Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Bài 63: Bảy Lời Nguyện Xin

Bài 63
BẢY LỜI NGUYỆN XIN

"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7)
"Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí việc hưởng lạc" (Gc 4,3)

1. NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG

Với lời cầu xin này, chúng ta xin Chúa thánh hiến Danh Ngài. Cho nên bản dịch mới đề nghị dịch là "xin làm cho Danh cha được vinh hiển".
Trong kinh Thánh, "Danh" không chỉ là tên gọi để phân biệt, mà còn là chính con người, và sự Thánh thiện của Chúa cũng được gọi là vinh quang "Thánh, Thánh, thánh, Giavê các cơ binh, khắp đất đầy tràn vinh quang người" (Is 6,3)

Trong Cựu Ước, sự thánh thiện của Chúa được biểu lợ qua giao ước, và ơn giải thoát Ngài ban cho dân:
"Người đã sai đến cho dân ơn cứu chuộc. Người dã truyền giao ước của Người cho đến muôn đời. Danh Người, Danh Thánh và đáng kính sợ." (Tv 111,9)

Nhưng chính nơi Ðức Giêsu, ta mới hiểu rõ lời nguyện xin nầy. Ngay trước "giờ" (tử nạn). Ðức Giêsu kêu lên: "Lạy Cha xin hãy tôn vinh Danh Cha." (Ga 12,28). Và trong lời nguyện Linh mục. Ngài nói rõ hơn:
"Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha ngõ hầu, Con Cha tôn vinh Cha... Con đã tôn vinh Cha dưới đất đã chu toàn công việc Cha đã giao phó cho Con làm... Con đã mặc khải Danh Cha cho những người Cha đã lấy từ giữa thế gian mà ban cho Con... Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ chúng nhờ Danh Cha, ngõ hầu chúng nên một như Chúng ta." (Ga 17,1,4,6,11)

Như vậy Ðức Giêsu cho thấy: chính Cha tôn vinh Ngài, nhưng Chúa Cha lại tôn vinh Ngài qua Chúa Con và qua cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Con. Ðồng thời, Chúa Cha được tôn vinh không chỉ bằng kinh kinh nguyện, mà còn bằng việc làm của Ðức Giêsu. Với lời nguyện xin này, chúng ta xin Cha tôn vinh Danh Ngài trong và qua kinh nguyện, cũng như cuộc sống của mình. Nếu ta sống tốt, Danh Chúa được chúc tụng; nếu ta sống tội lỗi, Danh Chúa bị xúc phạm (x.Phêrô kim khẩu).

2. NƯỚC CHA TRỊ ÐẾN.

Theo Phúc Âm nhất lãm, Nước trời là đề tài trung tâm trong lời rao giảng của Ðức Giêsu. Theo thánh Marcô, Ðức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ công khai với lời công bố: "Thơí giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". (1,15). Với Thánh Luca, Nước trời còn đang ẩn đấu (17,20), nhưng đã có những dấu chỉ để nhận diện, như lời Ðức Giêsu trả lời các môn đệ của Gioan: "Các ông hãy đi tin lại cho Gioan mọi điều mắt thấy tai nghe: mù được sáng, què được đi, phong hủi được sạch và điếc được nghe, kẻ chết sống lại, nghèo khó được nghe báo Tin Mừng." (7,22). Tin mừng Mathêu lại trình bày Nước Trời bằng những hình ảnh và dụ ngôn sống động (chương 13), diễn tả Nước Trời là giá tri tuyệt đối, đến nỗi người ta vui mừng bán tất cả những gì mình có, để chiếm lấy (13, 44-46) và năng lực Nước Trời không ngừng phát triển. âm thầm mà mãnh liệt (13, 31-33).

Dựa vào các bản văn Tân ước, có thể nhân ra những đặc điểm của Nước Trời:

  • Ðang trên đường hoàn thành: đã có mặt rồi nhưng chưa hoàn thành. Nước Trời đang ở giữa chúng ta, trong những người có tinh thần nghèo khó, chịu bách hại vì lẽ công chính (Lc 17,21; Mt 5,3-10); nhưng đồng thời Nước Trời lại không thuộc thế gian này (Ga 18,36).
  • Phổ quát: Nước Trời được dành cho mọi dân mọi nước, và chi phối mọi chiều kích đời sống của con người.
  • Sâu xa: Nước Trời như men sự sống thấm nhập tận trong thực tại, biến đổi mối quan hệ của ta với Thiên Chúa và với nhau. Tái lập những giá trị căn bản của đời sống: công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.
  • Do Ðức Giêsu thiết lập theo ý định của Cha, và Nước Trời là chính Ðức Giêsu.


Vì Nước Trời là chính Ðức Giêsu, nên xin cho Nước Cha trị đến cũng có nghĩa là kêu lên "Maranatha. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến". Và khi cầu xin như thế cũng có nghĩa là xin cho ta được sống xứng đáng là công dân Nước Trời, như Thánh Augustino diễn tả: "Nài xin Nước Chúa ngự đến là nài xin ân huệ sống đời công chính."

3. Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ÐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI

"Xin cho Ý Cha thế hiện dưới đất cũng như trên trời." Nhưng Ý Cha là gì? Người ta có thể đồng hóa Ý Cha với ý riêng, quan điểm, lập trường của mình và bắt mọi người phải theo. Vì thế, phải qui về Ðức Giêsu Kitô, Ðấng thi hành thánh ý Cha trong mọi sự (x.Dt 10, 5-7; Ga 8,29). Và là Ðấng mà nơi Ngài, Thánh Ý cha được bày tỏ trọn vẹn. Ðó là ý muốn "Cho mọi người được cứu thoát và được nhận biết sự thật" (1Tm 2,4). "Không muốn ai phải hư đi nhưng hết thảy có phương hối cải (2Pr 3,9), và giới răn gồm tóm Thánh Ý Thiên Chúa là "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 13, 34).

Thánh Ý ấy phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thánh Cyprianô cắt nghĩa: "Chúng ta phải cầu nguyện để những ai còn thuộc trái đất này có thể thi hành Thánh Ý Thiên Chuá." Muốn như thế: "đừng rập theo đời này, nhưng hãy biến đổi nhờ canh tân lòng trí, làm thế nào để thẩm định được Ý Thiên Chúa là gì thật là tốt lành, thú vị, trọn hảo" (Rm 12,2).

Cuối cùng để Thánh ý Thiên Chúa được thể hiện trong chính cuộc đời mình và mọi người, ta cần phải sống mầu nhiệm tự hủy của Ðức Giêsu, Ðấng "vâng phục cho đến chết và là cái chết thập giá" (P1 2,6), phải noi gương Mẹ Maria và các Thánh trong "sự vâng phục của đức tin". Lời cầu nguyện chân thành dẫn ta đến thái độ nơi tâm cần thiết, để thánh Ý thiên Chúa được tỏ hiện trong cuộc đời của chúng ta.

4. XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HÀNG NGÀY

Lời cầu xin này phát xuất từ niềm tin tưởng vào Cha, là Ðấng "cho mưa xuống trên người ngay cũng như kẻ ác, cho mắt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành" (Mt 5,45); đồng thời, ý thức rằng con người là tạo vật, cho dẫu lao đồng, phát minh và sáng tạo, nhưng nền tảng là chính hiện hữu (sự sống) của mình, và thiên nhiên lại là quà tặng của Thiên Chuá. Vi thế, ngay chính lúc vận dụng bàn tay và khối óc để làm ra lương thực, vẫn dâng lời khẩn cầu Thiên Chúa, và tạ ơn Ngài.

Khi xin Cha ban thương thực, Ðức Giêsu dạy ta thưa: "xin cho chúng con," nghĩa là không chỉ cho bản thân nhưng cho mọi người, cho cả cộng đồng nhân loại liên kết với nhau trong tình huynh đệ. Như vậy, lời kinh dẫn ra đến đòi hỏi phải chia sẻ cho nhau những nhu cầu trong đời sống. Ðòi hỏi này đã được nhấn mạnh từ thời Cựu ước: "Hãy chia bánh cho người đói, nơi trú ngụ cho kẻ không nhà, quần áo cho người mình trần; đó là chay tịnh Ta mong muốn" (Is 58,7). Ðức Giêsu đã làm nổi bật đòi hỏi này trong dụ ngôn: "Nhà phú hộ và La-gia rô" (Lc 16, 29-31).

Ngày nay, sự tương phản giữ người giàu và người nghèo còn rộng lớn hơn. Và thái độ ích kỷ của nhà phú hộ ngày xưa cũng mang tầm vóc sâu xa hơn... Vì thế người ta nói đến thứ "tội cơ cấu, tội xã hội". Cơ cấu chính trị kinh tế xã hội, cần được đổi mới để phục vụ nhu cầu của mọi người; nhưng những cơ cấu đó chỉ được đổi mới khi chính tâm hồn con người hoán cải.
Ngoài ra, khi xin Cha ban lương thực người Kitô hữu ý thức đây không chỉ là lương thực vật chất, mà còn là lương thực tinh thần. Ngôn sứ Amos từng nói đến nạn đói, không phải "đói cơm bánh" mà là "đói nghe lời Chúa" (8,11). Và Ðức Giêsu đã nói rõ ràng: Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Vì thế, người Kitô hữu hiểu lời cầu xin này là xin "Bánh Sự Sống", gồm cả Lời Chúa (được đón nhận trong đức tin) và mình Chúa (được đón nhận trong Thánh Thể).

5. VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON.

Khi cầu nguyện, ta đến trước mặt Chúa như đứa con hoang đàng trờ về nhà Cha trong niềm sám hối "Thưa cha, con phải lỗi phạm đến Trời và đến Cha" (x.Lc 15, 17-19), và như người thu thuế không đám ngẩng mật lên, nhưng cúi đầu xuống, đấm ngực mà thầm thì: "Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội" (Lc 18, 13).

Tâm tình sám hối đó phát xuất từ chỗ nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình "Nếu ta nói: ta không có tội thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta... Nếu ta nói: ta đã không phạm tội thì ta kể Người là kẻ nói láo, và Lời Người không có trong ta" (1 Ga 1,8-10). Thánh Mathêu diễn tả tội lỗi đó là một món nợ. Chúng ta mắc nợ với Chúa: món nợ công chính, vì ta làm lu mờ vinh quang Chúa, món nợ vô ơn trước những ân huệ Chuá ban tặng, món nợ xức phạm, chống lại Chúa vì tội lỗi của mình. Tuy nhiên, tin vào tình thương của Chuá là Cha (Abba), ta nài xin ơn tha thứ. Tha thứ ở đây không chỉ là không trả thù, hay quên đi lỗi phạm của người khác, mà còn là giải thoát, là tái lập mối quan hệ đã bị bẻ gẫy. Ðó là lời cầu xin của Ðức Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết" (Lc22,34). Và mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi sống tâm tình yêu thương tha thứ ấy: "Thầy nói với anh em, hãy yêu thương kẻ thù địch, và khẩn cầu cho những người bắt bớ anh em, để anh em nên những con của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 44,45).

Chính vì thế khi "Xin Cha tha nợ" ta lại thêm: "như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Ðức Giêsu đã dùng dụ ngôn về người đầy tớ bất nhân (Mt 18, 21-35) để giúp ta hiểu rõ ý nghĩa: trước hết, như ông chủ tha nợ cho tên đầy tới, ơn tha thứ Chúa dành cho ta đi trước sự tha thứ ta dành cho tha nhân; kế đến, sự tha thứ cho người khác là cách diễn tả ơn tha thứ mình đã lãnh nhận; và cuối cùng ơn tha thứ của Chúa chỉ thành hiện thực nến ta biết đón nhận và chia sẽ cho nhau có tầm quan trọng đặc biệt, đến nỗi Ðức Giêsu nói: "Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và sực nhớ người anh em có điều bắt bình với người, hãy đặt của lễ trước bàn thờ mà đi làm hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ." (Mt 5,23-24).

Như vậy, lời cầu xin này dẫn ta đến một lối sống chan chứa tình thương, và biến đổi cả bộ mặt cuộc đời.

6-7. XIN ÐỪNG ÐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ, NHƯNG CỨU CHÚNG CON KHỎI MỌI SỰ DỮ

Lời cầu xin này đáp-ứng lời cảnh giác của Ðức Giêsu "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Tinh thần thì mạnh mẽ nhưng xác thịt lại yếu đuối" (Mt 25,41).

Phân biệt "thử thách" và "cám dỗ". Thánh Phaolô tự hào vì những thử thách gian truân gặp phải trong đời,

"Gian truân tạo kiên nhẫn, kiên nhẫn tạo nhân đức" (Rm 5,3-5). Còn cám dỗ là sự xúi giục điều xấu, đưa đến tội và sự chết, và Thiên Chúa không cám dỗ ai cả: "Bị cám dỗ, đừng ai nói: Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ. Vì Thiên Chúa không thể bị điều dữ cám dỗ Người, và Người cũng không cám dỗ ai. Mỗi người có bị cám dỗ là do đam mê của mình" (Gc 1,13-14).
Cũng phải phân biệt "bị cám dỗ" và "sa chước cám dỗ". Bị cám dỗ là chuyện tự nhiên của thân phận con người. Chính Chúa Kitô cũng bị cám dỗ (Mt 4,1-11). Và vì thế, không có tội lỗi gì khi bị cám dỗ. Vấn đề là ở chỗ chiều theo cơn cám dỗ. Ở đây, ta cần được ơn biện phân các thần khí để nhận diện sự ác, xuất hiện với dáng vẻ bên ngoài "tốt đẹp ... nhìn thật hấp dẫn" (St 3,6), nhưng bên trong lại ẩn chứa nọc độc tội lỗi và sự chết.

Có chiều theo cơn cám dỗ hay không, điều đó tùy thuộc tâm hồn ta: "Kho tàng, của người ở đâu, lòng người ở đó ... Không ai có thể làm tôi hai chủ ... " (Mt 6,21-24). Chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa để hướng lòng về điều thiện: "Chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước" (GI 5,25): Và Thánh Phaolô quả quyết: "Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức chịu đựng" (1Cr 10,13). Chính vì thế, cần tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ (x,Mc 13,9; Cl 4,4; 1Pr 5,8-10).

Lời kinh này không chỉ nói đến những cơn cám dỗ hàng ngày, mà còn nói đến cuộc chiến đấu giữa Thiên Chúa và Ác thần: "Nhưng cứu chúng con khỏi Ác thần."

Ðó là cuộc chiến đấu chống lại Satan "tên quyến rũ cả thế giới" (Kh 12, 9) "Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó... nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối" ( Ga 8,44). Chúa Kitô phục sinh đã chiến thắng "Ðầu mục của thế gian này (Ga 14, 30). Nhưng sự giải thoát này Chúa biểu lộ hoàn toàn nơi mọi thụ tao, vì thế, "tạo thành những ngong ngóng trông đợi... hi vọng sẽ được tự do, khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do, khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quanh thuộc hàng con cái Thien Chúa" (Rm 8,20-22). Nhưng Chúa Kitô trấn an chúng ta: "Ðừng sợ, Thầy đã thắng thế gian". Và vì thế, chúng ta phải cầu xin ơn được giải thoát khỏi sự dữ:

"Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời".
Chính nhờ Ðức Kitô,
Cùng với Ðức Kitô,
Và trong Ðức Kitô
Hiệp nhất với Chúa Thánh Thần
Mọi vinh quang và danh dự
Ðều thuộc về Cha
Là Thiên Chúa toàn năng
Ðến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 


Bản Văn Giáo Lý Công Giáo Việt Nam
Dành cho Giáo Lý Viên và Người Trưởng Thành
Biên soạn cho Giáo Dân Việt Nam 1996
Tác Quyền của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

Bản điện toán tiếng Việt này được sự cộng tác của Lm Bartholomeo Huynh San, Joseph Nguyễn Phước Thiện và Nhóm Legio Mariae VN ở Melbourne, Australia. Bản thảo trình trên Internet do VietCatholic soạn.
Linh mục John Trần Công Nghị
Copyright @ VietCatholic

3881    09-02-2011 10:54:48