Bình luận về cuộc công du Đức quốc của Đức Thánh Cha, Peter Seewald, tác giả cuốn sách "Ánh sáng thế giới," cho biết chuyến công du là một chiến thắng trên giới truyền thông.
Đó là một chiến thắng của thái độ khiêm tốn và của những sứ điệp mà Đức Thánh Cha mang lại.
Ông Seewald cho rằng đây là "một phép lạ nhỏ" bởi vì "ngay trước cuộc công du đã là một màn tấn công dữ dội của các phương tiện truyền thông nhắm vào hàng giáo sĩ. "
"Nó làm cho người ta mường tượng đến cuốn phim '1984' của George Orwell, tả cảnh một ác mộng với một kẻ thù tưởng tượng, làm cho mọi người phải run sợ." "Tuy nhiên," Seewald nhận xét, "dù cho các phương tiện truyền thông đã vận dụng mọi nỗ lực đáng kinh ngạc đó, một số lượng vô số dân chúng đã đứng lên và từ chối sự lừa gạt đó. "
"Họ tiên đóan rằng nước Đức sẽ quay lưng lại với ĐGH và thậm chí còn đưa ra nhiều điều ngu xuẩn khác như biếm họa ra những hình ảnh của người Công Giáo như là những sự chướng tai gai mắt không có gì so sánh bằng. Đến nỗi tạp chí "Stern" đã mô tả là sự ngỡ ngàng (euphoria) ngắn ngủi lúc ban đầu đã tạo ra một khỏang cách không thể hàn gắn nổi giữa đại đa số người Đức với một người đồng hương (ĐGH). "Đối với báo chí Đức thì mọi sự trên thế giới sẽ tuyệt vời và trật tự nếu Vatican không còn tồn tại ".
Tuy nhiên, Seewald tiếp tục, "Chúng ta đã chứng kiến một cái gì đó lớn hơn nhiều. Những tiên đóan về những biển người chống đối và biểu tình, vậy thì chúng đã diễn ra ở đâu vậy? Chúng đã không bao giờ xuất hiện. Đổi lại đã có 350.000 người vượt qua những hy sinh lớn lao để đựoc trực tiếp lắng nghe Đức Giáo Hoàng và tham dự Thánh Lễ với Ngài. Chua kể có hàng triệu người khác đã theo dõi trên truyền hình. Sách của Đức Giáo Hoàng bán chạy hơn bao giờ hết.. . Và rõ ràng chưa bao giờ nước Đức đã được nghe nhiều điều sáng suốt, khôn ngoan và sự thật, và muôn vàn những gì là cơ bản."
Theo Seewald, là người đã trở lại đạo Công giáo sau khi gặp gỡ ĐGH lúc ngài còn là Hồng Y Ratzinger, "Người ta không còn có thể bỏ qua những lời giảng dạy của Ngài nữa. Những lời đó là những biện pháp và chuẩn mực cho các cuộc tranh luận kế tiếp và cho sự đổi mới của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. "Bóng tối "của chuyến công du Đức quốc, nếu có, chỉ là các cuộc tấn công của giới truyền thông.
"Chúng ta có cảm thưởng như đang sống trong thời đại của người Nazareth, là những người đã không muốn lắng nghe các tiên tri xuất thân từ xứ sở của mình. "Chúa đã không làm một phép lạ nào cả." Và đó lại là khiếu nại của nhiều hãng truyền thông. Họ điên cuồng chống đối Đức Giáo Hoàng, họ rao giảng một niềm tin mới không có chút giá trị nào, và đồng thời họ loan truyền trên các làn sóng điện những khiếu nại của nhiều người đã quay lưng lại với Giáo Hội Công Giáo. Nhưng trong thực tế, tỷ lệ những người bỏ Giáo Hội thì nhỏ hơn nhiều so với những người bỏ đảng chính trị, bỏ hãng sở hoặc bỏ hiệp hội, hoặc thậm chí bỏ nhà thờ Tin lành."
Mặt khác, ông tiếp tục, thật là tuyệt với khi nhìn thấy cảnh Đức Thánh Cha "đi qua một đàn chó dữ inh ỏi là giới truyền thông nhưng không hề lay chuyển dù chỉ là một giây một khắc".
"Có một điều đáng tiếc, đó là có nhiều người đã không tận dụng cơ hội này để bày tỏ tình huynh đệ Kitô hữu đích thực ít ra là một lần." Một số giáo hội Tin lành vẫn tiếp tục coi mình là một phe chống giáo hoàng. Trước đây, vị giáo hòang ở Rome đã bị mô tả là một nhân vật đối lập với đấng Kitô (anti-Christ). Ngày nay, ngài bị coi là 'chống đổi mới.' Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đã xảy ra là: sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, không chỉ các vị đại diện Chính thống giáo, Do thái và Hồi giáo đã cực kỳ thỏa mãn, nhưng vị chủ tịch của Giáo Hội Tin Lành tại Đức, sau cuộc họp với Đức Thánh Cha Benedict XVI, đã tuyên bố "Tôi rất vui sướng."
Ông Seewald cho biết mục đích của Đức Giáo Hoàng tới nước Đức là để thu hút sự chú ý đến các vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì "Ngài không muốn một nền an bình giả tạo nhưng phải là một nền an bình chính trực. Ngài không che dấu những sự xấu sa qua những từ hoa mỹ hoặc dùng các sự kiện lớn lao để tô sơn phết vàng lên trên sự nghiêm trọng của tình hình, khác hẳn với với những gì mà (Hans) Kung và bè nhóm đã làm." (Kung là triết gia đối lập với ĐGH)
Về việc một ban tổ chức địa phương của giới trẻ tại Freiburg đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu về các chủ đề 'phụ nữ làm linh mục' và đồng tính luyến ái, mà không tổ chức việc chuẩn bị tâm linh cho buổi gặp gỡ ĐGH, ông Seewald đã trách:
"Những người thực hiện điều này tỏ ra là không thông hiểu về thời đại, Nó còn cho thấy là họ thiếu nhận thức về sự nghiêm trọng của tình hình. Vì bằng cách làm những điều như vậy, họ trở thành đồng minh của một số những nhà lãnh đạo đã coi trọng và dồn nỗ lực để chỉ nhắm vào những vấn đề phụ (thứ yếu) và lãnh đạo Giáo Hội tùy theo ngẫu hứng, cho nên về cơ bản đã gây ra tình trạng trì trệ tinh thần. Những điều xấu như vậy là đầy dẫy cho nên nhiều người đã hòan tòan thiếu sót sự hiểu biết về đức tin. Họ không biết gì cả về Tin Mừng và bí tích."
Tuy nhiên, ông nói thêm, "Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những hướng dẫn thích hợp. Ngài rõ ràng nói tương lai của Giáo Hội và của đức tin được xác định trong bối cảnh phụng vụ và bí tích Thánh Thể. Sự thay đổi thực sự chỉ có thể thông qua việc chuyển đổi của trái tim. "
Ông kết luận: "Nói một cách đơn giản, đấng kế vị Thánh Phêrô muốn hướng dẫn chúng ta đến tận nguồn. Nguồn này không là sở hữu của riêng Ngài hoặc của Vatican, nhưng đúng hơn, từ đó mà chảy ra 'mạch nước hằng sống'. Giáo Hội tồn tại là để bảo vệ và chăm sóc cho các nguồn đó, để chúng ta được hạnh phúc và an toàn".
Trần Mạnh Trác (nguồn vietcatholic.org)