Bài 10
CON NGƯỜI SA NGÃ
(x. SGLC từ 385 đến 412).
"Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,18-19).
Thiên Chúa vô cùng tốt lành đã tạo dựng mọi sự thật tốt đẹp, nhưng thực tế thường ngày lại cho thấy những giới hạn và bất toàn của thiên nhiên, những bất công và xấu xa trong xã hội ; và những con người gian ác. Niềm tin Kitô giáo giải thích như thế nào ? Những thắc mắc của ông Gióp về đau khổ và của thánh vịnh gia về những người gian ác (Tv 72,3-12) chỉ được giải đáp nơi Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhờ Người, "mầu nhiệm của sự gian ác" (2Tx 2,7) được sáng tỏ dưới ánh sáng của "mầu nhiệm của đạo thánh" (1Tm 3,16). Khi từ cõi chết sống lại, Ðức Giêsu Kitô đã đổ tràn ân sủng trên thế giới tội lỗi (Rm 5,21) bởi vì Người là Ðấng duy nhất chiến thắng sự ác (Lc 11,21-22 ; Ga 16,11 ; 1Ga 3,8) "Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm" (MV 22).
I. Tội lỗi và ân sủng.
Ngày nay người ta có khuynh hướng giải thích tội lỗi như là sự thiếu trưởng thành, sự yếu đuối của tâm hồn, là sự lầm lẫn, là hậu quả đương nhiên của hoàn cảnh xã hội. Thật ra con người phạm tội, vì đã lạm dụng tự do Chúa ban, mà không vâng phục lệnh truyền của Người, từ chối tình yêu của Người. Tội lỗi là từ khước Thiên Chúa và đặt mình đối nghịch với Người. Nên muốn hiểu tội lỗi là gì, cần phải đặt tội lỗi trong tương quan với Thiên Chúa - Ðặt mình trước mặt Thiên Chúa, con người không những nhận ra tội lỗi của mình, mà còn cảm nhận được lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa, để quay về với Người và dấn bước theo Người (Lc 5,8-11 ; Ga 8,11). Tội lỗi đã xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử nhân loại. "Ðược thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13). Sách Sáng Thế (3,1-15) đã nói đến việc sa ngã của con người đầu tiên, nhưng ý nghĩa sâu xa của câu chuyện sa ngã chỉ được bày tỏ trọn vẹn nơi Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại, để trở thành Cứu Chúa duy nhất của toàn thể nhân loại (Cv 4,12). Tin nhận Chúa Kitô, Adam mới, là nguồn mạch ân sủng của sự sống, thì sẽ nhận ra Adam là nguồn mạch tội lỗi đưa đến cái chết.
II. Ma quỷ gây ra tội lỗi.
Con người phạm tội, nhưng con người không phải là tạo vật đầu tiên chống lại Thiên Chúa. Con người phạm tội, vì đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, "vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu" (1Ga 3,8), ma quỷ có tên là Xa-tan. Xa-tan cùng với đồng bọn đều là những thiên thần tốt lành được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, nhưng đã trở nên xấu xa, vì đã chống lại Thiên Chúa cách dứt khoát. Họ đã từ chối Thiên Chúa cách vĩnh viễn và trở thành thù địch với con người, nhằm mê hoặc con người vào con đường xấu xa giống như họ. Nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, để trợ giúp và giải thoát con người khỏi áp lực của ma quỷ. "Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ" (1Ga 3,8). Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoành hành trên thế giới cho đến ngày tận thế, nhưng những ai tin vào Ðức Giêsu Kitô đều chiến thắng ma quỷ (1Ga 5,5). Ðức Giêsu Kitô không những mạnh hơn ma quỷ (x.Lc 11,22) thống trị chúng (qua các lần trừ quỷ mà Tin Mừng kể lại), nhưng nhờ cái chết và cuộc sống lại của Người, ma quỷ đã bị đánh bại (x.Ga 12,31) để chờ ngày "Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài" (1Gr 15, 25; x.Tv 110, 1).
III. Tội Nguyên Tổ.
1. Con người bị thử thách và sa ngã Ðược dựng nên cách Thánh Thiện để sống hòa hợp với Thiên Chúa và với vạn vật, con người đã lạm dụng tự do để làm theo ý mình mà không theo ý Chúa, muốn coi mình hơn Thiên Chúa mà mất tin tưởng và không vâng phục Người. Ðó là tội đầu tiên của con người. Tội đầu tiên này sẽ lôi kéo theo muôn vàn tội lỗi của mọi người qua các thời đại. Khi phạm tội từ bỏ Thiên Chúa. Ðấng duy nhất tốt lành (x.Mt 19,17), con người tự ý nhận lấy mọi hậu quả xấu xa của tội lỗi.
2. Hậu quả tội nguyên tổ. Sau khi sa ngã, ông bà nguyên tổ mất quân bình khi thấy mình trần truồng (x.St 3,7), chạy trốn Thiên Chúa (x.St 3,8), tương quan giữa hai người không còn bình đẳng hòa hợp như trước (x.St 3,16), đất đai đã chống lại con người, và con người phải vất vả cực nhọc mới chinh phục được thiên nhiên. Cuối cùng, thì con người phải trở về bụi đất (x.St 3,18-19). Như vậy, hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là mất tình nghĩa với Thiên Chúa (ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy). Ðánh mất sự hòa hợp với Thiên Chúa, con người bị chia rẽ và xáo trộn nơi chính bản thân mình, mất hòa bình với người khác và xung khắc với vạn vật. Và hậu quả bi đát nhất là : con người phải chết. Cái chết đã đến với con người, nên làm người ai cũng phải chết (x.ra 5,12). Và từ tội đầu tiên này, tội lỗi đã lan tràn và thống trị khắp thế giới. "Nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng, mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Ðấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thọ tạo (MV 13).
3. Tội nguyên tổ truyền lại cho con cháu. Con người đầu tiên là Adam đã phạm tội mất tình nghĩa với Thiên Chúa, nên tất cả con cháu thuộc dòng giống loài người, đều sinh ra trong tình trạng tội lỗi của Adam. Bởi vì Adam đã nhận được ơn Thánh thiện và công chính ban đầu, không chỉ cho một mình ông, nhưng cho toàn thể nhân loại. Vậy một khi Adam đã đánh mất đặc ân đó vì tội mình, thì nhân loại sinh ra từ Adam cũng không còn được ở trong tình nghĩa hòa hợp với Thiên Chúa. Tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa của mọi người sinh ra ở đời này, ta gọi là tội tổ tông truyền. "Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12). Nhưng nếu tội lỗi và sự chết xâm nhập mọi người, thì ân sủng và sự sống của Chúa Kitô cũng tràn ngập tất cả nhân loại. ( Rm 5,18 )
4. Bản tính con người bị tổn thương do tội lỗi. Chính vì mọi người sinh ra trong tình trạng mất ơn Thánh Thiện và Công Chính ban đầu, nên bản tính con người đã bị tổn thương, suy yếu và hướng về điều xấu. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô ban qua Thánh Tẩy, xóa sạch tội lỗi, đưa ta vào trong ơn nghĩa thân tình với Chúa, nhưng tính suy yếu và nghiêng chiều về sự ác vẫn tồn tại nơi bản tính con người. Như vậy, và con người phải luôn sẵn sàng chiến đấu để thắng vượt tội lỗi.
IV. Lời Hứa Ban Ơn Cứu Ðộ.
Thiên Chúa là Ðấng toàn Năng và trung tín, không những đã không bỏ rơi con người sau khi sa ngã, nhưng còn tìm đến với con người (x.St 3,8), và kêu gọi họ tin tưởng là sự ác sẽ bị đánh bại (x.St 3,15) và con người sẽ lại được phục hồi phẩm giá. Chính Chúa Kitô Cứu Thế đã phục hồi phẩm giá con người cách k?iệu hơn cả phẩm giá lúc được sáng tạo (x. Lời nguyện nhập lễ, Lễ giáng Sinh ngày). Thật ra tội lỗi con người không làm hỏng chương trình của Thiên Chúa, mà là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Người, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích của mình là : sự sống muôn đời, "Thế Giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì ; thế Giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn" (MV 12). Chiến thắng tội lỗi do Chúa Kitô thực hiện, đã mang lại cho chúng ta những lợi ích lớn lao hơn là những lợi ích mà tội đã làm mất đi. "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20) - "Ôi ! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Ðấng Cứu Tinh cao cả dường này" (Bản công bố Tin Mừng Phục Sinh, canh thức vượt qua).
V. Hệ Luận Mục Vụ.
"Có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội" (MV 10) "Mọi sinh hoạt hằng ngày của con người đang lâm nguy vì kiêu ngạo, và lòng ích kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô" (MV 37). Như vậy tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng xấu xa của tội lỗi. Cuộc sống con người trên trần gian trở thành cuộc chiến đấu chống lại sự ác dưới mọi hình thức, nơi bản thân cũng như nơi xã hội, để đạt tới sự tốt lành như Thiên Chúa muốn. Trong cuộc chiến khốc liệt và kéo dài suốt đời này, luôn có Chúa Kitô đồng hành và trợ giúp con người. "Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao" (Ep 6,12). Nên chúng ta "hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ" (Ep 6,11).