Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

912 vị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh nói lên điều gì về ngài?

tt11
 Antoine Mekary | ALETEIA


Vị giáo hoàng người Argentina đã tuyên thánh cho một số lượng kỷ lục các vị thánh, trong đó có một số vị dường như đại diện cho những ưu tiên đặc biệt của ngài.

Với việc tuyên thánh cho “Mama Antula” vào ngày 11 tháng 2 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lập một kỷ lục về việc tuyên thánh cho 912 vị kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Mặc dù việc tuyên thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể kéo dài vài chục năm hoặc thậm chí nhiều thế kỷ, nhưng chúng ta có thể phác họa một số đặc điểm về bức tranh toàn cảnh các “vị thánh của Đức Phanxicô”.

Nếu chúng ta bỏ qua 813 vị tử đạo người Ý ở Otranto, bị người Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát năm 1480 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh cùng một lúc vào năm 2013, thì vị giáo hoàng người Argentina đã tôn vinh 99 vị thánh trên các bàn thờ kể từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Và một số việc tuyên thánh này có vẻ mang tính cá nhân hơn đối với Jorge Mario Bergoglio, vị giáo hoàng đầu tiên ở Nam Mỹ và là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Dòng Tên.

 

tt2
Courtesy of Canonización Mama Antula


Chẳng hạn, chẳng phải là không đáng kể khi Mama Antula là vị thánh nữ đầu tiên sinh ra ở Argentina trong lịch sử Giáo Hội, và vị thánh này đã truyền bá linh đạo của Thánh Inhaxiô tại quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào thế kỷ XVIII. Có vẻ như vị giáo hoàng người Argentina - người cũng đã ra sắc lệnh tuyên chân phước cho Mama Antula vào năm 2016 - đã ưu tiên cho án tuyên thánh của vị thánh nữ này trong thánh bộ, nơi có hơn 2.000 hồ sơ đang được nghiên cứu.

Tương tự, thật thú vị khi lưu ý rằng kể từ năm 2013, sau Ý, quốc gia có số các vị thánh lớn thứ hai là Brazil, với 31 vị thánh.

Nếu chúng ta phải đưa ra một bức tranh toàn cảnh chung về các vị thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì điều đó sẽ trông như thế này:

Những chứng nhân vĩ đại

Từ năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho những chứng nhân Công giáo vĩ đại, trong đó có Mẹ Têrêsa Calcutta (2016), Đức Tổng Giám mục Óscar Romero (2018), Đức Hồng Y John Henry Newman (2019), và Charles de Foucauld (2022), “người anh em phổ quát”.

Người sau cùng rất được Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quý, vì ngài là một trong những người truyền cảm hứng cho Thông điệp Fratelli Tutti của ngài.

“Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng của các vùng ngoại vi, và ngài sẽ tuyên thánh cho Charles de Foucauld, vị thánh của các vùng ngoại vi,” cáo thỉnh viên của án tuyên thánh, Cha Bernard Ardura, phát biểu trước biến cố này.

 

tt3
THÀNH PHỐ VATICAN, ngày 15 tháng 5 năm 2022:
Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh lễ tuyên thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô cho 10 vị thánh
trong đó có Devasahayam của Ấn Độ, ẩn sĩ người Pháp Charles de Foucauld và thần học gia người Hà Lan Titus Brandsma.
Antoine Mekary | ALETEIA


Các vị giáo hoàng

Vị giáo hoàng người Argentina cũng đã tôn vinh ba vị tiền nhiệm của mình: Đức Gioan XXIII (2014), Đức Phaolô VI (2018) và Đức Gioan Phaolô II (2014), ba vị giáo hoàng của thế kỷ XX và Công đồng Vaticanô II. Những lựa chọn này đặc biệt đáng chú ý, vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập nhiều đến Công đồng Vaticanô II, một Công đồng mà ngài tin rằng những thành quả của nó vẫn chưa được phát huy đầy đủ.

 

tt4
 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
DANIEL JANIN / AFP


Lễ tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII đặc biệt mang tính biểu tượng khi quy tụ không dưới bốn vị giáo hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, với sự xuất hiện của Đức Bênêđictô XVI đang nghỉ hưu trong dịp này.

Cặp vợ chồng đầu tiên

Vị giáo hoàng phong phú nhất về mặt công nhận các vị thánh đã tôn vinh nhiều vị với hồ sơ tuyên thánh khác nhau: Ngài đưa vào danh mục các vị thánh cặp vợ chồng đầu tiên được tuyên thánh cùng nhau, Thánh Louis và Zélie Martin (2015), song thân của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ngài cũng đưa vào danh sách này hai thiếu nhi là anh em của nhau, Jacinta và Francisco Marto (2017), hai vị thánh nhỏ tuổi này đều là thị nhân chăn chiên của các cuộc hiện ra ở Fatima và là các vị thánh trẻ tuổi nhất không tử đạo.

 

tt5
Thánh Louis và Zélie Martin với người con gái là Thánh Têrêsa
Public Domain


Có vẻ như những lý do cho điều này thật gần gũi với vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội, người thường thừa nhận rằng vị nữ tu Dòng Cát Minh ở Lisieux là vị thánh yêu thích của ngài, và là người đã bày tỏ sự gắn bó đặc biệt của mình với Fatima, nơi ngài đã viếng thăm hai lần.

Những hồ sơ tuyên thánh không điển hình

Những hồ sơ không điển hình trở nên nổi bật nơi các vị thánh dưới thời Đức Phanxicô, chẳng hạn như vị linh mục Dòng Cát Minh là Titus Bransma (2022), một người Hà Lan đã thành lập trường báo chí đầu tiên ở Châu Âu và là một vị tử đạo thời Chủ nghĩa Quốc xã. Vị giáo hoàng người Argentina cũng đã tìm cách mang đến những kiểu mẫu có nguồn gốc hiếm hoi hơn, như việc tuyên thánh lần đầu tiên cho Sri Lanka nơi cá nhân của Joseph Vaz (2015), và tuyên thánh cho giáo dân đầu tiên của Ấn Độ là Lazarus Devasahayam Pillai (2022). Việc tuyên thánh cho các nhân vật xa xôi, tuy không phải là điều mới lạ trong Giáo Hội, nhưng lại âm vang cùng với sự ưu ái vốn có của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với các vùng ngoại vi.

Những cuộc tuyên thánh tương đương

Đáng chú ý, trong một số trường hợp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng một thủ tục ngoại lệ, ban hành điều gọi là sự tuyên thánh “tương đương”, mà không cần nhìn nhận một phép lạ hay qua nghi lễ tuyên thánh nào.

 

tt6
Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Inhaxiô Loyola, và Thánh Peter Faber, những người đồng sáng lập Dòng Tên
Capture I Compagnie de Jésus


Thủ tục này, chủ yếu được sử dụng trong những trường hợp ở quá khứ xa xôi, chắc chắn đã giúp cho Đức Giáo hoàng tôn vinh cho những nhân vật mà ngài đặc biệt gắn bó. Một ví dụ là Thánh Peter Faber (2013), thành viên của nhóm Dòng Tên đầu tiên làm việc với Thánh Inhaxiô Loyola vào thế kỷ XVI.

Các vị thánh theo tinh thần đại kết

Gần đây nhất, vào tháng 5 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã công bố một sáng kiến mang tính lịch sử. Ngài quyết định bổ sung 21 vị tử đạo Kitô giáo, trong đó có 20 vị Chính thống giáo Coptic - bị ISIS giết hại năm 2015 ở Libya - vào danh sách các vị tử đạo của Rôma.

 

tt7
Biểu tượng của 21 vị tử đạo Kitô giáo bị giết hại ở Libya năm 2015
© Tony Rezk


Mặc dù Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Coptic đã có chung các vị thánh từ những thế kỷ đầu, nhưng đây sẽ là những vị thánh đầu tiên mà cả hai Giáo hội đều công nhận kể từ cuộc ly giáo vào thế kỷ thứ V. Đó là một dấu hiệu đại diện cho “tinh thần đại kết từ sự tử đạo”, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc đến.

 

Tác giả: Anna Kurian - Nguồn: Aleteia (12/02/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

218    13-02-2024