Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Các Bài Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

  1. Hai Con Người, Hai Ơn Gọi
  2. Trụ Cột Của Giáo Hội
  3. Mẫu Gương
  4. Tuyên Xưng
  5. Nhận Biết Và Biến Đổi
  6. Mầu Nhiệm Tình Yêu
  7. Chứng Tá Của Sự Hiệp Nhất Trong Đa Dạng
  8. Lễ Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô Tông Đồ
  9. Đứng Dậy Nhờ Ơn Chúa
  10. Hai Viên Đá Tảng Diệu Kỳ
  11. Hai Cuộc Đời
  12. Thầy Biết Con Yêu Mến Thầy

HAI CON NGƯỜI, HAI ƠN GỌI
Mt 16, 13 - 19

Này Phêrô, Thầy bảo cho con biết: Phêrô nghĩa là đá; trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời; điều gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc... (Mt 16, 13-19)

Ơn gọi của Phêrô cũng giống như các môn đồ khác. Ngài thuộc nhóm bốn môn đồ đầu tiên. Phêrô và Anrê trước kia là môn đồ của Gioan Tẩy giả. Điều đặc biệt với Phêrô, đó là: ngài là người duy nhất được Chúa Giêsu đổi tên từ Simon ra Phêrô. Theo truyền thống Do thái, điều đó có ý nghĩa là ngài được trao cho một sứ mạng đặc biệt (Mt 16, 16).

Trong khi đó, Phaolô lại được gọi cách bất ngờ, mạnh mẻ. Chúa Giêsu dùng quyền mà khuất phục Phaolô, biến ông từ kẻ chống đối dữ dội, thành tông đồ nhiệt thành. Bài TM hôm nay chỉ đề cập đến Phêrô, nhưng chắc chắn không làm lu mờ địa vị của Phaolô.

a. Qua bài Tin Mừng này, qua lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Kitô nhận ra ngay Ý Chúa Cha chọn Phêrô, nên mới soi sáng cho Phêrô biết bản tính siêu việt của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Kitô liền tuyên bố thiết lâp Hội Thánh trên nền tảng "Đá Phêrô" và công bố quyền lực tử thần không lấn át nổi; đồng thời Người cũng trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô.

Người ta có thể trách Chúa Giêsu, sao lai chọn các môn đồ tệ đến như vậy! Phêrô chối Chúa ba lần; Phaolô bắt bớ dữ dôi Hội Thánh Chúa. Thực ra, sau khi Chúa Thánh Thần đến, các ông hoàn toàn biến đổi, biến đổi đến ta phải kinh ngạc, sửng sờ. Người ta thường trách Chúa Giêsu vì đã chọn Phêrô là người chối Chúa; trách như thế là lầm to; Chúa Kitô hiểu rõ Phêrô hơn ta nhiều! Trên đời này, trừ Mẹ Maria ra, khó có người nào đã không sai lầm hay yếu đuối trong cuộc sống.Người ta lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn đến cuộc đời của Phaolô, càng cho ta thấy rõ về ơn sủng của TC tác động trong tâm hồn chúng ta mạnh mẻ là chừng nào! Trước khi bị TC khuất phục, Phalolô còn rất tre, lại có thế giá trong giáo quyền Do thái. Là người biệt phái nhiệt thành, lại có quốc tịch Rôma nữa. Vậy mà khi bị Chúa chiếm hữu, Phaolô hoàn toàn đổi mới; từ một người bắt bớ các tín hữu Kitô, Phaolô nay là nhà truyền giáo lỗi lạc, không hổ thẹn, với sự nghiệp truyền giáo đồ sộ, là nhà thần học xuất sắc. Vậy mà tất cả những gì Phaolô làm được, ngài cho là chỉ do ân sủng của TC mà thôi (1 Cor 3, 5+). Phaolô khẳng định mạnh mẻ: "đối với tôi, sống là Đức Kitô". "Tôi không muốn biết điều gì khác, ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh". "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 2, 20)Thực ra, cả hai vị tông đồ đều đi cùng một con đường: "đến với Đức Kitô, vì Đức Kitô và cho Đức Kitô" như lời Phaolô nói: "Tôi biết, tôi đang tin vào ai...".

b. Mỗi người Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận BT rữa tội, là lãnh nhận cùng một sứ mạng như hai vị tông đồ cả mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Dù chúng ta không có địa vị như các ngài, thánh thiện, tài năng như các ngài; tuy nhiên điều quan trọng Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta, không phải là ta sẽ làm được điều gì, hơn là chúng ta sẵn sàng sống và chết cho Đức Kitô, như lời Phaolô nói: Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô.

Hội Thánh Chúa Kitô, được xây dựng trên những con người bề ngoài có vẽ tầm thường; nhưng rõ ràng với ơn sũng của Thánh Thần, Hội Thánh không có gì mà không làm được. Ta có tin vào Hội Thánh, nhất là tin vào Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh không?

TRỤ CỘT CỦA GIÁO HỘI
Mt 16, 13 - 19

Có thể nói, không ai liều mạng hơn Đức Giêsu trong việc tuyển chọn môn đồ để kế tục sự nghiệp của mình. Trong nhóm 12 môn đệ ruột, có những thành phần bị coi là rốt cùng trong xã hội: chài lưới, thu thuế, trộm cắp . . . Hậu quả của việc liều mạng ấy là có người chối Thầy, có người bán Thầy, có người chạy thục mạng khi Thầy gặp nguy hiểm . . . Và hình như việc đó còn chưa làm Ngài thất vọng và chán nản, nên còn tuyển thêm một đồ đệ vốn là "thù địch" của mình nữa. Việc làm như thế nếu không liều mạng thì sẽ gọi tên là gì? Chúa biết ! Hôm nay, Giáo hội mừng kính 2 vị thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Giáo hội Chúa. Chúng ta hãy cùng suy gẫm đôi điều về cuộc đời của hai vị tông đồ trụ cột này để thấy được tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.

Nhìn lại "thành tích" quá khứ của 2 vị tông đồ này, chúng ta cảm thấy hơi ngán ngại. Nếu Phêrô chối Đức Giêsu trong cơn nguy khốn và cô đơn tuyệt đỉnh thì Phaolô ở trong tình trạng căng thẳng hơn nhiều. Vì quá nhiệt thành với Do thái giáo, nên Phaolô rất dị ứng với Kitô giáo. Ông muốn tẩy trừ Danh Đức Giêsu Kitô ra khỏi cuộc đời này. Vì thế, ông rất hăng say bắt bớ và giết hại những ai xưng mình là Kitô hữu. Dù vậy, Chúa vẫn thương ông vì biết ông hành động do không hiểu biết và lầm lạc cách vô tình. Chúa nhìn thấu tâm hồn của ông chứ không theo những gì là bên ngoài. Hơn thế nữa, Ngài còn coi: "người này là lợi khí của Ta". Biến cố Phaolô ngã ngựa trên đường đi Đamas mang nhiều ý nghĩa thâm sâu, nhưng trên hết là biến cố của lòng thương xót Chúa dành cho Phaolô nói riêng và cho con người chúng ta nói chung.

Giáo hội được xây trên nền tảng các tông đồ, những con người yếu kém và nhiều sai lỗi. Thế nhưng, Giáo hội đã trở thành men trong bột và làm cho cả khối bột là thế giới này dậy men. Chúa muốn cho con người nhận ra sự thật này là: Chúa yêu thương con người và muốn con người hãy tín thác vào Chúa, chứ đừng cậy dựa vào sức riêng của mình. Thế giới đang được Chúa yêu thương và chăm sóc từng giây từng phút, nhưng ít có ai nhận ra được điều đó. Đa số con người vẫn nghĩ rằng Chúa ban ơn cho họ cũng giống như một người nào đó tặng quà cho họ; lâu lâu một lần, có cũng được, không có cũng được. Đó là một sai lầm tai hại. Chúng ta cần xác tín rằng, nếu Chúa không giữ gìn ta và không chăm sóc dù chỉ một giây thôi thì chúng ta sẽ ra tro bụi hết. Đó là một huyền nhiệm của tình yêu mà chúng ta cần ý thức lại và tái khám phá để cuộc sống của chúng ta thêm an vui và hạnh phúc trong Chúa.

"Người ta bảo Thầy là ai?" Phêrô đã trả lời rất đúng "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" Trả lời như thế nhưng ông chưa hiểu rõ Con Người của Đức Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài bao nhiêu. Do đó, ông đã nhát đảm và chối Chúa khi gặp gian nan khốn khó. Nhưng sau này, khi hiểu được Đức Giêsu Kitô cùng tận nhờ Chúa Thánh Thần, ông đã hết hết tình vì Danh Đức Giêsu Kitô.

Phaolô sau khi trở lại cũng có một niềm xác tín thâm sâu vào Đức Giêsu. Phaolô đã trả lời câu hỏi "Đức Giêsu là ai" như sau: " Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự" (Rm9,5). Với niềm xác tín ấy, Phaolô đã sống hết mình vì Đức Giêsu Kitô, bất chấp mọi gian nguy khốn khó trong cuộc đời này nhằm cản bước tiến của ông trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu là ai trong cuộc đời của tôi và của bạn? Ngài có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của chúng ta không? Câu hỏi ấy dành riêng cho mỗi người chúng ta. Khi nào chúng ta trả lời được Ngài là ai cách xác tín và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Ngài mà thôi.

Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa biểu lộ cách cụ thể nơi Đức Giêsu, chúng ta sẽ cảm thấy được an ủi để làm lại cuộc đời, một cuộc đời vốn đầy tội lỗi như Phêrô khi chối Chúa, như Phaolô trước khi gặp Chúa và được Chúa hoán cải. Hãy nhớ lại xem, trước sai lỗi của các tông đồ, Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài không hề trách móc các ông, nhưng dùng tình thương để cảm hoá các ông. Đó có thể là ánh mắt thoáng buồn của Đức Giêsu nhìn vào Phêrô; đó có thể là việc cho Phaolô ngã ngựa và mù loà . . . và tình thương chứ không phải hận thù đã chiến thắng, đã qui phục được lòng người. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài luôn hành động vì tình yêu và chờ đợi con người đáp trả lại cách tự do. Chúa vẫn hỏi mỗi người chúng ta như Chúa đã hỏi Phêrô ngày xưa: "Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Nếu chúng ta thật lòng mến Chúa thì chúng ta cũng phải yêu mến anh em mình, dù cho đó là con người khó thương nhất.

Nơi bệnh viện mà nữ tu Antoinette đang phục vụ có một ông lính già cực kỳ khó tính. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ. Có chuyện gì trái ý, ông la lối rùm beng lên.

Ngày kia, đang mải mê phục vụ, nữ tu Antoinette nghe tiếng "lính già khó tính" hét lớn: Đem cho tôi một quả trứng luộc". Antoinette vui vẻ đem quả trứng đến cho ông.

- Trứng chưa chín đủ mà cũng đem tới à? Lính già khó tính nhăn nhó. Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.
- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Vô ý vô tứ quá!

Antoinette chẳng biết làm sao. Chị bèn đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông lính già khó tính một cái trứng để luộc cho vừa ý ông. Ông lính già thấy thế nổi máu nóng lên, đạp đổ bếp lò, quẳng quả trứng xuống nền gạch, miệng quát lớn: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?"

Nữ tu Antoinette chẳng nói nửa lời, thinh lặng cúi xuống thu nhặt, quét dọn . . . Lát sau, chi đem đến cho ông lính già khó tính một cái trứng khác: "Ông cố gắng dùng thử cái trứng này, tôi luộc vừa chín thôi?" Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi ăn quả trứng này cũng là ăn lòng tốt của cô nữa."

Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một biến đổi ngoạn mục nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng người nữa.Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giêsu luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu mà cảm hoá họ.

Xin cho chúng ta luôn biết nhẫn nại và quảng đại với những sai lỗi của con người và luôn coi họ hành động sai lầm vì họ không biết và ngây ngô mà thôi. Chắc chắn rằng khi chúng ta biết hành động yêu thương như Chúa, như nữ tu Antoinette, chúng ta sẽ trở thành những tông đồ "trụ cột" như hai thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta mùng kính hôm nay.

MẪU GƯƠNG
Mt 16, 13 - 19

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội. Nhờ đó mà Giáo hội có thể đứng vững trong ơn thánh của Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã đem Tin mừng cho thành Rôma và biến nơi trung tâm ngoạI giáo này thành trung tâm Kitô giáo. Chính nơi đây, Thánh Phêrô và những người kế vị ngài sẽ thực hiện việc thánh hoá, giảng dạy và cai quản dân Chúa trên khắp địa cầu.

Sau khi Phêrô thay mặt các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, chính Đức Giêsu đã nói với Phêrô : Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá nước trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì , trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm Đá Tảng xây Hội Thánh Chúa và trao quyền cầm buộc tháo cởi (vốn là đặc quyền của thiên Chúa) cho Phêrô.

Phêrô là trưởng nhóm 12 và là đại diện của Chúa ở trần gian. Ông đã chối Chúa nhưng đã ăn năn thật lòng. Trước khi về trời, Ngài không nhắc lại lỗi lầm của Phêrô, để ông khỏi hổ thẹn về quá khứ nhưng giao cho Phêrô công việc coi sóc đoàn chiên Chúa: Nếu con yêu mến Thầy, con hãy chăm sóc các chiên của Thầy, yêu mến các chiên của Thầy và đưa về đàn những chiên chưa thuộc đàn này. Sự sống mà Phêrô sẵn sàng hiến dâng cho Thầy thì hãy hiến dâng cho chiên của Thầy. Điều này cho thấy Chúa Giêsu quan tâm chăm sóc chúng ta tới mức độ nào. Việc phục vụ anh em là bằng chứng tình yêu lớn nhất của Phêrô đối với Đức Giêsu. Ngày nay Chúa Giêsu cũng ngỏ lời với mỗi người chúng ta như thế, những gì chúng ta muốn phục vụ cho Chúa để tỏ lòng biết ơn Ngài thì chúng ta hãy làm cho anh em mình. Chúng ta đừng bao giờ trả lời với Chúa như những ngừơi trong Mt 24 : chúng tôi đâu có thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống... những người không biết tỏ lòng yêu thương anh em thì Chúa cũng không thể tỏ lòng thương xót họ trong ngày sau hết!

Chúa Giêsu muốn Phêrô nói rõ rằng Phêrô yêu mến Ngài. Quả vậy, Phêrô hết lòng yêu mến Chúa Giêsu. Phêrô đã tận tâm tận lực rao giảng Tin Mừng, không sợ gì đòn vọt hy sinh; tất cả vì Giáo Hội của Ngài, cho đoàn chiên của Ngài. Phêrô lấy làm vinh hạnh khi được chịu khổ vì Đức Kitô. Mỗi khi bị đánh đòn trước công chúng, các ngài không tức giận những người đánh mình. Trái lại còn hân hoan bởi được chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô (Cv 5, 41). Cuối cùng, Phêrô chết trên thập giá để làm chứng về tình yêu của Ngài đốiI với nhân loại.

Chúa Giêsu cũng thích chúng con nói với Ngài rằng chúng con yêu mến Ngài. Nhờ đó, Ngài có thể dạy dỗ chúng con, giúp chúng con mỗi ngày một trưởng thành hơn, luôn theo sát bên Ngài và cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ loài người. vấn đề là bây giờ con có dám nói với Chúa là "con yêu mến Chúa" hay không? Nếu Ngài đòi con tỏ tình yêu bằng những việc hy sinh, con có vui lòng chịu hay không ? Yêu mến Chúa là làm theo ý Chúa, cụ thể trong việc hăng hái làm việc bổn phận hiện tại, kế đó là phục vụ những người nghèo về tinh thần hoặc vật chất. Phục vụ đòi hỏi nhiều hy sinh, chịu cực, mất mát thời giờ, tiền bạc, sức khoẻ... mà không đòi phải được đáp trả. Chính Chúa sẽ trả cho chúng ta trong ngày sau hết. Điều này đòi hỏi phải có lòng Tin, Cậy, Mến và tinh thần quảng đại phó thác.

Phêrô và những người kế vị ngài có nhiệm vụ giữ gìn đức tin của Giáo hội toàn cầu theo đúng mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Phần chúng ta hãy hiệp một lòng một ý cùng Hội Thánh Chúa và góp phần của mình vào để Hội Thánh ngày một phát triển và đem ơn cứu độ đến cho mọi người .

Lạy Thánh Phêrô là người giữ chìa khoá cửa Thiên đàng, xin cầu cho chúng con là những người trong Giáo hội của Thầy Chí Thánh Giêsu được luôn trung thành với Chúa Kitô, nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài. Xin cho những ai sa ngã, biết mau chóng ăn năn thống hối và chỗi dậy như Phêrô. Phần chúng con, chúng con sẽ cố gắng yêu mến Chúa hết lòng hết sức và trở nên những môn đệ nhiệt thành. Xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi nao núng giữa cảnh đời đầy cám dỗ và thử thách gian truân.

TUYÊN XƯNG
Mt 16, 13 - 19

Đức Giêsu cùng các môn đệ đi đến địa hạt Cêsarê Philiphê. Đây là thành phố ở chân núi Mermon, phía bắc cách hồ Tibêria chừng 40 cây số. Chi tiếc này cho thấy Hội Thánh Chúa không còn giới hạn trong ranh giới Do Thái. Có thể nói công cuộc truyền giáo đánh dấu một thời kỳ mới, một giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này như một cuộc cách mạng đổi mới toàn bộ tâm tư và cách nhìn của người khác về Đức Kitô. Mặc dù Đức Giêsu hiểu đến tận cõi lòng thâm sâu của các môn đệ mình, nhưng Ngài vẫn muốn có một trắc nghiệm về nhận thức của dân chúng và câu khẳng định của các tông đồ "người ta bảo Thầy là ai?""anh em bảo Thầy là ai?". Cuối cùng câu trả lời của tông đồ Phêrô đã làm vừa lòng Thầy mình: "Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa Hằng Sống". Đó như là một phần thưởng, là kết quả mà chỉ có Phêrô mới được ban cho đặc ân đó. Có thể nói Phêrô làm được một điều mà chưa người nào làm được. Đức Giêsu đã chỉ cho ông thấy không phải do nỗ lực cá nhân mà ông làm được điều đó, mà là "Cha của Thầy Đấng ngự trên trời". Thật đúng thế! Xét về tài năng ông vẫn kém hơn các môn đệ khác, xét về lòng can đảm thì lại càng xấu hổ hơn khi ông chối thầy ba lần... nhưng với nỗ lực cá nhân cộng với ơn Chúa Phêrô trở thành con người mạnh mẽ lạ thường. Ông đã mạnh dạn tuyên xưng về Đức Kitô với một định nghĩa đầy đủ nhất về Ngài, để thốt lên được điều mà dân chúng không thể thốt lên đòi hỏi phải có những điều kiện:

1. Biết kết hiệp với Chúa.

Người ta thường nói "vô tri bất mộ", phải biết thì mới mộ mến, mới yêu. Nhưng chỉ dùng với những tri thức tầm thường, những hiểu biết khoa học nhỏ bé để nói về Thiên Chúa, thì không thể định nghĩa về Ngài. Những sai lầm của dân chúng hôm nay là quá dựa vào những tri thức, mà mình biết để định nghĩa về Thiên Chúa, kẻ cho là Gioan Tẩy Giả, sở dĩ có dư luận này là do lời nói của Hêrôđê Antipas, cho rằng Gioan Tẩy Giả đã sống lại (Mt 14,2). Kẻ thì bảo là Êlia, vì Malakia (3,23) đã viết "Này Ta sai đến cho các người Tiên Tri Êlia trước khi ngày của Giavê", nên thời đó người ta tin Êlia chưa chết và sẽ trở lại. Qua những lời khẳng định của họ về Đức Giêsu cho thấy họ là những người hiểu biết về Kinh Thánh và nắm bắt rõ về thời cuộc. Điều này là rất tốt nó như một điều kiện cần phải có, nhưng vẫn chưa đủ. Không những người ta phải hiểu về Chúa, mà còn phải biết kết hợp với Chúa, kề vai sát cách với Người. Sống với Chúa như nguồn lương thực không thể thiếu. Chính vì đã làm được như thế, nên sau khi Đức Giêsu hỏi Phêrô đã nhanh chóng tuyên xưng ngay. Ông khẳng định một cách xác tín mà không chần chờ, ông quyết định mà biết chắc là sẽ đúng, vì đối với ông lúc đó ông đã kết hợp với Chúa như lẽ sống của mình. Chắc chắn tâm trạng lúc đó của Phêrô không khác chi tâm trạng của Phaolô khi nói "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống nhưng là chíng Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).

Chỉ khi nào hiểu và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, thì con người mới có thể tuyên xứng đúng về Ngài. Thật là ảo vọng khi mình nói về Chúa cho người khác mà mình lại không tuyên xưng đúng về Ngài, rao giảng Tin Mừng như thế không những không đem lại kết quả, mà còn đem đến hậu quả. Khi tiền đề về Đức Kitô sai thì đưa đến hậu kết sai là một điều hiển nhiên, và một hình ảnh méo mó về Đức Kitô trong con mắt người khác là không thể tránh khỏi.

2. Đón nhận hồng ân.

Phêrô vừa dứt lời, thì Đức Giêsu mừng rỡ khen ngợi học trò mình cách đặc biệt "Chính Cha Thầy đã mạc khải cho con". Phêrô đã được chọn như một công cụ đắc lực cho Chúa. Đức Giêsu mừng không phải do tài năng do trí phán đoán của Phêrô, nhưng niềm vui mừng là Phêrô dám chấp nận để ơn Chúa biến đổi, sẵn sàng đón nhận ơn Người như một hồng ân. Phêrô không nhận hồng ân đó cho riêng mình, mà nhận để rồi thay mặt cho nhân loại tuyên xưng Đức Kitô. Thật ra các ân huệ trao ban không nhằm để phục vụ cho những lợi ích riêng mình, nhưng nhằm lợi ích cho tha nhân, cũng như những người khác họ lãnh những ân huệ cũng vì lợi ích của bạn. Kinh Thánh nói: "Thần Khi tỏ mình ra mỗi người một cách là vì ích chung" (1Cr 12,7). Thiên Chúa dự liệu cách này để mỗi người biết cần đến người khác. Khi cùng nhau tuyên xưng là cùng nhau sử dùng quà tặng và cùng được hưởng lợi ích. Amen

NHẬN BIẾT VÀ BIẾN ĐỔI
Mt 16, 13 - 19

Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt quyền phép vô cùng. Để thông ban hạnh phúc cho muôn loài, Ngài đã tạo dựng vũ trụ này và cho Con Một mình làm người để cứu chuộc muôn loài.

Mọi người có thể nhận ra Ngài nơi vũ trụ bao la kỳ bí vốn vượt trên sức hiểu biết của loài người. Tuy nhiên, cách nhận ra Chúa nhờ tha nhân là cụ thể nhất và hiệu quả nhất. Người người nhận ra Thiên Chúa nơi những công việc tốt lành của các Tông đồ và nơi Hội thánh Chúa.

Hai tấm gương sáng đặc biệt trong việc nhận biết và biến đổi nên con Chúa là thánh Phêrô và Phaolô mừng kính ngày hôm nay. Cả hai vị đã sống nhiệm hiệp bên Chúa. Thánh Phêrô nhận ra đúng thân thế, đúng vai trò và quyền năng của Thầy nhờ ơn trên soi sáng: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, ngài đã được Chúa Giêsu trao cho quyền chìa khóa trong Giáo hội mà Người thành lập. Thánh Phaolô là người bắt bớ đạo Chúa, cũng nhờ ơn Chúa soi sáng mà thay đổI hoàn toàn: từ chỗ chống đối sang làm tông đồ nhiệt thành.

Cả hai vị sau khi nhận biết Chúa Giêsu là ai đã thay đổi hẳn cuộc đời 180 độ. Phêrô từ một người dân chày dốt nát, không được giới luật sĩ trọng vọng, đã trở nên thông sáng, biết lãnh đạo, có khả năng làm người đứng đầu Giáo hội và lãnh đạo dân riêng Chúa. Phaolô từ một người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành thiếp lập được bao nhiêu giáo đoàn mới, đem về cho Chúa biết bao tín hữu. Hai vị tông đồ đúng là cột trụ của Giáo hội, là những người đại diện cho Chúa ở trần gian. Ngày nay, Giáo hội có Đức Giáo hoàng là người tiếp nối thánh Phêrô trong cương vị lãnh đạo và có những người tiếp nối thánh Phaolô, nhiệt thành lo cho nước Chúa được lan rộng và đi sâu trong các tâm hồn.

Noi gương các ngài, chúng ta phải nổ lực cầu nguyện và làm chứng Chúa vì hiện nay nhiều người chưa thực sự hiểu đạo Chúa. Đạo Chúa không không nhằm đem tới của cải giàu sang hay một cuộc sống đễ dãi ờ trần gian này. Cuộc đời theo Chúa vẫn luôn đòi hỏi những nổ lực, chiến đấu với 3 thù, tiến tới trưởng thành, sống các giới răn trong tình mến Chúa và tha nhân. Cuộc sống không tránh khỏi những cái ách và gánh nhưng ai biết đón nhận ách Chúa gởi với niềm tin và lòng yêu mến Chúa thì cảm thấy nhẹ nhàng, chấp nhận ý Chúa và hăng hái làm chứng trước mặt thế gian về niềm hy vọng sống lại mai sau. Xưa kia, nếu Dân Do thái giữ được tinh thần siêu nhiên, hiểu đúng về Ðấng Messia, nhận ra rằng tất cả những phép lạ và lời giảng dạy của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa thì họ đã sống đúng con đường Chúa muốn. Chính Chúa Giêsu nói: ai thấy Thầy là thấy Cha. Tuy nhiên, có một trở ngại cho dân Do thái thời bấy giờ đó là quan niệm Messia, một số người Do thái không nhận ra Chúa Giêsu vì thành kiến, họ quá thiên về hình ảnh Messia quyền thế kiểu trần gian. Vì thế Chúa Giêsu đã có lần phải trách cứ họ: Nếu các người không muốn tin ta thì hãy tin vào các việc của Ta đã làm để được ơn cứu độ. Ngày nay, mỗi người chúng ta đã biết rõ về vai trò Messia của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Vậy chúng ta càng phải biết bỏ mình, sống tinh thần siêu nhiên, nhận ra Chúa nơi những người đại diện của Hội thánh, và sự trợ lực của tha nhân. Nếu chúng ta sống đúng tinh thần nghèo, khiêm tốn, biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa thì Người sẽ luôn ngự trong chúng ta và bảo đảm ơn cứu chuộc cho chúng ta. Lạy thánh Phêrô và Phaolô, dưới thế này còn nhiều người chưa biết nhận ra sự hiện diện của Chúa hoặc chưa nhận ra ý Chúa trong cuộc đời mình. Xin hai Đấng hướng dẫn và giúp chúng con biết nhận ra Chúa và bước theo Ngài trong niềm tin vững vàng phó thác, hầu trở nên những nhân chứng sống động và được hạnh phúc cùng với Chúa và các ngài trên thiên đàng mai sau.

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Mt 16, 13 - 19

Mừng lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hai trụ cột xây dựng toà nhà Hội Thánh hôm nay giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều thú vị về ơn gọi của các Ngài. Hai Thánh Tông đồ tuy khác nhau về tính tình, về trình độ, về khuynh hướng nhưng đều có điểm chung:

  • Một ơn gọi: làm Tông đồ;
  • Do một Đấng kêu gọi: Chúa Giêsu;
  • Để cùng chia sẻ một trọng trách: xây dựng Hội Thánh trần thế.

Dầu vậy, trong cuộc đời theo Chúa, hai vị thánh cả đều mắc những sai lầm nghiêm trọng: Thánh Phêrô, dù theo Chúa ba năm, đã từng nghe, thấy bao phép lạ Chúa Giêsu làm, từng được Thầy ân cần dạy dỗ, sau những năm tháng sống chung với Thầy không rời nữa bước, lại được đặt lên làm đầu các Tông đồ, thế mà trong giờ phút khổ nạn của Thầy mến yêu, ông đã quay lưng lại với Thầy của mình bằng ba lần công khai chối Chúa. Thánh Phaolô, một người xuất thân từ nhóm biệt phái, thông thạo Kinh Thánh, nhiệt thành giữ luật Môisê và chính lòng nhiệt thành đó khiến ông mù quáng bách hại Hội Thánh buổi sơ khai. Vậy mà cả hai vị thánh Tông đồ đều được tuyên dương: Thánh Phêrô là "đá tảng của Hội Thánh" (Mt 16,18). Thánh Phaolô được gọi là "thầy của dân ngoại về đức tin và chân lý" (1 Tm 2,7). Lý do nào các ngài được như vậy?

Bởi vì Chúa chọn ai là tuỳ ý Chúa, bất chấp những khuyết điểm, lỗi lầm của con người. Và trong ý định quan phòng đời đời của Chúa, Chúa có cách để thu hút, lôi kéo những người Chúa chọn đi theo con đường Chúa muốn. "Cái nhìn của Chúa" đã làm cho Phêrô thổn thức ăn năn; "ánh sáng từ trời" quật ngã Phaolô để ông nhận ra sai lầm của mình, và hồi tâm đi theo con đường mới mà Chúa dẫn ông đi: trở nên Tông đồ dân ngoại. Con người thì nhìn bên ngoài. Chúa nhìn tâm hồn con người.

Về phía hai Thánh Tông đồ, các ngài đều có chung một tấm lòng khiêm nhượng thẳm sâu, và trong sáng, sẳn sàng phục thiện, đón nhận Chân lý. Điều đó giúp các Ngài mau chóng vượt qua những trở ngại là những yếu đuối, lỗi lầm, để năng nổ dấn thân phục vụ Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chọn lựa các Ngài.

Những lỗi lầm của hai thánh Tông đồ, một đàng giúp các ngài ý thức hơn về sứ mạng của mình: nếu có thành công nào thì đó chính là nhờ sức của Chúa, đồng thời giúp các Ngài dễ cảm thông hơn với những lỗi lầm của anh em mình; đàng khác, cuộc đời các Ngài soi rọi cho chúng ta biết vượt qua những vấp ngã trong đời sống để sẳn sàng đứng lên, dấn bước phục vụ Thiên Chúa, trong niềm tin cậy vào tình thương mà Chúa dành cho những ai được chọn lựa làm môn đệ của Người.

Xin hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô nâng đỡ đường đời chúng con. Amen

CHỨNG TÁ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG
Jos.Vinc. Ngọc Biển

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Mừng kính các ngài, chúng ta nhớ đến hai đấng như là những mẫu gương sáng ngời về đời sống chứng tá cho đức tin qua tinh thần hiệp nhất trong đa dạng. Các ngài còn được ví như những người tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng; như những vì sao sáng trong Giáo Hội; như những vị tướng anh hùng trong trận địa đức tin.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời của hai thánh, chúng ta thấy các ngài là những con người rất đỗi bình thường.

Thánh Phêrô được biết đến như một con người bình dân học vụ, phát xuất từ một gia đình bình thường làm nghề ngư phủ, không gì nổi trội và nhiều điểm bất toàn như: tính nóng nảy, ăn nói không thông, cư xử cục mịch, nhanh tin nhưng cũng vội phủ nhận, can trường nhưng cũng không thiếu những lúc nhát đảm, và tội lớn nhất của Phêrô chính là chối Chúa đến ba lần.

Còn thánh Phaolô thì: xuất thân từ một gia đình tri thức, ăn nói thông thạo, lý luận sắc bén, tài cao hiểu rộng... Ngài còn được biết đến dưới bóng dáng của một kẻ bắt đạo khét tiếng. Quả thật, Phaolô ghét Danh Giêsu đến nỗi chỉ cần ai nói về Danh ấy thôi thì Phaolô cũng tìm mọi cách để triệt hạ.

Nhưng từ lúc Phêrô nhận ra ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu khi ông chối Ngài đến ba lần; Phaolô được Đức Giêsu mặc khải qua vụ ngã ngựa lịch sử và chữa cho sáng mắt cách lạ thường, thì cả hai đấng đều có chung một thái độ là cảm nghiệm được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, nên ăn năn sám hối và quyết tâm thay đổi cuộc đời.

Nếu trước kia, các ngài ghét danh Giêsu, hay sợ không dám nói và làm chứng về Danh ấy, thì giờ đây, cả hai đều chỉ còn mối lợi tuyệt đối là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của các ngài mà thôi và suốt cuộc đời còn lại dù thuận tiện hay không, các ngài luôn sẵn sàng loan báo về Đức Giêsu và ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho nhân loại qua cái chết trên Thập giá và sự phục sinh vinh hiển.

Thật vậy, nơi các ngài, tuy nhiều điểm khác biệt, nhưng từ khi Đức Giêsu chiếm lĩnh tâm hồn, các ngài đã trở nên chứng nhân cho Chúa: can đảm, kiên trung và chấp nhận chết để bảo vệ đức tin và lời giảng của mình là xác thực. 

Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu. Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng đức tin và lòng mến.

Hai con người; hai tính cách; hai lối rao giảng khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích. Chính Đức Giêsu đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một nơi tình yêu và trong Ngài.

Lời nguyện tiền tụng thánh lễ hôm nay cho thấy rõ nét tính cách của hai Tông đồ trụ của Giáo Hội: thánh "Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân" (x. Lời Tiền Tụng).

Thật vậy, thánh Phêrô và Phaolô đã trở nên biểu tượng đức tin bất khuất cho Giáo Hội, trở nên đá tảng xây dựng Kinh Thành Muôn Thủa, trở nên kiểu mẫu của sự hiệp nhất trong đa dạng.

Được như thế, là vì các ngài khác nhau trong những điều phụ, nhưng hiệp nhất với nhau trong những điều chính và cùng chung một tình yêu trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Vì thế, các ngài xứng đáng lãnh phần thưởng mà Thiên Chúa trao tặng cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, được muôn dân truyền tụng và thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Nhân dịp mừng lễ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đồng thời cũng từ cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của hai thánh, chúng ta học được nơi các ngài những bài học quý báu trong hành trình môn đệ và sứ mạng của chúng ta:

Trước hết, chúng ta hãy xin Chúa cho được nhận ra ơn gọi và chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội để sẵn sàng thi hành bổn phận cách đặc thù mà Chúa muốn chúng ta thực thi để danh Chúa được rạng rỡ. 

Thứ đến, chúng ta cũng nhận ra sứ mạng cứu độ phổ quát mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại, hầu sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời, để đem lại niềm vui,  hy vọng cho con người và thế giới hôm nay.

Tiếp theo, chúng ta hãy noi gương các ngài để yêu mến Chúa tha thiết, khiêm tốn, sám hối, trở về, can đảm và sẵn sàng làm chứng cho Đấng đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Cuối cùng, noi gương các ngài, chúng ta sẵn sàng ngoan ngùy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, hầu trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm cho sự phong phú, phổ quát của ơn cứu độ được loan đi đến tận chân trời góc bể.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội hai mẫu gương tuyệt vời là thánh Phêrô và Phaolô. Qua cuộc đời của các ngài, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng sự cảm thông, tôn trọng trong khi thi hành sứ vụ, hầu Tin Mừng được loan đi khắp nơi, bằng nhiều cách thế khác nhau nhưng vẫn giữ được sự tinh tuyền của đức tin. Amen.

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Mt 16, 13 - 19

Ngày 29 tháng 6, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng lúc tôn kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô, và theo Truyền Thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính và biết ơn đối với hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, vừa đồng thời là một lời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền. Thánh Phêrô có tên gốc là Simon, làm ngư phủ người Galilê, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Thánh Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Phêrô bị bắt và được cứu cách lạ lùng : « Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do thái mong muốn tôi phải chịu». (Cv 12, 11).

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ "tảng đá", chứ không phải tảng đá lấy từ Phê-rô. Thánh Phaolô là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc. Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô là người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Người còn sống. Nhưng ông gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin. (x. Cv 9, 1-22)

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Chúa Giê-su đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phê-rô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói : « Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời » (Mt 16, 19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

ĐỨNG DẬY NHỜ ƠN CHÚA
Mt 16, 13 - 19

Trong buổi trò chuyện, diễn thuyết tối 22.5 tại White Palace (TP.HCM), Nick Vujicic đã cho mọi người thấy rằng, người bị khuyết tật nghĩa là họ khiếm khuyết điều gì đó, nhưng người mang nỗi tự ti mới là người bị khuyết tật thực sự.

Nick đã nói: "Dù ai đó không phải ngồi trên xe lăn nhưng bạn vẫn phải trải qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Nếu lúc đó bạn thiếu tự tin, bạn sợ thất bại, sợ nhìn về tương lai thì chính điều đó sẽ níu kéo bạn, khiến bạn không thể tiến lên".

Nick còn nói thêm: "Khi tôi 10 tuổi, tôi gần như muốn buông xuôi, tôi muốn đầu hàng và nghĩ không bao giờ có công việc, có thể cưới vợ, lập gia đình. Nhưng bây giờ tôi không chỉ lấy vợ, lập gia đình mà còn có đứa con trai. Chúng ta sẽ không biết được sự khó khăn diễn ra như thế nào nếu không tạo cho bản thân cơ hội để vượt qua nó. Đừng bao giờ từ bỏ khi bạn gặp thất bại hay khó khăn".

Quả thực, con người luôn có những khuyết tật. Có người bị khuyết tật điều này, người điều kia. Không ai hoàn hảo về thể xác hay về tâm hồn. Tuy nhiên, có người biết bổ túc cho khuyết tật của mình bằng nghị lực, bằng phấn đấu, bằng niềm tin vươn lên. Nhưng cũng có người buông xuôi, than trách cho số phận và để mặc cho dòng đời đưa đẩy.

Nick không phải là một thiên tài. Nick là một nhân vật điển hình cho bao người biết phấn đấu vươn lên để bổ túc cho khuyết tật của mình. Anh không có chân tay nhưng anh vẫn lạc quan phấn đấu vươn lên, nhất là biết dùng môi miệng mình để diễn thuyết, để rao giảng về Thiên Chúa. Anh không buông xuôi theo số phận nhưng biết tận dụng khả năng giới hạn của mình để có thể phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Anh đã rao giảng về Chúa ở quê hương anh. Anh đã rao giảng vượt qua biên giới để đến nhiều vùng đất xa xôi. Anh đã đến Việt Nam và đã tuyên xưng mình tin vào Thiên Chúa, tin vào thiên đàng và đó là lẽ sống cuộc đời anh, là lý do anh sống và vươn lên.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng từng có những khuyết tật trong cuộc đời của các ngài. Phêrô yếu đuối, nhút nhát. Phaolô kiêu căng, thẳng thắn. Vì tấm lòng khuyết tật nên Phêrô từng chối Chúa ba lần. Còn Phaolô thì lao vào việc truy sát người tin vào Chúa Giêsu phục sinh để bách hại và giết chết. Thế nhưng, cả hai đã nhận ra sự khuyết tật của mình để phấn đấu, để vươn lên. Nhất là biết cậy vào ơn Chúa mà kiện toàn con người mình và phụng sự Thiên Chúa. Phêrô đã từng cảm nghiệm "ơn Ta đủ cho ngươi và quyền năng Ta hiển trị trên sự yếu hèn của ngươi". Phaolô thì trông cậy vào sức mạnh của Chúa mà ông đã đi đến cùng sự bách hại, gian truân, đói rét, tù đầy nhưng vẫn giữ vững đức tin. Cả hai đã nhờ ơn Chúa mà bù đắp những khuyết tật của mình để hoàn thiện con người mình theo như lòng Chúa mong ước.

Hôm nay mừng kính  hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, trước hết chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta hai tấm gương biết sám hối và canh tân. Các Ngài không chết trong tội như Giuđa nhưng đã đứng lên để làm lại cuộc đời. Các Ngài đã ý thức sự yếu đuối bất toàn của mình để cần đến ân sủng của Chúa. Các ngài đã biết nương tựa vào ơn Chúa để thắng vượt những giới hạn của bản thân. Và trên hết chính là tấm gương rao giảng tin mừng không mệt mỏi, không chùn bước trước nghi nan. Cho dẫu dòng đời có những sóng gió nguy nan. Cho dẫu đường trần có lắm gian truân, các ngài vẫn kiên trung cho đến cùng lòng trung thành với Chúa. Các ngài luôn ý thức rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta", thế nên: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Nước trời".

Xin cho chúng ta luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình để nhận ra tình thương tha thứ của Chúa vẫn dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết nương tựa vào ân sủng của Chúa để kiện toàn mình mỗi ngày một tốt hơn. Và xin cho chúng ta biết chuyên tâm lắng nghe lời Chúa và nói về Chúa cho tha nhân. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

HAI VIÊN ĐÁ TẢNG DIỆU KỲ Mt 16, 13 - 19  - Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu muốn biết xem người ta nhận định thế nào về thân thế và sứ mạng của Người, nên Người mới hỏi các môn đệ: "Người ta bảo con người là ai ?" (Mt 16,13). Câu hỏi này như một hình thức trắc nghiệm về niềm tin. Dân chúng trả lời mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều không chính xác. Chỉ có lời tuyên tín của Phêrô, "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16) là câu trả lời làm Chúa Giêsu hài lòng nhất. Nếu cho điểm, có lẽ Phêrô đã đạt điểm tuyệt đối, điểm 10. Ngay sau đó Chúa Giêsu đã cúi xuống để nâng Phêrô lên một địa vị đặc biệt. Chúng ta biết lúc ấy Phêrô đang mang cái tên cúng cơm, tên thường gọi là Simon. Đây là cái tên rất phổ biến đối với dân Dothái. Ngay trong Tân ước, cũng có tới 3 nhân vật cùng có tên Simon được nhắc đến, đó là Simon nhiệt thành - một trong nhóm Mười Hai, Simon thành Kyrênê và Simon Phêrô.

Chúa Giêsu đã long trọng đặt tên mới cho ngài là Phêrô, tiếng Dothái là Kêpha, nghĩa là đá. Simon, cái tên đang đẹp như vậy, giờ được đổi thành đá (Nguyễn văn Đá !). Chắc hẳn Phêrô đã rất ngạc nhiên vì cha mẹ mình đặt tên như vậy, sao giờ Thầy mình lại đặt cho cái tên lạ lùng như thế. Tại sao lại là Đá ? Là đá có ý nghĩa gì ? Là đá, bởi vì chúng ta biết rằng trong Cựu Ước, hình ảnh đá là hình ảnh hết sức kiêu hùng, hết sức cao vượt. Đá ở đây không phải là đá lăn đá lộn ngoài đường; đá ở đây chính là hình ảnh, là biểu tượng của Thiên Chúa. Bởi thế mà người Dothái mỗi lần cầu nguyện, họ thường nói với Chúa rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đá Tảng con nương nhờ; Ngài là Thạch Động, là Núi Đá cho con ẩn mình; Ngài là Đá Cứu Độ.... Được Chúa lấy tên đó mà đặt cho mình, hẳn là Simon Phêrô rất hãnh diện. Và cũng chính qua tên đó mà Phêrô được gởi cho một căn tính mới, một lý lịch mới. Vì chưng đối với người Dothái, cái tên luôn gắn liền một sứ mạng. Cái tên mới đồng nghĩa với sứ mạng mới (x. Lm. Nguyễn Thế Toàn, CD Bài Giảng). Sứ mạng mới ở đây là làm nền tảng cho Giáo hội Chúa Kitô : "Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy" (Mt 16,18). Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì ngài là Đức Giáo Hoàng cơ đấy !

Thế còn thánh Phaolô thì sao ? Một số bạn trẻ lý luận vui rằng tại sao Chúa Giêsu không đặt cho ngài cái tên là Phao-rin, phao xịn, mà lại đặt tên là Phao-lô, vì Phao-lô nghĩa là phao dỏm. Mà phao dỏm thì ai mà xài! Thực sự thì Chúa Giêsu không đặt tên cho Phaolô. Phaolô là cái tên Hylạp của ngài; còn Saolê là tên gọi theo tiếng Dothái. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhận là ngài được chính Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi trên đường đi Đamas, và đích thân Chúa Giêsu trao sứ mạng cho ngài, một sứ mạng cao cả là làm tông đồ cho dân ngoại. Như vậy thánh Phaolô đã cùng với thánh Phêrô giữ vai trò là hai trụ cột, hai viên đá sống động làm nền cho Giáo hội Chúa Kitô.

Thế nhưng một điều ngỡ ngàng là khi đọc lại các sách Tin mừng và sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy cả hai Tảng Đá này đều bị nứt (một bị nứt trước khi xây và một bị nứt sau khi xây). Trước khi đặt xây thì tảng đá Phaolô đã bị nứt (x. Giọt Nước Mắt Hồng, Lm. Đỗ Văn Thiêm, NXB Tôn Giáo 2005). Những lần bắt bớ Giáo hội, và giết hại các Kitô hữu là những vết nứt. Là một người nhiệt thành với Giavê Thiên Chúa và trung thành với luật Môisê, Phaolô đã không ngần ngại tiêu diệt những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô. Đối với Chúa Giêsu, Phaolô là một viên đá tảng kiên vững của đạo Dothái, song là tảng đá đầy góc cạnh, ngang ngược, kiêu căng, tự mãn và cũng quá nhiều đường nứt. Tuy thế, Chúa Giêsu sẽ sử dụng viên đá này trong công trình mở mang ngôi nhà Giáo hội của Người. Chúa Giêsu sẽ sửa lại, gọt đẽo lại bằng lòng thương xót của Người, cùng với cả những thập giá khổ đau mà thánh nhân phải chịu, như bị mù lòa, bị bắt bớ, bị tù đày, bị đánh đòn, bị ném đá, bị trộm cướp, bị đắm tàu, bị đói khát...(x. 2Cr 11,23-27). Chính tình yêu của Đức Kitô và những đau khổ mà thánh nhân chịu đã biến luyện ngài trở thành một viên đá trơn tru lành lặn, và nhất là luôn gắn kết với Đá Tảng Góc Tường là Đức Kitô, như lời ngài xác nhận : "Không có gì tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô" (Rm 8, 35.39).

Thưa quý Ông bà anh chị em Nếu tảng đá Phaolô bị nứt trước khi xây thì tảng đá Phêrô, đá chính hiệu, không bị nứt bể ngay từ đầu, mà lúc đặt xây rồi mới bị nứt. Không phải nứt một đường mà là ba đường. Mỗi lần chối Chúa là một đường nứt; đường nứt sau lớn hơn đường nứt trước, và có nguy cơ tách lìa khỏi Đức Kitô là Viên Đá Góc.

Nhiều người vẫn thắc mắc : liệu Chúa Giêsu có biết trước những điều này không, mà sao Ngài vẫn chọn tảng đá này. Ngài vẫn chọn vì chính ngài sẽ giúp Phêrô hàn gắn lại tảng đá đời mình. Hàn gắn bằng gì ? Thưa đối với Phêrô là bằng ánh mắt bao dung khoan thứ của Chúa Giêsu. Chính ánh mắt dung thứ ấy đã làm cho vết nứt nơi tâm hồn ông liền lại. Hơn nữa ngài còn sửa chữa bằng nước mắt. Kỳ lạ ở chổ, đá mà biết khóc, tảng đá mà biết rơi lệ. Tương truyền rằng thánh nhân đã khóc lóc ăn năn (khóc như mưa mấy ngày qua vậy), khóc đến độ nước mắt chảy làm mòn cả hai gò má. Nước mắt ấy được các nhà tu đức gọi là nước mắt hồng. Gọi là nước mắt hồng vì là nước mắt chảy ra từ trái tim sám hối. Như thế, tảng đá Phêrô chẳng những đã trở nên lành lặn mà còn cứng rắn hơn, vững chắc hơn. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này : "Dầu sức mạnh hỏa ngục có nổi lên cũng không làm gì được" (Mt 16,18). Nhưng đồng thời tảng đá ấy cũng "khiêm tốn" hơn, vuông đẹp hơn trước rất nhiều.

Giờ đây, Chúa Giêsu có thể hoàn toàn yên tâm trước sứ mạng mà Người đã giao phó cho hai vị. Nhờ đá tảng Phêrô mà tòa nhà Giáo hội được nên kiên vững; nhờ đá tảng Phaolô mà Hội thánh Chúa Kitô được mở rộng cho muôn dân nước.

Kính thưa quý Ông bà anh chị em Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta cũng được mang một danh xưng mới, danh xưng Kitô hữu. Danh xưng này nói lên một sứ mạng đặc biệt, sứ mạng xây dựng Hội thánh Chúa ở trần gian. Nếu chúng ta không là đá tảng như Phêrô hay Phaolô, thì chúng ta cũng được mời gọi làm một viên gạch góp phần xây nên tòa nhà Giáo hội. Thế thì chúng ta phải khiêm tốn đặt câu hỏi cho mình : Viên gạch đời tôi đang trong tình trạng nào ? Có thể là nó quá méo mó, cong queo và nhiều góc cạnh khi con người của mình còn đầy những tính hư nết xấu, đầy những đam mê tội lỗi chăng ? Có thể là bị nứt bể và mất hiệp thông với Viên Đá Góc là Đức Kitô, khi đời sống của chúng ta thiếu cầu nguyện, thiếu lòng yêu mến Chúa chăng ? Và cũng có thể là không còn gắn kết với các viên gạch khác là anh chị em mình, khi sống thiếu tình liên đới và lòng bác ái yêu thương chăng ?... Nếu viên gạch đời tôi còn cong queo méo mó,xin Chúa giúp uốn nắn lại cho ngay thẳng; nếu còn quá nhiều góc cạnh, xin Chúa gọt đẽo cho vuông vức; nếu bị nứt bể, xin Chúa hàn gắn; và nếu tách lìa với Đức Kitô và Giáo hội, thì xin Thánh Thần Nguồn Tình Yêu nối kết lại, để cuộc đời chúng ta luôn là những viên gạch thật đẹp trong bàn tay Người Thợ Xây là chính Chúa.

Vậy hôm nay, trong ngày lễ mừng hai thánh Quan Thầy Phêrô và Phaolô, chúng ta cùng nguyện xin Chúa, qua lời cầu bầu của các ngài, giúp mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sứ mạng của mình và nổ lực chu toàn sứ mạng ấy trong việc cộng tác xây dựng ngôi nhà chung của Giáo Hội ngày một tươi đẹp và lớn mạnh hơn. Amen.

HAI CUỘC ĐỜI Mt 16, 13 - 19  -  Linh mục Jos Tạ Duy Tuyền

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu. Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi "ma quỷ cũng không thắng nổi". Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giê-su.

Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.

Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stêphanô. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: "một khi con trở lại. hãy củng cố đức tin của anh em con".

Theo thánh kinh kể lại: sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình, Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết! Phê-rô chột dạ. Phêrô nhớ lại lời Thầy: "Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần". Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trũi nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Còn lời nào biện mình cho hành động hèn nhát của ông. Còn đâu lời khẳng khái: "mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ". Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Còn Phaolô thì sao? sau khi ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng. Ông đang thấy và thấy rất rõ. Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận. Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy và đã biết.

Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới. Văn hoá ky-tô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu. Có thể nói ở đâu đó còn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá ky-tô giáo. Ở đâu đó vẫn còn đó những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của tin mừng. Ở đâu đó vẫn còn đó những tâm hồn thất vọng, lầm than họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà ky-tô giáo mang lại cho họ.

Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang tin mừng đến khắp cùng trái đất. Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen

THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY Mt 16, 13 - 19 - Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Hôm nay, Hội Thánh hân hoan và long trọng mừng kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô - Phaolô, hai cột trụ đã được chính Đức Kitô cắt đặt để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính máu của mình như lời Ca Nhập Lễ mà Giáo hội hát lên trong phụng vụ thánh lễ hôm nay :

"Đây là hai vị Tông Đồ đều anh dũng

Dâng máu đào xây Giáo Hội ngàn thu

Chén đắng Thầy trao, uống cạn chẳng từ

Chúa ưu đãi, nâng lên hàng tâm phúc"

Trong ý nghĩa đó, tất cả mọi kitô hữu chúng ta hôm nay đều được thừa hưởng và dự phần vào công trình và công nghiệp của hai vị Đại Tông Đồ này. Xin dâng lên các Ngài tâm tình yêu mến và tri ân cảm tạ. Tâm tình này chắc chắn sẽ đặc biệt hơn, nồng thắm hơn nơi tất cả những ai, những cộng đoàn, những tổ chức... đã chọn hai Thánh Phêrô - Phaolô làm Vị Bổn Mạng của mình.

Chắc chắn không phải tình cờ, khi phụng vụ chọn đọc các trích đoạn Lời Chúa trong ngày Đại lễ kính hai Thánh Tông Đồ hôm nay : Bài Đọc 1 : Sách Công Vụ kể lại : từ ngục tù, Thánh Phêrô đã được giải cứu để lên đường làm chứng đức tin giữa những lời cầu nguyện thiết tha của cộng đoàn Hội Thánh. Trong khi đó Bài đọc 2, cũng từ tù ngục, Thánh Phaolô sắp sửa hoàn tất cuộc hành trình chứng tá, cuộc chiến đấu của niềm tin mà lời nhắn gởi cho người môn đệ yêu dấu Timôthê mang âm hưởng của một lời trăng trối. Và rồi, Lời Chúa đã liên kết hai cuộc đời, hai cá tính, hai sứ vụ xem ra khác biệt của Phêrô và Phaolô thành một đáp án duy nhất qua 2 câu trả lời : một của Phêrô dành cho Chúa Giêsu : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" và một của Chúa Giêsu dành cho Phêrô : "...Trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy...". Quả thật, sứ vụ Tông Đồ, cuộc hành trình chứng tá và tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh, phải chăng là những điểm chung cốt yếu đã đem hai Vị Tông Đồ tương đối dị biệt này tiến lại gần nhau, gần nhau cho đến độ cả hai đã cùng hội tụ tại kinh thành Rôma để cùng làm chứng đức tin cách trọn vẹn và anh hùng trong cùng một thời điểm : Phêrô bị đóng đinh ngược đầu và Phaolô bị xử trảm.

Mừng lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô - Phaolô có lẽ là dịp tốt nhất để chúng ta cùng khám phá những chứng từ sống động nơi hai cuộc đời vĩ đại đã cùng nhau thiết kế Ngôi Nhà Giáo Hội và chuyển tải cho muôn thế hệ những sứ điệp tuyệt vời của Lời Mặc khải của Thiên Chúa.

1. Hai cuộc đời khác biệt :

a. Trên bình diện cội nguồn và cá tính :

- Thánh Phêrô là người thành Bétsaiđa, miền Galilê, xuất thân từ môi trường bình dân, ít học, làm nghề đánh cá (Mt 4, 18). Trong khi đó, mặc dù là gốc dân do Thái, Phaolô lại sinh tại Tarsô (Cv 9,11), mang quốc tịch Rôma (CV 16,37), được học hành đến nơi đến chốn với danh sư biệt phái Gamaliel (CV5,34; 22,3).

- Nếu Phêrô luôn trung thành với lề luật và gắn bó với môi trường xã hội Do Thái như những người mộ đạo đương thời : giữ luật cắt bì, coi trọng việc qui định sạch dơ về đồ ăn thức uống... (Cv 10,14), thì Phaolô, cho dù có nhiệt thành với luật Môsê, nhưng vì được hấp thụ nền văn hóa Hi Lạp, lại sinh trưởng nơi môi trường hải ngoại, nên có cái nhìn thông thoáng và cởi mở hơn đối với thế giới lương dân.

b. Trên bình diện ơn gọi và sứ vụ :

- Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa và đã dấn thân trong ơn gọi này với tất cả lòng nhiệt thành và bộc trực của mình. Trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe đã minh họa rõ nét : chính lòng nhiệt thành và tính bộc trực đã thúc đẩy Phêrô vượt trên anh em để tuyên xưng niềm tin : "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống". Một lời tuyên tín sâu sắc tuyệt vời, là kết quả của ơn mặc khải của Thiên Chúa cùng với cảm nhận của riêng mình đã khiến Chúa Giêsu khen ngợi và đặt Ngài làm đá tảng xây nền Giáo Hội. Nhưng "Đá Tảng" ấy vì đã vội "bốc đồng", muốn chơi trội định ngăn cản Đức Giêsu thực thi chương trình cứu độ, nên đã bị Chúa quở trách là Satan. Mà nào chỉ có lần này ! Chuyện trên trên Biển Hồ đêm nào vẫn còn đó : Đầu tiên, khi con hướng về Chúa, Phêrô đã bước những bước an toàn trên sóng nước. Nhưng sau đó, suýt nữa đã chìm nghỉm yếu đuối của mình. Nhưng thê thảm nhất phải là chuyện xảy ra trong biến cố khổ nạn : Chính tại bàn tiệc ly, Phêrô đã thách thức : "Dù cho mọi người vấp ngã, nhưng con thì không!...Dù phải chết với Thầy, con sẽ không chối Thầy". Thế nhưng, trong chính đêm định mệnh ấy, Phêrô đã run sợ chối Thầy ba lần chỉ vì lời nói của một người đầy tớ. Nhưng thật may mắn cho Phêrô khi ông vẫn còn lẽo đẽo theo Thầy để cuối cùng nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ để rồi, cũng tại nơi Biển Hồ Tibêriat, sau ngày Chúa sống lại, Phêrô hết còn tự tin nơi chính mình mà chỉ biết phó thác nơi sự khôn ngoan của chính Chúa : "Thầy biết hết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy". "Tảng Đá" Phêrô đã vỡ vụn hôm nào tưởng đâu sẽ bị loại bỏ; ai ngờ Đức Kitô đã hàn gắn lại để ân cần trao cho Ông sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên.

- Ơn gọi của Thánh Phaolô lại không đơn giản như thế. Trước khi trở thành một Tông Đồ nhiệt thành sâu sắc của Đức Kitô, thì Phaolô đã là một Pharisiêu cương quyết loại trừ Kitô giáo với tất cả nhiệt tình và suy nghĩ chín chắn. Với niềm tin được cắm rễ vững chắc trong truyền thống lề luật Môsê, làm sao Phaolô lại chấp nhận một tên Giêsu Nadarét nào đó vi phạm luật ngày Sabát ? và còn hơn thế nữa, làm sao chịu được những luận điệu tuyên truyền của đám dân chài Galilê, đồ đệ của Giêsu cho rằng Ngài đã sống lại và đang sống ! Đồng tình trong vụ ném đá chết Stêphanô chưa đủ đâu ! Phaolô còn hung hăng đi truy bắt các kitô hữu để tiêu diệt mọi mầm mống có nguy cơ phát sinh một tôn giáo mới, ngược lại tôn giáo cựu truyền của cha ông. Nhưng rồi, một ánh sáng diệu kỳ đã đánh mù đôi mắt xác thịt trần tục của ông để mở ra cho ông một nguồn sáng mới. Tên Pharisiêu cực đoan bài xích kitô giáo hết cỡ, thì với biến cố Damas, giờ đây đã trở thành "người loan báo Chúa Kitô hăng nồng như một "vận động viên lao về phía trước" (Pl 3,13), như một chiến sĩ "chiến đấu ngoan cường trong trận chiến chính nghĩa" (Thư gởi Timôthê trong BĐ 2) mà không một trở lực nào, dù bắt bớ tù đày, dù đòn vọt khổ đau, dù sống hay chết... có thể "tách Phaolô khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô". Và cuộc sống của Phaolô từ đó đã xoay quanh chân lý nền tảng này : "Tôi sống đây, nhưng không phải là tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).

2. Hai cuộc đời hiệp nhất trong Đức Kitô :

Qua vài phân tích sơ lược trên, quả thật "Hai Cột trụ" của Giáo Hội có nhiều điểm khác biệt mà chính Kinh Tiền Tụng trong phụng vụ hôm nay đã nhắc tới : "Cha đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy các Ngài đã dùng đường lối khác biệt, để qui tụ một gia đình duy nhất cho Đức Kitô...". Quả thật, chính niềm tin, lòng yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài, đã đem Phêrô và Phaolô lại gần nhau. Chính Phêrô đã không bao giờ nhân danh quyền thủ lãnh để áp đặt Phaolô, nhưng đã biết khiêm hạ nhìn nhận khuyết điểm (Gl 2,2tt). Cũng thế, Phaolô không bao giờ nại vào trình độ văn hóa, khả năng suy tư để xem thường Phêrô. Phaolô luôn ý thức vai trò củng cố đức tin và sứ mệnh chăn dắt Giáo Hội của Phêrô được chính Chúa Kitô trao phó. Và nhất là, cho dù ở hai lãnh vực hoạt động khác nhau, nhưng niềm tin và lòng yêu mến đã thúc đẩy Phêrô - Phaolô cùng hội tụ tại thủ đô Rôma để làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính máu của mình. Phêrô bị đóng đinh ngược đầu còn Phaolô bị xử trảm.

3. Bài học hôm nay :

Gần 2000 năm qua rồi nhưng cuộc đời của Phêrô -Phaolô vẫn còn là một gợi hứng đầy sinh động và cuốn hút cho Dân Chúa nói chung và cho mỗi một người chúng ta nói riêng. Bài học lớn đầu tiên mà Hội Thánh rút ra từ hai cuộc đời vĩ đại này phải chăng là "Sự hiệp nhất trong đa dạng". Đa dạng trong tính tình, khuynh hướng, trình độ tri thức lẫn phương cách hoạt động nhưng Hai Vị Tông Đồ lại hiệp nhất trong cùng một đức tin và một lòng yêu mến. Sự hiệp nhất như thế thật sự là quá cần thiết cho Giáo Hội muôn nơi và muôn thuở. Cho dù hôm nay, Giáo hội có toả lan cỡ nào, có vươn dài đến mọi biên giới của muôn dân tộc, quốc gia, thì sự khác biệt mãi mãi sẽ không làm cho Giáo Hội chia rẽ, phân tán, nhưng càng thêm phong phú tốt tươi vì mọi phần tử được liên kết với nhau trong một mối dây thâm sâu nhất đó là tình yêu và lòng trung tín đối với Chúa Kitô, đối với Hội Thánh của Ngài.

Cách riêng đối với mỗi người chúng ta, chỉ cần nhớ lại một đôi câu nói của Hai Ngài, chúng ta cũng có thể tìm thấy cả một linh đạo cần thiết cho hành trình đức tin của mình :

- Để sống khiêm hạ: "Lạy Thầy xin hãy xa con, vì con là người tội lỗi..." (Phêrô); "Cho đến bây giờ chúng tôi đã nên như rác rưởi thế gian..." (Phaolô)

- Để vững lòng trông cậy: "Lạy Thầy cứu con" (Phêrô), "Tôi biết tôi đã tin vào ai" (Phaolô)

- Để thuộc trọn về Đức Kitô như chọn lựa cuối cùng: "Bỏ Thầy con biết đến cùng ai..." (Phêrô), "Đối với tôi, sống là Đức Kitô...", "Tôi sống đây không phải tôi nhưng chính Đức kitô sống trong tôi" (Phaolô)

- Để yên mến Đức Kitô hết mình: "Thầy biết con yêu mến Thầy" (Phêrô), "Không có gì tách tôi khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô" (Phaolô).

- Để trung thành với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh: "Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" (Phêrô), "Tôi đã chạy đến cùng đường và giữ vững niềm tin" (Phaolô)

- Để vâng lệnh Chúa Kitô ra đi loan báo Tin Mừng : "Vâng lời Thầy con xin thả lưới" (Phêrô), "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (Phaolô)

- Để củng cố và xây dựng Hội Thánh; "Anh em là Dân tộc thánh...là những viên đá sống xây dựng đền thờ Thiên Chúa" (Phêrô), "Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận" (Phaolô)

23608    26-06-2014 20:22:33