Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

60 phút Thánh lễ ta tham dự thế nào?

eucharist12


Năm 2021 là năm đỉnh điểm của đại dịch covid-19, nên 63 tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam đều tạm dừng mọi hoạt động để chống dịch, kể cả các hoạt động tôn giáo cũng đều đóng cửa, các điểm du lịch hành hương đều vắng lặng. Sau Tết Nguyên Đán 2022, đến thời điểm này (tháng 5) dịch bệnh tạm được gọi là ổn hơn, nên mọi hoạt động được tái hòa nhập, các đơn vị cơ quan ban ngành, trường học, các quán ăn dịch vụ du lịch đều được mở cửa hoạt động trở lại. Cách riêng các Nhà thờ và Nhà chùa cùng các điểm hành hương tôn giáo cũng được mở cửa trở lại để đón giáo dân, đón phật tử, đón khách đến tham quan, thăm viếng. Tháng 5 - tháng kính Đức Mẹ, các điểm hành hương kính Đức Mẹ như: Fatima (Bình Triệu), Tà Pao, Núi Cúi, La Vang, Măng Đen, La Mã,… đều đông tấp nập du khách hành hương đến kính viếng Đức Mẹ. Tôi cũng du hành một chuyến cùng tour du lịch hành hương kính viếng Đức Mẹ Fatima (Bình Triệu), Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Mẹ Tà Pao, trong đoàn đi có cả người Công giáo và người ngoại đạo. Tôi nghe kể và được biết có vài người không có đạo nhưng vẫn thường đi kính viếng Đức Mẹ khi có dịp, tôi tò mò và để ý xem những cô chú đó cung cách như thế nào khi đến nơi có Đài Đức Mẹ. Đoàn chúng tôi đến điểm nào cũng đọc kinh với Đức Mẹ, các cô chú đó không thuộc kinh nhưng thái độ cung kính nghiêm túc khi đứng trước Đài Đức Mẹ cúi đầu khấn nguyện thành kính.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về các cô chú đó là ở Tà Pao, leo núi mấy trăm bậc thang lên đỉnh núi đến Đài Đức Mẹ dự Thánh lễ, mồ hôi ướt đầm đầu tóc, lưng áo nhưng miệng vẫn nhoẻn cười vui vẻ, tuy không có đạo nhưng khi dự Thánh lễ cùng chúng tôi, các cô chú đó nghiêm túc không nói chuyện riêng giờ lễ, khoanh tay trước ngực mắt hướng về bàn thờ chăm chú nghe Linh mục chủ tế thực hiện các nghi thức Thánh lễ đến hết buổi lễ, không bỏ ngang đi ra ngoài khi chưa hết lễ, không sử dụng điện thoại trong suốt buổi lễ. Không có đạo nhưng các cô chú rất tôn kính đạo và tôn trọng những người tham dự Thánh lễ xung quanh, khi bước vào giờ lễ thì tự tắt chuông điện thoại để chế độ rung. Còn chung quanh tôi những người có đạo ở các giáo xứ giáo phận phương xa có những người tham dự Thánh lễ hời hợt nói cười bàn việc riêng, lướt điện thoại liền tay. Không phải tôi cũng lo ra chia, trí mới thấy cảnh đó mà là trước mặt tôi người nói chuyện riêng, rồi phía bên phải chuông điện thoại của người kế bên reo inh ỏi, người ấy móc điện thoại bấm nghe thản nhiên tuy có giảm âm thanh nói chuyện, rồi phía bên trái trẻ em nói cười, người lớn không nhắc nhở con trẻ cũng nói chuyện theo con. Ở các nhà thờ còn có một số người giờ lễ chưa xong, Cha chưa ban phép lành cuối lễ là họ đã bỏ ra về trước vì sợ giờ xong lễ người đông lấy xe chậm kẹt xe. Ngày dự lễ ở Tà Pao tôi phải di dời chỗ khác để đỡ phải bị chi phối tâm trí với những âm thanh chuông điện thoại reo, lời nói cười đùa vô tư nhí nhố từ trẻ em đến người lớn.

Tôi thiết nghĩ dành cho Chúa có một giờ Thánh lễ với 60 phút trong một tuần, dành cho Đức Mẹ có vài phút đọc kinh khấn nguyện, sao ta lại tính toán không hy sinh hãm mình “miệng, mắt, tâm trí” mà lại lo ra tâm trí trong giờ lễ cứ như chỗ chợ hay khu vui chơi ngắm cảnh vậy? Khi Nhà thờ bị đóng cửa không có Thánh lễ (vì dịch bệnh) thì nhiều người nói: “Ước gì được đi lễ lại, dự lễ online hoài buồn, nhà thờ đóng cửa buồn!” Đến khi có thể tham dự Thánh lễ thì lại dự lễ với thái độ như đi chơi lễ hội?!

Thật sự mà nói, những hình ảnh không nghiêm túc của một số ít người khi tham dự Thánh lễ sẽ là hình ảnh phản cảm, làm gương xấu cho những ai không có đạo, người ta sẽ không có thiện cảm với chúng ta, chính chúng ta làm xấu mặt chúng ta. Mình không tôn trọng và giữ ý cho bản thân mình nơi tôn nghiêm, thì làm sao ta có thể nói  rằng mình “kính Chúa, yêu Chúa” hết lòng và thật lòng được? Vẫn biết rằng Chúa và Mẹ luôn yêu thương chúng ta với tình yêu không đấu nào đong được, luôn khoan dung độ lượng tha thứ mọi lỗi phạm của nhân loại, khi ta chạy đến van xin mà không phân biệt ta là con ngoan hay con tội lỗi, nhưng ta cũng phải sống đức tin và lòng yêu mến Chúa - Mẹ sao cho xứng đáng với tình yêu thương che chở đó. Tôi hy vọng một số ít người có những cử chỉ hành động không nghiêm túc khi tham dự Thánh lễ sẽ không còn xảy ra ở các Nhà thờ nữa. Giờ lễ là thời điểm thích hợp để nghe giảng dạy Lời Chúa, cầu nguyện sốt sắng, thực hành Lời Chúa vào cuộc sống hàng ngày. Có như vậy thì đời sống đạo mới được tràn đầy ý nghĩa và sinh nhiều ơn ích.


Tác giả: Maria Sơn Hà Cẩm Tú

3788    14-05-2022