Bài 62
LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI
"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin. Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời..." (Mt 6, 7-9)
I. Trong tâm tình mến yêu và kính sợ.
Trong Thánh Lễ, trước khi đọc Kinh Lạy Cha, chủ tế mời gọi: Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo lời Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng." Động từ "dám" diễn tả một thái độ kính sợ đối với Chúa. Thái độ này bắt nguồn từ truyền thống lâu dài trong Kinh Thánh, được minh họa tuyệt với trong cảnh Môsê gặp Chúa trong bụi gai bốc cháy: "Chớ lại gần. Cởi dép ra, bởi đất ngươi đang đứng là đất Thánh" (Xh 3,5)
Chỉ nhờ đức Giêsu Kitô - Thiên Chúa làm người - chúng ta mới dám đến gần Thiên Chúa là Cha, trong niềm tin yêu thảo hiếu: "Trong Ngài, ta được tự do dạn dĩ và được đến cùng Cha, đầy lòng tín thác vì đã tin vào Ngài" (Ep 3,12)
II. Đến với Thiên Chúa là Cha.
Trong Cựu Ước, các Ngôn sứ cũng đã nói đến Thiên Chúa là Cha: "Chính Người là Cha chúng tôi, Đấng chuộc lấy chúng tôi tự ngàn xưa, đó là Danh Người" (Is 63,16). Tuy nhiên, không có kinh nguyện nào trong Cựu ước cầu khẩn Thiên Chúa cách trực tiếp với danh xưng "Cha chúng con". Có chăng là những chỉ dẫn gián tiếp và hướng tới tương lai: "Ngài kêu khấn cùng Ta: Người là cha tôi, Thiên Chúa của tôi, Đá Tảng tế độ cho tôi. Nên Ta sẽ đặt Ngài làm Trưởng Tử, làm vị Tối Cao trên vua chúa trần gian (Tv 89,27)
Với Đức Giêsu, xuất hiện mối quan hệ hoàn toàn mới mẽ với Thiên Chúa, thể hiện qua tiếng gọi "Abba, Cha ơi!". Là "Con duy nhất, hằng ở nơi cung lòng cha" (Ga 1,18). Đức Giêsu quả quyết: ""Không ai biết Cha trừ ra Con, và những kẻ Con muốn mặc khải cho" (Mt 19,27)
Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa không chỉ tỏ mình là: "Cha của chúng ta", nhưng Ngài còn nhận ta làm con của Ngài. Trong bí tích Thánh tẩy, ta được tái sinh trong đời sống mới "bởi Nước và Thánh Thần", trở nên chi thể trong thân mình Chúa Kitô, và vì thế, được trở nên con Thiên Chúa trong Người Con Duy Nhất.
Vì vậy khi đọc Kinh Lạy Cha, thái độ nền tảng phải có là khiêm tốn và biết ơn: khiêm tốn vì nhận ra sự thật về con người bất xứng của mình, tạ ơn vì biết rằng tất cả là ân huệ Thiên Chúa ban. Đồng thời, phải noi gương Đức Giêsu, sống tư cách người con hiếu thảo, luôn tín thác vào Cha, và thực thi ý Cha.
III. Cha Chúng Con Ở Trên Trời
Khi kêu lên với Thiên Chúa là "Cha của chúng con", từ "của" ở đây không có ý chỉ một người, một vật mà ta có quyền sở hữu; nhưng nhắm diễn đạt mới quan hệ mới, quan hệ giao ước, trong đó Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và ta là con của Ngài.
Đồng thời, ta không thưa với Chúa là " Cha của con", nhưng "Cha của chúng con", nghĩa là phải ra khỏi lối sống cá nhân chủ nghĩa, và được dẫn vào cộng đoàn của những anh chị em có chung một người Cha. Hơn thế nữa, còn phải hướng đến việc "thâu họp con cái Thiên Chúa tản mát lại làm một" (x.Ga 11,52). Như thế, khẩn cầu Thiên Chúa là "Cha của chúng con", đòi hỏi ta một lối sống phục vụ mọi người, và cùng xây đựng lợi ích chung (x.MV 22).
Người Cha mà ta khẩn cầu là "Đấng ngự trên trời". "Trời" ở đây không có ý chỉ về một nơi chốn trong không gian, nhưng diễn tả tính siêu việt và uy quyền của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt trên tất cả những gì mà con người có thể quan niệm, về sự thánh thiện và vinh quang của Ngài. Tuy nhiên, Ngài lại ở rất gần những tâm hồn khiêm tốn và sám hối.
Hình ảnh trời cao cũng nhắc nhớ con người về chính vận mệnh cao cả của mình. Nhà của Cha chính là quê hương của ta, nhưng tội lỗi đã khiến ta rơi vào thân phận lưu đày, và nếu có lòng sám hối chân thành, ta-lại được quay về Nhà Cha (x.Lc 15,18,21). Chúa Kitô chính là Đấng giao hòa Trời và Đất, vì Ngài là Đấng "từ trời xuống", (Ga 3,13) và nhờ mầu nhiệm Vượt Qua Ngài lôi cả nhân loại đến với trời cao.
Ngay từ bây giờ, Thiên Chúa của trời cao đã ngự trị trong tâm hồn người công chính, như trong đền thờ của Ngài. Và nếu ta sống đời công chính, là ta đang mời Ngài đến cư ngụ trong tâm hồn mình (x.Âu - tinh Bài giảng trên núi).