Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Ban Mục Vụ Quới Chức

a.Thành lập

Ngay buổi đầu công cuộc rao giảng, đã có nhiều người tin theo Chúa Giêsu, nên Chúa đã phải thiết lập nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhóm bảy mươi hai môn đệ, để cộng tác với Chúa mà phục vụ đám đông dân chúng.

Khi bắt đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam cũng thế, các thừa sai đã tổ chức các hình thức cộng tác viên giáo dân: các Thầy Giảng và các Quới Chức. Các Thầy Giảng thì chuyên lo dạy giáo lý, còn các Quới Chức thì vừa phải coi sóc mục vụ, vừa có thể dạy giáo lý cho giáo dân trong họ. Hai nhóm người này vẫn hoạt động cách khiêm tốn, rất hiệu quả và liên tục cho đến ngày nay. Nhiều giáo phận căn cứ trên quyển Chức Sở Mục Lệ đầu tiên (của đức cha Colombert Giám mục Sài Gòn, 1884) soạn ra qui chế cho Ban Quới Chức (hoặc những tên gọi khác).

Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, nguyên Giám mục giáo phận Vĩnh Long đã soạn lại quyển Chức Sở Mục Lệ cho các địa phận Nam Việt - Qui Nhơn, năm 1953.

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Chánh Toà Vĩnh Long, đã ban hành Điều Lệ Quới Chức, dịp Đại Hội Quới Chức tại Trung Tâm Hành Hương Đình Khao ngày 17.11.2005 nhằm đáp ứng nhu cầu Mục Vụ của Giáo Phận trong hoàn cảnh hiện tại và chính thức gọi nhóm cộng tác viên thứ hai là Ban Quới Chức, với các chức danh: Trùm, Câu, Biện.

Giáo Phận Vĩnh Long hãnh diện vì có Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu Tử Đạo, chính là ông Trùm của Ban Quới Chức, Họ Mặc Bắc, Giáo Phận Vĩnh Long và nay Ngài được chọn là Bổn Mạng của các Ban Quới Chức Giáo Phận.

b. Mục đích

Cùng theo cách tổ chức của Chúa Giêsu và các thừa sai, mục đích của Ban Quới Chức vẫn là cộng tác viên của cha sở, là "con mắt, lỗ tai" của cha sở, là cánh tay nối dài của cha sở, nhằm giúp cha sở thực hiện sứ mạng mục tử (mục vụ) của mình trong họ đạo. Mỗi Họ Đạo lớn hay nhỏ đều có Ban Quới Chức tỷ lệ theo số tín hữu nhiều hay ít, nhằm thúc đẩy mọi người trong Họ đạo không ngừng tiến triển về các ơn thánh ở đời này và đạt tới hạnh phúc ở đời sau.

3654    02-01-2011 10:45:29