Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bài 58. Điều Răn VII. Giữ Sự Công Bằng

2401-2463

"Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó" (Rm 13,7).

1. H. Điều răn thứ bảy dạy ta những gì?

T. Điều răn thứ bảy dạy ta sống công bằng theo hai nghĩa:

Một là tôn trọng của cải người khác vì mỗi người được quyền có của cải riêng để bảo đảm nhân phẩm và nhu cầu cuộc sống gọi là quyền tư hữu.

Hai là sử dụng của cải trong tinh thần liên đới và chia sẻ với mọi người, vì tài nguyên trong vũ trụ được Thiên Chúa ban chung cho mọi người.

2. H. Tội lấy của người khác cách bất công là những tội nào?

T. Là những tội này:

Một là trộm cướp,

Hai là gian lận,

Ba là cho vay ăn lời quá đáng,

Bốn là nhận của hối lộ hoặc thâm lạm của công.

Năm là đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng.

3. H. Tội giữ của người khác cách bất công là những tội nào?

T. Là những tội này:

Một là không trả nợ,

Hai là không hoàn lại của đã mượn hay lượm được,

Ba là không trả tiền công xứng đáng,

Bốn là trốn thuế,

Năm là oa trữ của gian.

4. H. Điều răn thứ bảy còn cấm điều gì nữa không?

T. Điều răn thứ bảy còn cấm:

Vi phạm hợp đồng đã ký kết,

Các trò chơi may rủi,

Việc mua bán trao đổi thân xác con người.

5. H. Kẻ đã lỗi đức công bình thì phải làm thế nào?

T. Phải hoàn trả lại những tài sản đã chiếm đoạt, và bồi thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra.

6. H. Điều răn thứ bảy dạy ta điều gì về giá trị thiên nhiên?

T. Điều răn thứ bảy còn dạy ta tôn trọng môi sinh, sử dụng đúng đắn các thú vật, cỏ cây và vật chất vô tri vì ích lợi toàn diện của mọi người.

7. H. Hội Thánh có vai trò nào trong những vấn đề kinh tế xã hội?

T. Hội Thánh đưa ra những nguyên tắc luân lý cho mọi hoạt động kinh tế xã hội, nhằm bảo vệ các quyền căn bản của con người để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ.

8. H. Các quốc gia cần phải tổ chức hoạt động kinh tế và sản xuất như thế nào?

T. Cần phải tổ chức cho công bằng hợp lý để mọi người có cơ hội thăng tiến bản thân và sống xứng đáng phẩm giá con người, cụ thể là phải bảo đảm các quyền căn bản của con người, nhất là quyền của người lao động.

9. H. Người Kitô-hữu cần góp phần thế nào vào các vấn đề xã hội?

T. Cần có sáng kiến góp phần theo ba cách:

Một là cùng với các công dân khác dấn thân hành động để lo cho ích chung, làm cho cơ cấu xã hội ngày càng thấm nhuần tinh thần Tin Mừng,

Hai là tận tâm lo cho những người nghèo khó và quẫn bách,

Ba là không được tham lam và sử dụng của cải cách ích kỷ.

691    15-02-2011 06:42:01