Sidebar

Chúa Nhật

27.04.2025

5 chữ lồng (monogram) của Kitô giáo và ý nghĩa của chúng

cl11
 


Nhiều biểu tượng trong số này có nguồn gốc từ Giáo Hội sơ khai, khi các Kitô hữu sử dụng các ký hiệu được mã hóa để nhận ra nhau trong bối cảnh bị bách hại.

Các biểu tượng luôn đóng vai trò quan trọng trong truyền thống Kitô giáo, mang đến cho các tín hữu một cách trực quan để thể hiện, truyền đạt và nhận biết đức tin của mình. Trong số đó, chữ lồng (monogram) - những chữ cái được coi là thiêng liêng, đan xen vào các thiết kế có chủ đích - mang ý nghĩa thần học và lịch sử sâu sắc. Nhiều biểu tượng trong số này có nguồn gốc từ Giáo Hội sơ khai, khi các Kitô hữu sử dụng các ký hiệu được mã hóa để nhận ra nhau trong bối cảnh bị bách hại. Ngày nay, chúng vẫn xuất hiện trong các nhà thờ, nghệ thuật tôn giáo, lễ phục và thậm chí cả nơi lòng sùng kính cá nhân. Sau đây là năm chữ lồng quan trọng của Kitô giáo và ý nghĩa của chúng.

1. Chi-Rho

Một trong những chữ lồng của Kitô giáo sớm nhất và dễ nhận biết nhất, Chi-Rho bao gồm hai chữ cái đầu tiên của Christos (ΧΡΙΣΤΟΣ) trong tiếng Hy Lạp - Chi (Χ)Rho (Ρ). Theo truyền thống, hoàng đế Constantine đã nhìn thấy biểu tượng này trong một thị kiến ​​trước Trận chiến Cầu Milvian năm 312, kèm theo dòng chữ In hoc signo vinces (“Nhờ dấu hiệu này, ngươi sẽ chiến thắng”). Sau đó, ông đã lấy nó làm biểu tượng của mình và nó đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho chiến thắng của Chúa Kitô trước tội lỗi và sự chết.

2. IHS (ΙΗΣ)

Chữ lồng này xuất phát từ ba chữ cái đầu tiên của Giêsu - Jesus (ΙΗΣΟΥΣ) trong tiếng Hy Lạp: Iota (Ι), Eta (Η)Sigma (Σ). Mặc dù thường gắn liền với các tu sĩ Dòng Tên - những người sử dụng nó như một phần trong biểu trưng của mình - biểu tượng này đã có từ trước họ hàng thế kỷ. Trong thời trung cổ, nó đã được phổ biến bởi Thánh Bernardine của Siena, người đã thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Đôi khi, các chữ cái được hiểu là Iesus Hominum Salvator (“Chúa Giêsu, Đấng cứu thế của nhân loại”) trong tiếng Latin, mặc dù đây là một sự chuyển thể sau này.

 

cl2
 Public Domain


3. ICXC

Một chữ lồng Kitô giáo (Christogram) khác có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ICXC là cách viết tắt của Giêsu Kitô (ΙΗΣΟΥΣ ΧΡΙΣΤΟΣ). Nó kết hợp chữ cái đầu và chữ cái cuối của mỗi từ: IC từ Iēsous (Jesus) và XC từ Christos (Christ). Thường thấy trong biểu tượng Byzantine, chữ lồng này hay đi kèm với một cây thánh giá hoặc cử chỉ tay Chúa Kitô đang ban phép lành, với hai ngón tay tạo thành các chữ cái. Biểu tượng này nhấn mạnh đến cả nhân tính và thần tính của Chúa Kitô.

4. AM (Ave Maria hoặc Auspice Maria)

Chữ lồng AM tượng trưng cho Ave Maria - lời chào tiếng Latin “Kính mừng Maria. Thường được viết bằng chữ A và M đan xen, nó tượng trưng cho Đức Trinh Nữ Maria và được sử dụng rộng rãi nơi lòng sùng kính Đức Maria. Chữ lồng này xuất hiện ở nhiều nhà thờ lớn và hiện vật tôn giáo, phản ánh vai trò nền tảng của Đức Mẹ trong lịch sử cứu độ. Đôi khi nó được cách điệu bằng vương miện hoặc ngôi sao để biểu thị cho vai trò nữ vương và đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Mẹ.

Chữ lồng này có một ý nghĩa khác là “Auspice Maria” hoặc “dưới sự hướng dẫn của Mẹ Maria.” Cụm từ này ám chỉ đến lời cầu nguyện lâu đời nhất của Đức Maria, lời cầu nguyện “Dưới sự che chở của Mẹ,” bản sao sớm nhất được tìm thấy trên một tờ giấy cói Ai Cập.

 

cl3
 entrelineas | Shutterstock


5. Μιχαήλ (Michael) - Thiên thần bảo vệ

Một chữ lồng Kitô giáo hấp dẫn và ít được biết đến là dòng chữ Hy Lạp khắc tên của Tổng lãnh thiên thần Michael (Μιχαήλ). Một trong những minh chứng đáng chú ý nhất được phát hiện trên xác ướp người Sudan 1.300 năm tuổi - một người phụ nữ có hình xăm tên của thiên thần Michael ở bắp đùi trong. Các học giả tin rằng hình xăm, bao gồm các chữ cái Hy Lạp Μ, Ι, Χ và Α, mang ý nghĩa là dấu hiệu của sự bảo vệ. Thiên thần Michael, được tôn kính như thủ lĩnh của đội quân thiên đàng, từ lâu đã được kêu cầu để mang đến sự che chở về mặt thiêng liêng. Việc biểu tượng này được xăm lên da người phụ nữ đó cho thấy một lòng sùng kính riêng tư sâu sắc, có lẽ bắt nguồn từ niềm tin rằng vị thiên thần này sẽ bảo vệ bà ngay cả sau khi qua đời.

Sức mạnh bền bỉ của chữ lồng

Chữ lồng của Kitô giáo không chỉ là biểu tượng trang trí mà còn là biểu hiện phong phú của đức tin, lưu giữ ý nghĩa qua nhiều thế kỷ. Cho dù được nhìn thấy trong các hầm mộ cổ xưa, bản thảo thời trung cổ hay thậm chí được lưu giữ trên cơ thể của một người phụ nữ từ nhiều thế kỷ trước, những biểu tượng này kết nối các tín hữu qua dòng thời gian, hiệp nhất họ trong mầu nhiệm của Chúa Kitô, các thánh và Giáo Hội của Người.

Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (21/3/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

166    21-03-2025