Bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho - trong Thánh lễ an táng Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu vào lúc 10g, ngày 4.2.2013, tại nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long.
THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA GIACÔBÊ
(Is 25, 6a.7-9 ; Phil 3,20-21 ; Mt 11,25-30)
1. Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Lễ an táng cho Đức Cha Giacôbê, một Đấng lão thành rất thân yêu trong lòng Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long này. Theo kiểu nói Việt Nam ngày nay, Đức cha Giacôbê là một "Cây đại thụ", "Cây cao bóng cả", nhánh vươn dài ra tới đại dương. Theo kiểu nói nhà đạo của chúng ta, ngài là một vị mục tử tốt lành, rất giống với Chúa Giêsu mục tử, một người cha nhân ái có cả tình mẹ, một bậc Thầy vững vàng mà nhiều người phải nể trọng. Ngài còn là một người anh cả trong hàng Giám mục Việt Nam, là một người bạn chí tình, một người gần gũi với mọi người, kể cả giáo dân và linh mục là những người thường ngại gần "mặt trời", vì sợ nóng.
2. Lời của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng Mátthêu hôm nay được minh hoạ bằng những lời giảng dạy và cuộc đời hy sinh lao nhọc của Đức Cha Giacôbê tóm tắt lại trong hai chữ "amor et labor" (tình yêu và sự lao nhọc). Đức Cha Giacôbê đã học với Chúa Giêsu, khám phá tình yêu cao cả và vô bờ của Thiên Chúa đối với những kẻ bé mọn, ngài đã cầu nguyện giống như Chúa Giêsu: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25). Nhờ Chúa Giêsu, Đức cha Giacôbê đã biết được Thiên Chúa. Và đó là một tri thức tuyệt vời, một niềm vui khôn tả mà Đức cha đã truyền đạt lại cho nhiều thế hệ.
3. Đức cha Giacôbê đã yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hết lòng. Tâm hồn Đức cha dào dạt tình yêu dành cho Thiên Chúa, và tình yêu ấy lan tỏa, ảnh hưởng tới mọi người chung quanh. Nguồn gốc của tình yêu ấy là chính Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa ở trong lòng Đức cha, tình yêu ở trong lòng Đức cha. Nói như thế không có nghĩa là cuộc đời của Đức cha Giacôbê phẳng lặng, không sóng gió, không chông gai, không lao nhọc. Không phải như thế!
4. Cuộc đời của Đức cha đã trải qua rất nhiều đau khổ và khó khăn, hơn nhiều giám mục và linh mục khác. Chỉ cần nói qua một số địa danh mà Đức cha đã phục vụ cách đây hơn 50 năm như Bến Gỗ, Cái Thia, Cái Bèo, Côn Đảo, Đơn Dương, Cầu Đất, Bắc Hội..., đủ thấy Đức cha đã vất vả và lao nhọc đến là dường nào. Đức cha mà sống đến 100 tuổi, thì thật là lạ lùng!
5. Lao nhọc (labor) là số phận đầu đời linh mục của Đức cha. Nhưng Đức cha đã chạy đến với Chúa Giêsu, đáp lại lời mời gọi của Chúa: "Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28). Đức cha đã áp dụng lời nói của Chúa một cách triệt để và từng chữ. Đức cha được nghỉ ngơi bồi dưỡng thực sự khi đến với Chúa Giêsu, vì tất cả gánh nặng mục vụ, Đức cha đều trút cho Chúa. Đức cha đã học với Chúa, đã mang ách của Chúa. Ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng (x. Mt 11, 28), chính vì thế mà Đức cha luôn được bình an thư thái, vui vẻ nhẹ nhàng với mọi người. Quả thật đây là một gương nhân đức tuyệt vời cho mọi người chúng ta, giám mục, linh mục và các thừa tác viên của Hội Thánh.
6. Đường đời của Đức cha Giacôbê khá dài, hành trình gần 100 năm. Giờ đây Chúa Giêsu đang đón Đức cha ở cuối chặng đường, đưa Đức cha vào Quê Trời là quê hương của tất cả chúng ta. Không biết Chúa có đòi hỏi nơi Đức cha một thời gian thanh luyện hay không, nhưng điều chắc chắn là Chúa sẽ cho Đức cha trình diện với Thiên Chúa, ban cho Đức cha Thánh Thần tình yêu và đãi Đức cha một bữa tiệc thiên quốc, bữa tiệc rất thịnh soạn, mà thức ăn chính Sự Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bánh Hằng Sống và Chén Cứu Độ, mà hằng ngày Đức cha lãnh nhận trong Thánh lễ Đức cha cử hành cho mình và cho Dân Chúa, thực ra là "Chén Hiệp Thông mà Ba Ngôi Thiên Chúa cùng chia sẻ". Trong Thánh lễ hôm nay mà chúng ta cùng nhau cử hành để cầu nguyện cho Đức cha, Chén Hiệp Thông đó trở thành Chén Cứu Độ cho chúng ta, chúng ta hãy sốt sắng và tích cực thông phần. Nhờ đó hy vọng chúng ta sẽ được cùng sống lại với Đức cha trong ngày sau hết.
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho