Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Bài 29: Bí Tích Thánh Tẩy

Bài 29
BÍ TÍCH THÁNH TẨY
(x. SGLC từ 1213 đến 1284)

"Thật, tôi bảo thật ông: không có ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: Các ông cần được sinh ra bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết nó từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần khí mà sinh ra thì cũng vậy" (Ga 3, 15-16) "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 15, 15-16).

Bí tích Thánh Tẩy là bước đầu tiên trong hành trình gia nhập Kitô giáo. Ðời sống Kitô hữu chỉ thực sự bắt đầu với Thánh Tẩy. Bởi vì Bí tích Thánh tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô giáo, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh, và các Bí tích khác.

I. Ý nghĩa của Bí Tích Thánh Tẩy.

Tên gọi "Thánh Tẩy" bắt nguồn từ nghi thức chính yếu của việc cử hành Bí tích này: người dự tòng được "dìm xuống nước", "ngụp lặn trong nước hay được đổ nước trên đầu, nói lên ý nghĩa được mai táng với Ðức Giêsu trong cái chết, để được sống lại với Người, trở thành "thọ tạo mới" (2Cr 5,17; G1 6,5). Ðây cũng là "Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới" (Tt 3,5). Nhờ "sinh ra bởi nước và Thần Khí", người được rửa tội nhận được "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,9), họ trở thành "con cái ánh sáng (1Tx 5,5) và là ánh sáng" (Ep 5,8).

II. Bí tích Thánh tẩy trong công cuộc cứu rỗi.

Trong Phụng vụ Ðêm Vọng Phục Sinh, khi thánh hóa nước rửa tội, Hội Thánh nhắc lại những biến cố lớn trong lịch sử cứu độ, báo trước Bí tích Thánh tẩy. Ngay từ buổi đầu sáng thế, Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước, để ban cho nước có khả năng phát sinh sự sống (x. St 1,1-2). Nước đại hồng thủy vừa hủy diệt tội lỗi, vừa cứu thoát gia đình ông Nôê. Hội Thánh thấy con tàu Nôê báo trước ơn cứu độ nhờ Bí tích Thánh tẩy. Nước Biển Ðỏ đã giết chết dân tội lỗi, và giải thoát dân Thiên Chúa (x. Xh 14, 1-31). "Chúa đã giải thoát con cháu Abraham khỏi vòng nô lệ, mà dẫn qua Biển Ðỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được Thánh tẩy sau này" (Vọng Phục Sinh, làm phép Nước Rửa Tội).

Nước tượng trưng cho sự sống, nhưng nước cũng tượng trưng cho sự chết. Bởi vậy, nước Thánh Tẩy có thể tượng trưng cho Mầu Nhiệm Vượt Qua: được rửa tội là cùng chết với Ðức Kitô, và cùng sống lại với Người (x. Rm 6, 3-11). Ðức Giêsu đã đến để thực hiện và hoàn tất những hình ảnh về Bí tích Thánh Tẩy được loan báo trong Cựu Ước. Người đã tự nguyện hạ mình để cho ông Gioan làm phép rửa tại sông Giođan, hầu báo trước Bí tích Thánh Tẩy mà Người sẽ thiết lập trong mầu nhiệm Phục Sinh. Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa chịu đóng đinh trên thập giá (x.Ga 19,3-4) ám chỉ Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể. Và từ giây phút ấy, chúng ta có thể được "sinh ra bởi nước và Thần Khí" để "có thể được vào Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5.

Ngay từ Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành Bí tích Thánh Tẩy (x. Cv 2,38), sau đó các tông đồ và những cộng tác viên đã ban phép Thánh tẩy cho tất cả những ai kính Ðức Giêsu: người Do Thái cũng như người ngoại giáo (x. Cv 2,41; 8, 12-13; 10, 48; 16, 15).

III. Sự cần thiết của Bí tích Thánh tẩy.

Chính Ðức Giêsu khẳng định Bí tích Thánh tẩy là cần thiết để được cứu độ (x. Ga 3,5), và Hội Thánh cũng quả quyết theo Chúa mình, vì Hội Thánh không có phương thế nào khác ngoài Bí tích Thánh tẩy, bảo đảm cho con người được hưởng hạnh phúc đời đời. Vì thế, Thánh tẩy được coi là Bí tích quan trọng nhất, và cần thiết nhất, mặc dù không cao trọng bằng bằng Bí tích Thánh Thể.

Cha mẹ Kitô giáo phải lo cho con cái sinh ra được rửa tội trong vòng một tháng. Thừa tác viên thông thường của Bí tích Thánh Tẩy là Giám mục, Linh mục và Phó tế. Trong trường hợp khẩn thiết, thì bất cứ ai (kể cả người ngoại) cũng có thể rửa tội, miễn là có ý muốn làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội, và sử dụng công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Tuy nhiên không chỉ có Thánh Tẩy bằng nước mới đưa đến ơn cứu độ: đây là đường lối chính thức và thông thường. "Thiên Chúa đã liên kết ơn cứu độ với Bí tích Thánh Tẩy, nhưng chính Người không bị các bí tích ràng buộc". Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người (x. 1Tm 2,4) nên ai sống theo lương tâm và thi hành ý muốn Thiên Chúa, cũng có thể được cứu độ (x. GH 16). "Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả, và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó, chỉ có Chúa biết thôi" (MV 22). Những người chịu chết vì đức tin mà chưa được rửa tội, thì được coi như Thánh Tẩy bằng máu (thí dụ các Thánh Anh Hài). Những người ước muốn được Thánh tẩy, dù chưa theo đạo hay đang thời kỳ dự tòng, mà chết trước khi được toại nguyện, được kể vào trường hợp Thánh tẩy bằng ước muốn. Riêng các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh tin tưởng phó thác các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và hy vọng có một con đường cứu độ dành cho các em (x. Nghi thức an táng trẻ nhỏ).

IV. Ân sủng của Bí tích Thánh tẩy.

Người Kitô hữu đã chịu Thánh tẩy là người đã chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa (x. Rm 6,11), do vậy hai hiệu quả chính của Bí tích Thanh tẩy là rửa sạch tội lỗi và sinh lại trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Ga 3,5).

  • Ðược tha thứ tội lỗi: Mọi tội lỗi đều được tha: tội nguyên tổ, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội. Tuy nhiên, vẫn còn đau khổ, bệnh tật, yếu đuối và sự hướng chiều về tội lỗi. vì thế, cuộc sống Kitô hữu là cuộc chiến đấu cam go và liên tục, chống lại tội lỗi và các khuynh hướng xấu.
  • Trở nên thụ tạo mới: (x. 2Cr 5,7) Bí tích Thánh tẩy làm cho một người thành một con người mới, thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. G1 4,5-7) "được thông phần bản tính Thiên Chúa" 2Pr 1,4), thành chi thể của Chúa Kitô (x. 1Cr 6,19; 12,27), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x 1Cr 6,19). Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa và ơn công chính hóa, cùng với ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, các hồng ân Chúa Thánh Thần, và các nhân đức khác. Tất cả đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí tích Thánh tẩy.
  • Tháp nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô: Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong thân thể Chúa Kitô, là Hội Thánh (x. 1Cr 12,13) "thành những viên đá sống động... để xây nên đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế Thánh" (x 1pr 2,5). Họ tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Trở thành phần tử của Hội Thánh, người Kitô hữu liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô và với anh em. Họ được quyền lãnh nhận các Bí tích sự sống, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh trợ giúp thiêng liêng. Ðồng thời họ có bổn phận xây dựng Hội Thánh bằng tình hiệp thông và phục vụ nhau, vâng lời các vị lãnh đạo, tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của dân Thiên Chúa (x. GH 17; TG 7,23). Cũng phải nói thêm là: Bí tích Thánh tẩy không chỉ là mối giây hiệp nhất giữa những người Công giáo, mà còn giữa tất cả các Kitô hữu, những anh em Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo, đã được rửa tội đúng phép, nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công giáo.
  • Dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa: Ðược trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Kitô (x Rm 8,29) nhờ Thánh Tẩy, người Kitô hữu được ghi một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa. Vì thế, mỗi người chỉ nhận Bí tích Thánh tẩy một lần mà thôi. Dấu ấn này xác nhận người Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô, hiến thánh họ để thi hành chức tư tế cộng đồng bằng việc tham dự vào việc phụng vụ của Hội Thánh, bằng đời sống thánh thiện và chứng nhân. Người Kitô hữu phải gìn giữ dấu ấn này cho đến cùng, nghĩa là trung thành với những đòi hỏi của Bí tích Thánh Tẩy, để được hưởng sự sống và vinh quang Thiên Chúa.


V. Cử hành Bí tích Thánh tẩy.

Ý nghĩa và ân sủng của Bí tích Thánh tẩy được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Qua các cử chỉ và lời nói, chúng ta hiểu được sự phong phú mà Bí tích biểu thị và thực hiện nơi người tân tòng.

  • Dấu Thánh giá được ghi trên trán người dự tòng, cho thấy họ thuộc về Chúa Kitô, Ðấng cứu chuộc nhân loại nhờ Thánh Giá.
  • Việc công bố Lời Chúa soi sáng Người dự tòng và cộng đoàn, đồng thời gợi lên lời đáp trả của đức tin.
  • Lời nguyện trừ tà được vị chủ sự đọc cùng với việc xức dầu dự tòng giải thoát họ khỏi tội lỗi và khỏi ma quỉ, rồi họ công khai từ bỏ Xatan.
  • Nước rửa tội được thánh hiến nhờ quyền năng Thánh Thần, để người dự tòng được "sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3,5).
  • Nghi thức chính yếu là đổ nước ba lần trên đầu người dự tòng (hoặc dìm xuống ba lần) nói lên và thực hiện việc chết đối với tội lỗi, và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
  • Việc xức dầu Thánh làm cho người tân tòng trở nên Kitô hữu, nghĩa là "được xức dầu" bằng Chúa Thánh Thần, để tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô.
  • Áo trắng trao cho người tân tòng, tượng trưng "mặc lấy Chúa Kitô" (G1 3,27).
  • Nến sáng được thắp từ cây nến Phục Sinh, biểu thị Chúa Kitô soi sáng người tân tòng, và nhờ đó trở thành "ánh sáng cho trần gian" (mt 5,14); xP1 2,15).
  • Sau cùng là Kinh Lạy Cha và phép lành trọng thể.


VI. Ai có thể nhận lãnh Bí tích Thánh tẩy?

Tất cả những người chưa được rửa tội đều có thể nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thánh Tẩy trong Hội Thánh Công giáo thường được ban cho người lớn cũng như trẻ em.

1. Rửa tội cho người lớn:

Ngay từ thời các tông đồ, người lớn nhập đạo phải trải qua thời kỳ dự tòng gồm nhiều giai đoạn. Công đồng Vatican II đã tái lập thời kỳ dự tòng dành cho người lớn (x. Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn - 1972). Thời kỳ dự tòng hoặc thời gian huấn luyện gồm việc dạy giáo lý kèm theo những nghi thức phụng vụ, có mục đích giúp đương sự đáp lại lời mời cứu độ của Thiên Chúa, và hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh, hoán cải và tiến đến một đức tin trưởng thành, để sẵn sàng nhận lãnh ba Bí Tích nhập đạo. "Ðây chính là thời gian huấn luyện đời sống Kitô giáo đầy đủ... để nhờ đó, môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Các người dự tòng được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ được cử hành theo từng giai đoạn, họ được đưa vào đời sống đức tin phụng vụ và bác ái của dân Chúa" (x. PV 64-65).

2. Rửa tội cho trẻ em:

Có nhiều người đề nghị hoãn việc rửa tội cho trẻ sơ sinh tới khi chúng biết lựa chọn và ý thức được điều cam kết. Truyền thống rửa tội cho trẻ em được Hội Thánh xác nhận là bắt đầu từ thế kỷ thứ hai. Nhưng rất có thể ngay từ đầu, các Tông đồ cũng đã rửa tội cho trẻ em, khi có những gia đình mà "cả nhà" đều chịu phép rửa (x. Cv 16, 15 .. 33; 18,8; 1Cr 1,16). Cả người lớn lẫn trẻ em đều cần được tẩy xóa tội lỗi, và sinh ra trong đời sống mới, nhờ Bí tích Thánh tẩy. Thiên Chúa ban ơn cứu độ hoàn toàn nhưng không cho con người, cho nên nếu không cho trẻ em lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy để trở nên con cái Thiên Chúa là một thiệt thòi rất lớn. Do đó, Hội Thánh và cha mẹ phải lo cho các em được rửa tội càng sớm càng tốt sau khi sinh (x. G1 8,67).

VII. Ðức tin và Bí tích Thánh tẩy.

Cũng như mọi Bí tích, Bí tích Thánh tẩy là Bí tích Ðức tin. Bí tích Thánh Tẩy không những đòi hỏi phải có đức tin để lãnh nhận, mà còn thông ban đức tin. Hội Thánh ban Thánh tẩy cho trẻ nhỏ dựa trên đức tin của cộng đoàn, nhất là của cha mẹ và người đỡ đầu. Dù là của người lớn hay của trẻ nhỏ, đức tin của mỗi người tín hữu đều khơi nguồn và gắn liền với đức tin của Hội Thánh. Ðức tin của những người đã được rửa tội chỉ mới là mầm mống và khởi đầu, cần được lớn lên tới mức trưởng thành. Cha mẹ và người đỡ đầu được Hội Thánh trao cho trách nhiệm giúp đỡ những người đã được rửa tội (người lớn cũng như trẻ nhỏ) để ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy được phát triển. Họ phải dùng lời nói cũng như gương sáng của một đời sống đạo tốt lành, để giúp đỡ con cái hay con đỡ đầu. Hơn nữa, họ còn phải lo cho con cái hay con đỡ đầu được theo học giáo lý thích hợp với hoàn cảnh và tuổi tác. Toàn thể cộng đoàn Hội Thánh cũng có phần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển ơn Thánh tẩy. Vì thế, hằng năm trong Ðêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh cho các tín hữu nhắc lại lời hứa rửa tội.

VIII. Sống Bí tích Thánh tẩy.

Người Kitô hữu chỉ lãnh nhận Thánh tẩy một lần trong đời, nhưng họ phải cố gắng sống ơn Thánh tẩy suốt cuộc đời. Sống ơn Thánh tẩy là nên Thánh. Công Ðồng Vatican II đã kêu gọi mọi tín hữu nên Thánh như sau: "Ðược Thiên Chúa kêu gọi, và được công chính hóa trong Ðức Giêsu.... các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, bí tích Ðức Tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa, và được thông phần vào bản tính Người. Và do đó, thực sự đã trở nên Thánh. Cho nên với ơn Chúa, họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được thánh Tông đồ khuyên:

  • Sống xứng đáng là các Thánh (Ep. 5,3).
  • "Là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại" (C1 3,12).

• Và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. G1 5,22; Rm 6,22). "Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lỗi lầm (x. Gc 3,2) nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, và hằng ngày phải cầu nguyện "xin tha nợ chúng con" (Mt 6,12). Ðể đạt tới sự trọn lành đó, tín hữu phải sử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban, nhiều ít tùy ý Người, để nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. (GH 40).

 

6571    01-02-2011 16:46:15