Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Ca Đoàn Họ Đạo Tôi

Xưa rày có một điều cấm kỵ, người ta chẳng bao giờ được hỏi về tuổi tác của phe đờn bà con gái.

Xem như vậy, thì rõ ra rằng: phe đờn bà, con gái dường như chẳng bao giờ muốn nghĩ đến số tuổi đời của mình, trái lại luôn khao khát được trẻ mãi, trẻ hoài.

Chính vì nỗi khao khát không bờ không bến này, người ta đã tung ra trên thị trường đủ các thứ sinh tố và khích thích tố, hầu bồi dưỡng cho cơ thể khỏi bị...lão hóa. Người ta bày bán đủ các thứ mỹ phẩm, từ son phấn và nước hoa đến tóc giả và lông mi giả. Người ta mở các viện thẩm mỹ ở khắp nơi, để xẻ cằm, xẻ mũi, xẻ mắt, thay da mặt, nhuộm móng tay móng chân, mát xa, tắm trắng toàn bộ cơ thể của mình, rồi bơm chỗ nọ vá chỗ kia... thôi thì đủ vành, đủ chước.

Tuy nhiên, nào có ai cứ trẻ mãi, bởi vì tới một lúc nào đó tuổi trẻ cũng phải đội nón ra đi, nhường bước cho tuổi già, mặc dù mình chẳng muốn một tí ti nào cả. Cái già xồng xộc nó thì tới bên. Một buổi sáng thức dậy, bỗng giật mình khám phá ra:

Những vết nhăn xuất hiện nơi khóe mắt, làn da không còn tươi mịn, gân cốt bắt đầu lỏng lẻo, mình mẩy ê ẩm nhức nhối, cặp mắt trông gà hóa quốc, nhìn một thành hai... Phải chăng đó chính là những dấu chỉ của tuổi già?

Thế nhưng, điều quan trọng không phải là những dấu ấn của tuổi già nơi thân xác, mà là những dấu ấn của tuổi già trong tâm hồn.

Đồng thời, điều cần thiết không phải là những nét tươi trẻ bên ngoài, mà là những nét tươi trẻ bên trong, hệ tại nơi cái tâm của mình.

Dưới góc độ này, thì ranh giới giữa già và trẻ thật là uyển chuyển, không phải chỉ căn cứ nơi tuổi tác hay vóc dáng bên ngoài.

Ca dao có câu:

Giai ba mươi tuổi còn xoan,

Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

Thế nhưng, cũng chính ca dao lại bảo:

Giai ba mươi tuổi đã già,

Gái bốn mươi tám đang ra má hồng.

Sở dĩ như vậy, vì có những kẻ mới tí tuổi đầu mà đã già lọm khọm như một ông cụ non. Trái lại cũng có những người tuy mang nặng tuổi đời mà vẫn tươi, vẫn trẻ, được bàn dân thiên hạ gọi là những "ông già gân".

Những "ông già gân" loại này, cái hình dong bên ngoài của họ có thể là da đã nhăn, tóc đã bạc và răng đã rụng, thậm chí có người đã bước vào cái tình trạng "gần đất, xa trời" theo sự diễn tả của dân gian, còn theo sự diễn tả của con nhà có đạo thì phải là "gần trời, xa đất", nhưng cái tâm địa bên trong lại chẳng già chút nào, trái lại còn rất trẻ, đúng với tiêu chuẩn của người xưa: "nhân lão, tâm bất lão", người già, nhưng tim không già.

Dấu chỉ thứ nhất của một tâm hồn trẻ trung, đó là họ dám làm và dám nhận trách nhiệm của mình.

Chẳng hạn trong lãnh vực tình yêu, có những cặp vợ chồng mới cưới nhau được ba tuần lễ, thế mà đã lục đục cãi vã, tưởng chừng như cuộc hôn nhân của họ đã long đong lận đận suốt ba mươi ba năm rồi. Sở dĩ như vậy vì tình yêu nơi họ đã già cỗi.

Trái lại, có những cặp vợ chồng chung sống với nhau suốt ba mươi ba năm trời mà vẫn mặn nồng như vừa mới cưới nhau được ba tuần lễ, hay vẫn khắng khít như "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên". Sở dĩ như vậy là vì tình yêu nơi họ luôn trẻ trung.

Dấu chỉ thứ hai của một tâm hồn trẻ trung, đó là họ dám chấp nhận mọi hy sinh, miễn sao công việc họ làm được hoàn tất một cách tốt đẹp. Bởi thế cho nên mấy năm trở lại đây, Họ đạo tôi hiện đang có một ca đoàn thật "đặc biệt", ngoài các dạng ca đoàn thường thấy bấy lâu nay.

Ca đoàn này là của giới "hiền mẫu". Được hướng dẫn bởi một Bà phước trên "năm mươi" hẳn hoi, oai ra phết.

Ca đoàn này vốn được những ông thích châm biếm và bôi bác, ưu ái đặt cho một tên gọi thân thương là giới ... "hùm mẫu".

Ca đoàn này qui tụ một số chị đã có chồng có con đàng hoàng, thậm chí có chị đã leo lên tới chức bà nội, bà ngoại.

Hầu hết các chị đều thuộc lứa tuổi từ U-40 trở lên. Những kẻ xấu mồm, xấu miệng gọi lứa tuổi này là lứa tuổi...xồn xồn. Thế nhưng, các chị đã cực lực phản đối và vỗ ngực tự xưng mình là các bà mẹ ... còn trẻ. Vì thế, ca đoàn này cũng được các chị gọi là "Ca Đoàn Bà Mẹ".

Ca đoàn này có rất nhiều lợi thế mà những ca đoàn khác nằm mơ cũng chẳng thấy.

Lợi thế thứ nhất: vì đó là ca đoàn của những người mẹ và những người vợ trong gia đình.

Thực vậy, mỗi khi hát xong, về nhà các chị đều hỏi chồng con của mình.

Với những đứa con, các chị hỏi:

- Hôm nay ca đoàn của má hát có hay không?

Dĩ nhiên là những đứa con bèn phải mau mắn trả lời:

- Hôm nay ca đoàn của má hát hay lắm.

Bởi vì nếu không trả lời như vậy, thì sáng hôm sau e rằng sẽ bị cúp, hay giảm bớt phần tiền ăn sáng.

Với anh chồng, các chị cũng hỏi:

- Hôm nay ca đoàn của em hát có hay không?

Dĩ nhiên anh chồng cũng phải noi gương bắt chước những đứa con mà hồ hởi trả lời:

- Hôm nay ca đoàn của em hát thật tuyệt vời.

Bởi vì chối chậm thì chết, nếu không trả lời như vậy, thì e rằng sẽ bị tặng cho một cái lườm, một cái nguýt thấu đến tận tim gan phèo phổi, làm tan nát cả lục phủ ngũ tạng. Hay ít nữa thì cũng sẽ bị áp dụng biện pháp "cấm vận": giường ai người ấy nằm, chăn ai người ấy đắp. Thiện tai, thiện tai.

Thành thử đi tới đâu, ca đoàn này cũng được phủ đầy những lời khen tặng. Suýt nữa thì cánh mũi của các chị to phồng bằng trái cà chua.

Lợi thế thứ hai: vì đó là ca đoàn của những người nắm giữ tiền bạc của gia đình.

Thực vậy, mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Để làm bất cứ việc gì, thì vấn đề đầu tiên mãi mãi vẫn là tiền đâu. Đó là qui luật của muôn đời. Vì sẵn tiền và lại sẵn sàng chi ra, nên mỗi khi tổ chức mừng bổn mạng hay tiệc tùng, chương trình các chị đưa ra thật là ... hoành tráng, thấy mà phát thèm.

Xin được kính cẩn nghiêng mình trước tinh thần trẻ trung của các chị, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh và không nề quản ngại bất cứ một khó khăn nào trong khi chu toàn trách nhiệm của mình. Thậm chí có những chị trong dịp tết phải đi chúc tuổi sui gia, bà con họ hàng ở nơi xa, cũng vẫn tranh thủ về đúng giờ để tập hát. Rồi trong những bữa liên hoan, các chị vẫn cứ vô tư sinh hoạt hết mình, y như thời còn mặc "váy" thiếu nhi, bé tẻo bé teo.

Thật là bái phục! bái phục.

Vì thế, nếu được Cha Sở cho phép đặt tên, mình sẽ không ngần ngại đặt tên ca đoàn này là " Ca đoàn Yamaha", hổng phải "Ca đoàn già mà ham" đâu nhé. Mà là "Ca đoàn Già mà còn hát hay" vậy! Sic!

Cát biển

1384    06-06-2011 06:53:49