Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bài 27: Bí Tích

Bài 27
BÍ TÍCH
(x. SGLC từ 113 đến 1134)

"Như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông đồ đi như vậy... để các ngài thực thi công việc cứu chuộc mà các ngài loan báo, nhờ Hiến tế Thánh Thể và các Bí tích, trung tâm điểm của toàn thể đới sống Phụng vụ" (PV 6). Bí tích chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt Phụng vụ của Hội Thánh. Có 7 Bí tích: Thánh Thẩy, Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối. Trước khi tìm hiểu từng Bí tích cần có cái nhìn tổng quát về ý nghĩa của Bí tích trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

I. Bí Tích của Chúa Kitô

Gọi Bí Tích là Bí tích của Chúa Kitô vì "tất cả các Bí tích của luật mới đều do Ðức Giêsu Kitô thiết lập" (DS 1600-1601). Tất cả mọi lời nói và hành động của Ðức Giêsu trong cuộc sống trần thế đã mang giá trị cứu độ. Những lời nói và hành động ấy thực hiện trước năng lực của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Và khi mọi sự được hoàn thành, Ngài trao ban năng lực ấy cho Hội Thánh, để rồi qua các thừa tác viên trong Hội Thánh, Chúa Kitô tiếp tục ban phát năng lực cứu độ cho con người khi họ lãnh nhận Bí tích. Vì thế, các Bí tích là những k?ông của Thiên Chúa trong Giao ước mới và vĩnh cửu.

II. Bí Tích của Hội thánh

Chúa Kitô đã không ấn định cách minh nhiên (rõ ràng) con số 7 của Bí tích. Nhưng theo dòng thời gian, trong sự hướng dẫn của Thánh Thần và với tư cách là người quản lý trung thành các Mầu nhiệm của Thiên Chúa (1Cr 4,1), Hội Thánh đã xác định 7 Bí tích. Hội Thánh cử hành Bí tích qua các thừa tác viên của mình, nhờ Bí tích Thánh tẩy, mọi tín hữu được tham dự vào chức năng tư tế của Chúa Kitô. Ngoài ra, nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, còn có một số tín hữu lãnh nhận chức tư tế thừa tác, bắt nguồn từ sứ mạng Chúa Kitô trao phó cho các Tông đồ, và các Tông đồ trao lại cho các người kế vị. Vì thế, thừa tác viên cử hành là sợi dây nối kết hành động Bí tích với chính Chúa Kitô, suối nguồn và nền tảng mọi Bí tích. Ngoài ân sủng được trao ban, khi lãnh nhận ba Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, người tín hữu còn được ghi dấu đặc biệt, gọi là Tích Ấn, nhờ đó họ tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô và đời sống Hội Thánh, với những nhiệm vụ khác nhau. Tích Ấn là dấu không thể xóa nhòa, và vì thế, đối với 3 Bí tích này, người tín hữu chỉ lãnh nhận một lần mà thôi.

III. Bí Tích Ðức Tin

Bí tích còn được gọi là Bí tích Ðức Tin, vì lãnh nhận Bí tích giả thiết phải có đức tin, đồng thời cử hành Bí tích là diễn tả và nuôi dưỡng đức tin. Khi Chúa Kitô trao phó sứ mạng cho các tông đồ, Ngài nói: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 18, 18-20). Như thế, để được thanh tẩy, nghĩa là cử hành Bí tích, phải được nghe Lời Chúa và qui thuận với Lời, tức là đức tin. Ðồng thời, khi cử hành Bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin được đón nhận từ các Tông đồ, vì thế mới có câu "Lex orandi, lex credendi" (Luật cầu nguyện là Luật tin). Hội Thánh tin khi Hội Thánh cầu nguyện và cử hành Bí tích. Và khi người tín hữu lãnh nhận Bí tích Hội Thánh cử hành, đức tin của họ được nuôi dưỡng và phát triển.

IV. Bí tích ban ơn cứu độ và sự sống đời đời.

Thánh Âu Tinh định nghĩa Bí Tích là Dấu chỉ hiệu nghiệm, vì không những Bí tích là dấu chỉ hữu hình diễn tả ân sủng vô hình, mà Bí tích còn chuyển thông ân sủng nữa. có được như thế, là vì chính Chúa Kitô hành động trong Bí tích nhờ Thánh Thần của Ngài (PV 7). Cũng vì thế, hiệu quả của Bí tích được gọi là Hiệu quả do sự (ex opere operato), nghĩa là do chính việc cử hành Bí tích phù hợp với ý muốn của Hội Thánh, chứ không phải do sự thánh thiện của cá nhân thừa tác viên cử hành. Tuy nhiên hiệu quả của Bí tích cũng còn tùy thuộc vào thái độ và tình trạng của người lãnh nhận. Hội Thánh xác quyết rằng: đối với người tín hữu, các Bí tích của Giao Ước mới cần thiết để được cứu độ. Ân sủng Bí tích chính là Thánh Thần làm cho ta nên con cái Thiên Chúa, giúp ta được kết hợp với Ðấng Cứu độ, và được thần hóa, được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa (x. 2Pr. 1,4). Cũng vì thế, khi nhận lãnh ân sủng Bí tích, ta đã được tham dự vào sự sống đời đời ngay từ bây giờ "trong khi mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng ta ngự đến" (Tt 2,13). Maranatha, "Lạy Ðức Giêsu, xin ngự đến" (Kh 22,20).

V. Bí tích trong đời sống Kitô hữu.

Bảy Bí tích trải suốt cuộc sống con người, và thánh hóa những thời điểm quan trọng nhất của đời người: sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lìa đời. Như thế, qua cử hành Bí tích, ở những thời điểm quyết định nhất, và mỗi ngày, Chúa Kitô nói với ta: "Cha ở với con". Ngày xưa Chúa Kitô đã ở với những người cùng thời để chữa lành bệnh tật, xoa dịu khổ đau, thứ tha tội lỗi, tặng ban sự sống. Ngày nay, Chúa Kitô vẫn tiếp tục ở với ta, và có ngài là có tất cả. "Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Chúa Kitô, và được kết hợp với Ngài" (Phil 3,8-9). Ý thức đó thúc đẩy ta đón nhận và cử hành các Bí tích với tất cả đức tin, để đi vào cuộc gặp gỡ chính Chúa Kitô qua Hội Thánh, cuộc gặp gỡ hồng phúc, vì là cuộc gặp gỡ ban Ơn Cứu Ðộ.

2297    01-02-2011 16:19:06