Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bài 18: Hội Thánh Trong Chương Trình Cứu Độ Của Thiên Chúa

Bài 18
HỘI THÁNH
TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ÐỘ CỦA THIÊN CHÚA.
(x. SGLC từ 0748 đến 0801).

"Với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ. Hội Thánh đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Hội thánh là mầm mống và khai nguyên Nước ấy ở trên trần gian". (GH 5).

I. Danh Xưng

1. Danh xưng:

Từ Hội Thánh (do động từ Hy Lạp ekkalein) nghĩa là một cuộc hội họp. Nó chỉ những cuộc tập họp dân chúng, thường có tính cách tôn giáo. Ðây là từ ngữ thường được dùng trong bản Kinh Thánh Cựu Ước Hy Lạp, chỉ cuộc tập họp dân tuyển chọn trước Thiên Chúa, cách riêng cuộc tập họp ở Xinai của dân Israel để nhận lề luật và được Thiên Chúa thiết lập như dân thánh của Người (x.Xh 19). Tự gọi mình là Hội Thánh, cộng đoàn tiên khởi những người tin Chúa Kitô nhận biết mình thừa kế cuộc tập hợp đó. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa tập hợp Dân Người từ khắp cùng bờ cõi trái đất.

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ Hội Thánh chỉ:

  • Cuộc tập họp Phụng vụ (x.1 Cr 11,18)
  • Nhưng cũng là một cộng đồng địa phương.
  • Hay cũng là một cộng đồng các tín hữu toàn cầu.


Ba nghĩa nầy thực tế khó tách rời. Hội Thánh chính là Dân Thiên Chúa được tập hợp trong toàn thế giới. Hội Thánh có mặt tại những cộng đồng địa phương, và thể hiện như một tập hợp Phụng Vụ, đặc biệt khi cử hành Thánh Thể.

2. Biểu tượng:

Mầu nhiệm Hội Thánh quá phong phú không thể diễn tả vắn gọn. Vì thế Kinh Thánh đã dùng nhiều hình ảnh như biểu tượng để diễn tả một thực tại phong phú lạ lùng:

  • Hội Thánh là chuồng chiên với cửa vào duy nhất là Chúa Kitô.
  • Hội Thánh cũng là đoàn chiên mà chủ chăn là Thiên Chúa.
  • Hội Thánh là đất trồng, là cánh đồng của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,9)
  • Hội Thánh là công trình xây dựng của Thiên Chúa (x.1Cr 3,9).
  • Hội Thánh là nhà Thiên Chúa (x.1Tm 3,15).
  • Hội Thánh là Giêrusalem mới.
  • Hội Thánh là Giêrusalem trên trời (xGl 4,26).
  • Hội Thánh là Hiền Thê không tì vết của Con Chiên (x.Kh 19,7).


II. Nguồn gốc, nền tảng và sứ mệnh của Hội Thánh.

1. Nguồn gốc:

Ðể đào sâu mầu nhiệm Hội Thánh, ta suy niệm trước hết nguồn gốc Hội Thánh trong chương trình của Ba Ngôi cực thánh và việc thể hiện chính mình từ từ trong lịch sử. Bằng sự sắp đặt hoàn toàn tự do và nhiệm mầu của thượng trí và tình thương. Thiên Chúa hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ, nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh. Gia đình của Thiên Chúa được cấu tạo và thể hiện dần dần theo dòng lịch sử. Thực tế từ khởi thủy, Hội Thánh đã được tiên báo bằng hình bóng, chuẩn bị k� diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống và vào ngày tận cùng, sẽ được kết thúc trong vinh quang.

a. Hội Thánh được biểu thị trước từ khởi thủy: Thiên Chúa đã dựng nên thế giới để thông hiệp vào sự sống thần linh, sự hiệp thông được thực hiện bởi việc tập họp mọi người trong Chúa Kitô. Sự tập hợp nầy chính là Hội Thánh.

b. Hội Thánh được chuẩn bị trong Cựu Ước: Cuộc triệu tập dân Chúa khởi đầu lúc tội lỗi tiêu diệt sự hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa và con người với nhau. Sự triệu tập Hội Thánh có thể nói là phản ứng của Thiên Chúa đối lại sự hỗn loạn gây nên bởi tội. Cuộc chuẩn bị xa cho việc triệu tập dân Thiên Chúa nầy khởi đầu bằng việc tuyển chọn Ít-ra-en như dân của Thiên Chúa (x.St 12,2). Các ngôn sứ loan báo một giao ước mới, vĩnh cửu. Chúa Kitô đã thiết lập giao ước đó.

c. Hội Thánh được Chúa Kitô thiết lập: Ðến giờ viên mãn Chúa Con thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ðức Giêsu khởi đầu Hội Thánh khi rao giảng Tin Mừng. Tiếp nhận lời Ðức Giêsu là tiếp nhận Nước Trời, và Hội Thánh là Nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm. Ðức Giêsu đã cho cộng đoàn của Người một cấu trúc sẽ còn tồn tại mãi cho đến ngày hoàn tất Nước Chúa. Trước hết là tuyển chọn 12 môn đồ mà Phêrô là thủ lãnh. Thay mặt 12 chi tộc Ít-ra-en, họ là những tảng đá của Giêrusalem mới. Nhưng Hội Thánh chủ yếu được phát sinh từ sự tận hiến của Chúa Kitô cho phần rỗi chúng ta, được thực hiện trước trong việc thiết lập Bí Tích Thánh Tẩy và thể hiện trên thập giá. Sự khai nguyên và phát triển Hội Thánh được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ðức Giêsu chịu đóng đinh (x.GH 3).

d. Hội Thánh được Chúa Thánh Thần giới thiệu: Khi công trình Chúa Cha trao cho Chúa Con đã hoàn thành trên trần thế, ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần lại được gởi đến để thánh hóa Hội Thánh luôn mãi. Khi đó Hội Thánh công khai xuất hiện trước công chúng. Ðể thực hiện sứ mạng. Chúa Thánh Thần trang bị và hướng dẫn Hội Thánh nhờ ơn phẩm trật và đoàn sủng (x.GH 4).

e. Hội Thánh hoàn tất trong vinh quang. Hội Thánh chỉ được hoàn tất trong vinh quang trên trời (x. GH 48). Hội Thánh sẽ được hoàn thành trong vinh quang nhưng đầy cam go. Khi đó mọi người công chính từ Ađam, Abel đến người cuối cùng được tuyển chọn, sẽ qui tụ trong Hội Thánh toàn thể bên cạnh Ðức Giêsu (x. GH 2).

2. Nền tảng:

Mầu nhiệm Hội Thánh. Hội Thánh ở trong lịch sử nhưng đồng thời lại vượt trên lịch sử. Chỉ với con mắt đức tin chúng ta mới có thể nhìn ra nơi những thực tại hữu hình của Hội Thánh, một thực tại thiêng liêng đầy sức sống thần linh. Hội Thánh vừa hữu hình vừa thiêng liêng. Hội Thánh đồng thời là:

  • Xã hội có phẩm trật và nhiệm thể Chúa Kitô.
  • Tập họp hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng.
  • Hội Thánh trần thế và Hội Thánh được trang điểm bằng những ân điển trời cao.

Những chiều kích nầy cùng làm nên "một thực tại phức tạp bao gồm hai yếu tố nhân loại và thần linh" (GH 8).

3. Sứ Mạng:

- Hội Thánh: mầu nhiệm hiệp thông con người và Thiên Chúa. Kế hoạch của Thiên Chúa: "thâu gồm tất cả nơi Chúa Kitô" (Ep 4,10). Thánh Phaolô gọi cuộc hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh là "mầu nhiệm lớn lao" (Ep 5,32). Hội Thánh hiệp nhất với Chúa Kitô như chàng rể.
- Hội Thánh: Bí tích phổ quát về ơn cứu độ. Hội Thánh là Bí tích, nghĩa là dấu hiệu, dụng cụ của Chúa Kitô, nhằm cứu độ mọi người (x. GH 48).

III. Hội Thánh dân Thiên Chúa.

"Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x.Cv 10,35). Tuy nhiên Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm dân của Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần. Tuy nhiên những điều ấy chỉ là hình bóng của giao ước mới là hoàn hảo hơn sẽ được ký kết trong Chúa Kitô. Chính giao ước mới trong máu Ngài. Ngài kêu gọi một dân gồm những người Do Thái và lương dân (GH 9). Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, mang trách nhiệm thừa sai và phục vụ, khơi nguồn từ ba chức năng đó.

  • Tư tế: khi gia nhập dân Thiên Chúa nhờ đức tin và Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta dự vào ơn gọi tư tế. Chúa Kitô đã tạo nên những tư tế cho Chúa Cha từ dân tộc mới... những người được thánh tẩy, được Thánh Thần xức dầu, để trở thành tư tế thánh thiện (x. GH 10).
  • Ngôn sứ: khi dân thánh vĩnh viễn gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh và đào sâu hiểu biết về đức tin họ trở thành chứng tá cho Chúa Kitô giữa thế giới nầy.
  •  Vương đế: Chúa Kitô thực hiện vương quyền của Ngài khi lôi kéo mọi người đến với Ngài nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Kitô là vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở thành tôi tớ của mọi người, Ngài "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28). Vì vậy với Kitô hữu "cai trị là phục vụ" (GH 36). Dân Thiên Chúa thể hiện phẩm tính vương đế khi sống ơn gọi phục vụ.


IV. Hội Thánh: Thân mình Chúa Kitô.

- Hội Thánh hiệp thông với Chúa Kitô: Từ ban đầu Ðức Giêsu cho các môn đệ tham dự cuộc sống của Ngài: mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời: cho tham dự sứ vụ, niềm vui và những thống khổ của Ngài: Ngài còn mời gọi hiệp thông sâu xa hơn: "Hãy ở lại trong Thầy... Thầy là cây nho, các con là cành" (Ga 15,4-5). "Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6,56). Hội Thánh không chỉ qui tụ mà còn hiệp nhất trong một thân mình với Chúa Kitô.

- Hiệp nhất giữa các phần thân thể nhờ hiệp nhất với Chúa Kitô. "Trong thân thể nầy sức sống của Chúa Kitô luôn tràn qua các tín hữu" (GH 7). - Chúa Kitô là Ðầu thân thể: Chúa Kitô "là Ðầu của thân thể, nghĩa là Ðầu của Hội Thánh" (Cl 1,18) "Ngài đứng hàng đầu trong mọi sự" (Cl 1,18) chủ yếu là trên Hội Thánh, qua đó Ngài mở rộng vương quốc Ngài.

- Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô: Tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, tức đầu và các chi thể, luôn được diễn tả bằng hình ảnh bạn tình (phu quân và hiền thê) các ngôn sứ đã chuẩn bị và Gioan Tiền Hô đã loan báo chủ đề Chúa Kitô là phu quân (x. Mc 2,19). Thánh Phaolô giới thiệu Hội Thánh và mỗi tín hữu như "hiền thê" đã "đính hôn" với Chúa Kitô để nên một thần trí với Ngài (x. 1Cr 6,15-16).

V. Hội Thánh là đền thờ Chúa Thánh Thần.

"Linh hồn có vai trò đối với thân xác con người thế nào, thì Thánh Thần cũng có vai trò như vậy đối với Hội Thánh, Thân Mình Chúa Kitô" (Thánh Âu tinh). Chính Thần Khí Chúa Kitô, như một nguyên lý ẩn giấu, đã nối kết mọi phần thân thể với nhau cũng như với đầu, vì Ngài hiện diện hoàn toàn nơi đầu, hoàn toàn nơi thân thể, cũng như hoàn toàn trong mọi chi thể. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở thành "đền thờ sống động của Thiên Chúa" (2Cr 6,16) bởi Ngài hiện diện trong mỗi phần tử và trong toàn thân.

VI. Sống trong Hội Thánh.

1. Hội Thánh là dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không cứu độ con người cách riêng lẻ, nhưng đã qui tụ họ thành một Dân. Ý thức nầy, phải thúc đẩy chúng ta rũ bỏ chủ nghĩa cá nhân trong đời sống đức tin, và sống tinh thần cộng đoàn nhiều hơn. Mỗi người có một trách nhiệm nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung.

2. Công đồng Vaticanô II gọi Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau. Hơn ai hết, người Kitô hữu phải là người xây dựng sự hiệp nhất, yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.

 

9062    31-01-2011 10:36:44