Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Bài Giáo Lý của ĐTC Biển Đức, trong cuộc triều yết chung ngày 7-12-2011

"Việc cầu nguyện mở chúng ta để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của Chúa, chính là Chúa Giêsu", và như vậy "hoàn thành ý Chúa Cha trên đời sống chúng ta" và "tìm thấy sự nghỉ ngơi", - ĐTC Biển Đức XVI giải thích.

ĐTC Biển Đức XVI đã ban cuộc triều yết chung lúc 10g30 sáng thứ tư ngày 7-12 tại Sảnh đường Phaolô VI ở Vatican, với sự hiện diện của hàng ngàn du khách của Ý và thế giới, trong đó có nhiều ca đoàn và ban nhạc, họ được nhắc đến trong phần giới thiệu các nhóm khác nhau.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục bài giáo lý của Ngài về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, trong khuôn khổ "trường học cầu nguyện" của Ngài - như người ta có thể gọi loạt bài giáo lý này - khi Ngài giải thích bài ca hoan hỉ của Chúa Giêsu (Mt 11,25-30; Lc 10,21-22).

Bài Giáo Lý của ĐTC Biển Đức XVI bằng tiếng Ý:

Anh chị em thân mến,

Các thánh sử Mt và Lc (x. Mt 11,25-30 và Lc 10,21-22) đã chuyển giao cho chúng ta một "viên ngọc" của việc Chúa Giêsu cầu nguyện, thường được gọi là "Bài ca hoan hỉ" hoặc "Bài ca hoan hỉ Mêsia". Đây là một lời cầu nguyện tạ ơn và khen ngợi, như chúng ta đã nghe nói. Trong bản gốc tiếng Hi Lạp của các Tin mừng, động từ mà bài ca này bắt đầu, và thể hiện thái độ của Chúa Giêsu đang nói với Chúa Cha, "exomologoumai", thường được dịch là "Con xin ngợi khen " (Mt 11,25 và Lc 10,21).

Nhưng trong các bản văn Tân Ước, động từ này chỉ ra hai điều chính: trước tiên là "biết đến cùng" - ví dụ, thánh Gioan Tẩy Giả yêu cầu các người đến xin Ngài rửa rội hãy biết đến cùng tội lỗi của họ (x. Mt 3:6) - và thứ hai là "xin đồng ý". Cụm từ mà Chúa Giêsu bắt đầu lời cầu nguyện của Ngài chứa đựng sự việc là Ngài biết đến cùng, một cách đầy đủ, hành động của Chúa Cha, và đồng thời sự việc hoàn toàn đồng ý, một cách ý thức và vui vẻ, với cách thức hành động ấy, với kế hoạch của Chúa Cha. Bài ca hoan hỉ là tột đỉnh của một con đường cầu nguyện, nơi đó xuất hiện rõ ràng sự hiệp thông sâu xa và mật thiết của Chúa Giêsu với cuộc sống của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và nơi đó diễn tả tình làm Con Thiên Chúa của Ngài.

Chúa Giêsu nói với Chúa Cha bằng cách gọi là "Cha". Thuật ngữ này diễn tả nhận thức và sự chắc chắn của Chúa Giêsu về việc mình là "Con", trong sự hiệp thông thân mật và liên tục với Chúa Cha, và là tâm điểm cùng là nguồn gốc của mọi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy rõ điều này trong phần sau của bài ca, vốn làm sáng tỏ cả đoạn văn. Chúa Giêsu nói: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho" (Lc 10, 22). Vì vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng chỉ có "Chúa Con" thực sự biết Chúa Cha mà thôi. Tất cả sự hiểu biết giữa con người với nhau - tất cả chúng ta có kinh nghiệm trong các mối quan hệ con người - có một hàm ý, một liên kết nội tâm giữa người biết và người được biết, ở một mức độ sâu hơn hoặc ít sâu hơn: người ta không thể biết mà không có hiệp thông của hữu thể.

Trong bài ca hoan hỉ, như trong toàn bộ lời cầu nguyện của Ngài, Chúa Giêsu cho thấy rằng sự hiểu biết thực sự về Chúa bao hàm sự hiệp thông với chính Chúa Cha: vì chỉ trong khi hiệp thông với người khác mà tôi bắt đầu biết người ấy; Chúa Giêsu cũng làm như thế với Chúa Cha: vì chỉ khi tôi có sự tiếp xúc thật sự, chỉ tôi tôi sống hiệp thông, mà tôi có thể biết người ấy. Sự hiểu biết thực sự là dành cho "Chúa Con", Người Con duy nhất luôn luôn ở trong lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Cha. Chỉ có Chúa Con thật sự biết Thiên Chúa, vì sống trong sự hiệp thông mật thiết của hữu thể; chỉ có Chúa Con có thể mặc khải thực sự ai là Thiên Chúa.

Danh từ "Cha" được theo sau bởi một danh hiệu khác: "Chúa Tể trời đất". Qua sự diễn tả này, Chúa Giêsu tóm tắt lòng tin vào việc tạo dựng và làm vang dội lại những lời đầu tiên của Kinh Thánh: "Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất" (St 1, 1). Trong cầu nguyện, Ngài nhắc lại trình thuật vĩ đại của Kinh thánh về câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, vốn bắt đầu với hành vi sáng tạo. Chúa Giêsu đi vào trong câu chuyện tình yêu, Ngài là đỉnh cao và hoàn thành câu chuyện ấy. Trong kinh nghiệm của Ngài về cầu nguyện, Thánh Kinh được soi sáng và nhìn thấy mức độ trọn vẹn nhất của nó: công bố mầu nhiệm Thiên Chúa và sự đáp trả của con người đã biến đổi. Nhưng, qua từ ngữ "Chúa Tể trời đất", chúng ta cũng có thể nhận ra cách thức nơi Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, mở ra khả năng cho con người tiếp cận với Thiên Chúa.

Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: Chúa con muốn mặc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa cho ai? Đầu bài ca, Chúa Giêsu diễn tả niềm vui của mình, bởi vì ý Chúa Cha là giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (x. Lc 10,21). Trong cách diễn tả lời cầu nguyện của Ngài, Chúa Giêsu biểu lộ sự hiệp thông của mình với quyết định của Chúa Cha, Đấng mặc khải các mầu nhiệm của Chúa cho người có tâm hồn đơn sơ: ý Chúa Con là một với ý Chúa Cha. Mặc khải Thiên Chúa không đi theo luận lý trần gian, vì theo luận lý này, người có học và quyền thế có các kiến thức quan trọng, và truyền đạt chúng lại cho những người đơn sơ, "người bé mọn".

Đó là ý Chúa Cha, và Chúa Con chia sẻ ý đó với niềm hoan hỉ. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói: "Lời thưa "Vâng, lạy Cha" bộc lộ những gì tận đáy lòng Người, bộc lộ ước muốn "làm đẹp lòng Cha", như vọng lại tiếng "xin vâng" của mẹ Người ngày thụ thai và như khúc dạo đầu cho lời Người sẽ dâng lên Cha trong cơn hấp hối. Toàn thể kinh nguyện của Ðức Giêsu đều chất chứa tâm tình gắn bó yêu thương đối với "mầu nhiệm thánh ý Cha" (Ep 1,9), bằng cả trái tim con người của mình" (2603).

Từ đó có lời khẩn cầu mà chúng ta nói với Thiên Chúa Cha chúng ta: "Xin Ý cha thực hiện dưới đất cũng như trên trời": cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chúng ta cũng xin đi vào sự hòa hợp với ý của Chúa Cha, bằng cách trở nên con Chúa. Trong bài ca hoan hỉ, Chúa Giêsu bày tỏ ý Ngài muốn đưa vào trong sự hiểu biết hiếu thảo với Thiên Chúa tất cả những người mà Chúa Cha muốn cho tham dự; và những người chấp nhận quà tặng này, là "những người bé mọn".

Nhưng "bé mọn", "đơn sơ" nghĩa là gì? "Sự bé mọn" nào mở con người ra với sự thân tình hiếu thảo với Chúa và đón nhận ý Chúa? Đâu là thái độ nền tảng của việc cầu nguyện của chúng ta? Hãy nhìn "Bài Giảng Trên Núi", trong đó Chúa Giêsu khẳng định: "Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Chính sự tinh khiết của tâm hồn cho phép nhìn nhận thánh nhan của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô: là hãy có một tâm hồn đơn sơ như trẻ em, mà không có giả định khép kín mình, hoặc nghĩ rằng mình không cần ai, ngay cả Thiên Chúa.

Thật là thú vị để nhận biết vào dịp nào Chúa Giêsu hoan hỉ bằng bài ca này với Chúa Cha. Trong trình thuật Tin mừng của thánh Mt, chính là niềm vui, bởi vì mặc dù có sự chống đối và từ chối Chúa, có "các người bé mọn" đón nhận lời Chúa và mở lòng ra cho quà tặng đức tin vào Chúa. Quả thế, Bài ca hoan hỉ được đi trước bởi bởi sự tương phản giữa lời khen ngợi của thánh Gioan Tẩy Giả, một trong những "kẻ bé mọn" nhìn nhận hành động của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô (x. Mt 11,2-19), và lời quở trách cho các thành phố ven hồ, "vốn đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối" (x. Mt 11,20-24). Niềm hoan hỉ được nhìn bởi thánh Mt trong tương quan với các lời, mà qua đó Chúa Giêsu đã nhìn thấy tính hiệu quả của lời Ngài và hành động của Ngài: "Đức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi" (Mt 11,4-6).

Thánh Luca cũng trình bày bài ca hoan hỉ trong tương quan với một thời điểm khai triển sự loan báo Tin mừng. Chúa Giêsu đã sai "72 môn đệ" đi (Lc 10, 1), và các vị lên đường với một tình cảm lo sợ cho sự thất bại khả dĩ của sứ mạng các vị. Thánh Lc cũng nhấn mạnh sự từ chối ở các thành phố, mà Chúa đã rao giảng và làm các dấu chỉ kỳ diệu. Nhưng 72 môn đệ trở về, lòng đầy niềm vui, bởi vì nhiệm vụ của các vị là một thành công; các vị nhận thấy, nhờ quyền năng của Lời Chúa Giêsu, các tệ nạn của con người bị đánh bại. Và Chúa Giêsu chia sẻ sự hài lòng của họ: "vào giờ ấy", vào lúc ấy, Chúa hân hoan vui mừng.

Có hai điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Thánh sử Luca giới thiệu lời cầu nguyện với nhận xét này: "Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng" (Lc 10, 21). Chúa Giêsu hớn hở vui mừng từ nội tâm của ngài, từ cái Ngài có sâu xa hơn: sự hiệp thông duy nhất của sự hiểu biết và tình yêu Chúa Cha, sự viên mãn của Chúa Thánh Thần. Bằng việc đưa chúng ta vào tình con thảo của Ngài, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mở lòng ra với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, bởi vì, như Thánh Tông Đồ Phaolô nói, "chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,26-27), và Ngài mặc khải tình yêu của Chúa Cha.

Trong Tin Mừng theo thánh Mt, sau bài ca hoan hỉ, chúng ta thấy một trong các lời mời gọi sâu sắc nhất của Chúa Giêsu: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28 ). Chúa Giêsu kêu gọi mọi người đến với Ngài, với Ngài là Đấng "hiền lành và khiêm nhường trong lòng"; Ngài đề nghị "ách của tôi", con đường của sự khôn ngoan của Tin Mừng, vốn không phải là một học thuyết để học hoặc không là một đề xuất đạo đức, nhưng là Một Con Người để noi theo: chính ngài, Người Con duy nhất hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha.

Anh chị em thân mến, chúng ta đã nếm hưởng một thời khắc sự phong phú trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng vậy, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nói chuyện với Chúa, trong lời cầu nguyện với tình con thảo, bằng cách gọi thánh danh của Cha, "Abba, Cha ơi". Nhưng chúng ta phải có tâm hồn của người bé mọn, "người có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5, 3), để nhận ra rằng chúng ta một mình là không thể đủ, chúng ta không thể tự xây dựng cuộc sống của chúng ta một mình, nhưng chúng ta cần có Thiên Chúa, chúng ta cần phải gặp gỡ Ngài, lắng nghe Ngài, nói chuyện với Ngài. Việc cầu nguyện mở chúng ta ra để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của Chúa, chính là Chúa Giêsu, để hoàn thành ý Chúa Cha trên đời sống chúng ta, và tìm thấy sự nghỉ ngơi cho các nỗi mệt nhọc của chúng ta, trên đường chúng ta đi. Xin cám ơn tất cả. (ZENIT.org 7-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa (Theo vietcatholic.org)

862    09-12-2011 19:48:01