Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bài 31: Bí Tích Thánh Thể

Bài 31
B Í TÍCH THÁNH THỂ
(x. SGLC từ 1322 đến 1344)

"Trong bữa tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng Mình Máu Người, để nối dài Hy tế Khổ giá qua các thời đại, cho tới khi Người lại đến, và để trao cho Hội Thánh, hiền thê yêu quí của Người, việc tưởng niệm sự chết và sống lại của Người: đó là Bí tích Tình Yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái. Bữa tiệc Vượt Qua trong đó Chúa Kitô được tiếp nhận như lương thực, tâm hồn được tràn đầy ân sủng, và ta có đảm bảo được vinh quang tương lai" (PV 47).

I. Bí tích Thánh Thể: nguồn suối và chóp đỉnh đời sống Hội thánh.

Ngày Chúa Nhật người ta thấy Kitô hữu tấp nập tới nhà thờ dự lễ. Đó là một sinh hoạt nổi bật và thường xuyên trong đời sống Kitô hữu. Vì dự lễ là cử hành Bí tích Thánh Thể, cử hành chính Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, tâm điểm của kế hoạch cứu độ. Thực vậy, "các bí tích khác cũng như tác vụ trong Hội Thánh, và các nhiệm vụ tông đồ, đều liên kết và qui hướng về Bí tích Thánh Thể; vì Bí tích ấy chứa đựng toàn kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, là chính Chúa Kitô, Mầu nhiệm Vượt Qua của chúng ta. Người là Bánh Hằng Sống ban sự sống cho nhân loại" (LM 5). Bí tích Thánh Thể còn là chóp đỉnh toàn thể việc Phúc Âm hóa (x. LM 5). Phúc Âm hóa là sứ mệnh của Hội Thánh, Hội Thánh phải loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, nghĩa là loan báo và xây dựng sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người và vũ trụ vạn vật. Thế mà Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa thực hiện sự hiệp thông với Thiên Chúa, và sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa, nhờ đó mà Hội Thánh thực sự là Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể vừa là tuyệt đỉnh của hành động Thiên Chúa thánh hóa thế giới trong Chúa Kitô, vừa là tuyệt đỉnh của việc tôn thờ mà loài người nhờ Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Kitô, và nhờ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha.

II. Bí tích Thánh Thể là gì?

Bí tích Thánh Thể chứa đựng chính Chúa Kitô, và là chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh, nên chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và phong phú, không thể hiểu hết được. Hội Thánh dã luôn tuyên xưng: "Đây là mầu nhiệm Đức Tin". Tuy nhiên ta có thể hiểu được một số khía cạnh chính của Bí tích, nhờ các tên quen dùng để gọi Bí tích ấy, như:

1. Lễ tạ ơn (1Cr 11,24), vì dân Do Thái quen chúc tụng cảm tạ, thường là trong bữa ăn, để ca ngợi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, như sáng tạo, cứu độ, thánh hóa.

2. Tiệc của Chúa (1Cr 11,20), vì nhớ đến bữa Tiệc ly Chúa đã dự với các Tông đồ trước khi chịu khổ nạn, và cũng nhắc tới bữa tiệc cưới của Chiên Con trong Nước Trời (Kh 19,9).

3. Lễ Bẻ Bánh (Cv 2,42), vì cử chỉ này Đức Giêsu thường làm khi chúc lành và chia Bánh (Mt 14,19), nhất là trong Bữa Tiệc Ly (Mt 26,26), và khi hiện ra với hai môn đệ đi về Emmau (Lc 24,30).

4. Hội họp Tạ ơn (1Cr 11, 17.33) nói đến việc các tín hữu họp lại thành cộng đoàn, để cử hành Thánh lễ Tạ Ơn. Đó là dấu chỉ hữu hình về Hội Thánh.

5. Cuộc tưởng niệm (1Cr 11,25) để nhắc nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, là Mầu nhiệm Vượt Qua, tâm điểm của lịch sử cứu độ.

6. Hiến tế, Thánh Lễ, Hiến tế Tạ Ơn... Vì Bí tích Thánh thể hiện tại hóa hiến tế độc nhất của Chúa Kitô, để Hội Thánh có thể cùng dâng lên Thiên Chúa (Dt 13,15).


7. Phụng vụ Thánh, Mầu nhiệm Thánh, Mầu Nhiệm Đức tin (SGLC 1330), vì việc cử hành Bí tích Thánh Thể vừa là tâm điểm của toàn thể đời sống Phụng vụ, vừa diễn đạt Phụng vụ một cách cô đọng nhất. Tuy nhiên, Bí tích Thánh Thể vẫn luôn là mầu nhiệm Đức Tin.

8. Hiệp thông, Hiệp lễ (1Cr 10, 16-17) Vì Bí Tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ sự hiệp thông, vừa là dụng cụ để hiệp thông con người với Chúa Kitô. Khi rước lễ hay hiệp lễ là ta được thông phần Mình và Máu Chúa, để trở thành một Thân Thể. Ta còn được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và với mọi người nữa.

9. Lễ Misa (tiếng Latinh là Missa, lấy trong lời chúc kết lễ: Ite Missa est), vì việc cử hành Mầu nhiệm Cứa độ trong Phụng vụ được kết thúc bằng việc sai các tín hữu đi vào cuộc sống thường ngày, để thực thi ý Chúa. Theo Hiến chế về Phụng vụ, Chúa Kitô đã lập Bí tích Thánh Thể để ủy thác cho Hội Thánh:

  • Việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người,
  • Bí tích Tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái,
  • Bữa tiệc Vượt Qua, trong đó khi rước chúa, tâm hồn được đầy ơn sủng và
  • Đảm bảo cho ta được vinh quang tương lai (PV 47).


III. Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.

1. Khi nào? Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh thể trong Bữa Tiệc sau hết với các Tông đồ, cũng là Tiệc Vượt Qua của người Do Thái, trước khi Người chịu khổ hình (x. Lc 22,14-16).

2.  Thế nào? Bài tường thuật của Thánh Phaolô là văn kiện Tân ước tiên khởi cho biết: "Trong đêm bị nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy" (1Cr 11, 23-25).

IV. Đức Giêsu ban quyền cử hành Bí tích Thánh Thể.

Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã truyền cho các Tông đồ rằng: "Hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ Thầy". Người không chỉ muốn các Ngài tưởng niệm Người, cũng như công việc Người làm mà thôi, nhưng theo ý nghĩa của Tân Ước, tưởng niệm vừa là nhớ đến, vừa là hiện tại hóa điều mình tưởng niệm. Như thế, Người muốn để hiến tế Người dâng chỉ một lần trên thập giá được hiện tại hóa, và công trình cứu độ được thực hiện (x. GH 3). Nhờ các tông đồ, Người đã làm cho các Giám mục, những vị kế nghiệp các tông đồ, có thể tham dự vào cuộc thánh hiến, và vào sứ mệnh của Người. Các giám mục lại trao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho các Linh mục. Giám mục và Linh mục trở thành tư tế đích thực của Giao ước mới. (x. GH 28). Đức Giêsu đã ban quyền cử hành Bí Tích Thánh thể cho các tông đồ và các vị kế nghiệp các tông đồ là các Giám Mục. Các giám mục lại trao quyền cho các linh mục qua Bí Tích Truyền Chức. Do đó, chỉ các linh mục được phong chức thành sự mới có thể chủ sự để cử hành Bí tích Thánh Thể, và thánh hiến bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa.

V. Đức Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể.

1. Khi nào? Đức Giêsu ngự trong hình bánh hình rượu khi Truyền Phép, và Người ngự ở đó bao lâu hình bánh hình rượu còn.

2. Thế nào? Đức Giêsu Kitô hiện diện bằng nhiều cách: trong Lời Chúa, trong kinh nguyện của Hội Thánh "Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy" (Mt 18,20), trong người nghèo, bệnh nhân, tù nhân (Mt 25, 31-46), trong các bí tích mà Người thiết lập, trong Thánh lễ và trong bản thân thừa tác viên. Nhưng ở đỉnh cao nhất là Người hiện diện trong hình bánh rượu (PV 7).

Cách Người hiện diện như thế chỉ có một không hai. "Bí tích Thánh Thể chứa đựng thực sự Mình và Máu cùng linh hồn và thiên tính của Đức Giêsu Kitô, nghĩa là trọn vẹn Chúa Kitô" (DS 1651). Nhờ Lời Chúa Kitô và tác động Chúa Thánh Thần khi truyền phép, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, và Chúa Kitô hiện diện trong đó. "Tất cả bản thể bánh được biến đổi thành bản thể Mình Chúa Kitô, và tất cả bản thể rượu thành bản thể Máu của Người; sự biến đổi này được Hội Thánh Công Giáo gọi một cách chính xác là biến bản thể (DS 1642). "Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình, và trọn vẹn trong mỗi phần nhỏ của hình bánh, hình rượu, đến nỗi có bẻ bánh cũng không chia Chúa Kitô được" (x. DS 1641).

VI. Kitô hữu với Bí tích Thánh Thể.

Kitô giáo là đạo dẫn đưa con người vào mối hiệp thông với Chúa Kitô, nhờ đó được hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật trong tình yêu và hạnh phúc. Kitô giáo lại có Bí tích Thánh Thể do Chúa Kitô thiết lập, để Bí tích này vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa là phương thế xây dựng và bảo tồn sự hiệp thông kể trên. Bí tích Thánh Thể thực là mầu nhiệm Đức Tin. Vì thế, Kitô hữu cần tìm hiểu suy niệm mỗi ngày sâu sắc hơn, để có thái độ thích đáng đối với Bí tích cao quí tuyệt vời này.

1. Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu: "Hội Thánh hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào Mầu nhiệm Đức Tin này, không như những khách bàng quan câm lặng, nhưng là những người thấu đạt mầu nhiệm đó" (PV 48). Kitô hữu phải nhờ các nghi lễ, các kinh nguyện, Lời Chúa, và nhất là hiệp thông với Thánh Thể Chúa, để ngày càng cảm nghiệm hơn rằng:

  • Tình yêu Chúa Kitô là cao sâu, vì Người là Thiên Chúa mà lại muốn cho ta là người phàm được hiệp thông với Người, Người còn lập Bí tích Thánh Thể để ta hiệp thông với Người cách dễ dàng hơn. Nhờ đó, ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2Pr 1,4).
  • Tình yêu Người thật là rộng lớn, vì Người mời gọi tất cả mọi người thuộc mọi dân nước, không phân biệt giai cấp xã hội, không phân biệt chủng tộc hay màu da; bất cứ ai đều có thể tiếp nhận Người thật trọn vẹn, để được cứu độ (x. GH 13).
  • Tình yêu Người thật chung thủy vững bền, vì từng giây từng phút, suốt dòng lịch sử, Người hằng ở cùng chúng ta cho tới ngày cánh chung (Mt 28,20). - Tình yêu Người còn đi đến tận cùng (Ga 13,1) của lòng yêu mến, yêu đến chết "để làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45), để họ được sống bởi Người (Ga 6,57), được sự sống đời đời (Ga 6,51), và còn được sống lại ngày sau hết (Ga 6,54), để hưởng hạnh phúc vĩnh hằng (MV 39).


2. Kitô hữu tôn thờ Bí tích Thánh Thể: Đối với Bí Tích Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin, và là Bí tích Tình Yêu, Hội Thánh mời gọi Kitô hữu lấy tình yêu đáp trả lại bằng việc tôn thờ Thánh Thể Chúa. Tôn thờ là yêu mến tha thiết, là nhìn nhận mình chỉ là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo toàn năng và cao cả, để thờ lạy, cảm tạ, tôn vinh, và hoàn toàn vâng phục ý Người. Tôn thờ Thánh Thể trong Phụng vụ Thánh Lễ là biểu lộ niềm tin Chúa hiện diện trong hình Bánh Rượu, bằng thái độ quì gối hoặc bái sâu. Và đỉnh cao nhất của lòng yêu mến tôn thờ là hiệp thông với Chúa bằng "ăn thịt và uống Máu Người" (Ga 6,56) (Rước Lễ), hoặc ước ao hiệp thông với Người (Rước lễ thiêng liêng). Ngoài Thánh Lễ, Hội Thánh còn hết sức cẩn thận gìn giữ Mình Thánh, để đem cho các tín hữu tôn thờ trọng thể (Chầu Mình Thánh, Giờ Thánh), hoặc kiệu Thánh Thể long trọng, hoặc để trao cho các bệnh nhân hay những người vắng mặt. Việc viếng Thánh Thể cũng là bằng chứng lòng biết ơn, là dấu chỉ tình yêu, và là bổn phận tôn thờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. (SGLC 1418).

 

3002    02-02-2011 10:43:18