Chúa Nhật trước, Đức Bênêđíctô XVI đã kết thúc 4 ngày tông du Đức, một cuộc tông du, tùy theo quan điểm mỗi người, có thể đã tạo nên sự ủng hộ cùng khắp (Sandro Magister, ký giả Ý) hay cái ngáp dài cho cả nước (nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Munich với tựa đề: "Ngài tới, ngài nói, ngài làm thất vọng). Đây là cuộc viếng thăm quê hương lần thứ ba của Đức Bênêđíctô, dù đây mới là cuộc viếng thăm chính thức lần đầu, và là cuộc tông du thứ 21 tới các nước ngoài trong triều đại ngài.
Xét theo một bình diện, ta dám nói rằng sự việc đã diễn ra theo đúng thông lệ. Thực vậy, giống như mọi khi, những cuộc biểu tình ồ ạt mà người ta cho biết trước là sẽ xẩy ra, thực sự đã không xẩy ra; trong khi chỉ chừng vài nghìn người biểu tình diễn hành trên đường phố Berlin với những biểu ngữ có tính khôi hài như "Hãy tặng Đức Giáo Hoàng một bao cao xu", thì có tới 320,000 người đã chào đón ngài trong 4 ngày ở Đức. Cũng vậy, các ký giả Ý bạo phổi luôn tạo ra các tin tức không được Đức Giáo Hoàng cung cấp. Các tường trình đôi chút phóng đại về tiếng súng bắn vào không khí trước Thánh Lễ Đại Trào tại Erfurt có ăn khách đôi chút vào hôm Thứ Bẩy, trong khi Chúa Nhật được họ dùng để phao tin, rồi vạch trần, lời đồn đại Đức Giáo Hoàng sẽ từ chức ở tuổi 85.
Có một vài ngạc nhiên thích thú, dù ta vẫn biết rằng Đức Bênêđíctô vốn có khiếu hài hước như ai. Trong bài diễn văn với quốc hội Đức, Đức Giáo Hoàng nhắc tới một nhà trí thức Đức từng thay đổi ý nghĩ lúc đã ngoài 80, rồi nói đùa: "Tôi thấy điều an ủi là ý nghĩ hợp lý hiển nhiên vẫn còn ở tuổi 84!"
Dù cuộc tông du này cho ta nhiều khẩu vị khá quen thuộc, nhưng dọc đường tông du này, vẫn có những cục vàng nhỏ ta cần đề cập tới về triều đại Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô và hướng đi của Giáo Hội. Sau đây là 3 điều ta học được từ cuộc tông du này.
1) Một nhà phê bình văn hóa tuyệt vời
Đố vui: Học Viện Bernardins ở Paris, Đại Sảnh Westminster ở London, và nay trụ sở Reichstag ở Berlin có điểm nào chung? Trả lời: chúng đều là khung cảnh diễn ra những thời khắc oanh liệt nhất trong triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, những thời khắc khi vị giáo hoàng có đầu óc làm kinh ngạc các cử tọa thế tục bằng sức mạnh hùng biện về đức tin, lý trí và các nền tảng của xã hội dân chủ.
Muốn nói gì về Đức Bênêđíctô trong tư cách nhà lãnh đạo tôn giáo thì nói, nhưng rõ ràng ngài là nhà phê bình văn hóa tuyệt vời. Đúng vậy, bài diễn văn ngày 22 tháng 9 trước quốc hội Đức quả xứng với danh hiệu "bài diễn văn hay nhất trong triều giáo hoàng của ngài".
Ngỏ lời với các nhà làm luật Đức, nhưng thực ra là nói chung với nền văn hóa Tây Phương, Đức Bênêđíctô tấn công chủ nghĩa duy nghiệm luận lý, tức quan điểm cho rằng chỉ có khoa học thực nghiệm mới được kể là kiến thức thực sự và rằng mọi chủ trương luân lý đều có tính chủ quan. Đức Giáo Hoàng cho rằng quan điểm ấy rất phổ biến, nhưng không thỏa đáng làm căn bản cho một xã hội công chính. Ngài nói rằng không tin vào một hình thức luật tự nhiên nào đó, thì không thể có một nền tảng nào cho nhân quyền phổ quát cả. Điều ấy có nghĩa "nhân loại đang bị đe dọa", vì điều duy nhất còn lại làm căn bản cho luật lệ và chính trị chỉ là ý muốn quyền lực thô thiển.
Đức Bênêđíctô XVI nói rằng quá khứ Quốc Xã của Đức là một nhắc nhớ hết sức sống động cho thấy điều gì sẽ xẩy ra khi "quyền lực ly dị khỏi quyền lợi".
Theo Đức Giáo Hoàng, vai trò của các nhóm tôn giáo không phải là "áp đặt luật mạc khải lên nhà nước và xã hội", nhưng đúng hơn là đề cao "thiên nhiên và lý trí" như những nguồn đáng tin cho các quyết định luân lý liên quan đến trật tự xã hội, trong đó, ngài nhấn mạnh tới việc tôn trọng tính đa nguyên và tính đa dạng.
Trong phạm vi này, Đức Bênêđíctô gây nhiều ngạc nhiên, và đôi khi còn văn hoa bóng bẩy nữa. Trước quốc hội Đức, người ta ngạc nhiên khi nghe ngài ca tụng phong trào môi sinh mà theo ngài là đại biểu cho "tiếng kêu đòi không khí tươi mát", vì hiểu ra rằng thiên nhiên quả có chứa một la bàn luân lý. (Điều nghịch lý là các dân biểu Đảng Xanh lại thuộc nhóm 70 chính khách tẩy chay bài diễn văn này). Tính văn hoa của Đức Bênêđíctô hiện rõ trong lời ngài ví chủ nghĩa duy nghiệm như "một pháo đài bằng bêtông không có cửa sổ", một thứ pháo đài không để một chút ánh sáng tự nhiên nào của luân lý và chân lý thiêng liêng lọt qua.
Các cơ sở truyền thông thế tục, ngay cả những cơ sở thông thường rất khó tính, cũng phải ca ngợi bài diễn văn đó. Tờ Der Spiegel cho nó "can đảm" và "sáng suốt" trong khi tờ Bild trích dẫn một nhà làm luật danh tiếng cho rằng bài diễn văn này là "một kiệt tác". Ngay tờ Die Welt cũng phải miễn cưỡng nhận rằng bài diễn văn này "không hoàn toàn thiếu khôn khéo". Một điều lý thú nữa cho thấy sự thành công của Đức Bênêđíctô XVI là sự kiện tờ Guardian cánh tả ở London cho đăng một nhận định dài về bài diễn văn của ngài, trong đó họ khuyến khích các nhà môi sinh thế tục từ bỏ những thiên kiến coi ngài như "một giáo sư Đức đầy câu nệ và ẩn ức"
Ở những diễn đàn ấy, Đức Bênêđíctô XVI cũng trổi vượt cả về phong thái. Ngài lúc nào cũng lịch thiệp và trầm tư, ngược hẳn với những anh chàng khóac lác và ý thức hệ đang nhởn nhơ trong sinh hoạt công cộng. Nói theo thuật ngữ gần đây của George Weigel, ngài tỏ ra là "người trưởng thành đầu tiên của thế giới".
Điều này đem lại một nét đầy khích lệ cho những người Công Giáo đang cố gắng chuyển dịch và lay động người khác khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, các tranh chấp mâu thuẫn đang khuấy động trong Giáo Hội, một điều được Đức Bênêđíctô nhìn nhận đâu đó ở Đức khi cho rằng điều nhực nhã do cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục gây ra đôi lúc đã che khuất cả "điều nhục nhã" của đức tin, tức cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, sự sống lại của Người, và đời sống vĩnh cửu. Dù thế, khi một nhà lãnh đạo Công Giáo có điều gì xác đáng cần phải nói, và đã tìm được cách nói ra một cách vừa đúng lúc vừa hữu hiệu, thì ngài vẫn có thể khiến người ta phải suy nghĩ.
2) Tương lai đại kết: hợp tác, chứ không hiệp thông.
Việc Đức Bênêđíctô trở lại quê hương của Luther chắc chắn được nhiều người theo dõi để lượng định tác động của nó đối với mối liên hệ đại kết, nhất là với các giáo hội Thệ Phản của Phong Trào Cải Cách. Về điểm này, phải thành thực nói rằng ngài nhận được nhiều phản ứng lẫn lộn.
Đức Giáo Hoàng rõ ràng cho thấy cam kết của ngài đối với đại kết khi chủ tọa buổi cầu nguyện với một giám mục của phái Luther tại đan viện Erfurt, nơi Martin Luther từng thụ phong làm đan sĩ dòng Augustinô. Đức Giáo Hoàng lớn tiếng ca ngợi việc Luther say mê tìm hiểu lòng thương xót của Chúa, và Đức TGM Robert Zollitsch, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, còn nói rằng Đức GH yêu cầu ngài tìm mọi cách có thể để Giáo Hội Công Giáo tham dự việc cử hành kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách Thệ Phản vào năm 2017, một nét hết sức thân thiện của vị Giám Mục Rôma.
Ấy thế nhưng, Đức Bênêđíctô không đưa ra bất cứ khai thông nào, ngay cả một dấu hiệu mềm giẻo cũng không, về những điểm tranh cãi còn lại trong các liên hệ giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Luther, như việc rước lễ qua lại hay hôn nhân hỗn hợp. Đối với những ai tin rằng các vấn đề này là điều kiện tiên quyết đối với bất cứ tiến độ đại kết nào, thì chuyến viếng thăm này quả không làm họ thoả mãn bao nhiêu.
Chuyên gia Klaus Krämer, chẳng hạn, viết rằng Đức Bênêđíctô vẫn cho "Giáo Hội Công Giáo là 'con tầu tuần la' trong khi Giáo Hội Thệ Phản chỉ là 'con tầu chở hàng' phải đi theo đường đi của Vatican". Tờ Frankfurter Rundschau còn gay gắt hơn nữa, gọi chuyến tông du này là một "thảm họa đại kết" và cách Đức Bênêđíctô tiếp cận với người Thệ Phản là "hết sức nửa vời, kẻ cả và chai đá".
Trong bài diễn văn với các nhà lãnh đạo Thệ Phản ở Erfurt, Đức Bênêđíctô nhận diện 2 ưu tiên đối với các liên hệ đại kết trong thế kỷ 21:
a) "Một địa dư mới cho Kitô Giáo", hình như Đức GH muốn nói tới sự lớn mạnh đáng kể của Kitô Giáo Ngũ Tuần và Tin Lành trên khắp thế giới, nhất là tại Nam Bán Cầu. Ngài gọi nó là "một hình thức Kitô Giáo rất ít chiều sâu định chế, rất ít lý tính và càng ít nội dung tín lý hơn nữa, cũng như ít ổn định", hàm ý rằng bất chấp khác nhau ra sao, người Công Giáo và người Luthêrô cũng vẫn có nhiều điểm chung với nhau hơn là với những giáo hội như "Giáo Hội Của Thánh Linh Chúa Kitô" thuộc Ngũ Tuần Ba Tây.
b) Chủ nghĩa thế tục ở Tây Phương, nơi "Thiên Chúa càng ngày càng bị đẩy ra khỏi xã hội" và trình thuật mạc khải như được thuật lại trong Thánh Kinh bị "khóa cứng vào một quá khứ càng ngày càng xa lắc". Ngài cho rằng: chủ nghĩa này đặt mọi Kitô hữu vào cùng một con thuyền, hệt như trước đây có lần họ đã phải đương đầu với sự đe dọa của Quốc Xã và như chứng tá tử đạo đã phát sinh ra phong trào đại kết của thế kỷ 20 thế nào, thì theo ngài, ngày nay, đức tin chung trong một thế giới duy tục cũng đang là "sức mạnh đại kết mạnh mẽ nhất đem chúng ta lại gần nhau hơn"
Từ cuộc tông du Đức lần này, điều xem ra hiển nhiên là Đức Bênêđíctô XVI coi việc hợp tác để đương đầu với các thách đố bên ngoài kia là tương lai cận kề của phong trào đại kết, và do đó, không phải sự hợp nhất về cơ cấu, một hợp nhất có thể dẫn tới hiệp thông bên trong. Nói cách khác, nghị trình đại kết nên hướng ra bên ngoài (ad extra) hơn là hướng vào bên trong (ad intra).
3) Một cơ sở chung để cải cách?
Dù Đức Bênêđíctô có thể không muốn thế, nhưng cuộc tông du của ngài nhắc cho người ta nhớ: không phải chỉ có người Thệ Phản bất mãn, mà trong số người Công Giáo Đức, không thiếu người không hài lòng. Thí dụ, Christian Wulff, tổng thống Đức, một người Công Giáo ly dị và tái hôn theo dân luật, đã thẳng thừng nói với Đức Giáo Hoàng vào hôm Thứ Sáu rằng: "Nhiều người tự hỏi Giáo Hội đối xử một cách xót thương ra sao đối với những người đang chịu đựng các cuộc đổ vỡ trong đời họ", và lên tiếng khuyên Giáo Hội "nên gần gũi với người ta chứ đừng quay vào chính mình".
Tại Freiburg, hàng chục nghìn người trẻ Công Giáo đã tổ chức buổi canh thức đêm vào Thứ Bẩy, để chờ Thánh Lễ cuối cùng của Đức Giáo Hoàng. Như để khởi động gây sôi nổi, ban tổ chức có phân phối các chiếc gậy xanh đỏ có thể bơm hơi được và yêu cầu mọi người sử dụng chúng để trả lời một cuộc trưng cầu không chính thức, bằng cách giơ gậy xanh để trả lời "có" và gậy đỏ để trả lời "không".
Đối với câu "Tôi mô phỏng đời tôi theo các tiêu chuẩn được Rôma đưa ra", một làn sóng lớn mầu đỏ xuất hiện trong đám đông. Tuy nhiên đối với câu "Xưng tội không đóng bao nhiêu vai trò trong đời tôi" và câu "Phụ nữ ít được lãnh trách nhiệm trong Giáo Hội" thì mầu trổi vượt là mầu xanh. Mầu đỏ lại trổi vượt khi tới câu hỏi "Thực hành đồng tính luyến ái có phải là một tội hay không?"
Trong một hậu cảnh như thế, bài diễn văn ngày 25 tháng 9 của Đức Bênêđíctô tại Nhà Hát Freiburg, trước nhiều thành phần Công Giáo khác nhau "có can dự vào Giáo Hội và xã hội" quả là độc đáo trong các diễn văn của Đức Giáo Hoàng.
Thực vậy, ngài thẳng thừng đề cập tới các thực tại xã hội: "Từ nhiều thập niên qua, chúng ta trải nghiệm một sự sa sút trong thực hành tôn giáo và chứng kiến số lớn người rửa tội xa rời dần đời sống Giáo Hội". Sau đó, ngài đặt cho họ một câu hỏi từng được chính các nhà cải cách đặt ra "Há Giáo Hội không phải thích ứng các chức vụ (offices) và cơ cấu của mình vào thời nay sao, để có thể vươn tới những con người hoài nghi và đang tìm tòi lúc này?"
Để trả lời, Đức Bênêdđíctô nói rằng mày mỏ sửa chữa cơ cấu Giáo Hội không phải là giải đáp. Ý ngài muốn nói: cải cách thực sự phải là cải cách nội tâm và tâm linh, chứ không phải là cải cách bên ngoài có tính cơ cấu. Ngài trưng dẫn Mẹ Têrêxa, người có lần đặt câu hỏi: điều đầu tiên cần thay đổi trong Giáo Hội là điều nào. Câu trả lời nổi tiếng của Mẹ là "bạn và tôi".
Đây là một nhận định khá quen thuộc, dường như muốn cho thấy một hố phân cách không thể bắc cầu giữa hai mô thức cải cách: mô thức cơ cấu và mô thức tâm linh. Hình như Đức Bênêđictô có ám chỉ tới hố phân cách này khi ngài cho rằng kẻ bất khả tri một cách thành thực có giá trị hơn là một tín hữu hâm hấp chỉ nhìn Giáo Hội dưới khía cạnh định chế.
Nhưng, bất chấp hố phân cách biểu kiến ấy, quan điểm của Đức Bênêđíctô về cải cách có một khúc quanh đặc biệt khiến người ta nghĩ là có thể có điểm giao thoa giữa cuộc cải cách cơ cấu và cuộc cải cách tâm linh: lòng say mê của ngài đối việc giảm thiểu quyền lực và các đặc ân của Giáo Hội.
Trong bài diễn văn tại Nhà Hát Freiburg, Đức Bênêđíctô kêu gọi Giáo Hội tiếp nhận "cái nghèo phần đời" để "chứng tá truyền giáo rạng rỡ hơn". Ngài còn tiến xa đến độ cho rằng xét theo lịch sử, thế tục hóa từng là một tác nhân cải cách, vì nó giải thoát Giáo Hội khỏi "các gánh nặng và đặc ân vật chất và chính trị"
Như Sandro Magister từng nhận xét "Trước đây chưa bao giờ ngài (Đức Bênêđíctô) lại làm nổi bật lý tưởng một Giáo Hội nghèo về cơ cấu, về của cải, về quyền lực như thế".
Nói cách khác, cuộc tông du Đức có thể bật mí một cơ sở chung giữa Đức Giáo Hoàng và các lực lượng cải cách, một sức ép giúp Giáo Hội khiêm nhường hơn, một Giáo Hội biết nói với thế giới trong thân phận nghèo hơn là tư thế quyền lực. Có lẽ chỉ ở đấy mới có đối thoại thực sự.
Vũ Văn An
Theo John L. Allen Jnr, National Catholic Register, Sep 30, 2011 (nguồn vietcatholic.org)