Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Cách Thức Lưu Truyền Mặc Khải - Tháng 04 năm 2006

CHỦ ĐỀ: CÁCH THỨC LƯU TRUYỀN MẶC KHẢI

I. HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẶC KHẢI số 7

Những gì Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi muôn dân, Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ. Bởi thế Chúa Kitô, nơi Người, Thiên Chúa tối cao hoàn tất trọn vẹn mạc khải (x. 2 Cr 1,20 và 3,16-4,6), đã truyền dạy các Tông đồ rao giảng cho mọi người Phúc Âm đã được hứa trước qua miệng các Ngôn sứ, và được chính Người thực hiện và công bố; các ngài rao giảng Phúc Âm như nguồn mọi chân lý cứu độ và luật lệ luân lý, đồng thời thông ban cho họ các ân huệ của Thiên Chúa. Việc này đã được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông đồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế, các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại sứ điệp cứu độ dưới sự linh ứng của cùng một Chúa Thánh Thần.

II. DẪN GIẢI

Đọc Hiến Chế Tín Lý Về Mặc Khải chúng ta có thể hiểu:

Chúa mạc khải (mở màn) nghĩa là Chúa dạy cho chúng ta biết những chân lý, những điều phải giữ, phải làm, để được cứu rỗi.

Chúa xếp đặt cho mạc khải được ghi chép lại. Chúa linh ứng cho những sử gia (chúng ta xưng nhận là thánh sử) ghi chép lại thành sách mà chúng ta gọi là Kinh Thánh.

Kinh Thánh để lưu truyền cho các thế hệ sau. Chúa cũng dùng các môn đệ, cả các vị tiếp nối các ngài đễ chúng ta hiểu biết, thực hiện đúng tốt và để mạc kảhi được biểu hiện tuyền vẹn mãi. Đó là Chúa xếp đạt cho công việc lưu truyền mạc khải cho nhân loại.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

KHAI THÁC KHO TÀNG KINH THÁNH

Woodrow Wilson, tổng thống Hoa Kỳ trong thời thế chiến thứ nhất, đã đọc Kinh Thánh hằng ngày. Có lần ông viết: “Tôi cảm thấy thật đáng tiếc vì có những người không đọc Kinh Thánh hằng ngày; tôi tự hỏi tại sao họ lại từ chối nhận lấy nguồn sức mạnh và nguồn vui lớn lao như thế!

“Đó là một trong những quyển sách độc đáo nhất trên đời; vì mỗi lần bạn mở nó ra, một bản văn tưởng chừng quá quen thuộc bổng rực sáng lên… một ý nghĩa mới”.

“Tôi không thấy có một quyển sách nào khác có thể cung ứng ý nghĩa một cách biệt vị như Kinh Thánh. Dường như Kinh Thánh ngỏ lời riêng tư và thâm sâu với chính tâm hồn đang kiếm tìm sự hướng dẫn nơi đó”.

Kinh Thánh là Lời của Chúa. Khi đọc Kinh Thánh là chúng ta nghe chính Chúa nói với tâm hồn mình. Hôm nay, bạn hãy quyết định đọc Kinh Thánh mỗi ngày và rồi bạn sẽ ngạc nhiên với hoa quả tinh thần mà bạn nhận được.

“Tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3, 16).

Lạy Thiên Chúa là Đấng con mến yêu, xin cho con gặp được Ngài khi con đọc Sách Thánh. Amen

(Theo Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến, Christophers)

IV. DẪN GIẢI

1. Mặc Khải được chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền dạy các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt. 28, 19-20).

Các tông đồ đã thi hành lệnh truyền ấy cách trung thành bằng hai cách:

Trước hết bằng lời nói. Lời nói ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm “Lời giảng dạy, gương lành và các thể chế các Tông đồ đã thiết lập”. Những điều đó các ngài “đã nhận lãnh từ Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý” (Mk 7).

Đồng thời, ngoài lời nói, các Tông đồ còn thi hành mệnh lệnh ấy bằng văn tự “Dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần, các tông đồ và những người phụ tá của các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi” (MK 7).

Tiếp đến, để “Tin Mừng được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các Tông đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài” (MK 7). Nhờ đó, “những lời giáo huấn của các Tông đồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh hứng, được bảo tồn và lưu truyền cho đến tận thế” (MK 8).

Sự chuyễn thông sống động qua các thế hệ đó, chúng ta gọi là Thánh Truyền, phân biệt với Kinh Thánh, nhưng lại gắn bó mật thiết với Kinh Thánh. Nhờ Thánh Truyền “Hội Thánh bảo tồn và kưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” (MK 8).

2. Qui Điển Kinh Thánh

Dựa vào truyền thống Tông đồ, Hội Thánh ấn định danh mục những sách được nhìn nhận là Sách Thánh. Danh mục đó được gọi là Quy Điển Kinh Thánh, gồm 46 Sách Cựu Ước và 27 Sách Tân Ước.

Các Sách Cựu Ước là thành phần thiết yếu của Kinh Thánh. Các Sách nầy nhằm mục đích chính yếu là “chuẫn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc muôn loài” (MK 15). Vì thế, người Kitô hữu phải tôn kính các Sách Cựu Ước như Lời chân thật của Thiên Chúa.

Các Sách Tân Ước chứa đựng Lời Thiên Chúa “Lời được trình bày các tuyệt diệu. Lời diễn tả quyền năng Thiên Chúa và là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu” (MK 17).

Tâm điểm của các Sách Tân Ước là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người: hành động, giáo huấn. Cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Ngài, cũng như những bước đầu của Hội Thánh dưới tác động của Chúa Thánh Thần” (MK 20).

Trong toàn bộ Sách Thánh “Các Sách Tin Mừng xứng đáng chiếm địa vị ưu đẳng, vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Chuộc loài người” (MK 18). Vì thếâ Hội Thánh tôn kính bốn Sách Tin Mừng cách đặc biệt trong cử hành Phụng vụ và Tin Mừng phải chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống Kitô hữu.

(Trích Sách GLHTCG, Biên Soạn Cho Giáo Dân tr. 18-19; 25-26)

Kiểm điểm:

Tôi có nhận định, có tin mạc khải là việc của Chúa không?

Tôi có tin Cựu ước, Tân ước là kho tàng Mạc khải, kho tàng Lời Chúa không?

Tôi có mến trọng, tôn thờ công trình Chúa xếp đặt, soi sáng, hướng dẫn, gìn giữ những sử gia ghi chép Lời Chúa cách trung thành và chính xác cho mọi thế hệ không? Tôi có mến trọng, tôn thờ không?

Tôi có xem thường Kinh Thánh hay chỉ nghĩ Kinh Thánh là một tác phẩm ưu việt, thế thôi? Tôi nghĩ thế nào?

Tôi có làm gì để góp phần vào việc lưu truyền Kinh Thánh là Lời của Chúa chưa?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Thánh Thần hằng ở cùng Hội Thánh, Người linh hứng cho các thánh ký, soi sáng cho người đọc Thánh Kinh, thì Người cũng hướng dẫn Hội Thánh có những cách thức lưu truyền mặc khải. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

  1. Chúa Giêsu phán: “Dù một chấm một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, ý thức giá trị của kho tàng mạc khải là vô tận, biết tôn trọng và gìn giữ cho nguyên vẹn.
  2. Chúa Giêsu phán: “Điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, chẳng những gìn giữ kho tàng mạc khải cho nguyên vẹn, mà còn biết truyền giảng cách công khai cho mọi người.
  3. Chúa phán: “Điều Ta nói với con, hãy truyền lại cho con cháu, khi ở nhà cũng như khi đi đường, khi nằm nghỉ cũng như khi thức dậy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, chẳng những biết giữ những điều Chúa phán dạy, mà còn biết dạy lại cho con cháu.
  4. Chúa Giêsu phán: “Khi Đấng An Ủi đến, Người sẽ dạy các con mọi điều”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn trung thành với Hội Thánh, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà giúp đỡ nhau sống Lời Chúa dạy.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã ban Thánh Thần an ủi dạy dỗ các thánh tông đồ thể nào, thì xin cũng dạy chúng con làm những việc lành, lưu truyền mạc khải và sống Lời Chúa, hầu cho chúng con đặng hưởng phước ở đời này, và ngày sau vô cùng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HỌC SỐNG LỜI CHÚA

1. Một Cách Đọc Và Sống Lời Chúa

Đọc trong “MỤC VỤ” Giáo phận Vĩnh Long, số ra tháng 03/ 2006, ở phần “Góp ý Năm Sống Lời Chúa”, tôi thấy tác giả có nêu ra vấn đề: Làm thế nào để người tín hữu Sống Lời Chúa. Áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống để các tác động đều đúng như Lời Chúa dạy ? Và tác giả có lời khuyên: Mọi tín hữu đều phải tôn trọng yêu mến Lời Chúa; phải ham đọc để tìm gặp được chân lý, biết được chính Chúa là Đàng, là sự Sống. Biết nhờ đó mà sống sự sống của Chúa, sống kết hợp với Chúa.

Và tôi cũng đọc được bài viết của Jean Guitton, trong tạp chí En ce temps-là, le journal de la Bible, có một cách đọc và sống Lời Chúa đơn giản, mà ngài gọi: “Kinh Thánh, cuốn sách dạy nghệ thuật sống cho đúng con người, theo cách có thể mở Kinh Thánh ra bất cứ trang nào:

Hoặc chúng ta gặp một đoạn lịch sử. Đối với chúng ta có vẻ mờ tối, bởi vì muốn hiểu lịch sử này, và đặt nó vào vị trí thời đại của nó thì cần phải nghiên cứu, học hỏi lâu dài. Việc học hỏi này chẳng bao giờ cùng, nhưng luôn luôn ta thấy mối liên hệ này, ký hiệu của biến cố này nằm trong kế hoạch lớn lao, là cho thấy công việc của Thiên Chúa trong lịch sử, là mong đợi cuộc toàn thắng của Ngài, đang được hoãn lại, vì thời gian của lịch sử là một sự chậm trể lâu dài.

Hoặc chúng ta gặp được một đoạn nào đó. Ở đó Thiên Chúa nói với chúng ta trong thầm kín, ở đó Ngài dạy chúng ta biết cách liên kết chặt chẽ với Ngài, bằng cách thúc đẩy tâm hồn xao xuyến của ta, rồi chúng ta thốt lên lời cầu nguyện. Và khi Ngài dạy chúng ta thi ca, tình yêu, khôn ngoan, cách thế hưởng vui và chịu đau khổ, nói chung là nghệ thuật sống hằng ngày cho đúng với con người, thì Ngài vẫn có ý cho phép chúng ta kết hợp với Ngài trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, và bằng một cách thế đơn giản nhất.

Minh chứng cho cách đọc Kinh Thánh đơn giản mà Jean Guitton trình bày, tôi lại gặp được bài chia sẻ của nữ giáo sư Rosalind Cherian, người Ấn Độ, trong quyển “Linh đạo cho giáo dân ngày nay”. Bà kể như sau:

“Chú em chồng tôi lãnh đạo việc tổ chức một cuộc mittinh phản đối. Và tai nạn đã xảy ra, Xe của chú đụng phải một chiếc xe vận tải. Khi ấy chú đang dựa đầu trên cửa xe ngủ. Thành của chiếc xe vận tải đập vào đầu chú, khiến cửa xe bung ra, chú bị văng xuống đường và bất tỉnh.

Lúc người ta gọi điện thoại đến, tôi đang ở nhà, chồng tôi đi vắng. Người gọi cho biết chú đã được chở tới bệnh viện của Đại Học Y Dược. Lúc ấy tôi không hiểu chú đã bị thương nặng nhẹ ra sao. Bố mẹ già và người vợ của chú cũng đang có ở nhà. Mọi quyết định đều do tôi. Do đó, tôi quyết định đi đến bệnh viện ngay. Cô em dâu và mẹ chồng đi cùng xe với tôi.

Tôi gần như chết lặng người vì sợ. Song tôi cũng cố tỏ ra can đảm, cho hai người kia bớt sợ. Tôi cứ thầm thì mãi trong trí lời cầu xin này: “Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài hãy trả chú ấy lại, xin Ngài hãy trả chú ấy lại cho chúng con”.

Khi chúng tôi tới bệnh viện, cả thị xã đã có mặt ở đó. Mọi khuôn mặt đều lo lắng hoảng hốt. Họ nhìn chúng tôi với vẻ xúc động, buồn bã sâu xa, tôi chợt hiểu ra đang có điều gì thật bất ổn.

Sau đó, tôi thấy chú nằm trong phòng cấp cứu, bất tỉnh, đầu cuốn băng bê bết máu, không bị thương chổ nào khác nữa. Các bác sĩ đang chuẩn bị giải phẩu, không phải vì họ hy vọng gì nhưng chỉ vì muốn tỏ ra họ đã làm việc. Lúc ấy, tôi không biết như vậy.

Đứng ngoài phòng giải phẫu, tôi cứ thầm thì mãi lời cầu xin trên kia của tôi. Đột nhiên tôi nghĩ: “Tôi hiện là đứa con bướng bỉnh cứng đầu. Tôi tuân phục đón nhận thánh ý Chúa chổ nào ?”. Nhưng tâm trí tôi lại lý luận: “Chúa Giêsu đã đòi chúng ta trở nên con trẻ mà”.

Giải phẫu xong, họ cáng chú trở về phòng. Các bác sĩ tiên đoán chú ấy sẽ không sống nổi quá 2 giờ. Vợ, mẹ chú và tôi đến ngồi gần chú. Tôi không thể quan sát kỹ khuôn mặt của người thiếu nư,õ vợ chú ấy. Định mệnh đã giật đi tất cả những thứ cô ấy đã có được. Cô bị khủng hoảng. Cô ngồi đó trơ như một bức tượng. Tôi xót xa trong lòng cho cô, song chẳng biết nói gì để an ủi. Tôi phó dâng cô cho Chúa Giêsu, xin Người tăng sức cho cô ấy trong lúc mất mát mà không thể bù đắp này. Tôi mở cuốn Kinh Thánh mà lúc nào tôi cũng mang theo trong người. Tôi mở may rủi, và thấy câu thánh vịnh: “Chúa ơi, sao Ngài lại bỏ con ?”.

Và cứ thế những câu thơ thống thiết ấy đập vào mắt tôi. Khi tôi ngồi đó cố cầu nguyện, tôi nhớ lại là chính tôi cũng đã từng khuyên bảo nhiều người hãy đón nhận ý Chúa. Sao bây giờ tôi lại không chấp nhận ? Nhưng chuyện đó chẳng dễ chút nào đối với tôi.

Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi tôi tùng phục Người. Thức suốt 24 giờ bên chú ấy, một thân thể to lớn choán vừa khít cái giường bệnh viện; chỉ có một dấu hiệu sự sống duy nhất là hơi thở thều thào và nhịp tim đập. Chú ấy chẳng còn biết đau, biết gì khác nữa. Chúa Giêsu cho chú ấy sống thêm những giờ phút đó để chúng tôi có thể hiệp thông được với ý muốn của chú.

Đến đêm, chồng tôi trở lại, anh phờ phạc hẳn đi. Trước đây, tôi luôn coi anh ấy là một con người mạnh mẽ, thản nhiên trước mọi hoàn cảnh. Còn bây giờ coi anh ấy thật bơ vơ, lạc lõng. Đến sáng, chúng tôi đi lễ tại một nhà nguyện gần đó. Bài thánh thư hôm đó của thánh Phaolô: “Phần tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, tôi đã chạy cùng đường, tôi đã kiên giữ lòng tin. Bởi đó, triều thiên công chính đã dọn sẳn cho tôi trong ngày ấy. .“ (2Tm 4, 6 – 8).

Đúng, chú ấy đã thật sự thực hiện được nhiều hơn chứ không phải chỉ là sự nghiệp của một đời người, dù chỉ sống một thời gian ngắn ngủi. Chú đang đi nhận phần thưởng vĩnh cữu. Vì vậy, tôi và sự ích kỷ của tôi không có quyền níu kéo chú lại. Lúc đó, tôi mới tìm lại được bình an tâm hồn. Tôi cúi đầu thì thầm: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho ý Chúa được thực hiện”.

2. Thời nay, chúng ta có cần đọc cựu ước nữa không?

Xin thưa ngay rằng ta vẫn cần đọc Cựu ước, vì 3 lý do: nó giúp ta hiểu Tân ước, nó là tấm gương cho đời ta, và Lời Chúa trong nó đến nay vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn.

  • Cần đọc Cựu ước để hiểu Tân ước.

Đức Giêsu và các môn đệ sử dụng một thứ ngôn ngữ thuộc một nền văn hóa xa lạ với chúng ta, thí dụ: Messia, Người tôi tớ đau khổ, Con Thiên Chúa, Con của Người (Con Người), ngôn sứ, Sion, vười nho . . . Cựu ước chính là bối cảnh của những hình ảnh ấy. Nếu đặt chúng vào bối cảnh ấy thì mọi sự sẽ sáng tỏ dễ dàng.

Có lần chúng ta đã nói tới hai loại ngôn ngữ: ngôn ngữ thông tin có tính chính xác khoa học, và ngôn ngữ quan hệ có nhiều hình ảnh biểu tượng. Khi tôi nói “ông A là người rất can đảm” là tôi sử dụng ngôn ngữ thông tin. Còn khi tôi nói “ông A là một con sư tử ” là tôi sử dụng ngôn ngữ quan hệ với biểu tượng con sư tử. Một người nào đó nghe tôi nói câu thứ hai chắc sẽ không ngây thơ hình dung ông A là một con thú đầy lông lá và có nhiều móng vuốt, nhưng người đó sẽ hiểu ông A có những đặc tính can đảm, mạnh mẻ như con sư tử. Chỉ cần một biểu tượng thôi là tôi giúp người ấy hiểu rất nhiều về ông A. Nhưng . . . với điều kiện là người ấy đã biết sư tử là thế nào, bằng không, người ấy sẽ tưởng tượng ông A với những đặc tính của . . . con chó, con lừa . . . , sai lầm rất tai hại.

Trong Tân ước có đầy những hình ảnh biểu tượng như vậy. Để hiểu cho đúng thì ta phải đọc Cựu ước trước. Xin đưa một thí dụ: Tân ước gọi Đức Giêsu bằng hai tước hiệu “Con của Thiên Chúa” và “Con của Người”. Sự thực không phải như vậy: đối với Israel, “Con của Thiên Chúa” cũng tương đương với “Con của Đavít” mà thôi; còn “Con của Người” là một nhân vật oai nghi trong sách Daniel, đến ngày tận thế sẽ từ trời ngự xuống xét xử loài người. Như thế, “Con của Người” có ý nghĩa mạnh hơn nhiều “Con của Thiên Chúa”. Nếu không đọc Cựu ước trước, làm sao ta có thể hiểu được như vậy?

  • Cựu ước là gương soi cho đời ta.

Đừng quên rằng Thiên Chúa đã giáo dục Israel dần dần qua dòng lịch sử, và Cựu ước ghi lại quá trình giáo dục ấy. Do đó, những kinh nghiệm, những ước mơ, những băn khoăn, những vấp váp . . . của Israel được ghi lại trong Cựu ước cũng chính là của chúng ta bây giờ, và những bài học mà họ nhận được qua những điều đó cũng rất bổ ích cho chúng ta. Luca, Phaolô và Matthêu ý thức rất rõ những giá trị đó:

- Luca: Phúc âm Luca kể rằng chiều ngày Phục Sinh có 2 môn đệ trên đường Emmaus rơi vào tuyệt vọng: “Tưởng rằng Ngài chính là người giải phóng Israel, nào dè . . . “. Nhưng rồi Đức Giêsu đã hiện ra và làm cho hy vọng bừng lên mãnh liệt trong lòng họ. Đức Giêsu đã làm cách nào ? Thưa bằng cách giải thích Sách Thánh (nghĩa là Cựu ước) cho họ hiểu.

- Phaolô: ở 1Cor 10, 6.11, Phaolô viết rằng những chuyện đã xảy ra cho Israel là mô hình cho chúng ta ngày nay. Mô hình là gì ? Là một hình mẫu để cho người ta nhìn vào đó mà thực hiện, giống như một kiến trúc sư nhìn theo hình mẫu để xây dựng một tòa nhà. Khi Chúa giáo dục Israel trong Cựu ước, Ngài cũng nhằm đưa ra những bài học giáo dục chúng ta bây giờ.

- Matthêu: Phúc âm Matthiêu ghi lại những cuộc cám dỗ Đức Giêsu đã chịu. Một người ngây thơ đọc bài tường thuật này sẽ vội nghĩ rằng: tôi phải bắt chước Ngài. Nghĩa là trong đầu người đó nẩy lên sơ đồ “Đức Giêsu + Tôi”. Sự thực không quá nghèo nàn như vậy đâu: Matthêu muốn cho thấy Đức Giêsu chịu lại những cơn cám dỗ của Israel ngày xưa, chỉ khác một điều là ngày xưa Israel lẽ ra phải phản ứng thế này thế nọ thì mới chiến thắng, rất tiếc là họ đã không làm vậy. Còn Đức Giêsu khi chịu lại những cám dỗ ấy, đã có những phản ứng rất đúng, nên Ngài mới chiến thắng. Nếu ta đã biết Cựu ước, ta sẽ hiểu ý của Matthêu: những cám dỗ của Israel xưa cũng là những cám dỗ của chúng ta bây giờ. Muốn chiến thắng, chúng ta phải biết cách phản ứng như Đức Giêsu.

  • Thời gian của Lời Hứa vẫn còn tiếp tục.

Phần lớn Cựu ước là một Lời Hứa: sẽ có một ngày Thiên Chúa thiết lập vương triều của Ngài, khi đó sẽ chẳng còn đau khổ, nghèo túng, khóc than, bất công, áp bức . . .

Nhưng ta thử nhìn chung quanh mình xem, Lời Hứa đó chưa được thực hiện, khổ đau và tội lỗi vẫn còn. Người Do thái mong chờ tới ngày Đấng Messia được Thiên Chúa gửi tới. Chính Ngài - chỉ một mình Ngài, và chỉ trong chớp mắt – sẽ hoàn toàn thực hiện Lời Hứa đó. Còn Kitô hữu chúng ta biết rằng Đấng Messia ấy chính là Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu chỉ khai mạc công cuộc thực hiện Lời Hứa, Ngài chờ chúng ta góp tay làm cho nó được thực hiện hoàn toàn, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Do đó, nếu chúng ta muốn hoàn thành trách nhiệm của mình, thì chúng ta phải học Cựu ước để biết Lời Hứa đó gồm chứa những gì.

(Etienne Charpentier, Pour lire l’Ancien Testament. Editions du Cerf, Paris, 1990)

VII. HỌC HỎI KINH THÁNH

BÀI 4: LOÀI NGƯỜI BỊ ĐUỔI KHỎI VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

(St 3, 1-15.24).

1/ Nhân vật chính trong chương ba là ai?

Nhân vật chính trong chương ba là Thiên Chúa. Nhân vật mới xuất hiện là kẻ cám dỗ, đó chính là Satan, xuất hiện dưới hình con rắn.

2/ Điều chính yếu mà chương nầy muốn trình bày cho ta là gì?

Chương này muốn trình bày cho ta thấy:

a/ Con người tuy phản nghịch, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và còn hứa ban Đấng Cứu Thế: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi với người đàn bà, giữa dòng dõi mi với dòng dõi người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”. (St 3,15).

b/ Nguồn gốc của tội do chính con người gây nên.
3/ Việc chống lại Thiên Chúa đem đến cho con người những hậu quả gì?
Việc chống lại Thiên Chúa đem đến cho con người những hậu quả nầy:
* Cảm thấy xấu hổ về tình trạng của mình.
* Đối với người nữ phải mang nặng đẻ đau.
* Đối với người đàn ông phải làm lụng vất vả mới có của ăn.
* Sự chết xuất hiện.
Lời Chúa: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi với người đàn bà, giữa dòng dõi mi với dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (Stk 3, 15).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong cuộc sống, để chúng con biết quay về với Chúa khi lỗi lầm, sa ngã.

VIII. SỐNG ĐẠO

Tôi là người Công giáo. Đa số tín hữu ở Giáo phận Vĩnh Long là người đạo dòng: từ cha, ông, ông cố, ông sơ, đã là người đạo. Có một số cũng khá lớn là người tân tòng.

Dòng dõi hay mới gia nhập, chúng ta đều giữ đạo. Nói được phần lớn tín hữu, ít nhiều, cũng hài lòng về cuộc sống đạo của mình. Thỉnh thoảng có mềm lòng sơ sót thì đi xưng tội là yên tâm.

Có bao giờ mình nghĩ: đời sống đạo của mình còn nhiều thiếu sót, có khi tội lỗi nữa. Và trong lối sống đạo có nhiều thể cách, có nhiều hạng (cấp bực). Có khi chúng ta cũng chưa bao giờ suy nghĩ và nhận định mình vào cấp bực nào.

Dịp Năm Sống Lời Chúa, có thể hiểu là Sống Đạo, chúng ta tùng dịp để kiểm điểm chính mình: Có sống Lời Chúa không? Sống thế nào? Cấp bực nào?

Có đạo mà không đạo.
Không đạo mà sống đạo.
Giữ đạo mà chưa đạo.
Sống đạo ‘ba rọi’.
Sống đạo tự nhiên.
Sống đạo siêu nhiên.

1. Có Đạo Mà Không Đạo.

Có những hạng người, vì cha mẹ là công giáo, nên cha mẹ đã liệu cho chịu Phép Rửa Tội khi còn nhỏ. Lớn lên, vì hàon cảnh hay vì cha mẹ không lo, cho nên không học đạo, không biết gì về đạo. Nếu sống giữa người lương, không ai hướng dẫn, thì đạo đối với người đó, kể như không có. Đúng là có đạo mà không đạo.

Lại có hạng người, có Rửa Tội, có học đạo. Khi đến tuổi trưởng thành, cảm thấy mình có tự do và dùng quyền tự do quá đáng, cho nên kể đạo như là những chi đàn áp tự do – bỏ đạo để được tự do.

Gặp trường hợp những nhà truyền đạo bê bối, hoặc tín hữu sống tệ hơn người lương, nên đâm ra ý nghĩ: đạo có hay ho gì đâu, đạo xấu, đạo tệ hại…theo đạo làm gì; bỏ đi cho rãnh. Hoặc thấy nhà truyền đạo khắc khe, hoặc vì thù ông cha, thù nhà phước, hoặc nhận thấy theo đạo không có lợi nên dẹp đạo luôn!

Hoặc do ham muốn rượu chè, dâm đảng, đến giai đoạn nô lệ tửu sắc rồi thì không còn nghĩ đến đạo. Thực tế là bỏ đạo.

Cũng có hạng người dùng đạo để lường gạt. Anh chàng người lương, thương cô gái đạo. Nhà gái đòi phải theo đạo mới gả. Chàng ta theo học đàng hoàng, nhưng sau lễ cưới thì tuyên bố: Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi, tôi cưới được vợ tôi thôi nhà thờ. Theo đạo để lường gạt, để nhờ cậy, để tránh khó…xong việc rồi thì đâu vào đó. Đạo trả lại cho Nhà thờ.

Đúng ra trong các xứ đạo, hạng có đạo mà không đạo rất ít, 5% là cùng, ngoại trừ những năm tranh tối, tranh sáng. Dầu vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận là có. Nhìn nhận không phải để mình hãnh diện, vì mình không lọt vào hạng người như thế, mà nhìn nhận để tìm cách làm thế nào tương trợ anh em.

Hội Thánh là đại gia đình của Chúa, là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ Đạo, Xứ đạo là một chi thể. Nếu có phần nhỏ nào trong chi thể mang bịnh tật, thì các chi thể phải cùng thông cảm và phải cùng tìm cách chữa trị.

Đúng ra, chúng ta có khi không biết giáo lý hiệp thông, không lưu tâm đến hiệp thông…Cũng là một dạng có đạo mà không đạo!

2. Không Đạo Mà Giữ Đạo

Nói không đạo nghĩa là không phải là người có đạo Công giáo. Nói người đó giữ đạo thì hiểu là giữ những luật luân lý Đạo Công giáo chỉ dạy.

Chúng ta biết Đạo (kể là một Tôn giáo) đòi phải có những điều phải tin, những phận vụ phải thực hiện và những nghi lễ thực hành.

Đạo (kể là đường) dạy thể thức giữ mối giao tiếp liên kết giữa người với Trời, với xã hội, với mình, với người, với vạn vật: giao tiếp liên kết thế nào là tốt, là đúng với phẩm giá của Trời và của người, của vật.

Chúng ta nhờ Chúa mạc khải. Chúng ta đón nhận mạc khải cho nên chúng ta xác tín (tin chắc, tin mạnh) đạo chúng ta chân chính, đúng sự thật, luân lý không lệch lạc.

Nhưng vấn đề là người ngoài Đạo Chúa, nghĩa là không biết có Chúa mạc khải, nghĩa là chưa biết đạo, có sống đạo được không?

Quả quyết là được. Nói như thế, chúng ta có khi bỡ ngỡ và thường thường chúng ta không nghĩ đến vấn đề này.

Thực tế, con người có hồn, có lý trí (nhơn chi linh ư vạn vật: trong vạn vật thì con người có hồn linh). Vì có hồn, có lý trí cho nên có thể lý luận, tìm biết có Thiên Chúa, nhìn nhận có Thiên Chúa là căn nguyên là Đấng taọ dựng, thì cũng có thể tiến đến ý nghĩ tôn thờ.

Chúng ta thấy trước nhà người thôn quê, có nhiều nơi có bàn Thiên, để thờ Trời.

Tánh tự nhiên, cũng muốn cho mình là người lành, người tốt. Thiên sinh nhơn tánh bản thiện: Con người Trời sinh có tự do để tự lập. Tự tạo cho mình nên con người tốt, người lành, nếu biết dùng tự do thích đáng. Mặc dầu sau nguyên tội, con người không còn hưởng được ơn trừ nhiên (siêu nhiên tương đối): chủ trị dục vọng.

Trên nguyên tắc, con người có thể cố gắng sống theo lương tri, lương tâm thì cũng có thể có được đời sống đạo, nghĩa là giữ những quy luật của Chúa (Mười Điều Răn ), m ặ c dầu chưa tiếp nhận mạc khải của Chúa.

Chúng ta có thể mến phục Đức khổng Tử. Đời của ông… ngũ thập tri thiên mạng… thất thập tùng tâm sở dục, bất du cu: Năm mươi tuổi biết mạng trời. Biết mạng Trời là biết những gì trời đưa đến cho đời mình và cũng nói được biết ý trời muốn mình sống như thế nào; rồi đến lúc bảy mươi, nhìn mình thấy được mình tự do theo sở thích; nhưng tự do đó không đi ngoài quy củ, đi sai với ý trời, luôn đi đúng với ý trời.

Trong xóm làng, xung quanh chúng ta vẫn có người lương. Trong số người lương, chúng ta cũng có thể gặp được những người rất tốt. Họ có thể, trong thực tế, thờ trời, sống trung hiếu, thương yêu, thanh bạch, công chính, chân thành, có thể ít nhiều sống đúng Điều Răn Chúa.

Họ chính là hạng không đạo mà giữ đạo. Còn chúng ta? Thử kiểm điểm xem: Mình có phải là hạng có đạo mà không đạo, không giữ đạo, vả lại còn tự phụ mình là đạo dòng! Có thể có người “dòng” phía sau, lôi kéo, nhưng nhiều khi lại không kéo nổi; hay đạo đi lòng dòng (vòng) ngoài nhà thờ.

Đã vậy, mà còn có khi khinh dễ người ta ngu dại, dị đoan! Tin nhảm hay không tin gì hết, cái nào hại hơn! Tin nhảm nghĩa là tin lệch lạc dầu sao cũng phát khởi từ lòng tin. Còn không tin có thể nói đó là người vô tâm vô trí, không có hồn.

Có tin mà không sống theo đúng với tin tưởng thì còn tệ hại hơn nữa: càng hạ thấp con người hơn là những hạng không tin; chắc chắn sẽ bị phạt nặng hơn. Không biết nên không làm, nhưng biết mà không chịu làm - Phúc Âm quả quyết - bị đòn nhiều hơn.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho mình tự thấy, tự biết về mình. Đừng đểù mình bị lùi lại, mà luôn tìm tiến bước. Sống chết tỉ thí (dux et vita duello). Đời sống là cuộc tranh đấu thường xuyên, đòi chúng phải nương tựa vào ơn Chúa để nhờ Chúa chúng ta chiến thắng

 

IX. TẢN MẠN

CHIA SẺ LỜI CHÚA

Có ông giáo già dạy trong trường, trưng ra một Lời Chúa và khuyên các em nhớ giữ:

Chúa phán: Ai vả má phải, thì con hãy đưa má trái cho người ta vả thêm!

Có một cậu trò, con một anh làm ruộng về thuật lại cho bố nghe. Ông bố quê mùa, ít học, không tin được, định ngày mai hỏi lại cho chắc!

Hôm sau, lúc thầy giáo đến trường, anh nhà quê đón đường hỏi: Thầy dạy trẻ bảo Chúa dạy ai đánh má phải thì đưa thêm má trái, có phải thế không? Thầy giáo trả lời: đúng thế!

Anh nhà quê không biết vì ý gì, hoặc không tin, hoặc muốn chắc ý, tiến lại gần tát một cái vào má phải ông giáo muốn té lửa. Ông giáo già không biết vì muốn tuân lời Chúa hay muốn chứng tỏ lời Chúa nói, nên chìa má trái cho anh nhà quê tát luôn.

Lãnh miếng đòn thứ hai xong rồi, ông giáo trầm tĩnh nhìn anh nhà quê chậm rãi nói: Trong Phúc Âm cũng có chổ Chúa dạy con đong đấu nào cho người , thì người ta - đáp lại - cũng đong đấu đó cho con, lại còn gặn, lắc, cho nó dẽ dặt hơn! Nói xong, ông giáo tát vào mồm anh nhà quê không những hai cái mà đến ba, bốn cái tát.
Có ông khách qua đường thấy lạ muốn can thiệp, bước tới can: mấy ông làm gì mà đánh nhau thế?
Ông giáo nhanh miệng đáp lại: Có gì đâu, chúng tôi chia xẻ lời Chúa Chúa đấy!
Trời đất ơi – ông khách nói – chia xẻ gì mà dữ tợn thế! Khủng khiếp quá.
Ông giáo: Vậy chớ tôi không trưng đúng lời Chúa sao!
Khách: Chia xẻ để hiểu lời Chúa kiểu nầy tôi chỉ có nước chuồn đi lẹ thôi!
Nhớ Chúa, nhưng không tự do lạm dụng Lời Chúa!

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

ÂM VANG CUỘC SỐNG

Có một cậu bé đang cùng cha dạo bước trên miền núi. Bất ngờ cậu bé bị té ngã, người đập mạnh xuống đất, theo phản xạ, cậu bé la thất thanh: “ A…a..a..”. Và cậu bé hết sức ngạc nhiên khi nghe đâu đó từ đỉnh núi thanh vắng vọng lại “A…a…a…”. Quá đỗi tò mò cùng một chút sợ sệt, cậu bé nắm chặt tay cha và la lớn: “Ai vậy?” Tức thì câïu bé nhận được câu trả lời: “Ai vậy?” Cậu bé đã thoáng chút bực dọc trước câu trả lời mà cậu cho rằng có ai đó đang cố ý trêu đùa mình. Cậu hét: “Kẻ hèn nhát!”. Cậu lại nghe “Kẻ dấu mặt” hét lớn : “Kẻ hèn nhát!” Cậu bé gần như không còn giữ được bình tĩnh, cậu bối rối nhìn cha và hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy cha?” Cha cậu bé mỉm cười nhìn con âu yếm, ông nói: “Con hãy chú ý nhé”. Sau đó ông hét thật lớn vào vách núi: “Tôi ngưỡng mộ bạn”, có âm thanh trả lời: “Tôi ngưỡng mộ bạn”. Cha cậu bé lại tiếp tục hét lớn: “Bạn là nhà vô địch”. Và cậu bé lại nghe thấy tiếng vọng trả lời: “Bạn là nhà vô địch”.

Cậu bé hết sức ngạc nhiên, nhưng vẫn không hiểu gì cả. Thấy nét mặt ngơ ngác của con trai, ông bố cười hiền từ và giải thích: “Con người gọi hiện tượng nầy là “tiếng vang” hay “tiếng vọng”, nhưng đấy thực sự là âm thanh từ cuộc sống. Cuộc sống sẽ trả lại cho con tất cả những gì con nói hoặc hành động. Cuộc sống đơn giản là một tấm gương phản chiếu tất cả những hành động của con.

“Nếu con muốn tận hưởng tình yêu trong cuộc sống, trước hết, con phải có trái tim nhân hậu tràn ngập tình yêu thương mọi người. Nếu con muốn được một ai đó tôn trọng, trước hết con phải tôn trọng họ. Điều nầy đúng lắm đấy con trai, đúng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cuộc sống sẽ trả lại tất cả những gì con đã trao cho cuộc sống’.

(Tố Tâm dịch từ QuickInspiration)

XI. LỜI HAY Ý ĐẸP

Không ai có thể bán sự may mắn của mình. Và may mắn cũng không thể nào mua từ bất kỳ ai.
May mắn phải do chính người đó tạo ra. Đừng tin vào những ai đang cố bán hay truyền nó cho bạn. (First News)

1616    20-04-2012 15:21:54