Sidebar

Chúa Nhật

12.05.2024

Bao Giờ Mới Hết Tàn Lụi

Tiệc cưới ở quê thường không có giờ giấc. Cứ vài khách tới, đủ cổ, chủ lại dọn một mâm. Ăn uống lai rai cả ngày. Hai, ba ngày mới hết cưới. Khách cũ nối khách mới, mâm này nối mâm nọ, khó mà dứt chuyện. Ngồi lại với nhau, làm vài chiếu tổ tôm, rượu nữa, vui thật. Con nít chạy tung tăng. Cả góc xóm ồn ào như vỡ chợ. Chả mấy đám cưới mà không có vài vụ cãi nhau, đánh nhau củng là chuyện thường. Rượu lai rai cả ngày như thế tránh sao khỏi. Nhiều kẻ mượn rượu lấy nê mà nói. Phải nói giữa làng như thế nó mới bỏ, mới hả tức. Có khách sau tiệc cưới về, mặt mày sưng cả lên, áo rách tả tơi. Câu chuyện đáng nói trong tiệc cưới này, hai người gây lộn với nhau lại là bố cô dâu với bố chàng rể mới chết. Chuyện như thế hiếm hoi lắm, chắc không đâu xẩy ra, trừ cái làng nhỏ ở Việt Nam này. Bố chú rể và cô dâu rượu say rồi đánh nhau trong tiệc cưới của con mình thì còn gì hy hữu bằng.

Chuyện có thể xẩy ra lắm chứ, khi men say ngà ngà làm người ta nữa tỉnh,nữa mê, bấy giờ những gì uẩn khuất nó mới bay ra. Chả vậy mà khi cần liều lĩnh người ta phải uống rượu cho có sức. Văn minh hơn thì chích thuốc an thần hay kích thích. Thuốc hay rượu cũng chỉ đẻ làm bật dậy một khả năng mà khi tỉnh người ta cân đo suy tính không dám làm. Hoặc là cho chết bớt đi những gì trong thế giới sâu kín mà nó làm cho người ta bận tâm. Khi thần kinh không sáng suốt nữa, người ta sẽ nói điều người ta không muốn nói, hay nói điều người ta muốn nói, mà khi tỉnh không nói được . Nói trong lúc nữa tỉnh nữa mê, nên người ta thường bảo kẻ say nói điều vô nghĩa. Gọi là vô nghĩa vì nó không đúng theo một tiêu chuẩn nào đó, nhưng chả có gì là vô nghĩa cả đâu. Như cái computor, trong mạch não có dữ kiện, người ta mới phát biểu ra được. Nói trong cơn say, chỉ vô nghĩa khi so sánh tâm trạng người say với một tiêu chuẩn luân lý, đạo đức nào đó của xã hội mà thôi, chứ nó rất có ý nghĩa cho các cuộc nghiên cứu, vì nhờ thế mà người ta biết trong mạch não kia chứa những gì. Thế giới tiềm thức kín đáo kia càng sâu bao nhiêu, lúc tỉnh càng phải điều khiển nó bấy nhiêu. Đời người càng dài, càng nhiều điều phải đè xuồng thì thế giới sâu kín càng dầy, càng phức tạp.

Ngà ngà say, tiệc mừng ngày cưới của hai con đã đến lúc xác pháo nổ. Ông bố vợ chàng rể nâng ly rượu mời khách cùng "dô''. "Cạn ly đêm nay cho ngày chúng ta thua trận!'' Ông chỉ về phía người đối diện, bố của chàng rể: "Phải như ngày xưa tôi không gả con gái tôi cho Việt Cộng đâu nhé!'' Một tràng cười, mọi người nâng ly. Ông thông gia tức bố chàng rể trả đũa: "Cụng ly! Cụng ly! Mừng ngày chiến thắng giải phóng đất nước! Ông thua trận chạy bỏ rơi cả con gái!'' Một tràng cười khác lại vang lên. Bố cô dâu đáp lại: "Việt Cộng chỉ ăn tục, nói phét, đồng bào đừng nghe những gì nó nói, hãy nhìn những gì nó làm!'' Cả nhà cười vang. Tiếng ồn ào mỗi lúc một sôi động. "Cụng ly! Cụng ly!''

Bố chàng rể thấy nhột, lời pha trò hơi có vẻ mĩa mai. Không biết ông thông gia nói vui hay xỉa xói gì mình mà lại bảo ông "ăn tục, nói phét''. Ông có làm gì sai trái hay người ta vẫn nghi ngờ để ý cái quá khứ  "Việt Cộng'' của mình mà hôm nay lão thông gia này mới khui ra. Ngẫm nghĩ thế nào, ông với chai rượu đổ thêm vào ly vơi nữa chừng: " Cụng Ly! Cụng Ly! Mừng ngày nguỵ quân, nguỵ quyền trao nộp con gái cho "Việt Cộng!'' Tiếng cười như nắc nẻ. Một tay rượu ở cuối dãy bàn giơ cao chai rượu về phía  ông Việt Cộng: " Thưa đồng chi, hôm nay đồng chí bắt con gái nguỵ  thua trận, khi nào đồng chí bắt chúng tôi nộp vợ!'' Tiếng cười lại nổ vang, dàn nước mắt. Phía các bà tỏ vẻ khó chịu, không thích chuyện bông đùa kiểu đó của mấy ông. "Các ông ấy rượu vào rồi đấy!''.

Ông bố chàng rẻ suy nghĩ mà vẫn chưa cảm thấy câu nói nào của mình là thông minh đủ để trả lời câu ông thông gia lúc nãy bảo rằng Việt Cộng chỉ "ăn tục, nói phét'', "đừng nghe những gì nó nói, mà nhìn những gì nó làm''. Ông đang làm chủ tịch xã, hồi mồng 1 tháng 5, ngày quốc tế lao động, tuần trước đây, nhận giấy báo của huyện cổ động mỗi xã gởi người đi biểu tình, ông hô hào mà ai không đi. Thời buổi kinh tế, lo cái bụng đã, bầu khí biểu tình của 20 năm về trước không còn nữa. Ông biết chứ, thời nào phải theo thời ấy. Nếu xã không ai tham gia biểu tình là kẹt cho ông lắm. Càng kêu gọi, dân chúng càng ghét. Ấy thế mà ông củng phải làm. Mới tuần trước đây thôi, có người ngang nhiên chửi ông là không ai ngu mà "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng''. Có thể vì thế mà ông thông gia kia ám chỉ mình chăng? Nếu vậy thì "tay" này thông minh quá. Ông hơi cay vì không tìm được câu đáp lại cho đúng mức độ trí thức. Càng bục ông càng nói lung tung. Không khéo ông mất mặt nơi đình làng chứ chẳng chơi với "tay" thông gia này. Đàng nào mình cũng là chủ tịch xã, là đàng trai trong đám cưới này chứ đâu ít gì.Khách trong ngõ ngoài làng có mặt, chẳng lẻ mình không đối được một câu cho ra hồn? Ông khó chịu lắm, đầu nóng bừng, làm vơi nữa ly rượu, tìm câu chống chế. "Này, ông là nguỵ mà tôi tha chết cho đến nay là phúc bảy đời rồi đấy nhé! Có con gái làm dâu Việt Cộng là vinh dự cả đời. "Rượu đến hồi chín đủ cho các giây thần kinh rung lên. Bố cô dâu khó chịu, "tay" thông gia này ám chỉ gì đây? Dân Bắc kỳ không vừa đâu, "nó" nói một lời mà đôi ba ý đấy chứ chẳng chơi. Không khéo "nó''chửi xiên chửi xéo mà không biết thì "nó''coi ra gì nữa. Đứa con gái mới nhờ bố chồng, chủ tịch xã hợp thức hoá giấy tờ cho mấy mẫu đất. Ông hơi chột dạ, có phải vì thế mà "tay'' này nhắc nhở đến cái ơn nghĩa kia chăng? Ông với chai rượu tự rót vào ly.

Mỗi lúc một ồn ào. Rượu vào lời ra là thế. Ở góc gần cửa sổ, bắt đầu có người nói, không còn người nghe, hơi men đã cay sè. Tay thanh niên, mắt lờ đờ đục đỏ nâng chai rượu: "Cụng Ly! Cụng Ly!''. Đồng thanh nhóm trẻ ùa theo "Dô''. Những trái táo Ađam trên cổ mấp máy lên xuống như ống bơm. Rượu tiếp tục chảy vào cuống họng. "Thưa đồng chí, ngày xưa vượt trường sơn đồng chí có thấy khỉ không. Tiệc mà nhậu óc khỉ mới tuyệt!''. Bố chàng rẻ đã đến hồi thấm rượu: "Óc khỉ mà hút sống mới tuyệt! Thiếu gì khỉ, ăn ngủ với khỉ mà!'' Bố cô dâu nâng ly: "Chúng ta chúc mừng đồng chí đã về với người, hết những ngày sống với khỉ!''. Cả nhà cười ồ. Cuối bàn có tiếng đáp: "Hết ở với khỉ rồi, hôm nay đừng làm trò khỉ với con dâu nhé!'' Đám thanh niên vỗ tay, cười như xem trò. Bố chàng rẻ đỏ mặt hắt ly rượu xuống bàn: "Mất dạy, chúng mày định làm nhục tao à!''. Thấm rượu rồi muốn hắt ly rượu vào thằng thanh niên có bộ ria lởm chởm, ông hắt ngay vào ông thông gia. Bố cô dâu tưởng ông thông gia chửi mình, cầm ống điếu cày phơ luôn vào mặt, "chiến sự'' bùng nổ.

Mọi người coi ông chủ tịch xã như bà con lối xóm. Ông khá năng nổ vì công ích đời sống dân chúng, rất biết lẽ cư xử phải đạo làm người. Trong làng, có mình ông là dân tập kết, hai mươi năm rồi nên cái quá khứ áy chẳng ai ngó tới nữa nhưng riêng ông vẫn cứ ngần ngại. Hai mươi năm rồi, như đứa con trai ông và con dâu ông cưới hôm nay chúng nào có biết gì chuyện "Việt Cộng'' của ông. Ấy thế mà ông vẫn không hoàn toàn hoà đồng được cái quá khứ ấy vào hiện tại. Ngay lúc nâng ly rượu đầu tiên, ông đã thấy có cái gì lẽ loi giữa đám khách, không ai có quá khứ giống ông cả. Ông luôn luôn có mặc cảm như mọi người vẫn nghi kỵ ông. Lời qua tiếng lại, vui trò trong bữa tiệc hôm nay dường như cũng có những nguyên nhân thầm kín, nằm sâu trong tiềm thức siêu hình ấy thì phải.

Ông đã dâng hiến tuổi trẻ cho đất nước. Phải nói "dâng hiến''mới trọn nghĩa. Những ngày lầm lũi trong rừng sâu nước độc vô cùng gian nan, tất cả tuổi trẻ của ông là thế, vì đất nước, vì dân tộc. Theo tiếng gọi cách mạng vì lý tưởng, lòng của ông sáng như một vì sao. Nếu  không có lý tưởng làm thế nào mà sống được những ngày gian lao vượt trường sơn. Thấm thoát mấy mươi năm rồi. Ông về định cư ở ngôi làng này ngay từ sau ngày 30 tháng 4. Ông không có bạn bè hiểu theo nghĩa cùng chia sẻ kỷ niệm cuộc xuôi Nam "chống Mỹ cứu nước''. Đời người ai mà không cần kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm thiêng liêng như của ông, dọc một đời người sống trong lằn tên mũi đạn. Mọi người trong ngôi làng này, không ai hiểu được những kỷ niệm đó. Không có ai cùng ôn lại những kỷ niệm ấy cũng là một thứ tự chôn vùi quá khứ của mình để thích nghi. Kỷ niệm không bao giờ chết, người ta chỉ có thể tạm quên nó, một khi đã in vào thần kinh mạch não bộ nó sẽ nằm đấy cho tới ngày chết, nhất là những kỷ niệm như của ông, kỷ niệm của những con người nằm chết như mơ sau một giấc ngủ.

Trên đường đi Nam, bạn bè ông chả còn mấy kẻ sống sót, bao nhiêu kẻ không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời. Tuổi trẻ và chiến tranh. Tình yêu và sự chết. Những kỷ niệm như thế làm sao quên. Nó không là kỷ niệm trong sự sống nữa, nó là chính sự sống. Cả cái làng này không ai có những kỷ niệm ấy, Vì thế cuộc sống của ông làm sao mà không là một thế giới cô độc. Những lúc cần một người bạn tâm sự, ông chỉ biết nhìn bóng hình mình mà ôn lại ngày tháng xa xưa ấy. Thường là vào những ngày mưa dầm hay đêm trăng sáng, nó nhắc ông nhớ về những ngày gian khổ của mưa buốt giá trên núi rừng cao nguyên, những đêm mơ màng ngồi bên suối hành quân dưới vầng trăng vàng. Đời bộ đội của chàng trai thanh niên thuở xưa. Biết bao những người trai trẻ như ông, những thiếu nữ mới lớn sẵn sàng từ bỏ đất            Bắc lên đường vượt trường sơn. Bây giờ họ ở đâu. Những lúc hồi tưởng lại, ông không khỏi xót xa. Trường sơn vào mùa mưa, gió núi lạnh cắt da, quần áo ẩm mốc, bệnh tật kinh niên, muỗi vắt độc địa. Những con người vì lý tưởng sẵn sàng hy sinh. Nhiều thanh niên chỉ vài tháng trong rừng là da vàngbungr. Một sáng ngủ không thấy dậy nữa, một người bạn lại ra đi. Những chiếc khăn mới giặt phơi trên cây, sáng mai chủ nhân nó chết rồi. Đâu là ý nghĩa cuộc sống, bao giờ đường đi tới nơi. Câu hỏi ấy ông tự hỏi chính mình hằng đêm. Bây giờ định cư nơi đây, những lúc nhớ lại câu hỏi ấy ông bảo đường tới rồi đó, giải phóng xong rồi đó. Không có gì là hoa gấm cả.

Thời bấy giờ bao nhiêu mộng mị thơ mộng cho ngày đất nước thanh bình. Tuổi trẻ sẵn sàng hy sinh ngay cả tình yêu. Có anh chàng bộ đội nào mà không có lúc ngồi bên suối mơ màng gặp lại người yêu của mình. Những tấm hình thấm nước tróc hết mặt người yêu mà cứ ôm giữ cho tới ngày bị bom chết cháy để được cùng chết với nhau. Là con người ai không có trái tim, ai không biết yêu thương và đau khổ, ai không biết nhớ nhung. Một đêm nọ, bên dòng suối êm như mơ, nước róc rách, ánh trăng sáng lạ lùng. Cậu bộ đội trẻ ngồi ôm súng tâm sự với ông:

- Đêm thanh bình thế này mà cứ chiến tranh mãi anh nhỉ, không biết bao giờ đất nước chúng ta mới có những đêm trăng thế này mà không phải lầm lũi trong rừng sâu. Hồi chiều toán B xuống suối lấy nước, có người gặp phải sọ người.

- Nhiều hay ít?

- Hình như mấy cái. Không ngờ con suối thơ mộng hiền hoà như thế mà có oan hồn ở đấy.

Ông nhìn chung quanh. Đêm yên ả, gió lào xào một chút hương dại của hoa rừng. Tâm trí ông theo lời cậu bộ đội nhỏ tuổi đang mơ một quê hương thanh bình. Ánh trăng vô tư lấp lánh trên dòng suối. Núi rừng bát ngát. Về đêm, thiên nhiên có những ngôn ngữ riêng của chúng. Thinh lặng, chỉ có suối và trăng, gió và hơi thở rì rào của lá, hưng dại từ từng gốc nấm ngai ngái đến những chùm lan rừng nhẹ nhàng, tất cả chỉ sinh hoạt về đêm. Đời làm bộ đội của ông có những kỷ niệm như thế mà không có ai cùng cảnh ngộ để ôn lại cũng là một mất mát lớn của cuộc sống chứ. Đêm như vậy, thường dẫn con người đến những vùng suy tưởng mà ngày sống vất vả che kín mất. Cậu bộ đội trẻ nói thêm:

- Đêm trăng đẹp thế này mà không ngờ ở đây cũng đã có một thời giao tranh nhỉ. Không biết đâu mà lường giữa sự sống và chết. Không biết đâu mà nhìn giữa bên ngoài và bên trong. Đời là những ẩn số kín đáo khó hiểu, mà có khi nào người ta tự tạo cho mình cái khó hiểu ấy không anh?

- Em muốn nói là cuộc sống của những người như chúng ta không biết cái ẩn số đời mình như thế nào chứ gì?

- Có lẽ vậy, em không biết những cái sọ ấy là thanh niên hay thiếu nữ, họ là phía mình hay phía bên kia. Nếu không có mấy người xuống suối chiều nay thì đau có ai biết họ đang ở dưới ấy.

  Tâm trí cậu bộ đội trẻ chưa dứt những ý nghĩ mà cậu chưa nói hết. Họ chết như thế nào. Lúc chết, họ đớn đau không, có gọi tên người yêu không và người giết họ vui hay buồn. Những cái chết thần lặng, quá kín đáo ở giữa trường sơn heo hút. Gió đem hơi lạnh từ dòng suối thổi lên. Ông nói với người bạn trẻ tuổi:

- Chắc cũng có nhiều người biết rồi đấy, nhưng rồi họ cũng chết trên đường đi. Giả sử như anh em mình ngày mai bị bom chết thì cũng giống như vậy, đâu có ai nhắc tới họ nữa. Hoặc có sống sót thì cũng im lặng thôi chứ biết nói gì về họ.

- Cái chết làm mọi người giống nhau anh nhỉ. Sọ nào cũng là sọ, không còn nam nữ bên này hay bên kia. Êm đềm sống bên nhau dưới dòng suối. Tại sao cứ phải chết rồi mới giống nhau.

-Khi chết rồi đầu người ta rỗng không còn gì. Cái rỗng đó nó làm người ta giống nhau đấy. Còn sống, còn đặc sệt những ý thức hệ thì còn chiến tranh.

Có tiếng vượn hú trên núi. Cậu bộ đội mân mê cây súng. Hồi chiều họ mới bắn con vượn, ghê quá, to lớn như người. Lúc lột xác vượn xong trông mới rợn ớn xương sống. Cả mình nó dài thòng treo lủng lẵng trên cây, nước da trắng muốt như người con gái trần truồng thắt cổ tự vẫn, chân tay buông thỏng. Ban tối mà thấy vậy chắc té xỉu mất thôi. Có anh gỡ mồm nói rằng nó là người đầu thai vào con đười ươi đấy. Một anh cầm con dao nhọn cắt phăng hai miếng vế đùi. Anh bảo phần này nạc nhất. Cậu bộ đội trẻ rùng mình không dám nhìn. Bữa cơm cậu cứ lợm giọng không sao nuốt nỗi miếng ăn. Hình ảnh con vượn và thân xác người đàn bà da trắng ám ảnh cậu suốt từ chiều đến giờ. Lúc anh em khênh con vượn về, xúm lại, không ai bảo ai mà người nào cũng quở một câu: "Sao nó giống người thế.''Chỉ là con vượn mà cậu đã thấy lạnh xương sống khi nó bị treo cổ, mắt lòi ra chằm chằm. Nếu là một con người thì sao? Liệu cậu có dám cắt cổ một người? Lúc sắp cắt cổ, con mắt ấy nhìn mình thế nào nhỉ? Cậu chưa bắn ai bao giờ, nhưng rồi nếu một ngày nào xẩy đến thì sao? Con đường cậu đang đi là tìm bắt những con vượn người như thế. Nhiều đêm cậu đã giật mình thức giấc, toát mồ hôi lạnh trong những giấc mơ giết người. Cậu chỉ yêu những đêm trăng, yêu hoa dại của núi rừng. Cậu chán ngán những trằn trọc của câu hỏi không có ai trả lời. Cứ chiến tranh mãi thế này ư. Ngày nào cũng học tập, động viên tinh thần. Riêng mình giữ kín cho mình ý nghĩ ấy thôi, cậu không dám tâm sự với ai, sợ bị kiểm thảo vì yếm thế. Phải tập luyện thế nào đây để có thể vượt qua cái yếu lòng này. Cậu thấy mình không đủ tài năng để bắn một người. Để xua bóng hình con vượn, cậu kể tiếp câu chuyên:

- Em nghe nói anh từ Nam tập kết ra Bắc, rồi lại từ Bắc xuôi Nam mấy lần rồi phải không? Tụi bạn nó nói anh đã từng bị bắt rồi vượt ngục. Anh "chì''quá, phải em chắc chết mất xác rồi. Anh kể chuyện đời anh đi.

Tiếng con suối róc rách nhẹ nhàng, chiến sự chưa đụng trận bao giờ, tò mò những ngày chiến sự sôi động. Ông nhìn cậu như nhìn con cháu mình. Chớ gì cậu ta sống sót, chớ gì cậu ta không bao giờ phải đi qua con đường ông đã trải qua. Ông nhớ lại, có những chặng đường xương người qua mưa hết nắng thành những khúc xương trắng như người ta phơi khoai mì ở sân. Có những mãnh xương sọ với người gục dưới hộc đá bên cây súng và những trái lựu đạn chưa nổ. Người ta tra tấn ông đến ói mật. Những du kích áo đen bị trói cổ người này dính vào người kia dúi mặt xuống bùn xặc sụa. Ngay cả sau 30 tháng 4 ông vẫn chập chờn những ác mộng trong giấc ngủ.

Một thứ dữ kiện như những "data''được gài trong bộ nhớ máy vi tính, lâu lâu nó lại hồi sinh sống động. Ông đã sống sót những ngày ghê tởm của chiến tranh. Đời ông chỉ có một quá khứ là sự chết, gian nan, mất tuổi trẻ mơ mộng. Hôm nay, không còn chiến tranh nữa, nhưng nền móng hiện tại của ông là cái quá khứ ấy. Hai mươi năm đất nước thanh bình rồi mà cái xã ông làm chủ tịch này vẫn nhiều gia đình không đủ gạo ăn. Đát nước ông vẫn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Là chủ tịch xã, ông biết rõ cái nghèo của xã ông hơn nhiều người. Mỗi khi công văn trên tỉnh chỉ đạo xuống yêu cầu các xã thi đua đóng góp, ông chỉ thở dài. Dân ông đói lấy gì mà đóng. Có những bà vợ goá, chồng chết trong trại cải tạo, con cái nheo nhóc. Những năm gần đây với đổi mới tư duy, kinh tế thị trường có làm cho đời sống nhích lên được một tí, nhưng cái xã của ông vẫn thế, dân chúng quần quật ngoài ruộng, đất chỉ có vậy, người đẻ thêm, kẻ này ở lại thì kẻ khác phải bỏ làng mà đi. Đêm đêm, nghĩ đến tuổi trẻ lý tưởng ngày xưa, hiện tại đang sống, ông không bắt gặp được quê hương hoa gấm như trong hoài bão mộng tưởng mà ông đã hy sinh xây dựng. Điều ấy ông không nói với ai được. Có lần, ông ngồi trong văn phòng xã, nghe ngoài hành lang có tiếng nói chuyện với nhau. "Hai mươi năm đổi mới không bằng cái cũ ngày xưa!'' Ngẫm nghĩ, ông thấy cũng đúng vậy thôi. Nhưng trước mặt ông, người ta vẫn khen xã hội chủ nghĩa, vẫn tươi cười chào ông chủ tịch. Tất cả là lừa dối nhau. Người ta không dám nói chuyện với ông về một sự thật mà chính ông còn thấy nó đúng hơn nữa. Chính những nụ cười xã giao của người dân trước mặt ông chủ tịch xã làm ông càng cô đơn. Đất nước nghèo đói,nhưng trước mặt ông người ta vẫn bảo đường lối của nhà nước là khuôn vàng thước ngọc. Cái sợ ấy không làm cho ông có quyền lãnh đạo không làm cho người lãnh thêm uy tín, nó chỉ là dấu chứng một nỗi cô đơn bệnh hoạn. Chỉ sau lưng ông, ông mới nghe điều sự thật. "Hai mươi năm đổi mới mà không bằng cái cũ ngày xưa.'' Ông nhận thấy điều đó chứ. Gỉa sử có người nói thẳng với ông như thế, ông sẽ thấy ông gần gũi họ hơn. Ngày giải phóng xong, những chuyện như bộ đội mua chục bát ăn cơm đem về Bắc làm quà cho mẹ, cái kẹp tóc cho đứa em gái, cha mua con búp bê bằng nylon cho các con làm ông suy nghĩ nhiều. Sự thật là thế biết chối bỏ cách nào cho không là sự thật nữa. Ngay đám cưới của con ông hôm nay, chúng mở nhạc vàng. Hai mươi năm trước cấm kỵ ấy, hôm nay người ta lại hô hào đổi mới tư duy, vậy cái chết kia có nghĩa lý gì? Mới ngày nào đây đánh Mỹ cứu nước, bây giờ lại chống Mỹ là phản chính sách. Cái chong chóng kia đổi chiều lẹ quá, nó nghiền nát những con người như ông,như chú bộ đội trẻ.Ông thấm mệt.Ngày ông được đi Hà Nội, trên chuyến bay Tân Sơn Nhất -Nội Bài, phi công vẫn là người ngoại quốc. ông biết suy nghĩ chứ. Một trời quá khứ trở thành u uẩn không bao giờ cho ông yên nghĩ. Ban ngày tỉnh thức ông ghìm nó xuống, nhưng trong đêm khuya, không còn ý thức nữa,nó chỗi dậy hỏi ông những dằn vặt không có câu trả lời. Ông có thật là anh hùng không? Đất nước mình thông minh sao cứ nghèo nhất thế giới? Những câu hỏi cụ thể không cần lý sự. Hạnh phúc, lý tưởng là gì nếu đất nước cứ triền miên nghèo đói hết thế hệ này đến thế hệ kia? Có phải cái tiềm thức ấy, cái quá khứ kia, một mặc cảm vô hình nào đó đã bùng dậy khi rượu làm ông mất khả năng kìm giữ trong buổi tiệc cưới? Cuộc chiến đã tàn mà dư âm vẫn chưa hết.

Chuyện hai ông thông gia say rượu đánh nhau chảy máu mặt trong tiệc cưới con mình loan đi như những mũi tên. Ní hai ông thông gia đánh nhau cũng đúng, nói một tên "nguỵ'' với một tên "Việt Cộng''cũng đúng, nói ông chủ tịch xã bị đánh cũng được. Dân làng tha hồ đàm tiếu, chỉ cô dâu chú rể là xấu mặt không biết che vào đâu. Hai ông bị khách kéo ra mà bố cô dâu cứ nắm chặt cái điếu cày tre, mặt đỏ như gấc la luôn miệng. "Đánh bỏ mẹ thằng Việt Cộng này đi.'' Khách dự tiệc vừa ái ngại vừa tức cười. Tỉnh rượu, ông bảo không nhớ gì cả. Lúc quật cái điếu cày ông nghĩ đang đánh thằng quản giáo trại cải tạo. Những ngày lao động cải tạo vẫn là cơn ác mộng trở về trong giấc ngủ của ông. Không sao ông quên được cái mặt gian manh của tên quản giáo.Ông ngã nằm dưới đất, nó đặt chân lên ngực ông như người chiến thắng nói những câu độc địa. "Chúng mày nợ máu nhân dân''.  "Tao tha thằng nào thằng ấy sống nghe chưa''. Chỉ những lúc như thế ông mới thấy cái nhục của người thua trận. Máu ông sôi lên đốt xém các thần kinh mà không làm gì được. Chúng nó man rợ. Đêm đêm yên tĩnh nghe tiếng súng nổ là sáng mai tập hợp đã thấy một tù cải tạo nằm cong quèo dưới chân cột cờ rồi. Chưa một tên tù nào trốn thoát cái trại cải tạo này. Tính đến ngày con gái ông lấy chồng, chiến tranh đã chấm dứt hai mươi năm qua mà trong cơn say ông vẫn thấy ông thông gia kia là Việt Cộng. Lúc ông đập cái điếu cày xuống mặt bố chú rể, ông say máu. Cái gì làm con người ông như thế? Lúc tỉnh rượu ông xấu hổ quá chừng. Đàng sau suy nghĩ ý thức kia là một thế giới vô thức vô cùng bí mật. Nó chưa chết, chỉ nằm sâu xuống đấy dòng nước thôi. Lặn xuống vẫn thấy những đầu lâu sọ người. Chỉ có cách là đừng vất đầu người xuống hay là vớt sạch nó đi. Chuyện đó giả dụ phía bên này hay bên kia thì cũng đã gần hai triệu sọ người như thế rơi xuống dòng suối rồi, không lấy lại được nữa. Còn chuyện vớt chúng cũng chỉ là ví dụ vậy thôi, làm sao đi khắp đất nước để vớt sạch những sọ người ấy. Ông mang nặng một quá khứ u uẩn không kém tàn bạo như ông thông gia.

Hai mươi năm trước làm gì có chuyện một "nguỵ'' một "Việt Cộng''ngồi ăn tiệc con gái con trai gả cho nhau thế này. Mất hai mươi năm mới được thế. Vậy mà bữa tiệc vẫn không thành. Như một loại virus trong máy vi tính, nó vô hình, giấu kín mình ở chỗ nào đó, khó mà diệt được. Biết tìm đâu kháng sinh chống virus mà tẩy đi cái quá khứ và những kỷ niệm kia. Khách ra về, tiếng đời để lại, già rồi các ông sẽ chết, nhưng đau khổ nhất trong ngày cưới là con cái của cả hai ông. Cô đâu khóc thút thít bên chàng rể:

- Em chán quá anh ạ! Ngày vui của chúng mình mà sao bố mẹ hai bên làm như vậy. Bộ chúng mình không là con cái của bố mẹ sao.

Thôi em, chuyện xẩy ra rồi biết sao. Ngày cưới của chúng mình chứ đâu phải của các ổng. Miễn sao mình vui là được.

- Nhưng miệng đời người ta sẽ chê cười.

- Ôi! Hơi sức đâu em nghĩ tới chuyện đó cho mệt. Chúng mình cần phải đoạn tuyệt với quá khứ. Chúng ta phải tránh xa tâm thức của họ nếu không sẽ lây bệnh, quá khứ của họ không có niềm vui, toàn là những trăn trở gian nan. Để tìm con đường hạnh phúc, chúng ta phải đặt lại nhiều những giá trị về quê hương, về con người, phải xây dựng gia đình ta bằng con đường riêng. Em đừng buồn, đừng nghĩ tới họ nữa, chúng ta không muốn tiệc cưới những đứa con của chúng ta giống hôm nay phải không em. Trái tim họ vẫn còn những mạch máu ung thư, đừng nghĩ gì nữa em ạ, phải dứt khoát, đoạn tuyệt.

Không biết chúng mình có nối kết hai bên lại được với nhau không, em sợ quá anh à.

Họ cũng không muốn chuyện buồn ấy xẩy ra đâu. Suốt đời họ đã gieo những hạt giống ấy, làm sao nhổ hết được những gốc rể trong tiềm thức vô hình đã lún sâu kia. Họ phải cậy nhờ chúng ta mà xoá đi cái quá khứ ấy. Anh tin là chúng ta làm được nếu chúng ta khởi đầu tất cả bằng sự hiểu biết. Anh nói chúng ta đoạn tuyệt là đoạn tuyệt cái suy nghĩ của họ. Có khi họ muốn mà không làm được, có khi họ áp đặt lên chúng ta những suy tư mà chính họ cũng không muốn. lúc ấy chúng ta phải can đảm mà chống lại, anh muốn nói là chúng ta phải chống lại trong một thứ hiểu biết can đảm, khôn ngoan xa họ để không lây bệnh trong hiểu biết, vì họ cũng chỉ là nạn nhân của một sức mạnh ma quái thôi.

Hôm sau, hai ông thông gia đến nhà nhau. Người nào cũng sượng mặt. Làm sao lấy lại bữa tiệc cưới cho hai con nữa. Tiếng đời để mãi ngàn sau. Cứ có tiệc, người ta lại nhắc chuyện cũ, tích xưa. Tỉnh cơn say, quá muộn Hai ông ngồi bên tách trà nóng đang lên khói. Bố chàng rể: "Tôi xin ông bỏ qua, tôi say quá không biết mình làm những gì.''Bố cô dâu: "Chỉ tội hai đứa con, chúng mình làm hỏng hết ngày vui của chúng nó.'' Bố chàng rể: "Rượu bao giờ cũng thế đấy ông ạ.'' Bố cô dâu: "Tôi cũng có uống rượu mấy khi đâu, không hiểu tại sao tôi lại uống nhiều thế, xin ông cũng bỏ qua cho tôi.''

Căn nhà không có ai, tiệc tàn, khách về hết, những tiếng cổ suý đã ngưng, hai ông thông gia trĩu nặng tâm tư. Như cuộc chiến sau khi các cố vấn Tầu bỏ đi, cố vấn Mỹ về nước, còn lại những gia chủ đi tìm sọ người thôi. Kích thích của những ý thức hệ mà họ đã say mê như men rượu, trong mù tăm của bệnh hoạn họ tiêm cho mình những liều thuốc mà nay không sao gột rữa hết được. Xong tiệc ai cũng về, họ sẽ đem chuyện hai ông thông gia đánh nhau trong ngày cưới của con ra mà rao bán chuyện vui. Hai ông không nói ra mà cùng nghĩ một tư tưởng như nhau là không biết con cái của họ cảm thấy thế nào, nghĩ gì về họ. Cuộc chiến quảooif, không còn mưa trại cải tạo với nhục nhằn cũng qua rồi mà sao âm hưởng nó không hết. Lau thế nào cũng cứ trơ trơ dấu vết. Phải đợi tới khi chết rồi các sọ người mới giống nhau.

Cuối ngày, chào nhau từ giả ra về , ngập ngừng, hai ông ôm nhau ứa nước mắt. Ai cũng biết mình có lỗi, chỉ thương cho ngày vui của hai con. Trong những tấm hình ngày cưới có tấm hình hai ông dập lộn. Thợ chụp hình đã nhanh tay bấm được hết mọi cảnh ngoạn mục của hai ông thông gia phùng mang trợn má đánh nhau. Đôi tân hôn sẽ không dán nó trong cuốn kỷ niệm ngày hôn lễ. Khi những đứa con của họ có xem hình chụp trong ngày cưới sẽ không biết gì về hình ảnh của ông nội, ông ngoại của chúng nó trong ngày cưới của bố mẹ chúng nó cả.Chỉ hai người là cô dau và chú rể, tức bố mẹ của chúng nó biết thôi. Tính ra từ đời hai ông thông gia đến đời mấy cháu là ba đời. Phải mất ba đời, hy vọng những vùng ký ức trong tiềm thức kia mới nhạt nhoà. Tính ra gần trăm năm đấy, lâu quá nhỉ.

Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng mỗi người phải mau nghe đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa. Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn, hãy khiêm tốn đón nhận lời đã gieo vào lòng anh em. Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. ( Giacôbê 1: 19-21).

Tác giả: Nguyễn Tầm Thường, sj.(nguồn dunglac.org)

1042    08-07-2011 10:30:31