Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Căn Bản và Cao Điểm của Đạo là Thờ

Một nhu cầu khẩn thiết:

Trên đời, gần như cả nhân loại đều có đạo. Người thờ Thiên Chúa, người thờ Thần Phật, thờ Ông Bà, có người lại thờ cầm thú, cây cối, vì thấy có một thứ thần lực nào đó. Chứng tỏ nhân loại đồng nhìn nhận: có giới thiêng liêng, cao siêu đòi phải tôn vinh, phụng thờ.

Tiếng THỜ có nhiều nghĩa:

a)Thờ Thiên Chúa (có thể hiểu thờ Ông Trời) là nhìn nhận Chúa cao cả tuyệt đối, và là Đấng tác tạo vạn vật. Do đó, con người và các tạo vật đều hoàn toàn lệ thuộc Chúa.

b)Thờ Thần Phật là tôn kính đặc biệt (=hơn các người, các vật khác) vì có quyền lực, có tài năng cao siêu, hay đã dạy đường lối hoặc nghề nghiệp cho đời.

c)Thờ linh thú hay linh vật, vì thấy những điềm linh thiêng lạ thường... cho nên sợ,...cúng kiến, để khỏi hại, để được may mắn.

d)Thờ cha mẹ... là biểu lộ lòng Kính Hiếu.

Theo Công Giáo thì THỜ phải hiểu là nhìn nhận Đấng tuyệt đối tạo dựng, và do đó, con người và vạn vật đều phải hoàn toàn lệ thuộc Chúa.

Thờ Chúa là khẩn thiết: Thờ Chúa đúng lối, thì phải biết thể cách, lề lối tôn thờ. Thể cách, lề lối đó, thường người ta hay gọi là Đạo.

Thờ là cần, là cốt yếu, thì Đạo là phương tiện để đạt cốt yếu, cho nên Đạo là cần, là nhu cầu khẩn thiết cho con người, cho xã hội.

Con người giữ đạo, sống đạo thì không những giữ được phẩm giá, tăng trưởng thiện hảo nơi mình, mà cũng góp phần cho xã hội được an ổn, vui sống!

Trái lại, đời vô đạo sẽ đưa cá nhân đến tự do không giới hạn, thì dễ đưa con người đến trụy lạc, suy đồi, đến bạo ngược, gây hỗn loạn.

Đấng tạo dựng con người và cũng nói được xây dựng xã hội, đã muốn cho nhân loại, cho xã hội được tốt lành, được phước lạc.

Chúa đã mạc khải, chỉ đường, nhưng vì trọng tự do, nên Chúa không áp đặt như bắt nô lệ phải tuân giữ, nhưng đón nhận đường lối Chúa mạc khải (Đạo), là đón nhận Đạo, giữ Đạo.

Khẩn thiết vì nhờ Đạo, ta:

1.Được biết Chúa rõ hơn, sâu hơn.

2.Biết phẩm giá của mình.

3.Biết kỷ thuật thể hiện tương quan tốt với Chúa, với mình, với xã hội.

4.Giữ đạo làm cho mình được thiện hảo, và cộng tác với công trình xây dựng xã hội.

5.Giữ đạo là tạo phúc cho mình, cho xã hội: ngay nơi trần thế, và bảo đảm cho chân hạnh phúc vĩnh cửu.

Giữ đạo, sống đạo thế nào?

Có sợ vô đạo không? Hay sống đạo như trang trí, như lệ thói? Phải nhớ: Đời người không đạo là không đáng sống. Đạo chính là nhiệm vụ khẩn thiết đối với Chúa, với mình và đối với cả vũ trụ.

Đạo có thể hiểu là một lề lối, một luật lệ hướng dẫn con người sống đúng, sống tốt với Trời, với người, với xã hội và cũng có thể với mọi vật...

Điểm cao nhất của đạo là việc tôn thờ. Chúng ta hiểu tiếng thờ Chúa nghĩa là nhìn nhận Chúa là Tuyệt đối, là Đấng lớn lao cao trọng hơn hết. Không người nào, không thần thánh nào bằng Chúa được. Chúa là Chủ tể.

Tương quan với việc nhìn nhận Chúa là Tuyệt đối, là Chủ tể, thì cũng phải nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa. Hai điểm tương quan đi đôi với nhau. Thờ thì phải tuân phục hoàn toàn mới gọi đợc là Thờ (quân sử, thần tử, thần tất tử ... thần bất tử, bất trung).

(Thờ theo Đạo mình hiểu thì khác với tiếng thờ theo nghĩa tiếng Việt. Thờ cha mẹ, thờ thần phật, ngay việc thờ vua, thường là có nghĩa: cung kính đặc biệt, hơn việc cung kính thông thường).

Khi nói Chúa Tuyệt đối, Chúa Chủ tể và con người lệ thuộc, có lẽ tâm trí chúng ta đặt vấn đề: "Còn đâu là tự do của con người?". Tự do là yếu tố căn bản của nhân vị.

Thật ra Chúa dựng nên chúng ta, Chúa đã ban cho được tự do, mặc dầu Chúa đặt luật lệ, nhưng không áp đặt, không đàn áp. Vì trong tự do nên Chúa tế nhị mạc khải, để chỗ cho con người tìm kiếm, Chúa cũng không nghiêm khắc phạt ngay, để cho con người tìm kiếm, Chúa cũng không nghiêm khắc phạt ngay, để cho con người có thể tự do cảnh tỉnh.

Chúa ban tự do để con người không là nô lệ, mà là người con tìm thấy trách nhiệm, tự do tuân phục và do đó mới có công đáng thưởng. Chúng ta phải hiểu: tự do không phải muốn làm chi thì làm, mà tự do phải nằm trong khuôn khổ. Chúa có quyền định đặt khuôn khổ, mà người khác, vật khác, vì cũng có quyền lợi riêng, nên cũng đặt khuôn khổ cho tự do chúng ta. Chúng ta không có quyền vượt trên tự do quyền lợi của người khác. Tự do thờ phượng nghĩa là làm cho con thuận ý tôn thờ, không phải nô lệ, bị bắt buộc.

Nói những điều trên nầy dể nhắc chúng ta nhớ: mình không nên tôn thờ Chúa theo lệ thói, theo máy móc, theo cảm tính,... thiếu ý thức.

Và vì do thiếu ý thức, mình phạm tội dễ dàng...quên Chúa là Chủ tể, quên mình hoàn toàn lệ thuộc. Thường thường, người ta đấm đá mình thì mình đấm đá lại. Dầu chưa nghĩ đến nhưng thật sự mình quên Chúa!

Vậy trước vấn đề thờ phượng, chúng ta không nên tự phụ: Tôi là người đạo dòng, tôi là con Chúa, là người lành, người thánh. Thật ra, điểm sơ khởi (mặc dầu là điểm cao) chúng ta chưa chu toàn, chưa biết sống theo ý Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết thờ Chúa và cố gắng nhờ ơn Chúa tiến mãi.

Tháng 9 - 2006

950    01-01-2011 07:29:23