BÀI 2
THIÊN CHÚA ÐẾN GẶP CON NGƯỜI
MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 50 đến 73).
Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (Ep 1,9). Nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô. Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (Ep 2, 18; 2Pr 1,4) - Trong việc mặc khải nầy, với tình thương chan chứa của Ngài. Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Xh 33,11; Ga 15, 14-15). Ngài đối thoại với họ (Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mặc khải nầy được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết với nhau". (MK 2).
I. Thiên Chúa muốn đến gặp gỡ và tỏ mình cho con người.
Chúng ta không thể hiểu và cảm thông với một người, nếu người đó không bày tỏ những tình cảm những lời nói cũng như bằng cử chỉ, thái độ. Ðối với Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Làm thế nào mà nhận biết Thiên Chúa vốn là "Thiên Chúa ẩn mình" (Is 45,15), "ngự trong ánh sáng siêu phàm. Ðấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy" (1 Tm 6,16), nếu chính Thiên Chúa không đoái thương tỏ mình ra và ban mình cho con người? Vì yêu thương, Thiên Chúa tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. "Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Ðức Giêsu Kitô" (Ga 17,3). Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để con người tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ.
II. Thiên Chúa mặc khải qua lịch sử cứu độ.
"Bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau" (MK 2), trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa mặc khải chính mình qua công trình tạo thành, đặc biệt là qua con người vốn là hình ảnh của Người. Người đã sống thân mật với ông bà nguyên tổ, và sau khi ông bà phạm tội. Người vẫn tìm đến và hứa ban ơn cứu độ. Lời hứa cứu độ được Thiên Chúa nhắc lại và cũng cố, qua các giao ước với ông Noê, với tổ phụ Áp-ra-ham. Dân Ít-ra-en được tuyển chọn với giao ước tại Xi-nai, và nhờ các ngôn sứ. Người đã chuẩn bị họ đón nhận Ðấng Cứu Thế được hứa cho toàn thể nhân loại. Bằng đường lối sư phạm tuyệt hảo, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình dần dần theo thời gian, để con người có thể sẵn sàng đón nhận Ðức Giêsu Kitô. Con Một Người đã mặc khải trọn vẹn. Phụng vụ thánh lễ nhắc lại chiều dài lịch sử của mặc khải như sau: "Tuy con người mất tình nghĩa với Cha vì tội bất phục tùng. Cha cũng không đành bỏ mặc cho sự chết thống trị. Quả thế, Cha đã thương cứu giúp mọi người để những ai tìm Cha đều gặp Cha. Hơn nữa, nhiều lần Cha đã giao ước với loài người và dùng các ngôn sứ mà dạy cho biết đợi chờ ơn cứu độ" (Kinh Tạ Ơn IV).
III. Ðức Giêsu đến bổ túc và hoàn tất mặc khải.
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách. Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ: nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1, 1-2). Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọn vẹn và dứt khoát nơi Người Con Một, là Lời duy nhất và hoàn hảo, đã làm người và trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nơi Ðức Giêsu Kitô là cao điểm và trọn vẹn của mặc khải, Thiên Chúa đã lập Giao ước mới và vĩnh cửu, với toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa "đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến" (MK 4). Vì Ðức Giêsu Kitô là lời tròn đầy và sau cùng của Chúa Cha nói với nhân loại, nên sẽ không còn mặc khải chính thức nào nữa.
IV. Ðón nhận mặc khải của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn không ngừng mặc khải cho con người và tiếp tục nói với nhân loại qua mọi thời đại. Lời Thiên Chúa sẽ còn vang lên mãi cho những ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận. Vậy người tín hữu phải làm gì để có thể đón nhận lời mặc khải của Thiên Chúa?
1. Cần có một tâm hồn khiêm tốn để đón nhận Thiên Chúa. "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Mt 11, 25-26). "Phận nữ t?èn mọn, Người đoái thương nhìn tới" (Lc 1,48).
2. Năng đọc và suy gẫm lời Chúa trong Kinh Thánh. "Thực thế, trong các Sách thánh, Chúa Cha trên trời, bằng tất cả lòng trìu mến, đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ" (MK 21).
3. Biết đọc và nhận ra sứ điệp Chúa gửi tới
- Qua các dấu chỉ thời đại (Lc 13, 1-5).
- Qua thiên nhiên.
- Qua những người gặp gỡ trong cuộc đời.
- Qua những tôn giáo ngoài Kitô giáo.
- Qua nghệ thuật, văn chương, triết học, những nền văn hóa, những tiến bộ khoa học, những phát minh kỹ thuật và qua những biến cố lịch sử đã và đang diễn ra.
"Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời" (MV 11)
8007 29-01-2011 15:01:07