Andrea Booher - Public Domain |
Khi chúng ta đánh dấu ngày kỷ niệm 20 năm những vụ tấn công khủng bố, chúng ta hãy suy ngẫm về những bài học mà chúng ta mang theo.
Hôm nay, người Mỹ thức dậy để nhìn về ngày kỷ niệm 20 năm vụ tấn công ngày 11/9. Đó là một ngày làm rung chuyển nước Mỹ và phần còn lại của thế giới, và một ngày đã thay đổi chúng ta mãi mãi. Trong hai thập kỷ qua đã có một cơn sóng thần của những cảm xúc: từ giận dữ đến yêu thương; từ buồn đau đến hy vọng.
Với những tình cảm này, chúng ta đã học được một số bài học quý giá thể hiện sự kiên cường và lòng dũng cảm mà chúng ta đã có được dưới những hoàn cảnh bất thường và tàn khốc nhất, những bài học mà chúng ta có thể mang theo trong nhiều thập kỷ tới sẽ giúp tôn vinh cuộc sống của hàng nghìn người chết hoặc bị thương vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
1. Chúng ta mạnh mẽ và kiên cường
Khoảnh khắc các máy bay tấn công Tòa tháp Đôi, cũng như Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania, hàng triệu người đã cảm thấy hoài nghi và sợ hãi. Khi sự thật đã thấm nhuần, phản ứng này chuyển sang một sự tức giận có thể thông cảm được và sau đó là cảm giác mạnh mẽ và kiên cường. Sức mạnh này cho phép người ta thương tiếc những người thân yêu của mình và đối mặt với một tương lai bất định. Nó cũng cho phép xã hội xích lại gần nhau và xây dựng lại chính mình để trở nên một cộng đồng đoàn kết và mạnh mẽ hơn, một bài học mà ngày nay chúng ta cần đến hơn bao giờ hết.
2. Lòng can đảm đến trong mọi hình thái và cách thức
Chúng ta ghi nhớ trong lòng tất cả những ai đã cố gắng giúp các đồng nghiệp thoát khỏi tòa tháp, những nam nữ quân nhân đã cố gắng cứu lấy các mạng sống, những người đã nổ lực chống lại những kẻ khủng bố trên máy bay, những hành khách đã nhấc điện thoại của họ để nói lời từ biệt với những người thân yêu, và những người đã cố gắng lấy lại cuộc sống của mình sau thảm kịch; lòng dũng cảm của họ không có giới hạn. Tất cả những anh hùng này thể hiện một lòng dũng cảm và lòng vị tha mà chúng ta có thể chào đón và noi gương.
SPENCER PLATT | GETTY IMAGES NORTH AMERICA | AFP |
3. Đức tin có thể lớn lên từ những hoàn cảnh khủng khiếp
Mọi người thường hướng về đức tin của mình để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, và đây là trường hợp sau biến cố 11/9. Nạn nhân đầu tiên được ghi nhận tại Toà Tháp Đôi là một linh mục, người đã mất mạng sống để an ủi người khác và mang Chúa Kitô đến cho họ. Các sự kiện tàn khốc cho thấy tầm quan trọng của việc cậy dựa vào đức tin của một người ở một thời điểm mà bạn có thể thắc mắc về điều đó nhiều nhất. Với những thách thức ngày nay, chúng ta cần hướng về Thiên Chúa khi cảm thấy tuyệt vọng.
4. Trong thảm kịch, tình yêu được cần đến hơn bao giờ hết
Từ những hành khách đã chia sẻ những thông điệp yêu thương cuối cùng với các thành viên trong gia đình vài phút trước khi họ qua đời vào ngày 11/9, chúng ta đã biết được điều gì thực sự quan trọng. Cuộc sống không phải là về việc thành công hay về những thứ chúng ta tích lũy được, mà là những mối quan hệ mà chúng ta có được với những người khác. Những câu chuyện đầy cảm hứng hàng ngày cho thấy những hành động tử tế mà mọi người làm cho nhau khiến cuộc sống trở nên tuyệt vời hơn.
Seth Wenig | POOL | AFP |
5. Bất cứ ai trong chúng ta cũng không bao giờ cô đơn
Nỗi đau thương đã được người dân Hoa Kỳ niếm trãi trong ngày 11/9 đã vang lên trên khắp toàn cầu, được nhân lên đến mức cứ như công dân từ 90 quốc gia trên thế giới cũng bị thiệt mạng trong các vụ tấn công. Các quốc gia đã đến để cung cấp sự hỗ trợ của mình và giúp người Mỹ vượt qua khoảng thời gian khủng khiếp như thế. Chúng ta tiếp tục thấy được tình đoàn kết này với những người hiệp nhất xuyên biên giới trong những thời kỳ khó khăn: từ việc các nhân viên cứu hỏa cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia ở phía bên kia thế giới, các nhân viên y tế vượt biên giới để hỗ trợ các bệnh viện bị quá tải, và hơn thế nữa. Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, và chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và sự chăm sóc của Ngài qua việc phục vụ người khác. Chúng ta có thể trở nên như vậy cho nhau.
Tác giả: Cerith Gardiner - Nguồn: aleteia.org (11/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên