Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Ban Bác Ái Xã Hội

a. Thành lập :
Ban BAXH - CARITAS Vĩnh Long được Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân cho thành lập vào ngày 26 tháng 09 năm 2002, khi Hội đồng Giám muc Việt Nam thiết lập Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt nam nhiệm kỳ 2001- 2004.

Trước khi Ban BAXH Giáo phận chính thức thành lập, các hoạt động từ thiện đã được các Hội Dòng có mặt trong Giáo phận hoạt động cách tích cực, như: cấp phát gạo cho người già neo đơn, nồi cháo cho những bệnh nhân nghèo và thân nhân nuôi bệnh. Trợ giúp học bổng cho học sinh nghèo, bắt cầu, làm đường, cấp phát lu chứa nước ngọt, khoan giếng nước, đặc biệt xây dựng quỷ Tín dụng-Tiết kiệm-Tương trợ giúp vốn cho các hộ nghèo không phân biệt lương giáo. Những việc trên đây được mở rộng với quy mô lớn sau khi Ban BAXH đi vào hoạt động.

b. Mục đích:
Ban BAXH - CARITAS Vĩnh Long được thành lập với những mục đích:

  • Sống Lời Chúa dạy: "Điều gì anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây là anh em đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40).
  • Tổ chức điều phối giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay những nhu cầu khẩn trương khác.
  • Hoà vào dòng chảy chung của Ủy Ban BAXH - CARITAS Viêt Nam trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

c. Nhiệm vụ : Nhiệm vụ được đặt ra cho Ban BAXH - CARITAS Vĩnh Long là:

  • Nhằm cộng tác với Đức Giám mục Giáo phận về các việc liên quan đến BAXH.
  • Thường xuyên quan tâm đến các vấn đề nhân đạo, từ thiện.
  • Hợp tác với các Tổ chức, Cơ quan từ thiện và phát triển trong cũng như ngoài nước nhằm giúp thăng tiến con người sống xứng với nhân phẩm của mình.

Nhiệm vụ của Linh mục đặc trách:
+ Điều hành tổng quát.
+ Tham khảo ý kiến và tường trình các hoạt động của Ban với Đức Giám mục Giáo phận.
+ Tường trình cho các Linh mục Giáo phận về hoạt động của Ban trong dịp tĩnh tâm thường niên.

Nhiệm vụ của các thành viên:

+ Thường xuyên quan tâm nghiên cứu các vấn đề nhân đạo, phát triển trong Giáo phận.
+ Giúp các địa phương triển khai, thực hiện các dự án được phê duyệt.

d. Nhân sự :

  • Linh mục đặc trách: Tađêô Phạm Văn Don
  • Thư ký kiêm thủ quỹ: Nữ tu: Salome Lý Thị Xuân Dung
  • Các thành viên khác: Lm Mt Nguyễn Văn Văn; Lm Giacôbê Nguyễn Văn Tươi; Lm Phaolô Nguyễn Tấn Lực; Lm Giacôbê Bùi Văn Đảm.
  • Các nữ tu: Anê Nguyễn Thị Trọn; Maria Nguyễn Thị Hồng Hoa; Anna Võ Thị Thuý Phượng, Têrêsa Nguyễn Thị Thu Trang.

*** Những cơ sở xã hội giúp cho những người nghèo :

a. Phòng khám Từ Thiện

* Kể từ năm 1980, vì cảm thương cho những bệnh nhân nghèo không có điều kiện trị bệnh, một số Họ Đạo và hai Nhà Dòng MTG của Giáo Phận hình thành các phòng khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân (Tây y). không chỉ là tây y, phòng khám bệnh Đông y được hoạt động: châm cứu, chạy điện, tập vật lý trị liệu.

Nhân sự phục vụ trong các phòng khám đều là Nữ tu của Hội Dòng hoặc các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, lương y là những Kitô hữu có chuyên môn tình nguyện phục vụ tại các phòng khám từ thiện của Họ Đạo

Phòng khám bệnh họat động từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần. Mỗi ngày có khoảng 30 - 40 bệnh nhân đến khám bệnh đủ mọi thành phần, không phân biệt Tôn Giáo.

b. Nhà nuôi dưỡng các cụ già neo đơn

Từ năm 1980, hai Nhà Dòng MTG đã tiếp nhận, chăm lo và nuôi dưỡng cho một số cụ bà neo đơn tuổi từ 70 đến 95. Tất cả các cụ này có hoàn cảnh thương tâm: không nơi nương tựa, không người chăm sóc, ủi an lúc tuổi già đau yếu. Cảm thông với nỗi khổ của họ, chúng con đón nhận họ về Nhà Dòng để chăm sóc.

Họ được chính tay chị em nữ tu chăm lo mọi mặt... Thời gian trong nhiều năm qua, lần lượt nhiều cụ đã được an bình về với Chúa trong sự yêu thương chăm sóc của các chị

Ngoài ra, một nhóm chị em Nữ Tu thường xuyên chăm lo phục vụ cho người nghèo, người bất hạnh và kém may mắn ở 3 Tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh. Hầu hết là ở vùng nông thôn, vùng sâu...

Các công việc ấy như:

+ Chăm sóc bệnh nhân phong

Hầu hết họ là những người nghèo khổ, không có công ăn việc làm, họ bị cô lập bởi cộng đồng ngay cả những người thân. Các chị đã tìm đến để chia sẻ, an ủi và giúp đỡ và cảm thông nỗi khổ của những người bất hạnh này..

Bắt đầu từ năm1998, từ 5 bệnh nhân đáng thương, số lượng nầy ngày càng gia tăng. Hiện nay các chị đang chăm lo cho 150 bệnh nhân đang sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, trong ruộng đồng của 3 Tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre.

Cụ thể: Đối với các bệnh nhân phong (còn khả năng làm việc) và gia đình có nhu cầu mưu sinh mà không có vốn.

* Hỗ trợ vốn:

 

  • bán vé số
  • chăn nuôi: heo, bò, dê, cá
  • trồng rẫy (trồng rau, cải)

• buôn bán nhỏ

 

Hiện có nhiều gia đình đã được hỗ trợ vốn.

* Cung cấp lương thực: Đối với những bệnh nhân tàn phế, không còn khả năng lao động, hàng tháng được cung cấp: gạo, nhu yếu phẩm và một ít tiền. để chi tiêu cần thiết.

* Xây cất và sửa nhà ở : Bệnh, nghèo...nhưng nhiều gia đình không có được một mái nhà đủ để che nắng, trú mưa. Là những cánh tay của một số Hội từ thiện và những nhà hảo tâm. Các Họ Đạo đã giúp họ sửa chữa và xây những căn nhà tương đối đủ an toàn cho đời sống của họ.

* Cung cấp nguồn nước sạch : Để một phần nào bảo đảm sức khoẻ và mọi sinh hoạt cho nhiều gia đình.

* Đưa bệnh nhân đi bệnh viện:

Các chị nữ tu trực tiếp đưa các bệnh nhân đi bệnh viện để điều trị và khám bệnh. Sau khi xuất viện, tiếp tục hỗ trợ tiền thuốc và bồi dưỡng cho đến khi bình phục hoàn toàn.

* Giúp học bổng: Các em học sinh, sinh viên là con của bệnh nhân phong từ lớp 1 đến lớp 12, trung cấp, cao đẳng và đại học được hỗ trợ học bỗng, tạo điều kiện để các em được học hành.

* Giúp học nghề: Đối với các em không có khả năng học văn hóa, chúng con tạo điều kiện cho các em học nghề như: sửa máy nổ, học may, vi tính...

* Người khuyết tật.

Nhờ sự giúp đỡ của Đức Cha Tôma, Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, cộng tác với UBBAXH Giáo Phận, các Họ Đạo cũng như các nhà Dòng đã thăm viếng và tặng quà cho người khuyết tật tại gia. Ngoài ra một số bệnh nhân được tặng xe lăn và xe lắc khi không còn có thể di chuyển được bằng chính đôi chân của mình.

c. Trợ giúp học bổng cho sinh viên, học sinh

Để tiếp sức với một số gia đình nghèo không đủ điều kiện cho con em đến trường, chương trình giúp học bổng cho các em học sinh, sinh viên hiếu học được thực hiện tại các Họ Đạo. Hằng năm các Họ Đạo bằng nhiều hình thức khác nhau, bằng sự trợ giúp của các ân nhân và sự hy sinh của giáo dân trong Họ Đạo, đã trao tặng nhiều phần quà học bổng, xe đạp, tập viết cho các em các cấp ( I, II, III), Cao đẳng và Đại học.

d. Phục vụ người cao tuổi

Thường xuyên thăm viếng, an ủi, cảm thông với những người già yếu, neo đơn, bệnh tật có hoàn cảnh đáng thương. Và chia sẽ cho họ: gạo, nhu yếu phẩm, thuốc, và một ít tiền vào các dịp lễ và Tết.

e. Xây nhà tình thương:

Những căn nhà tình thương thay thế cho các túp lều rách nát là niềm hạnh phúc cho những gia đình nghèo. Xây nhà tình thương.

f. Nguồn nước sạch

Đa số người dân nghèo đành chấp nhận sử dụng nguồn nước ô nhiễm, nhiễm mặn, nhiễm phèn, nhiễm các chất thải từ rác, phân thuốc, vật nuôi... Đó là lý do phát sinh nhiều bệnh tật... nhiều nơi trong Giáo Phận nhờ nguồn tài trợ của các tổ chức bác ái và các ân nhân trong và ngoài nước, đã được xây dựng nhà máy nước sinh hoạt, làm hệ thống nước sạch (hệ thống lọc nước), nước uống tinh khiết, khoan cây giếng, xây cống nước, những nơi không thể đặt hệ thống nước hay khoan giếng, thì giúp họ xây những cống để chứa nước mưa giúp họ có nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Các gia đình nghèo ở xa trong ruộng rất vui mừng khi được có nước sạch để sinh hoạt hằng ngày như tất cả các gia đình khác.

g. Trợ vốn cho ngừơi dân nghèo - chương trình Tín Dụng - Tiết Kiệm - Tương Trợ

Bắt đầu từ năm 2000, Giáo Phận đã mở chương trình Tín Dụng - Tiết Kiệm cho các gia đình nghèo. Lúc ban đầu chỉ là những nhóm nhỏ, đến nay mở rộng thêm 15 địa điểm ở khắp 3 Tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre.

Để một phần nào giúp người dân thoát cảnh nghèo, giảm bớt tình trạng vay nóng (lãi suất cao). Đồng thời cũng giúp họ xây dựng tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng, một hình thức hỗ trợ vốn giúp họ có công ăn việc làm như chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ.

Trong chương trình này, nhờ vào đồng tiền tiết kiệm của các thành viên, một số nơi còn quan tâm giúp học bổng cho con em của những người tham gia trong nhóm :

a. Mục đích chương trình Tiết kiệm - Tín dụng - Tương trợ

  • Chương trình Tiết kiệm - Tín dụng - tương trợ quy tụ các gia đình nghèo, cùng hoàn cảnh ở gần nhau, (cùng xóm hoặc cùng Họ đạo) và có chung nguyện vọng giúp nhau thăng tiến trong lãnh vực kinh tế cũng như xã hội.
  • Tổ viên tự nguyện đóng tiết kiệm (tuần, tháng theo sự đồng thuận của các Tổ viên)
  • Những thành viên trong Tổ tự giác, tự nguyện và tự quản cùng có trách nhiệm trong việc vay vốn và hoàn trả vốn mỗi năm.

b. Cách thức thực hiện chương trình Tiết kiệm - Tín dụng - Tương trợ

A - Giai đọan 1: tập huấn trồng trọt và chăn nuôi
1. Nghề trồng cây kiểng : Một Sr Kỹ Thuật Viên chuyên trồng hoa kiểng sẽ tập huấn cho các hộ gia đình cách thức chăm sóc cây ăn trái và Hoa kiểng
2 . Nghề chăn nuôi : Một chuyên viên ngành Thú y sẽ tập huấn cho các thành viên về cách nuôi bò, heo, dê, thỏ, cá và các lọai thuốc để phòng dịch bệnh.

B - Giai đoạn 2 : Hỗ trợ vốn

1. Cách thức Thành lập Tổ Tín dụng : người đại diện cộng đồng (thường do cha sở giới thiệu) chọn ban điều hành gồm từ 3-5 người có kiến thức và tinh thần giúp người nghèo. Ban điều hành cùng với cộng đồng chọn những hộ nghèo và thành lập Tổ theo cùng mục đích với nhau. Mỗi Tổ từ 1-10 người.

Nơi nào có nhiều Tổ thì thành lập Nhóm, thông thường 5 Tổ vào một Nhóm. Có Nhóm Trưởng và Nhóm Phó. Tổ trưởng và các thành viên trong Tổ tự nguyện đóng tiền tiết kiệm cho Tổ trưởng có ghi sổ thu chi rõ ràng. Số tiền tiết kiệm nầy sẽ cho các Tổ viên cùng Tổ vay lại sau 2-3 tháng đóng góp tiết kiệm. Mỗi thành viên trong Tổ chịu trách nhiệm về số vốn Tổ mình vay. Ví dụ: khi có Tổ viên không làm tốt việc hoàn vốn thì các Tổ viên khác trong Tổ phải đóng góp lại để hoàn trả số vốn của Tổ viên. Nếu Tổ không hoàn trả được sẽ không được vay vốn tiếp tục.

2. Cách thức vay vốn : mỗi hộ vay vốn từ 1.000.000 - 3.000.000 VND cải tạo vườn cây ăn trái, Hoa Kiểng hoặc chăn nuôi, viết đơn vay vốn và cam kết hoàn trả vốn đúng theo thời gian quy định.

Người vay vốn viết đơn vay vốn cam kết 4 điều :
a/ Nêu rõ mục đích vay vốn và thực hiện đúng mục đích.
b/ Đóng tiết kiệm hằng tuần hoặc tháng (tuỳ theo công việc làm và mức thu nhập)
c/ Trả lãi theo quy định chung (mỗi tuần)
d/ Thu hồi vốn đúng thời hạn (6 tháng - 1 năm)

3- Cách thức hoàn vốn :

Các Tổ viên trả vốn từ 3.000đ -5.000đ/tuần cộng với tiền lãi 1% tháng.

Tiền Tiết kiệm : Mỗi người trong Tổ đóng tiền tiết kiệm tự nguyện hằng tuần (theo thoả thuận của các Tổ viên). Số tiền Tiết kiệm sẽ cho các Tổ viên trong Tổ vay ngắn hạn từ 1-3 tháng để giải quyết những nhu cầu cấp bách như : mua phân bón lúa hoặc thuốc ngừa sâu rầy, mua thức ăn cho gia súc, hay tiền học phí cho con cái... hoặc chữa bệnh, hay tang chế trong gia đình hầu tránh tình trạng đi vay nặng lãi bên ngoài.

Sau 1-2 năm đóng tiết kiệm các Tổ viên sẽ có số vốn ngang bằng với số vốn họ vay ban đầu. Khi đó số vốn ban đầu sẽ rút đi để lập các Tổ mới.

h. Nhà Trẻ - Mẫu giáo

Cùng cộng tác với xã hội trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em và đồng thời giúp cho phụ huynh là người lao động, công nhân viên chức yên tâm làm việc, trong các Họ Đạo của Giáo phận có cộng đoàn nữ tu phục vụ đã tổ chức các điểm giữ trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình

3072    02-01-2011 10:48:26