Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Bài 60: Đời Cầu Nguyện

Bài 60
ĐỜI CẦU NGUYỆN
(x. SGLC từ 2697 đến 2751).

"Trong Chúa, ta sống ta chuyển động, ta hiện hữu" (Cv 17,28). Đức tin dẫn ta đến chỗ nhìn nhận Chúa là sự sống và là tất cả của chúng ta. Vì thế, phải hít thở Thiên Chúa như hít thở không khí; nghĩa là phải cầu nguyện liên lỉ. Nhưng ta không thể cầu nguyện liên lỉ thực sự nếu không có những giây phút cầu nguyện đặc biệt, và dư âm kéo dài trong cuộc sống. Để nuôi dưỡng đời cầu nguyện liên lỉ, Hội Thánh dạy ta giữ nhịp cầu nguyện mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi năm. Mỗi ngày như các giờ kinh sáng, tối, trước và sau bữa ăn. Mỗi tuần với Chúa nhật là trọng tâm, và tập trung vào hiệp thông Thánh Thể. Mỗi năm với chu kÿ Năm Phụng Vụ và những ngày lễ lớn.

I. Những Cách Diễn Tả

Có nhiều cách diễn tả tâm tình cầu nguyện và truyền thống Kitô giáo thường nói đến ba hình thức Khẩu nguyện, Suy niệm và Chiêm ngắm.

1. Khẩu nguyện (Cầu nguyện bằng lời)

Khẩu nguyện là thiết yếu trong kinh nguyện Kitô giáo. Trong cuộc sống trần thế, chính Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng lời nói thưa với cha (Mt 11, 25-26; Mc 14, 36). Và khi các Môn đê xin Ngài dạy các ông Kinh Lạy Cha.

Đó cũng là đòi hỏi tự nhiên nơi con người vốn là hồn và xác, nên cần phải biểu tỏ tình cảm bên trong bằng lời nói bên ngoài. Chính vì phù hợp với con người tự nhiên như thế, nên khẩu nguyện là hình thức phổ biến nhất. Nhưng phải luôn luôn ý thức rằng: lời kinh đích thực phải phát xuất từ đáy thẳm tâm hồn, và "lời kinh của ta có được nhận lời hay không, không tùy thuộc vào số lượng (lời kinh), mà vào tâm bên trong" (Gioan kim khẩu).

2. Trí nguyện (Suy niệm)

Suy niệm là kiếm tìm. Kiếm tìm lý do và ý nghĩa đời Kitô hữu. Kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa để đáp trả. Sách thiêng liêng là phương thế rất tốt giúp ta trong cuộc tìm kiếm ấy: Kinh Thánh, các bản văn phục vụ, các bài viết về đời thiêng liêng. Đồng thời, chính cuộc sống cũng là một cuốn sách cho ta đọc và suy niệm.

Sự tìm kiếm ấy không thể chỉ ngưng lại ở bình diện trí tuệ, nhưng phải dẫn tới hành động, phải giúp ta nhận biết tình yêu của Đức Chúa Kitô, và dám thốt lên "Lạy Chúa. Chúa muốn con làm gì?." Khi đó suy niệm có khả năng tác động toàn bộ cuộc đời chúng ta: tư tưởng, cảm xúc, ước muốn.

Để đạt được mục đích trên, có nhiều phương pháp, nhưng đừng quên rằng phương pháp chỉ để hướng dẫn, chứ không là mục đích. Điều quan trọng là làm sao ta tiến tới trên con đường đích thực, con đường duy nhất: Đức Chúa Kitô.

3. Tâm nguyện (Chiêm niệm)

Chiêm niệm là đỉnh cao của đời cầu nguyện, đỉnh cao của cuộc gặp gỡ yêu thương giữa Thiên Chúa và con người. Trong chiêm niệm, người tín hữu muốn ở lại một mình với Chúa, để lắng nghe, và nhiều khi chỉ để chiêm ngắm "Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi", cảm nhận hạnh phúc được ở bên Đấng mình yêu mến. Vì thế, Thánh Têrêsa Avila nói: "Chiêm niệm chẳng là gì khác hơn sự chia sẽ thân giữa hai người bạn, là thường xuyên dành thời giờ ở lại một mình với Đấng mà ta biết là Ngài yêu thương ta " (Sách Đời Sống. 8,5).

Tình yêu ấy không chỉ mang nặng cảm tính; vì thế, vai trò của ý chí rất quan trọng để luôn trung thành với các giờ cầu nguyện, cho dù mệt mỏi hay khô khan. Nhờ đó, ta có thể đi sâu vào sự kết hợp với Chúa Kitô, và chia sẻ tâm tư với Ngài.

Phân biệt Khẩu nguyện, Trí nguyện và Tâm nguyện là công việc của lý trí; nhưng trong thực tế, cả ba có thể và phải hòa hợp với nhau làm một, vì cầu nguyện là đi vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa bằng tất cả con người của mình: linh hồn, trí khôn, thân xác; và để cuộc gặp gỡ ấy chi phối toàn bộ cuộc chúng ta.

II. Cuộc Chiến Đấu

Bước vào đời cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu. Đó là kinh nghiệm của các thánh, của Mẹ MARIA, và của chính Đức Giêsu trao lại cho ta. Bởi vì nếu cầu nguyện là ân huệ Thiên Chúa, thì đồng thời cũng mời gọi sự đáp trả của con người, và muốn đẩy ta ra khỏi sự kết hợp với Chúa. Vậy đâu là những khó khăn, và phải làm gì để vượt qua?

1. Những đối kháng với cầu nguyện:

Trước hết là những quan niệm sai lạc về cầu nguyện. Có người cho cầu nguyện chỉ là hoạt động tâm lý đơn thuần, có người lại nghĩ đó là nỗ lực tập trung để đạt tới tình trạng trống rỗng tâm trí, và có người giản lược cầu nguyện vào một số nghi thức. Ngay cả một số Kitô hữu cũng coi cầu nguyện chỉ là một công việc giữa trăm ngàn công việc. Tất cả đều bộc lộ một thiếu sót căn bản: quên rằng cầu nguyện không chỉ là việc của con người, nhưng còn là của Thánh Thần Thiên Chúa.

Thêm Vào đó là những não trạng của thời đại chi phối, khiến ta không đi sâu được vào đời cầu nguyện. Não trạng duy lý ngăn cản cầu nguyện vốn làm một huyền nhiệm. Não trạng tiêu thụ làm cho con người nghĩ cầu nguyện là vô bổ. Rồi dựa vào giác quan và tiện nghi như tiêu chuẩn đánh giá Chân, Thiện, Mỹ, thì làm sao thấy được vẻ đẹp của cầu nguyện là thái độ chạy trốn khỏi thế giới, trong khi thực ra không phải như thế.

Cuối cùng là những thất bại trong đời cầu nguyện: chán nản vì tình trạng khô khan, thất vọng vì xin mà không được, buồn phiền vì thấy mình không tiến bộ... Tất cả kiến chúng ta tự hỏi: Cầu nguyện có ích gì? Rồi dần dần sao lãng.

Để vượt qua những khó khăn này, cần phải khiêm tốn, tín thác và kiên nhẫn.

2. Tỉnh thức của con tim

Phải tỉnh thức trước những khó khăn và những cơn cám dỗ.

a. Trước những khó khăn
Nỗi khó khăn thường gặp là sự chia trí, không tập trung vào lời cầu nguyện và vào Đấng mà mình phải hướng tới. Sự chia trí này giúp ta khám phá tâm hồn mình đang nghiêng chiều và gắn bó với cái gì. Cho nên hàm ẩn bên trong lại là cuộc chiến đấu: chọn lựa Ông Chủ nào ta muốn phục vụ?

Để vượt qua, cần tỉnh thức nhận diện, và thái độ tỉnh thức này lại gắn liền với đức tin: tin rằng Chúa sẽ đến và đang đến ngay hôm nay. Vì tin, cho nên tỉnh thức kiếm tìm và đón tiếp.

Nỗi khó khăn nữa trong đời cầu nguyện là tình trạng khô khan, không cảm thấy được niềm an ủi và dịu ngọt nào khi cầu nguyện. Trên bình diện thiêng liêng, đây là lúc phải gắn bó với Đức Giêsu hấp hối và chịu chôn táng trong mồ; phải chấp nhận trở thành hạt lúa gieo xuống đất và mới sinh được bông trái (Ga 12,24).

b. Trước những cơn cám dỗ
Cơn cám dỗ thường xuyên nhưng lại ẩn kín, đó là thiếu đức tin. Người ta có thể làm rất nhiều việc đạo đức, rất hăng say nhiệt thành, nhưng ẩn bên trong lại vẫn thiếu đức tin chân thật, thiếu lòng khiêm tốn sâu xa để nhận ra rằng: "Không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì!" (GA 15,5).

Một cơn cám dỗ khác là sự nguội lạnh, phát sinh từ chỗ buông thả, không cảnh giác, lười biếng việc đạo đức. Nhưng nếu có lòng khiêm tốn, ta sẽ không thất vọng mà cố gắng vượt lên, tín thác nhiều hơn vào Chúa.

3. Niềm tín thác của con người

Chính trong những thử thách của cuộc đời, ta nhận ra mình có lòng tín thác thật sự hay không, nhất là khi cầu xin mà không được như lòng mong ước. Nhưng cũng chính lúc ấy, ta phải tự hỏi: Tại sao tôi lại than phiền vì không được nhận lời? Và phải làm gì để lời cầu nguyện có kết quả?

Cầu xin mà đòi hỏi Chúa phải thực hiện tất cả những gì mình muốn. Như thế, Chúa là ai? Là chủ cuộc đời ta hay chỉ dụng cụ của ta? Một câu hỏi rất quan trọng, giúp ta khám phá lại mối lại quan hệ với Thiên Chúa.

Đồng thời phải tự hỏi: Cái gì thực sự tốt đẹp và ích lợi cho ta? Chỉ một mình Chúa biết, và Ngài biết trước khi ta cầu xin (x. Mt 6,8). Vì thế, nếu cầu xin mà không được nhận lời, vì "anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc" (Gc 4,3). Như vậy, thay vì phiền trách Chúa, phải dò lại chính lòng mình.

Để lời cầu xin có hiệu quả, phải biết cầu xin với niềm tín thác. Niềm tín thác ấy dựa trên cơ sở là tình yêu trung tín của Thiên Chúa, đến nỗi hiến ban và phục sinh của Đức Giêsu, và Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta.

Đức Giêsu là mẫu mực của tín thác. Khi cầu xin, Ngài luôn đi tìm thánh ý Cha. chứ không đòi hỏi Cha phải theo ý mình. Vậy tại sao ta lại làm khác? Không những thế, Đức Giêsu còn là Đấng chuyển cầu cho ta trước tòa Chúa Cha (x.Dt 5,7). Vì thế, nếu ta kết hợp với Đức Giêsu trong tư tưởng, tâm tình và ước muốn, và nhân danh Ngài mà cầu xin, chắc chắn ta sẽ được nhận lời, và còn hơn những điều mình mong ước.

4. Cầu nguyện liên lỉ

"Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha ... Hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi" (Ep 5,20; 6,18)

Cầu nguyện liên lỉ, không ngừng với tất cả nhiệt tình...
Thái độ chỉ có được nhờ Tình yêu: tình yêu khiêm tốn, tình yêu nhẫn nại. Chính trong tình yêu ấy, ta khám phá ra rằng:

  • Có thể cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, vì khi yêu, người ta gắn bó với nhau tự thâm sâu tâm hồn.
  • Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu cho đời sống tâm linh, vì nếu không được Thánh Linh hướng dẫn, ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng tội lỗi, và ta chỉ có được hướng dẫn đó nhờ cầu nguyện.

• Cầu nguyện gắn chặt với Kitô hữu, không thể tách rời; vì Kitô hữu là ai, nếu không phải là người nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên giống Đức Giêsu mỗi ngày một hơn, và sống theo chương trình yêu thương của Cha. Cuộc sống đó cũng là đích điểm của đời cầu nguyện.

 

 

5636    09-02-2011 10:28:29