Sidebar

Thứ Bảy
07.12.2024

Bài 46: Ân Sủng Và Công Chính Hóa

Bài 46
ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HÓA
(x. SGLC từ 1987 đến 2029)

"Nhưng ngày nay, Thiên Chúa cho thấy cách Người làm cho người ta nên công chính mà không cần đến luật Môsê. Điều này sách luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất kể là người Do Thái hay người ngoại. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất quyền vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô Giêsu phải đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin. Như vậy Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng công chính. Trước kia trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ Người muốn cho thấy rằng Người là Đấng Công Chính, nghĩa là Người vừa công chính, vừa làm cho kẻ sống nhờ lòng tin vào Đức Giêsu được nên công chính" (Rm 3, 21-26).

I. Ý nghĩa và đặc điểm Ơn Công Chính hóa.

Khát vọng sâu xa của mỗi người Kitô hữu là được ơn công chính hóa, nghĩa là nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, ta được sạch mọi tội lỗi, và được ban sự sống của Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô và nhờ phép Thánh Tẩy: "Quả thế, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô... " (Rm 3,22). Chính nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần mà mỗi người được dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô khi biết chết cho tội lỗi nhờ bí tích Thánh Tẩy, để được gia nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Hội Thánh: "Nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta được dự phần với Thiên Chúa. Nhờ sự dự phần của Thánh Thần, chúng ta được dự phần vào bản tính thần linh... (Thánh Atanaxilô). Nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, tiên vàn ta được ơn hoán cải, chính là điều Đức Giêsu đã rao giảng: "Các ngươi hãy hoán cải, vì Nước Thiên Chúa đã gần rồi" (Mt 4,17). Khi đã được ơn hoán cải, con người xa lìa tội lỗi, trở về với Thiên Chúa, nhờ đó được ơn tha thứ và ơn công chính. "Như vậy sự công chính hóa bao gồm ơn tha thứ các tội, ơn thánh hóa và sự đổi mới con người nội tâm" (Công đồng Trentô). Như thế nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và nhờ phép Rửa của Ngài, nhờ ân sủng của Thánh Thần, ta được công chính, nghĩa là được ơn tha tội, được tràn đầy lòng tin cậy mến Thiên Chúa, và được dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, ơn công chính là công cuộc tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, như lời Thánh Âu Tinh (Ev Yn 72,3): "Sự công chính hóa kẻ vô đạo là công cuộc lớn lao hơn việc tạo thành trời đất" bởi vì "Trời và đất sẽ qua đi, còn ơn cứu độ và ơn công chính hóa các kẻ được chọn sẽ tồn tại mãi mãi".

II. Ân sủng và đón nhận Ân sủng, Đặc sủng.

Ơn công chính hóa là công cuộc tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ có tội. Nhưng công chính hóa là ân sủng của Thiên Chúa. Vậy ân sủng là ân huệ, là sự cứu giúp nhưng không Chúa Cha trao ban để con người đáp lại tiếng mời gọi của Ngài là trở thành người con của Thiên Chúa: "... Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa..." (Ga 1, 12-18), trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa: "Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử..." (Rm 8, 14-17), được dự phần bản tính Thần Linh: "Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quí báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." (2Pr 1, 3-4), và được sự sống vĩnh cửu: "...Thật vậy Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân, là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời chính là nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17, 2-3). Như vậy ân sủng là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho ta, có tính thường xuyên, ổn định và siêu nhiên, để giúp ta sống thân mật với Thiên Chúa, và hành động theo ý Ngài. Người ta cũng phân biệt Thường Sủng giúp ta sống và hành động theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và Hiện Sủng để trợ giúp công cuộc thánh hóa. Ân sủng được ban cho ta không những để thánh hóa bản thân, mà còn giúp ta cộng tác vào việc thánh hóa người khác, và làm tăng trưởng thân thể Chúa Kitô là Hội Thánh. Đó là những ân sủng đặc biệt mà ta gọi là Đặc Sủng. Đặc sủng là ân huệ, hồng ân nhưng không đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để xây dựng Hội Thánh vì đức bác ái. Mỗi Kitô hữu phải ý thức hồng ân Chúa ban là món quà quí giá nhất, nên tỉnh thức mau mắn đón nhận và rộng mở tâm hồn để cộng tác vào ơn của Thiên Chúa.

III. Công trạng.

Mỗi khi làm được một việc lành cho tha nhân hoặc cho cộng đoàn... thường người ta coi đó là một công trạng, hay công nghiệp, hoặc công lao với Thiên Chúa. Đúng nghĩa mà nói, con người không có công lao gì với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng sáng tạo, còn con người là thụ tạo. Hơn nữa những gì con người có đều là hồng ân Thiên Chúa ban. Nhưng nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, ta có thể lập công để xứng đáng nhận cho mình và cho những người khác các ân huệ có ích cho ta đạt tới sự sống vĩnh cửu, cũng như để lãnh nhận được những ơn ích trần gian cần thiết như của cải, sức khỏe, tình bạn... Các ân sủng này, các lợi ích này là đối tượng của lời cầu nguyện Kitô giáo. Nhưng chính Đức Ái của Chúa Kitô ở trong ta là nguồn mạch tất cả các công lao của ta trước mặt Thiên Chúa. Khi kết hợp với Chúa Kitô bằng tình yêu tích cực, mọi hành vi của ta đều có công trước mặt Chúa và trước mặt người ta. Tóm lại, các vị Thánh luôn ý thức sâu xa rằng công lao của các Ngài chỉ là ân sủng của Thiên Chúa.

IV. Mọi người được kêu gọi nên Thánh.

Hết mọi người đều được mời gọi nên thánh như Đức Giêsu đã mời gọi: "Anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Muốn được thế, "các tín hữu phải nỗ lực theo mức hồng ân đã nhận từ Chúa Kitô để đạt được sự toàn thiện, để (....) trong khi chu toàn thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, họ hiến thân với hết tâm hồn cho vinh quang Thiên Chúa và cho việc phục vụ tha nhân... " (LG 40). Lời mời gọi nên Thánh đòi hỏi người Kitô hữu phải cố gắng trong suốt cuộc đời vì "sự toàn thiện Kitô giáo chỉ có một giới hạn, giới hạn đó không có một giới hạn nào hết" (Thánh Gregôriô thành Nys), đồng thời: "nếu ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,25).

 

14686    08-02-2011 15:08:16