Hầu hết chúng ta đều biết đến Thánh Luca qua Tin Mừng mà ngài đã viết.
Giống như mọi thánh sử khác đã viết lại sách Tin Mừng, Thánh Luca được trao tặng danh hiệu “Tác giả Tin Mừng” vì vai trò của ngài trong việc truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Còn được biết đến như một sử gia vĩ đại, Thánh Luca đã lưu giữ lại trong Tin Mừng của mình bản tiểu sử sâu rộng nhất về Chúa Kitô.
Trên thực tế, Tin Mừng theo Thánh Luca là nguồn duy nhất cho những dụ ngôn của Chúa Giêsu về Người Samari nhân hậu và Đứa con hoang đàng, cũng như các sự kiện trên Đường Emmaus, Lễ Ngũ Tuần,…
Thánh Luca xuất thân từ thành phố lớn Antiôkia, một phần của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Chi tiết từ một cửa sổ trong nhà thờ giáo xứ Sts. Mary and Lambert, Stonham Aspal, Suffolk, UK, với kính màu đại diện cho Thánh Luca. (Nguồn ảnh: Kevin Wailes/CC BY 2.0) |
Trong cuộc đời của thánh nhân, thành phố quê hương của ngài đã nổi lên như một trung tâm quan trọng của Kitô giáo thời sơ khai. Trong những năm đầu đời của vị thánh này, cảng Antiôkia đã trở thành một trung tâm văn hóa, nổi tiếng về nghệ thuật và khoa học.
Truyền thống cho chúng ta biết rằng Thánh Luca là một người ngoại đã trở lại đạo, được đào tạo trở thành thầy thuốc tại một thành phố nói tiếng Hy Lạp. Ngài là một trong những thành viên có học thức và quan hệ rộng rãi nhất thời Giáo Hội sơ khai.
Mặc dù là người có nhiều tài năng và sở thích, nhưng rõ ràng là thánh nhân đã sử dụng chúng để phục vụ cho vinh quang Thiên Chúa, chứ không phải cho riêng mình.
Để tôn vinh ngày lễ của thánh nhân, được Giáo Hội cử hành vào ngày 18 tháng 10 hàng năm, chúng ta hãy xem xét ba điều có thể học hỏi được từ vị thánh vĩ đại này.
1. Thánh Luca cho thấy nhu cầu chăm sóc cả tâm hồn lẫn thể xác.
Thánh Luca không chỉ là người viết một trong bốn Tin Mừng mà còn là một thầy thuốc.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, sau khi Thánh Phaolô trở lại đạo, Thánh Luca đã đồng hành với Thánh Phaolô trong tư cách là thầy thuốc của ngài; trên thực tế, Thánh Phaolô đã gọi Thánh Luca là “thầy thuốc yêu quý” (Cl 4:14) trong lần đầu tiên Thánh Phaolô bị giam cầm ở Rôma.
Chúng ta cũng nghe biết về Thánh Luca trong tư cách là một thầy thuốc trong các tác phẩm của nhiều giáo phụ. Eusebius (260-340 SCN), một sử gia đầu tiên của Giáo Hội, đã mô tả Thánh Luca như sau:
Luca, người gốc Antiôkia và là một thầy thuốc chuyên nghề, là bạn đồng hành lâu năm của Phaolô, và đã có cuộc đàm luận đáng chú ý với các Tông đồ khác, và trong hai cuốn sách [Thánh Luca] đã để lại cho chúng ta những cách thức cụ thể về phương thuốc cho các linh hồn mà ngài đã thụ huấn được từ các vị đó.
(Eccl. Hist. 3.4.6; LCL 1:197)
Chính Thánh Luca đã ghi lại lời của Chúa Giêsu, “Những người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng những người đau bệnh mới cần.” (Lc 5:31)
Chúa Giêsu đang nói về sự cần thiết phải chăm sóc những bệnh tật về mặt tinh thần của chúng ta với cùng sự lưu tâm mà chúng ta dành cho những bệnh tật về mặt thể xác. Là con người, chúng ta có xu hướng nhấn mạnh đến những nhu cầu về mặt thể xác của mình, vì chúng là nguyên nhân gây ra nỗi đau dễ nhận biết, nhưng chúng ta lại thường không nhận ra rằng chúng ta cũng có những căn bệnh về mặt tinh thần. Chúng ta có thể bỏ qua những điều gây ra đau khổ về mặt cảm xúc hoặc đơn giản là không thừa nhận sự tồn tại của chúng, nhưng nhiều khi đó lại là cơ hội để hướng về Chúa Giêsu để tìm kiếm sự hướng dẫn và sự chăm sóc đầy quan phòng của Người.
Khi nhớ lại các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Thánh Luca hiểu rằng chính Thiên Chúa là Vị Thầy Thuốc đã ban cho chúng ta sức mạnh đích thực của niềm hy vọng - dù là về thể xác, tâm trí hay tinh thần - và trong các trình thuật Tin Mừng của mình, Thánh Luca đã chỉ cho chúng ta phương thuốc.
Chúng ta có thể noi gương Thánh Luca và nhờ lời bầu cử của thánh nhân để chúng ta cũng có thể không quên tìm kiếm ý muốn của Chúa Cha trong mọi điều làm chúng ta đau khổ: dù đó là bệnh tật về thể xác, vấn đề về tinh thần hay cảm xúc, hay cả chính tội lỗi.
Chúng ta cũng hãy ước muốn cho biết ăn năn sám hối thực sự để Chúa Giêsu có thể sử dụng điều đó mà mang lại sự chữa lành trong cuộc đời của chúng ta.
2. Thánh Luca đã can đảm loan báo Tin Mừng.
Một bức tranh minh họa của người Armenia về Thánh Luca với Thánh Phaolô |
Truyền thống mang đến một câu chuyện sống động về cuộc đời và ảnh hưởng của Thánh Luca. Chúng ta biết rằng Thánh Luca là một trong số những người bạn đồng hành duy nhất của Thánh Phaolô khi không bỏ rơi ngài trong thời gian bị giam cầm và qua đời ở Rôma.
Vì những chuyến hành trình mà Thánh Luca đi cùng Thánh Phaolô chiếm đến một phần lớn trong sách Công vụ Tông đồ, nên rất có khả năng Thánh Luca đã viết nên một số phần trong tác phẩm này - phần tường thuật cuối cùng của Tân Ước - tại thành phố Rôma, nơi câu chuyện kết thúc.
Ít người nào có được lòng can đảm như Thánh Luca, người đã ở bên cạnh Thánh Phaolô một cách kiên định trong suốt hai năm ngài bị giam cầm. Vị Tông đồ của Dân ngoại này, khi viết thư lần cuối cho Timôthê, đã nói: “Tôi đã chiến đấu trong một trận chiến cao đẹp, tôi đã đi hết chặng đường của mình… Hãy mau đến với tôi. Vì Đêma đã rời bỏ tôi, vì yêu thế gian này… Chỉ có Luca ở với tôi.” (2Tm 4:7–11)
Chỉ có một điều quan trọng hơn đối với Thánh Luca so với việc trở thành bạn đồng hành của Thánh Phaolô: đó chính là Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta cũng biết rằng Thánh Luca là người khiêm nhường vì, trong khi những trải nghiệm về chuyến hành của thánh nhân có thể lấp đầy các tập sách, thánh nhân lại tập trung vào việc công bố Tin Mừng và thực thi sứ mạng tông đồ là rao giảng cho thế giới.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi để loan báo Tin Mừng. Chúng ta thực sự làm điều đó đến mức độ nào?
Có lẽ chúng ta bị kìm hãm bởi nỗi sợ về lối suy nghĩ của người khác, hoặc có thể chúng ta cảm thấy rằng mình không xứng đáng để làm điều đó. Chúng ta hãy nhớ lại những lời của Thánh Phaolô nói với Timôthê và nhớ rằng Thánh Luca, người bạn đồng hành thân thiết của thánh nhân, hẳn đã biết rõ những lời này: “Còn anh, hãy luôn tỉnh thức, chịu đựng đau khổ, làm công việc của người rao giảng Tin Mừng, và chu toàn chức vụ của mình.” (2Tm 4:5)
Thiên Chúa đang mời gọi bạn loan báo Tin Mừng như thế nào? Hãy cầu xin Thánh Luca giúp sức cho bạn.
3. Thánh Luca tôn vinh Đức Mẹ.
Thánh Luca Vẽ Đức Trinh Nữ bởi Rogier van der Weyden. |
Thánh Luca là nguồn thông tin quan trọng về Đức Trinh Nữ Maria. Người ta tin rằng bên cạnh việc là một thầy thuốc, Thánh Luca còn là một họa sĩ, và truyền thống Kitô giáo nói rằng thánh nhân đã vẽ nên nhiều bức tranh về Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Hài Đồng.
Được biết đến là “họa sĩ linh ảnh” đầu tiên, Thánh Luca đã vẽ bức tranh Hodegetria ở Constantinople (nay đã thất lạc). Một bức chân dung thánh thiêng khác được cho là của Thánh Luca - được biết đến với tên gọi “Salus Populi Romani” (Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma) - vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.
Salus Populi Romani, “Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma.” (Nguồn ảnh: Ambrosius007/CC BY-SA 3.0) |
Tương tự như Đức Mẹ Czestochowa, người ta tin rằng bức tranh này được Thánh Helena phát hiện và mang đến Constantinople trước tiên. Đến thế kỷ thứ VI, bức tranh được chuyển đến Rôma và kể từ đó được tôn thờ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Bức tranh này được gọi là “Salus Populi Romani” (Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma), trước bức ảnh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường cầu nguyện và dâng hoa mỗi khi ngài rời Rôma để khởi hành chuyến tông du cũng như khi trở về.
“4 linh ảnh về Đức Mẹ được cho là của Thánh Luca, Tác giả Tin Mừng” của Philip Kosloski (từ Aleteia)
Nhiều sử gia Kinh Thánh đã tuyên bố rằng các tác phẩm của Thánh Luca cho thấy ngài là nhà truyền giáo duy nhất kết hợp được chứng từ cá nhân của Đức Trinh Nữ Maria vào Tin Mừng của mình.
Chúng ta có thể thấy tình yêu của ngài dành cho Đức Mẹ khi ngài nhớ lại biến cố truyền tin của Thiên thần Gabriel cho Đức Maria. Trên thực tế, thật thú vị khi xem xét cách Thánh Luca kể hai câu chuyện truyền tin: câu chuyện về Dacaria và câu chuyện về Đức Mẹ.
Trong cả hai lời loan báo tỉ mỉ về những cuộc sinh hạ này, ngài đều trình bày cùng một mô hình. Trong lần đầu tiên, Thiên thần Gabriel đến với Dacaria và nói: “Đừng sợ, hỡi Dacaria, vì lời cầu nguyện của ông đã được đoái nghe, và vợ ông là Elizabeth sẽ sinh cho ông một người con trai, và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Gioan. Và ông sẽ có được niềm vui và hân hoan, và nhiều người sẽ vui mừng khi đứa trẻ chào đời, vì nó sẽ cao trọng trước mặt Chúa.” (Lc 1:13-15)
Sau đó, Thiên thần Gabriel lại hiện ra với Đức Maria và nói: “Đừng sợ, hỡi Maria, vì cô đã nhận được ân sủng từ Thiên Chúa. Và này, cô sẽ thụ thai trong lòng và sinh hạ một con trai, và cô sẽ đặt tên cho con mình là Giêsu. Người sẽ vĩ đại và sẽ được gọi là Con của Đấng Tối Cao.” (Lc 1:30-32)
Trong lời loan báo đầu tiên, hãy để ý đến cách mà Thiên thần Gabriel hiện ra với một ông già và bảo ông đừng sợ. Trong lần thứ hai, ngài lại hiện ra với một phụ nữ trẻ và bảo cô đừng sợ. Cả hai lần viếng thăm này của thiên thần đều dành cho những cá nhân có đức tin lớn lao; Đức Maria không hề nghi ngờ những gì Thiên thần Gabriel nói, Mẹ chỉ thắc mắc làm thế nào để điều đó lại được thực hiện.
Chúng ta được mời gọi vững lòng tin như Đức Maria. Dacaria cũng là một người của Thiên Chúa, nhưng ông lại không có được sự tinh tuyền về đức tin và lòng trông cậy vào Thiên Chúa như Đức Maria.
Chúng ta có thể noi gương Thánh Luca
Thánh Luca, Tác giả Tin Mừng |
Chúng ta có thể bị cám dỗ xem các tác giả Tin Mừng chỉ là những sử gia, nhưng như vậy sẽ không đủ để hiểu vai trò của các ngài trong lịch sử cứu độ. Có nhiều điều mà mỗi tác giả có thể chọn để viết; thay vào đó, các ngài đã cân nhắc kỹ lưỡng về những gì mình chọn để trình bày và chúng ta phải lưu ý rằng lời lẽ của các ngài có chủ đích.
Thánh Luca nhấn mạnh đến tâm hồn, chứ không chỉ đến thể xác hay tâm trí. Thánh nhân đã dũng cảm và thể hiện đức tính kiên cường khi đứng bên cạnh người bạn và người đồng hành của mình là Thánh Phaolô, và giúp ngài viết ra thông điệp của mình để nhiều người có thể được loan báo về Tin Mừng. Thánh nhân đã chia sẻ tình yêu của mình dành cho Đức Mẹ với thế giới; không chỉ bằng những lời lẽ đẹp đẽ trong Kinh Thánh mà còn bằng màu sơn và cọ vẽ, để lại cho chúng ta những bức linh ảnh tuyệt vời phản ánh đức tin đối với những ai chiêm ngưỡng chúng.
Thánh Luca có nhiều tài năng, sở thích và năng khiếu. Do đó, thánh nhân được chọn làm vị bảo trợ cho nhiều người và nhiều vật, chẳng hạn như các nghệ sĩ, cử nhân, thợ đóng sách, thợ ủ rượu bia, người bán thịt, bác sĩ, thợ làm thủy tinh, thợ kim hoàn, thợ làm ren, công chứng viên, họa sĩ, bác sĩ, nhà điêu khắc, thợ làm kính màu và bác sĩ phẫu thuật.
Tác giả: Whitney Hetzel - Nguồn: Good Catholic (13/10/2022, cập nhật 06/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên (cập nhật 17/10/2024)