"Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu... Người là cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái" (Ep 4,15.16).
1. H. Tin Mừng đã đến Việt Nam từ khi nào?
T. Vào thế kỷ 16 (1533), có một thừa sai tên là I-ni-khu đã đến Việt Nam, giảng đạo tại làng Ninh Cường và làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.
2. H. Người tín hữu Việt Nam đầu tiên là ai?
T. Là cụ Đỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa, cụ được rửa tội tại Ma-cao thời vua Lê Anh Tôn.
3. H. Nhóm tín hữu đầu tiên đã giúp gì trong việc rao giảng Tin Mừng?
T. Nhóm tín hữu đầu tiên đã giúp các thừa sai học ngôn ngữ, phong tục Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt Nam.
4. H. Các thầy giảng đã đóng vai trò nào trong việc truyền giáo?
T. Các thầy giảng đã hỗ trợ các thừa sai rất đắc lực trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn dân Chúa.
5. H. Những chứng nhân đức tin đầu tiên người Việt Nam là ai?
T. Tại miền Bắc (Đàng Ngoài) có anh Phanxicô, chết năm 1630 vì làm công việc bác ái nên bị tra tấn và bị giết.
Tại miền Nam (Đàng Trong) có thầy Anrê Phú Yên bị bắt tại nhà Linh mục Đắc Lộ và bị chém đầu năm 1644.
6. H. Các nhà truyền giáo tại Việt Nam đã sống như thế nào?
T. Các ngài đã hy sinh, chấp nhận một nếp sống cực khổ, thiếu thốn tiện nghi, chịu đựng sự bắt bớ, bị ngược đãi và hiểu lầm.
7. H. Các tập thể nào đã đóng góp công sức nhiều nhất cho Hội Thánh Việt Nam?
T. Các tập thể đóng góp công sức nhiều nhất cho Việt Nam phải kể đến Hội Thừa Sai Pa-ri, Dòng Tên, Dòng Đa-minh, Dòng Phanxicô.
8. H. Ngoài vai trò của các thừa sai, việc phát triển của Hội Thánh Việt Nam còn nhờ vào ai nữa?
T. Còn nhờ vào chính những người Việt Nam thiện chí đã dâng hiến trọn cuộc sống cho Nước Trời, đem Tin Mừng đến khắp nơi và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho các anh em mình, đó là những linh mục và tu sĩ Việt Nam.
9. H. Những linh mục đầu tiên người Việt Nam là ai?
T. Là các linh mục: Giuse Trang và Lu-ca Bền (Đàng Trong) và linh mục Bênêdictô Hiền, Gioan Huệ (Đàng Ngoài) đã được Đức Giám mục Lambe đờ la Mốt đặt tay truyền chức tại Thái Lan.
10. H. Hội Thánh Việt Nam bắt đầu có giáo phận từ khi nào?
T. Vào ngày 9/9/1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai Giáo Phận đầu tiên trên đất Việt Nam và đặt hai Giám quản Tông Tòa: miền Nam (Đàng Trong) với Đức Giám mục Lam-be đờ La Mốt và miền Bắc (Đàng Ngoài) với Đức Giám mục Phanxicô Pa-lu.
11. H. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại đâu?
T. Công đồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam được tổ chức tại Phố Hiến vào tháng 2/1670 dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục Lam-be đờ La Mốt.
12. H. Nội dung của Công đồng gồm những gì?
T. Công đồng đã đưa ra một chương trình hoạt động: chia giáo xứ, chọn Thánh Giuse làm Bổn mạng và ấn định việc đào tạo Chủng sinh qua tổ chức nhà Đức Chúa Trời.
13. H. Đức tin Kitô-giáo có được dễ dàng đón nhận và phát triển tốt đẹp tại Việt Nam không?
T. Đức tin Kitô-giáo được tín hữu Việt Nam mau mắn đón nhận: nhưng để sống và giữ đức tin ấy, họ đã phải trải qua rất nhiều thử thách và gian nan vì những sắc chỉ cấm đạo của các vua quan.
14. H. Các Kitô-hữu Việt Nam đã sống đức tin thế nào?
T. Các Kitô-hữu Việt Nam đã rất mực kiên cường giữ vững đức tin. Vì thế, nhiều người đã phải đổ máu đào để minh chứng cho đức tin này.
15. H. Cho đến nay Hội Thánh Việt Nam đã có bao nhiêu Thánh Tử Đạo?
T. Trong số hàng trăm ngàn người đổ máu đào minh chứng cho đức tin, đã có 117 vị được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II suy tôn lên bậc Hiển thánh ngày 19/6/1988.
16. H. Đức Giám mục tiên khởi người Việt Nam là ai?
T. Vào năm 1933, Hội Thánh Việt Nam có Giám mục tiên khởi là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
17. H. Hàng Giám mục Việt Nam được thiết lập năm nào?
T. Ngày 24/11/1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Hội Thánh Việt Nam sau bốn thế kỷ đón nhận Tin Mừng.
18. H. Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có bao nhiêu Giáo phận?
T. Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có 25 Giáo phận, được chia trong ba Giáo Tỉnh là: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
19. H. Năm 1980 Hội Thánh Việt Nam có sự kiện nào đáng ghi nhớ?
T. Trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hội Thánh nam bắc được sum họp một nhà, đại hội các Giám mục toàn quốc đã nhóm họp và khẳng định một đường hướng chung là "Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc Việt Nam để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".
20. H. Người tín hữu Việt Nam ngày nay sống đức tin giữa lòng dân tộc như thế nào?
T. Người tín hữu Việt Nam phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, cố gắng sống tinh thần Phúc Âm: yêu thương mọi người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và làm chứng cho Chúa ngay trên chính quê hương mình.
648 14-02-2011 20:57:59