trong những ngày này, bác sĩ Hamel không khi nào ngủ ngon vì lo sợ vi-rút đến…

Cho đến bây giờ, dù có một số lo ngại, nhưng chưa có bệnh nhân (đúng hơn là bạn) của bác sĩ bị bệnh.

Sơ bề trên Michelle Payette cho biết: “Các hướng dẫn rất, rất nghiêm ngặt. Một số sơ cho rằng chúng tôi quá nghiêm khắc, họ thích ra ngoài!”

Tầng hầm được được dọn để dùng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Tất cả mọi thứ đã được khử trùng nghiêm ngặt. Và các sơ bắt đầu may khẩu trang.

Ở đây chỉ có sơ Yolande Laroche khi 16 tuổi đã đi may ở xưởng may của làng Saint-Flavien, xưởng may quần áo trẻ em cho tiệm Eaton. Sau đó sơ rời nhà máy để đi tu. Sơ được gởi đi Zambia để dạy cho phụ nữ. Sơ nói: “Chúng tôi làm việc rất nhiều để giúp phụ nữ có được tương lai.”

Hình của các nữ tu Dòng truyền giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm. Bây giờ các sơ may khẩu trang. Trong hình là sơ Yolande Laroche.

Làm việc, làm việc

Và vì đây là nhà dòng nên các sơ không phí phạm gì. Với các tấm khăn trải giường cũ, sơ  Blanche Cloutier may theo mẫu có sẵn.

Thức dậy, dự thánh lễ trên truyền hình, ăn sáng, may khẩu trang cho đến trưa, ăn trưa, may khẩu trang tiếp, ăn tối, may tiếp… Những ngày đầu tiên các sơ may không khéo lắm nhưng tình trạng khẩn cấp thì không thể chờ. Các nữ tu ở Québec cần và chúng tôi gởi bưu điện đến.

Hiện nay chúng tôi đang thiếu giây thun, chúng tôi cắt các giây thun rộng nên hơi mất thì giờ một chút…

Một trăm tám mươi cuộc đời đáng kinh ngạc.

Nữ tu Éliette Gagnon, 92 tuổi, đến Cuba năm 1959 khi cộng sản vừa lên nắm chính quyền. Đúng là giai đoạn oái oăm cho các nhà truyền giáo công giáo.

Sơ cho biết: “Sau đó 27 trong số 37 nữ tu phải đi về vì các trường trung học bị quốc hữu hóa, chúng tôi ở nông thôn nên được ở lại. Thật là một niềm vui khi chúng tôi được sống gần người dân! Xin lỗi, tôi vẫn còn suy nghĩ bằng tiếng Tây Ban Nha.

Sơ nói tiếp: “Tôi không thể chỉ nói tiêu cực về cách mạng. Cho đến lúc đó, 33% trẻ em Cuba không được đi học. Tôi chứng kiến các chiến dịch xóa nạn mù chữ đầu tiên. Họ đã huy động các giáo viên đi khắp vùng quê. Ban ngày các giáo viên  làm việc ngoài đồng, buổi tối, với chiếc đèn Aladin nhỏ, họ họp các gia đình lại để dạy đọc dạy viết…”

Tôi đã thấy các người chống cách mạng, những người bị bắn, bị tù, các vụ quốc hữu hóa… Nhưng các giáo viên với vài quyển tập, với chiếc đèn nhỏ thì thật xúc động.

Sơ Éliette Gagnon

Các nữ tu làm việc xã hội, săn sóc người dân.

Sau này ở Bôlivia có một nhóm bác sĩ Cuba đến mổ 100 000 ca đục thủy tinh thể.

Bôlivia … Đảo chính liên miên. Sơ thấy các nữ tu nằm trên đường rầy xe lửa để hỗ trợ cho những người đình công trong các hầm mỏ. Các linh mục bị cầm tù. Máy bay trực thăng bắn vào người biểu tình, người đang chạy trốn trên đường phố. Một số người vào nhà dòng núp, hoặc đến đây để chết, các nữ tu giấu họ trong sân nhà dòng. Nhưng đồng thời cảnh sát cũng vào để trốn người đi biểu tình… Đúng, đúng là dòng ủng hộ “thần học giải phóng”.

Các nữ tu được đón nhận vì họ lo cho hai vấn đề lớn: chủ nghĩa cộng sản và nghiện rượu. Nhưng đâu đâu cũng là nghèo đói và bất công.

“Từ thời tôi cùng đi với dì tôi đến L’Anse-Saint-Jean trong cuộc khủng hoảng của những năm 1930, để đem thức ăn đến cho người nghèo, tôi không bao giờ chấp nhận có người giàu và người nghèo.

“Tôi không còn nói rằng tôi là người công giáo, tôi nói: tôi là tín hữu kitô. Tôn giáo đã làm phức tạp mọi thứ”.

Nữ tu Gagnon đã gặp Fidel Castro hai lần.

“Ông được rửa tội và học trường các cha Dòng Tên, ông rất quý các nữ tu. Ông nói với tôi: “Tôi không biết các sơ xoay xở như thế nào, tôi cũng cho chừng đó số tiền hàng tháng cho các công chức để họ săn sóc người già, nhưng không bao giờ đủ cho họ. Còn các sơ, các sơ nới rộng thêm nhà cửa,,,

“Cá nhân ông, ông biết ba nữ tu bị sát hại ở El Salvador. Ông là người có tài ăn nói. Trong cuộc sống, ông là bạn của một vài tu sĩ tôi biết.”

Một lần khác, tại Đại sứ quán Canada, Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau đến với đứa con trai còn nhỏ của ông, cậu bé Justin (bây giờ là đương kim Thủ tướng Canada). “Fidel gọi em bé là Tổng thống.”

“Niềm vui lớn nhất của tôi là tôi có thể đến được với nhiều người, họ là các cấp số nhân… để từ họ, họ gặp các người khác…”

Cần phải có nhiều bộ sách để làm nổi bật công lý cho tất cả các phụ nữ này. Bác sĩ Hamel nói: “Thật tuyệt vời khi làm việc với họ, họ đã sống rất nhiều, họ truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều.”

“Khi một sơ ở giây phút cuối đời, các nữ tu thay phiên nhau canh thức ngày đêm ở trong phòng. Họ cầu nguyện, lần hạt. Họ tháp tùng cho đến phút cuối, họ đoàn kết với nhau, đó là một trong các điều đẹp nhất tôi thấy. Họ nâng đỡ nhau đến cùng, thật sự là đến cùng.”

Tất cả những chuyện không thể trong môi trường Covid-19, ở đây cũng như ở mọi nơi khác.

Điểm đáng kể tột cùng, các sơ đã biết thế nào là bệnh sốt rét, bệnh lao, tất cả những gì là bụi bẩn từ muỗi và từ các chế độ độc tài đẫm máu …

Cho đến bây giờ, “tạ ơn Chúa”, như các sơ vẫn hay nói, nhờ các biện pháp phòng ngừa, nhờ may mắn, con vi-rút đã không vào nhà các sơ. Và sơ Yolande tiếp tục may khẩu trang cũng với một tinh thần chiến đấu như thế, xếp ngăn nắp từng chồng khẩu trang trước khi phân phối.

Marta An Nguyễn dịch

5454    05-05-2020