Dạo sau này có câu hỏi rất thường nghe trong phòng khám, từ bệnh nhân thuộc phái yếu. Đó là "thưa bác sĩ, uống thuốc này có mập không?". Nhiều khi phải cố nín cười vì phần lớn người băn khoăn do sợ mập lại là người rõ ràng đang thiếu cân, nếu không muốn nói thuộc nhóm suy dinh dưỡng.
Sợ mập là mốt hiện nay. Do đó không lạ gì khi nhiều bà, nhiều cô tìm mọi cách để làm ốm. Éo le ở chỗ nhiều người kiêng cữ đủ điều, đủ kiểu nhưng chẳng những không ốm lại còn béo thêm mới khổ! Uổng tiền kiêng cữ mà vẫn mập thì chỉ còn nước tức cành hông. Cũng nhờ đó mà nhiều dụng cụ gọi là tan mỡ, dù với lời giới thiệu ngớ ngẩn đủ điều, vẫn bán chạy, vì không mời cũng có khách hàng len lén thỉnh về phòng thân. Đã lỡ mang tiếng ăn kiêng cho thon thả mà cứ càng lúc càng mát da mát thịt thì còn mặt mũi nào với số chị em may mắn có ngoại hình cứ như người mẫu! Đành cắn răng tốn thêm tiền theo quảng cáo nào đó. Biết đâu may rủi thế nào!
Kiêng cữ mà vẫn mập là một thực tế chua cay cho nhiều bà, nhiều cô. Tình trạng đó, nghe qua tưởng như nghịch lý, lại không có gì khó hiểu, nếu xét về mặt cơ chế bệnh lý. Đừng tưởng phải có nguồn thu nhập thặng dư chất béo, hay chất ngọt từ thực phẩm mới tăng cân. Không hẳn phải như thế. Nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn vì tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài do stress trong công việc, trong gia đình, khiến lượng nội tiết tố coritosteroid của tuyến thượng thận tích lũy quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng rối loạn biến dưỡng chất béo. Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng sai bằng nhiều cách. Một mặt, nội tiết tố insulin của tụy tạng bị phong bế để chất ngọt trong thực phẩm quẹo vào ngõ biến thể thành mỡ, thay vì sinh năng lượng trực tiếp. Mặt khác, quy trình tổng hợp chất béo trong lá gan được gia tốc với sản lượng nhiều hơn nhu cầu thực sự. Thêm vào đó, cũng vì diễn dịch sai lầm về nhu cầu năng lượng, cơ thể liên tục huy động chất béo để cất giữ trong mô mỡ dưới da ở thành bụng, đùi, mông. Hậu quả là người bị rối loạn nội tiết tố, dù không ăn mỡ, dù cữ ngọt, vẫn tăng vòng số hai với lớp da bụng dễ nứt nẻ với mặt da mông, da đùi sần sùi như vỏ trái cam sành. Chưa hết, cũng do ảnh hưởng của nội tiết tố tuyến thượng thận còn thừa sau mỗi đợt stress, nạn nhân dễ có nhiều đợt đói bụng ác liệt trong ngày. Kết quả là gia chủ dù có cố gắng kiêng khem cũng dễ xiêu lòng sa ngã. Thế rồi mới tiêu được có mấy cân thì lấy lại ngay phong độ ngày trước trong chiều hướng "cả vốn lẫn lời".
Theo các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ, trái với phía đàn ông dễ béo phì vì căng thẳng thần kinh trong một số trường hợp như sau khi ly dị, bất lực sinh dục, bực mình do kẹt xe, bị đè đầu trong nghề nghiệp, hay thậm chí chỉ vì thua hoài trong hoạt động thể thao, quý bà, quý cô nếu thuộc các nhóm đối tượng dưới đây khó mà giảm cân cho dù có hết lòng ăn kiêng:
- Người hay buồn rầu luẩn quẩn theo kiểu không biết cậu cả đang du học bên Úc giờ này có nhớ uống ly sữa buổi tối như lúc còn ở nhà, dù quý tử tuổi đã gần tròn... 30!
- Người lo lắng thái quá mỗi khi gia đình có lễ tiệc, dù đã mướn người nấu nướng vừa trọn gói, vừa khéo tay hơn gia chủ.
- Người xao xuyến không yên vì thói quen nhắc tuồng theo kiểu "coi chừng bên trái"! khi ngồi cạnh chồng đang lúc lái xe, dù tài xế từ nhiều chục năm chưa hề gây tai nạn!
- Người đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì không thích mà cứ bị giao giữ trẻ.
- Người phải quán xuyến công việc nội trợ nào đó ngày này qua tháng khác dù căm ghét vô cùng mà phải vuốt giận làm vui.
- Người phải thường xuyên gánh chịu cảnh đồng nghiệp chơi xấu hay châm biếm mà không thể "thay lời muốn nói".
Như thế, đừng tưởng cứ hễ ăn kiêng thì chắc chắn sụt cân. Nếu không giải quyết được trục trặc đâu đó trên trục vận hành của hệ nội tiết, nếu tinh thần không sảng khoái thì có nhịn đến đói meo cũng không ốm. Khi đó, nhiều khi còn tệ hơn nữa vì cơ thể phải huy động chất béo đâu đó để tích lũy dưới thành bụng. Chân thì tuy có teo do nhịn ăn, nhưng bụng cứ bự thêm thì càng oái oăm về mặt thẫm mỹ! Biết vậy thà cứ mập đều cho xong.