Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bài 34: Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Bài 34
BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

(x. SGLC từ 1499 đến 1532)

"Bằng Phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các Linh mục, toàn thể Hội Thánh phó thác bệnh nhân cho Đức Kitô đau khổ và hiển vinh, để Người an ủi và cứu rỗi họ. Hơn nữa, Hội Thánh còn thúc giục họ saün sàng kết hợp với Đức Kitô chịu đau khổ và chịu chết để mưu ích cho dân Thiên Chúa". (HT 11)

I. Ý nghĩa và hiệu quả của Bí tích Xức Dầu bệnh nhân.

1. Ý nghĩa Bí tích Xức Dầu bệnh nhân:

Bệnh tật và đau khổ luôn là những lo âu triền miên của con người. Khi bệnh tật, con người càng cảm nghiệm được giới hạn và bất lực của mình. Có khi bệnh tật đưa con người tới chỗ tuyệt vọng, nhưng bệnh tật cũng có thể dẫn đưa con người tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Dân Thiên Chúa trong thời Cựu ước than van về bệnh tật của mình trước nhan Thiên Chúa, cầu khẩn Ngài chữa lành, vì tin tưởng Ngài là Chúa của sự sống và sự chết: "Lạy Giavê, xin dủ thương vì tôi thân tàn sức kiệt, xin chữa tôi. Lạy Giavê, vì xương tôi rã rời" (Tv 6,3). Con người thời Cựu ước còn quan niệm: tội lỗi là căn nguyên của bệnh tật và sự chết, nên họ thống hối và cầu xin Thiên Chúa cứu chữa, như trường hợp vua Ê-giê-ki-a. Ông nói: "Ôi, lạy Giavê, xin nhớ lại là tôi đi trước nhan Người cách trung tín, một lòng thành, điều đẹp mắt Ngài tôi đã làm" (Is 38,3, và Thiên Chúa đã cứu chữa ông: "Ta đã nghe lời ngươi khẩn cầu. Ta thấy nước mắt của ngươi. Này Ta sẽ thêm cho đời ngươi mười lăm năm nữa" (Is 38,5).

Tình thương của Thiên Chúa với bệnh nhân càng rõ nét nơi Chúa Kitô. Ngài chữa lành mọi loại bệnh tật: "Tiếng tăm Ngài đồn khắp xứ Syri. Người ta đem đến cho Ngài những người đau ốm mắc đủ thứ bệnh tật: những người bị quỷ ám, kinh phong, bất toại, và Ngài đã chữa lành họ" (Mt 4, 24). Chẳng những chữa lành bệnh tật, Ngài còn có quyền tha tội lỗi (x. Mc 2, 5-12). Vì Ngài đến để chữa lành con người toàn diện hồn và xác. Sự cảm thương của Ngài với bệnh nhân tới mức Ngài đã đồng hóa với họ: "Ta đau yếu và các ngươi đã đến thăm ta" (Mt 25,36); và "Ngài đã nhận lấy những tàn tật của chúng ta, và đã gánh lấy những bệnh nạn của chúng ta" (Is 53, 4). Nhưng không phải lúc nào Ngài cũng chữa lành bệnh tật, vì sự chữa lành bệnh tật chỉ là những dấu chỉ loan báo sự chữa lành triệt để: đó là chiến thắng tội lỗi và cái chết, nhờ sự phục sinh của Ngài. Vì như chúng ta đã biết, bệnh tật chỉ là một hậu quả của tội lỗi, nhưng Chúa Kitô "đã xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Vì thế, đau khổ bệnh tật có thể làm cho con người trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Vì tình thương xót các bệnh nhân, Chúa Kitô mời gọi các môn đệ của Ngài chia sẻ thừa tác vụ cảm thương và chữa lành của Ngài. Vì thế: "Các ông ra đi giảng dạy để người ta sám hối, và các ông xua đuổi nhiều ma quỷ, các ông xức dầu cho nhiều bệnh nhân và chữa họ lành" (Mc 6, 12-13). Sau khi phục sinh, Chúa Kitô vẫn lập lại: "Nhân danh Thầy, họ sẽ đặt tay trên các bệnh nhân, và những người này được chữa lành" (Mc 16, 17-18). Qua lời xác quyết của Marcô (Mc 6, 12-13): "Họ ra đi rao giảng cho người ta hối cải, và xua trừ nhiều ma quỷ, cùng đã xức dầu mà chữa lành nhiều kẻ ốm đau". Và lời của Giacôbê 5,14: "Ai trong anh em yếu liệt, hãy mời các vị niên trưởng của Hội Thánh, để họ cầu nguyện cho người đó. Sau khi đã xức dầu cho người đó nhân danh Chúa, lời cầu nguyện của đức tin sẽ cứu chữa người đau ốm, và Chúa sẽ vực người đó dậy... ". Nên Hội Thánh tin tưởng và tuyên xưng Xức Dầu Bệnh nhân là một trong bảy Bí tích Đức Giêsu đã thiết lập, mà Hội Thánh luôn cử hành để thêm sức mạnh cho các bệnh nhân.

2. Hiệu quả của Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân:

Ân sủng đặc biệt của Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân mang lại những hiệu quả sau đây:

  • Kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, để sinh ơn ích cho chính bệnh nhân và cho Giáo Hội.
  • Niềm an ủi, sự bình an và lòng can đảm, để chịu đựng những đau khổ của bệnh tật hoặc của tuổi già với tinh thần Kitô giáo.
  • Ơn tha thứ tội lỗi, nếu bệnh nhân chưa nhận được ơn tha thứ nhờ Bí tích Hòa giải.
  • Phục hồi sức khỏe, nếu điều này phù hợp với ơn cứu độ cho linh hồn bệnh nhân.
  • Chuẩn bị cho cuộc vượt qua sang đời sống vĩnh cửu (GLCG).


II. Thụ nhân và Thừa tác viên.

1. Thụ nhân của Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân:

Xức dầu bệnh nhân không chỉ là bí tích cho những Người sắp chết, nhưng còn dành cho những ai có nguy cơ tử vong do bệnh tật hoặc vì tuổi già. Khi bệnh nhân đã được xức dầu, rồi khỏe lại, sau đó bị bệnh nặng, họ có thể lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân lần nữa. Cả trước khi chịu cuộc giải phẫu nặng, bệnh nhân cũng nên nhận phép Xức Dầu.

2. Thừa tác viên Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân:

Chỉ có các vị tư tế, nghĩa là Giám mục hay Linh mục mới có quyền ban Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân. Dù cử hành tại tư gia, hay bệnh viện, Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân luôn là một cử hành phụng vụ có tính cách cộng đoàn. Nhưng yếu tố chính của Bí tích này là: "Các Linh mục của Hội Thánh" (GL 5,14) đặt tay, cầu nguyện cho bệnh nhân trong niềm tin của Hội Thánh" (x GL 5,15), rồi linh mục xức dầu đã thánh hiến cho bệnh nhân.

III. Của Ăn Đàng.

Cùng với việc xức dầu, Hội Thánh trao cho bệnh nhân Mình Thánh Chúa như của ăn đàng. Thông hiệp với Mình Máu Chúa Kitô trong giây phút đó có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì Mình Máu Chúa là sự sống và sức mạnh đặc biệt. Vì Mình Máu Chúa là sự sống và sức mạnh phục sinh, đưa bệnh nhân từ cõi chết đến cõi sống. Nếu ba Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể hợp lại thành "các bí tích dẫn vào Kitô giáo" thì Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân, Bí tích Hòa giải và ban Của Ăn Đàng hợp lại thành "các bí tích chuẩn bị về Quê Trời".

IV. Thái độ người Kitô hữu trước bệnh tật và đau khổ.

1. Nếu biết đón nhận trong lòng mến, bệnh tật có thể làm cho ta nên giống Chúa Kitô. Khi thánh Phaolô than phiền về bệnh tật của ngài, Chúa đã nói: "Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con" (2CR 12,9). Chúng ta cố gắng chống trả mọi bệnh tật, nhưng khi phải đón nhận, hãy cố gắng đón nhận bằng lòng mến như thánh Phaolô diễn tả: "Tôi vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô mãi trong xác tôi" (2Cr 12,9).

2. Bệnh tật có thể là sức mạnh Chúa ban, nhờ đó ta trải rộng tình thương cho người khác và giúp họ đạt đến Quê Trời. Vì thế thánh Phaolô nói: "Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thánh Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh" (C1 1,24).

 

7643    07-02-2011 07:24:19