Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Ai Khoẻ, Khoẻ Ai?

Thưa quý độc giả, sau khi có dịp tiếp xúc với hàng trăm đối tượng có nhu cầu khám sức khỏe, tôi buộc lòng tạm gác loạt bài có liên quan đến bệnh tim mạch để dùng trang báo kỳ này cho một đề tài khác cũng không kém phần cấp bách.

Không nhiều thì ít, không ai không muốn giữ gìn sức khỏe. Tuy vậy, với nhiều người, việc gọi là khám sức khỏe định kỳ hiện nay thật không khác gì một hình phạt, tối thiểu vì ba lý do:

- Nhiều phòng khám đa khoa, nhiều trung tâm y tế rõ ràng chưa được tổ chức trên tinh thần... khoa học! Nhiều cấp lãnh đạo phòng khám dường như chưa biết là phép tính chia không chỉ dùng để tính toán thu chi, mà còn dùng để ước tính thời gian chờ đợi của người đến khám bệnh!

- Nhiều người bệnh sau nhiều giờ "vật lộn" với phòng khám chỉ để trở về với kết quả trong tay không biết để làm gì? Phần vì thiếu lời giải thích, phần vì lời diễn dịch nếu có chỉ gây thêm hoang mang theo kiểu "gan nhiễm mỡ", hay đọc lên tưởng là tiếng ngoại quốc theo kiểu "nhịp xoang nhanh đều". Đó là chưa kể đến lời nhận định "chưa thấy dấu hiệu bệnh lý!". Cứ như triệu chứng bệnh còn ẩn nấp đâu đó, cứ như thầy thuốc đang trông chờ căn bệnh như đợi người yêu!

- Nhiều bệnh nhân né tránh việc khám sức khỏe vì không muốn đối đầu với thực tế, vì sợ thầy thuốc qua đó sẽ phát hiện điều mà người bệnh muốn giấu, dù là người bệnh biết rõ hơn ai hết. Điển hình là số đối tượng đang quên trời quên đất bên bàn nhậu rất kỵ khám... gan!

Chương trình khám sức khỏe, dù dưới hình thức nào, dù vì mục tiêu nào cũng đều phải giải quyết được một yêu cầu cơ bản-khám để làm gì, hay khéo hơn nữa-khám để được gì? Trên cơ sở đó, chương trình khám sức khỏe cần được thiết kế một cách linh động, nếu khả thi trên tinh thần "liệu cơm gắp mắm" thì càng tốt cho người bệnh có túi tiền eo hẹp, nhưng mặt khác phải đáp ứng được yêu cầu chẩn đoán. Nhiều chương trình thăm khám sức khỏe trở thành vô ích chẳng qua chỉ vì thầy thuốc không thể đi đến nhận xét cụ thể, hay lời khuyên thực tiễn từ số kết quả xét nghiệm quá phân tán đến độ manh mún. Nói một cách tổng quát, thầy thuốc phải tùy theo nhu cầu cá biệt và khẩn thiết của mỗi đối tượng để chọn lựa một trong các mô hình khám sức khỏe dưới đây:

- Khám sức khỏe tổng quát, qua đó thầy thuốc ấn định một chương trình thăm khám tuy tập trung vào một vài chỉ tiêu cơ bản nhưng của nhiều chức năng trong cơ thể để có cái nhìn sơ bộ và tổng quát về sức khỏe và khuynh hướng bệnh lý của mỗi đối tượng. Mô hình này cần được thực hiện cho người chưa khám sức khỏe như cơ sở để phát hiện bệnh và để so sánh với kết quả của những lần khám sức khỏe kế tiếp.

- Tầm soát bệnh đặc hiệu với nhiều mô hình tuy đơn giản hơn về số lượng xét nghiệm nhưng với chỉ tiêu cụ thể, tùy theo tiền căn bệnh sử và triệu chứng lâm sàng của mỗi người bệnh. Thí dụ, mô hình tầm soát bệnh lao, viêm gan, tiểu đường, cao huyết áp...

- Theo dõi diễn tiến bệnh dựa vào một số chỉ tiêu đặc hiệu để đánh giá mức độ tiến triển của tình trạng bệnh lý đã được xác định trước đó trên người bệnh. Thí dụ, mô hình theo dõi chức năng gan ở người đã được điều trị viêm gan siêu vi, mô hình đánh giá mức độ biến chứng của bệnh tiểu đường trên người "hảo ngọt"...

Muốn được như thế không thể thực hiện chương trình khám sức khỏe một cách đơn điệu theo kiểu hàng năm cứ thế mà làm. Khám sức khỏe khác với báo cáo thành tích cuối năm. Biết là muốn khám sức khỏe cho đúng cách, nghĩa là hữu ích cho người bệnh, sẽ tốn kém nhiều hơn nếu so với thể dạng mỗi năm một lần đến phòng khám để cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng tốn tiền, dù không nhiều, mà không được gì thì vẫn là ném tiền qua cửa sổ?! Thà không khám thì thôi, nhưng đã khám thì chỉ đến gần mục tiêu phục vụ sức khỏe khi được tiến hành có bài bản, ít nhất qua ba công đoạn như sau:

- Thầy thuốc phải tiếp xúc với từng đối tượng trước khi thiết kế mô hình thăm khám sức khỏe cá biệt.

- Bệnh nhân cần được thăm khám, xét nghiệm theo đúng y lệnh của thầy thuốc.

- Thầy thuốc có trách nhiệm giải thích kết quả và hướng dẫn người bệnh về biện pháp phòng ngừa, chỉ tiêu theo dõi, nguyên tắc điều trị bệnh chứng đã được phát hiện và lịch tái khám để kiểm soát diễn tiến.

Chưa hết, bước kế tiếp cũng không kém phần quan trọng chính là quy trình "hồ sơ hóa", qua đó kết quả thăm khám, đặc biệt là dữ liệu xét nghiệm cần được lưu trữ để thầy thuốc có cơ sở so sánh và đánh giá trong những lần khám kế tiếp. Không thể trách nếu người bệnh quẳng tất cả giấy xét nghiệm vào sọt rác vì giữ để làm gì mớ giấy chi chít nhiều điều khó hiểu. Nhưng mặt khác, nhà điều trị làm sao xác minh độ lớn của bóng tim nếu không rõ kích thước của trái tim đã như thế nào vào năm ngoái?! Nếu tổ chức khám sức khỏe mà không có kết quả thống kê thì thà dùng tài khoản đó cho buổi du ngoạn cuối tuần còn có ích hơn cho sức khỏe của nhân viên. Nếu người bệnh không thể tự lo liệu thì phòng khám, phòng y tế cơ quan phải đảm nhiệm công việc này, nhưng với điều kiện là dữ liệu liên quan đến người bệnh phải được bảo mật tuyệt đối. Ngày nào còn cảnh chị y tá hét to trong phòng đợi: "Ông X đến khám bệnh Sida đâu, xin vào phòng số 10!", thì không lạ gì khi bệnh nhân thà xé hết giấy xét nghiệm cho xong.

Chương trình khám sức khỏe ở nhiều nơi sở dĩ không đạt được hiệu quả như mong muốn là vì vai trò của thầy thuốc gia đình, thầy thuốc công ty ở nước ta chưa được triển khai đúng mức, hay nói thành thật hơn, thậm chí chưa được bắt đầu. Vấn đề đã rõ, thậm chí từ lâu! Không lẽ cứ phải tiếp tục như thế! Chắc chắn là không. Biết vậy nhưng giải pháp còn tùy thuộc vào ý thức của người bệnh, nhận thức của cấp lãnh đạo và kiến thức của thầy thuốc?

Có một điều chắc như đinh đóng cột. Ngày nào đối tượng tham gia chương trình được đặt tên là khám sức khỏe còn tần ngần với kết quả trên tay, vì không biết để làm chi, thì người qua đó mà "khỏe" chỉ có thể là... thầy thuốc!

1066    11-01-2011 21:16:36