Bài 9
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI
(x.SGLC từ 0355 đến 0379).
Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, có nam có nữ. Con người có vị trí ưu việt trong công trình sáng tạo và được tham dự vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Không có câu hỏi nào gay gắt cho bằng câu hỏi con người đặt ra về chính mình: "Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau" (MV 12) và chính quan niệm ấy dẫn lối cho cuộc sống. Chính vì thế, câu hỏi về con người có tầm quan trọng đặc biệt, và Hội Thánh "được Thiên Chúa là Ðấng mặc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giãi bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người" (MV 12).
I. Con người là hình ảnh Thiên Chúa.
Trong biết bao nhiêu câu trả lời về con người, Kinh Thánh đưa ra định nghĩa đơn sơ mà sâu sắc "Con người là hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,24). Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, đến nỗi tác giả Thánh Vịnh phải kêu lên: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, Muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-7) Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người có khả năng đặc biệt, khả năng nhận biết và yêu mến (x. MV 12), nhờ đó con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu thương với Ngài. Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người là đỉnh cao của tạo thành và Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự là cho con người "Trời và đất, biển khơi và mọi tạo vật là để cho con người" (Thánh Gioan Kim Khẩu). Nhưng đồng thời, con người không thể quên rằng họ được tạo nên để phụng sự, yêu mến Thiên Chúa, và phải hiến dâng tất cả tạo thành cho Ngài. Phẩm giá cao cả nầy chỉ hiểu được trọn vẹn nhờ Ðức Giêsu, vì "Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể" (MV 22). Chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu bày tỏ tất cả nghĩa cao cả của bản thân và cuộc sống con người.
II. Con người là xác và hồn.
Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh mô tả "Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật" (St 2,7). Như thế, nơi con người có cả yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, và cả hai tạo nên bản tính duy nhất, liên kết chặt chẽ với nhau: con người duy nhất xác hồn. "Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng tổng hợp vật chất ấy lại được linh động hóa bởi nguyên lý tinh thần là hồn thiêng. Vì thế, "con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, và không chỉ coi mình như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật" (MV 14). Hồn thiêng ấy do Thiên Chúa trực tiếp tạo nên và ban tặng, chứ không do cha mẹ tạo nên. Ðồng thời, hồn thiêng mang tính bất tử, không bị tiêu diệt, kể cả khi hồn lìa khỏi xác trong giờ chết, nhưng sẽ kết hợp lại với thân xác trong cuộc phục sinh sau cùng.
III. Con người là nam và nữ.
"Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam và có nữ" (MV 12; St 1,27), nghĩa là có sự khác biệt nhưng đồng thời lại bình đẳng với nhau: khác biệt về phái tính cùng với những nét độc đáo của mỗi phái, nhưng bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, phản ánh sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài. Họ được tạo dựng để sống với nhau và cho nhau. Kinh Thánh mô tả: "Ðức Chúa là Thiên Chúa phán: con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Nhưng bởi vì giữa bao nhiêu thú vật, chim trời và dã thú, người nam vẫn không tìm được một trợ tá tương xứng, nên "Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ người nam, làm thành một người đàn bà" và lúc ấy người nam reo lên "Ðây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (St 1,22-23), tiếng reo của khám phá, của tình yêu và thông hiệp. Và cả hai kết hợp với nhau "thành một xương một thịt" (St 2,24). Sự liên kết giữa họ và tạo nên cộng đoàn đầu tiên giữa người với người (MV 12), trong đó hai người nam nữ vừa bình đẳng, vừa bổ túc cho nhau. Nhờ đó, họ "cộng tác đặc biệt vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài đã chúc lành cho họ, và phán: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều" (MV 50). Sự liên kết ấy còn diễn tả bản tính thâm sâu của con người "là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với người khác, sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình" (MV 12).
IV. Con người trong vườn địa đàng.
Con người nguyên thủy sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và với cả vạn vật chung quanh. Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh địa đàng, nơi con người sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15). Hội Thánh gọi tình trạng đó là tình trạng công chính nguyên thủy, và con người "được tham dự đời sống thần linh" (GH 2). Trong hạnh phúc nguyên thủy đó, con người làm chủ chính mình, không chịu sự thống trị của dục vọng, không phải đau khổ và chết chóc, lao động không là gánh nặng nhưng là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm kiện toàn chính bản thân và cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hạnh phúc nguyên thủy ấy đã bị mất đi khi con người sa ngã trong Adam. (x. GH 2).
V. Sống ơn gọi làm người.
Mặc khải của Thiên Chúa về phẩm giá con người phải trở thành ánh sáng soi lối cho cuộc sống người Kitô hữu, trong cuộc sống của bản thân cũng như trong mọi mối quan hệ đời sống.
1. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Ðức Giêsu, Ðấng Thiên Chúa làm người, và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế, con người trở thành con đường của Hội Thánh, và người Kitô hữu phải biết trân trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đang hiện diện trong họ (x. Mt 25,40).
2. Ý thức về con người duy nhất xác hồn giúp người Kitô hữu ý thức bản chất và vận mạng cao cả của mình, để biết ngẩng đầu lên và hướng lòng đến những sự trên trời. Phát triển kinh tế và những tiện nghi vật chất là điều cần thiết và hữu ích, nhưng chúng ta cũng dễ bị cám dỗ để quên mất rằng "Nhân linh ư vạn vật" và "mang trong lòng những khát vọng vô biên, được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn" (MV 10). Vì thế, phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, chứ không chỉ về thân xác và vật chất mà thôi.