Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Canh Tân Bản Thân - Tháng 04 năm 2007

CHỦ ĐỀ: CANH TÂN BẢN THÂN
(ÐỔI MỚI)

I. THƯ MỤC VỤ số 5

Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hoàn cảnh mới. Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân.

Điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng do Thiên Chúa ban. Nhận ra phẩm giá của mình chính là khởi đầu cho việc thánh hoá bản thân.

Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có một lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người Công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và phải thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình. Trong Hiến Chế "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" (Gaudium et Spes), Công Đồng Vaticanô II đã viết: "Lương tâm làm cho con người nhận biết một cách tuyệt vời luật mến Chúa, yêu người. Trung thành với lương tâm, các Kitô hữu phải liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội" (GS 16).

Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng, mỗi Kitô hữu cần nêu gương học hỏi và thể hiện lương tâm ngay chính tại gia đình cũng như giữa nơi mình sống.

II. DẪN GIẢI

Xã hội và con người ảnh hưởng lẫn nhau. Xã hội xấu nắn con người thành xấu. Trái lại, con người tốt có thể tạo một xã hội tốt. Đề nghị canh tân: thánh hoá bản thân.
Canh tân thánh hoá là sống tốt, sống đúng phẩm giá.
Muốn canh tân thánh hóa cần phải học hành, điêu luyện lương tâm chính đáng, tốt lành và sống theo lương tâm.

III. CHUYỆN MINH HỌA

TIẾNG VANG TRONG THINH LẶNG

Thinh lặng, nhưng cuộc sống là tiếng vang đánh động lòng người, đó là cuộc đời của Sophie Berdanska một thiếu nữ nghèo mà rất đạo đức.

Ông Merston, một người Do Thái, thuê cô về chăm sóc cho các con trong gia đình mình. Biết được cô là người Công Giáo nên ông đặt điều kiện: làm việc là làm việc nhưng phải cam đoan không nói đạo, giảng đạo cho con cái ông.

Chiều hôm đó Sôphie một mình lấy mảnh giấy nhỏ viết câu: Cấm tôi nói về đạo, tôi quyết sống đạo trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn! Cô nhét mãnh giấy vào chiếc “ mề đai ” nhỏ và đeo mãi trong người. Mấy em nhỏ năn nỉ thế nào cũng không cho xem.

Ngày qua ngày, nhờ tình yêu nhiệt thành của Sophie khiến các em nên nhu mì, ngoan ngoãn. Một hôm, bé Naim đau nặng, cả nhà quấn quít bên em. Sophie xung phong tận tình thương yêu chăm sóc. Đến lượt hai em nữa cũng lâm trọng bịnh, Sophie nói được là hết mình lo lắng, hy sinh cho các em. Các em may mắn thoát chết, khỏe mạnh lại bình thường.

Vì lo cho các em, Sophie phải thức khuya dậy sớm, quá lao nhọc, nên rốt cuộc đã ngã bịnh và từ trần.

Sống tận tình thương yêu, điều đó thật đáng trọng nhưng cũng là lẽ thường thôi! Thời gian cứ trôi. Có ai ngờ hai năm sau, đến ngày Giổ chị Sophie, tín hữu trong vùng bỡ ngỡ khi thấy cả gia đình Merston đi dự lễ. Bởi vì người Do Thái nếu chưa ghét, chắc cũng không ưa gì Công Giáo, tại sao họ lại đi lễ nhà thờ? Phải chăng đây là một phép lạ hay một việc phi thường ?

Điều tra lại người ta nhận thấy, trong lúc gia đình Merston dọn dẹp phòng ốc, họ đã tình cờ lượm lại được chiếc “ mề đai ” đang mở ra và ngỡ ngàng đọc những lời quyết của Sophie. Lời không âm thanh, nhưng đánh đổ được tâm hồn, khi?n gia đình Merston đã cùng nhau tin Chúa và xin vào đạo, chịu phép Rửa tội (Trích Trên đường lữ hành).

Bằng một lương tâm ngay thẳng và trong sáng, Sophie đã sống anh dũng tôn chỉ của Tin Mừng: yêu Chúa hết lòng và yêu người hết sức. Chính cuộc sống như thế đã thay đổi tâm hồn của gia đình Merston. Hoạ lại hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương bằng cuộc sống cụ thể của mình trong mọi hoàn cảnh là chúng ta nêu cao phẩm giá của mình: phẩm giá người tín hữu.

IV. DIỄN GIẢI

Theo Sách Giáo Lý Công Giáo, con người có phẩm giá quý trọng vì được dựng nên “ theo hình ảnh Thiên Chúa ” (x. St 1,27) và “ trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người là có khả năng hiểu biết và yêu mến Đấng Tạo Hoá” (x. Hiến Chế Mục Vụ 12,3). “Con người là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (x. Hiến Chế Mục Vụ 24,3); “chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa ” (Sách Giáo Lý Công Giáo, n. 356).

Như vậy, “ Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để hiểu biết trật tự vạn vật mà Người sắp đặt cho, có ý chí để có thể tự mình hướng về sự thiện đích thực, và còn có tự do là : dấu hiệu hiệu đặc sắc nhất về hình ảnh Thiên Chúa nơi họ ” (x. Hiến Chế Mục vụ 17) .

Nhờ các khả năng đó, con người nhận ra được tiếng nói Thiên Chúa thúc đẩy họ làm lành lánh dữ (x. Hiến Chế Mục vụ 16). “Tiếng nói nầy luôn vang lên trong lương tâm họ. Vì thế khi thực thi đời sống luân lý là con người chứng tỏ phẩm giá mình ” (Sách Giáo lý HTCG, biên soạn cho giáo dân, trg. 302).

Dù có niềm tin tôn giáo hay không, mỗi người đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. Tiếng nói ấy vang lên rất đúng lúc, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác (x. Hiến Chế Mục Vụ 16). Tiếng nói ấy chính là tiếng lương tâm, là nền tảng để tất cả mọi người căn cứ vào đó mà sống đời sống luân lý của mình.

Đối với người Kitô hữu lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người. Ở đó, con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ (x. Hiến Chế Mục Vụ 16). Chính vì thế khi nghe theo tiếng lương tâm, ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra quy luật của Thiên Chúa … (Sách Giáo lý HTCG, biên soạn cho giáo dân, trg. 317-318)

Nhưng làm sao nghe được và tuân theo tiếng Chúa phán bảo trong lương tâm ?

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong Huấn Từ cho Giới Trẻ tại Rôma dịp chuẩn bị Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII tại Toronto, Canađa, đã giải thích chủ đề: “ Hãy nên muối và ánh sáng cho trần gian ” (x. Mt 5, 13-14) (x. Discours du Pape Jean-Paul II lors de sa rencontre avec les jeunes en préparation de la journée mondiale de la jeunesse) như sau:

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài chính là muối và ánh sáng thật cho trần gian. Do đó cần phải kết hợp đời sống chúng ta với Người để nên muối và ánh sáng cho đời.

Và để có thể nghe được tiếng Chúa, cần lắng đọng tâm hồn, nhìn vào bên trong với tâm tình cầu nguyện, cùng với ơn trợ giúp của Chúa. Những ồn ào vội vã của những lo toan trần thế sẽ át đi tiếng Chúa, làm chết đi khả năng yêu thương và, phục vụ người khác, mà chỉ quan tâm đến những nhu cầu trước mắt của mình.

Cũng nên nhớ rằng mỗi người chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Chúa, nghĩa là được mời gọi sống hiệp thông với Chúa. Đó chính là phẩm giá cao trọng nhất của con người. “ Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Đấng tạo dựng mình ” (x. Hiến Chế Mục vụ 17).

Vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên chúng ta được chúa ban cho ân huệ lớn lao là tự do. Nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách, nghĩa là rập khuôn theo tiểu chuẩn của Tin Mừng, tự do ấy sẽ đẩy chúng ta xa rời Thiên Chúa, làm mất phẩm giá cao trọng của chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ tội lỗi và phải chết muôn đời.

Chính vì xa lìa thánh ý Thiên Chúa mà nguyên tổ chúng ta đã rơi vào vòng tội luỵ, nghĩa là sử dụng sai tự do của mình. Nhưng Cha trên trời không từ bỏ chúng ta, Người sai Con Một Người đến thiết lập lại tự do đã bị thương tổn và phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta còn xinh đẹp hơn xưa. Chiến thắng tội lỗi và sự chết, thống trị lịch sử và thế gian, Đức Kitô Phục sinh mời gọi chúng ta từ nay dùng tự do của mình để quy phục một mình Thiên Chúa mà thôi.

Đặt mình dưới sự tuân phục Thiên Chúa, gắn bó với Chúa và làm theo thánh ý của Người, chúng ta mới được hạnh phúc và trở nên muối và ánh sáng cho trần gian.

Những đòi hỏi nầy chỉ có thể hiểu và sống nhờ một đời sống cầu nguyện liên lỉ, nhất là tôn thờ Thánh Thể. Chỉ nhờ thế, chúng ta mới có thể nhận ra ý Chúa và sống theo ý Người. Ngoài ra cần phải đọc và suy niệm và sống Lời Chúa. Tin Mừng chính là lời sống động của Chúa Giêsu, giúp chúng ta khám phá tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta và cả nhân loại. Qua Tin Mừng, Thầy Chí Thánh mời gọi chúng ta làm việc trong cánh đồng của Người, trở nên môn đệ của Người và sẳn sàng chia sẻ với tha nhân những điều chúng ta đã lãnh nhận.

Thực hiện những điều nầy Đức Thánh Cha nói chúng ta sẽ trả lời được cho câu hỏi: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? Câu trả lời đã có sẳn trong Tin Mừng. Và như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được lệnh truyền của Chúa: “ Các con hãy trở nên muối và ánh sáng cho trần gian ” (Mt 5, 13-14).

Nếu việc đọc, suy niệm và sống Lời Chúa, giúp chúng ta trở nên muối và ánh sáng cho trần gian, thì điều nầy cũng có nghĩa chính Lời Chúa giúp chúng ta sống rạng ngời phẩm giá của mình và định hướng cho lương tâm chúng ta nên ngay thẳng; giúp chúng ta kiên định lối sống Kitô hữu của mình trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống xứng đáng là con cái của Chúa. Amen

KIỂM ĐIỂM

1. Có nhận thấy mình có liên hệ với xã hội cho nên phần nào có trách nhiệm canh tân (nên tốt) xã hội.
2.
Muốn cải thiện xã hội trước tiên phải tự cải thiện (vì mình là tế bào của xã hội) có biết điều này không?
3.
Có xác tín nếu mình thánh hoá mình thì cũng ảnh hưởng ít nhiều thánh hoá xã hội.
4.
Vì có phận sự tự canh tân và canh tân xã hội do đó đòi nỗ lực nhiều hơn. Có nhận thấy không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Để sống đạo, sống siêu nhiên, người ta cần phải sống đúng phẩm giá con người. Nhiều lần Phúc Âm kể đến việc Chúa Giêsu tôn trọng trẻ em, phụ nữ, người nghèo, bệnh nhân … . Đạo dạy tôn trọng nhân phẩm. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

Chúa Giêsu phán: “ Đừng khinh thường một ai trong những kẻ bé mọn này ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết tôn trọng và đề cao nhân phẩm, của mọi thành phần trong cộng đồng nhân loại.

Chúa Giêsu phán: “ Đừng làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, chẳng những không đánh mất, mà còn đề cao nhân tâm, nhân cách, nhân phẩm của mình và của mọi người.

Chúa Giêsu phán: “ Phước cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết yêu thương bảo bọc những người nghèo túng, người bệnh, phụ nữ và trẻ em, hướng tới Nước Trời.

Chúa Giêsu phán: “ Triều thần Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết chừa bỏ tội lỗi, để sống đúng phẩm giá con người, và đúng chức phận làm con Chúa.

Kết thúc : Lạy Chúa, Chúa tạo dừng loài người giống hình ảnh Chúa, nên họ có phẩm giá cao trọng. Xin Thánh Thần Chúa giúp chúng con sống đúng phẩm giá con người, và hơn nữa, xứng đáng làm con Chúa, hầu đáng hưởng phước đời đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một Bác sĩ Phật giáo, chuyên về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Caissaigne tại trại phong Di Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp, và vô tình Đức Cha Jean Caissaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm Bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Caissaigne.

Khi bắt đầu học năm thứ nhất Y Khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng . . . Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, là phó Giám Đốc, Dì là người phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì hai Loan, nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: "Chung, Dì hai Loan nói, tại sao chưa đi ?".

Khi kể lại kỷ niệm này, cha Chung đã dùng những ngón tay phải, chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rỡn da gà. Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì hai Loan, và đã quyết định theo đạo. Một năm sau, bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (Lazariste), và đã lãnh Thánh Chức Linh Mục .

Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Caissaigne, linh mục Lischenberg và Dì hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung - theo lời cha Chung; đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống, chứ không phải bằng lời nói.

Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bệnh nhân AIDS, rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: "Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu".

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, mỗi Kitô hữu phải truyền giáo. Nhưng nên truyền giáo cách nào cho có kết quả ?

Theo Thư Mục Vụ của HĐGM/VN 2003: Sống lương tâm công giáo: trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống . . .

Và Thư Mục Vụ của HĐGM/VN 2006, 4: Sống chứng nhân: “ Nếu trong đời sống Kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc Nước Trời ” .

Đúng vậy, thời nay, biết bao người ngoài Công Giáo khao khát đi tìm một Đấng Cứu Độ, như bác sĩ Chung chẳng hạn, họ mong muốn gặp được một tín hiệu nào đó để họ bám víu vào, họ hy vọng gặp được một người tốt, một động lực tốt. Tín hiệu đó, người tốt đó là người biết quan tâm tới họ, biết thương họ, biết đồng hành với cuộc sống của họ, biết có mặt trong các quảng đường lịch sử họ đi, biết giải đáp thích đáng cho những ẩn khuất cuộc đời của họ. Tín hiệu đó, người tốt đó là người sống lương tâm Công giáo, nghĩa là sống theo tinh thần công bình bác ái Kitô giáo.

Dư luận chung chung cho rằng: Công giáo Việt Nam rất tốt ở chổ có đông người đi lễ, nhiều người thuộc kinh, dễ qui tụ theo một nề nếp . . . nhưng song song với cái tốt đó, lại bị chỉ trích về tinh thần công bình bác ái. Nếu tinh thần công bình bác ái được coi là một tín hiệu có sức lôi kéo người ta đến với Đức Kitô, thì chúng ta nghĩ sao về những người, những cộng đoàn vẫn an tâm, vẫn hãnh diện với thói quen đi lễ, đọc kinh đông, nhưng lại đứng nhất nhì về những chuyện trái đức công bình bác ái. Thực tế không thiếu những người, những cộng đoàn như thế.

Simone Weil nói rằng:" Người thời nay đánh giá đức tin người có đạo không ở thái độ và lời nói của người đó đối với Chúa, mà là ở thái độ và lời nói của người đó đối với người khác".

Trong bản tuyên ngôn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VII có nói: “ Tại Á Châu đang nảy sinh một tình trạng mới của tinh thần, đó là sự thức tỉnh của quần chúng. Một lịch sử mới đang được viết ra trong thời đại chúng ta. Những điểm chính của lịch sử không còn là những cuộc chiến thắng và những khám phá của các quyền lực, nhưng là những hoạt động sâu rộng của tinh thần con người, cũng như sự liên đới giữa các người trong dân chúng với nhau".

Như vậy, những cá nhân cũng như những tập thể được coi là những tín hiệu trong lịch sử hôm nay không phải là những khuôn mặt anh hùng của một ý thức hệ, hay những vầng trán mang hào quang thánh của riêng một tôn giáo, nhưng là những người biết sống liên hệ mật thiết với mọi người, nhất là những người nghèo. Sống thân ái với những người xung quanh, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau là nét độc đáo của người Châu Á, mà Sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp tại Daejon, Hàn Quốc từ 17 đến 23 . 08 . 2004 vừa qua đã nhận định : “ Chúng tôi hân hoan đọc được tín hiệu của niềm hy vọng tràn ngập trong các gia đình Á Châu. Được thôi thúc bởi các giá trị và truyền thống về tôn giáo và văn hóa, nhiều gia đình đang nỗ lực kiên trì dấn thân cho những lý tưởng của đời sống gia đình. Họ múc lấy sức mạnh từ những giá trị mang tính Á Châu, như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, siết chặt tình thân gia tộc, tình nhân ái giữa người với người, củng cố lòng hiếu khách, tôn trọng người già, đề cao lòng hiếu thảo, chăm sóc cho người trẻ. Duy trì được đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong gia đình, cảm nhận được sự thánh thiêng của hôn nhân gia đình và con cái là yếu tố mang lại niềm vui . . .".

Sống lương tâm Công giáo là đời sống thật sự làm chứng Chúa Kitô. Cuộc sống làm chứng đó cần thiết và không gì thay thế được đối với mỗi Kitô hữu. Điều ta sống, điều ta làm quan trọng hơn điều ta nói. Chứng nhân Kitô giáo vừa do cuộc sống cá nhân Kitô hữu, vừa do cuộc sống cộng đoàn. Cuộc sống thực sự làm chứng Chúa Kitô là một mẫu mực, một bộ luật, một lý tưởng cho kẻ khác noi theo. Nó diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách cụ thể và dễ hiểu đối với kẻ khác, nó gây cho họ thích được đến gần Chúa Kitô. Nói cách khác, nó làm cho sứ điệp của Kitô giáo hiện thực và sống động. Nguyên tắc: "Hành động thiết thực hơn lời nói", là đúng cho tất cả các mối tương quan, nhất là rất thiết thực cho việc loan báo Tin Mừng: sự thành khẩn, thật thà, trung thực và đơn sơ, nghĩa là sống công bình bác ái, là những đức tính thiết yếu của việc sống chứng nhân Kitô giáo.

VII. HỌC LỜI CHÚA

Bài 16: CHÚA LO LẮNG CHO DÂN NGÀI.
(Xh 15, 22-16,36)

1. Thời sống trong sa mạc, việc lo lắng của Chúa dành cho dân Do thái được biểu lộ qua những điều gì?

Việc lo lắng của Chúa đối với dân được biểu lộ qua việc:
- Ban nước ngọt để họ uống, bánh Man-na để họ ăn trong suốt thời gian đi trong sa mạc.
- Huấn luyện họ trong gian khổ.
- Tập họ tin tuởng phó thác vào chính Thiên Chúa.
- Chuẩn bị họ tiến vào đất Canaan .

2. Bánh Man-na tượng trưng điều gì trong Tân ước?

Man-na trong Cựu ước là hình ảnh tiên báo Mình Thánh Chúa Kitô trong Tân ước. Man-na lương thực nuôi dân Do thái trong sa mạc. Mình Thánh Chúa nuôi nhân loại trong hành trình tiến về quê trời (x. Yn 6, 32 tt).

Lời Chúa: “ Ta là Bánh Hằng sống từ trời xuống.Ai ăn Bánh nầy sẽ được sống đời đời. Và Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống ” . (Ga 6, 51)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nghiệm tình yêu của Chúa qua Bí tích Thánh thể để con luôn siêng năng sốt sắng đón nhận Chúa mỗi ngày.Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

SỐNG ĐẠO

Đạo chúng ta có thể hiểu là đường, là lề lối, có thể là một kỷ luật đòi chúng ta phải giữ. Chính việc giữ đạo như thế đòi phải có nguyên năng, nghĩa là phải có nguồn gốc cho chúng ta tác động, chúng ta giữ. Nguyên năng đó chúng ta gọi là sự sống.

Chúng ta cố gắng tìm hiểu về sự sống.

Thông thường chúng ta thấy vật nào có khả năng lớn lên, lớn đầy đủ rồi thì đến truyền sinh, chúng ta kể đó là một sinh vật, vật có sự sống.

Cao hơn một bực có những sinh vật lại còn được thêm cảm giác.

Cao hơn nữa có những sinh vật không những có cảm giác mà còn được có những tri thức, cảm mến.

Con người chính là sinh vật Chúa ban cho gồm cả ba phương diện: sống lớn lên, sống cảm giác và hiểu biết (nhân chi linh).

Con người được kể là điểm cao cả của tạo dựng. Chúa đặt con người phần nào làm chủ vũ trụ, còn cho vạn vật trong vũ trụ đạt mục đích Chúa chỉ định giúp cho vạn vật nên tốt hơn, trở thành vật thích dụng hơn. Nhất là giúp cho vạn vật hướng về mục đích nghĩa là hướng về Chúa. Vật vô tri nhờ con người hữu tri để cùng nhau hướng về Chúa là Đấng Tạo Dựng (Alpha).

Con người đáng được tôn trọng vì là tiểu vũ trụ, lại có phận sự phần nào điều khiển vũ trụ, con người còn là trung gian làm gạch nối giữa hữu hình và vô hình.

Bất ngờ hơn nữa, vì Chúa đã nhắc con người lên trên cao như bậc thần thánh, cho con người được làm nghĩa tử, được tham dự vào Thần Tính của Chúa. Đó là việc Chúa ban cho con người sự sống siêu linh hơn cái bình thường, hơn cái hiểu biết thông thường, chúng ta thường gọi là sống siêu nhiên, sống làm con Chúa, sống để được hưởng gia nghiệp của Chúa. Đó cũng chính là sống đạo. Chỉ sống bằng tinh thần, sống mà không có việc làm, thì cũng chưa gọi được là sống đạo.

Chúng ta vẫn biết Chúa đã mặc khải Đạo. Hội Thánh đã trình bày cho chúng ta biết: Những điều phải tin, phải giữ, phải thích dụng. Tóm lược Mười Điều Răn chỉ bảo chúng ta biết phận sự: Một là tôn thờ Chúa. Hai là trách nhiệm liên đới với xã hội. Ba là bổn phận với người và chứa đựng ý nghĩa phận sự với vạn vật.

Vậy sống đạo trước tiên là phải nhìn biết Thiên Chúa là chủ tể tuyệt đối. Do đó, chúng ta phải tôn thờ nghĩa là nhìn nhận Chúa cao cả tuyệt đối và đồng thời (vì Chúa là Đấng Tạo Dựng) nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Cũng vì thế mà chúng ta biết hoàn toàn nương tựa vào Chúa. Và bởi vì Chúa là thiện hảo tuyệt đối, lại là tình yêu tuyệt đối, nên con người không những tín thác, mà cũng phải hết lòng thương mến Chúa.

Điều răn thứ hai tôn kính thánh Danh Chúa, đúng ra là nhắc chúng ta một chi tiết của tôn thờ. Còn Điều răn thứ ba thì Chúa và Hội Thánh chỉ cho chúng ta một thời gian phải dùng để thờ Chúa. Những điều răn không áp đặt, nhưng chỉ định cho các con cái, vì thương nên phải nhận thấy đó là phận sự là nhu cầu cần phải thực hiện.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống đạo, biết và ham mộ thờ phượng Chúa.

Trong những bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu về đạo đối với xã hội; sống đạo đối với xã hội phải thế nào.

MÙA CHAY VÀ VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ

Đầu mùa chay Hội Thánh bảo giữ chay. Có thể hiểu là bảo chúng ta chịu khổ, dạy chúng ta biết chịu khổ.

Chúa tạo dựng con người, và đã muốn, đã xếp đặt cho con người được hạnh phúc. Vậy tại sao Hội Thánh muốn cho chúng ta chịu khó lại chịu khổ? Thử tìm hiểu khổ là gì?

Khổ là cái gì nghịch với cái sướng. Có hai thứ sướng: Sướng giả và sướng thật. Nghịch với sướng giả là khổ thật, còn với sướng thật thì khổ có thể hiểu là chưa được sướng thật, khổ như thế không hẳn là nghịch, không đẹp hơn được mà lại có thể là phương tiện để hưởng cái sướng chân thật. Sướng giả là sướng cho phần hạ, cho xác thể, sướng lệch lạc của tinh thần, còn sướng thật là sướng cao siêu, sướng vĩnh cữu.

Theo Phật học thì cái khổ sâu xa là cái vô thường. Đời sống con người gồm: sinh, lão, bệnh, tử. Vì là vô thường, nghĩa là không còn mãi mãi, thường xuyên biến chuyển, cho nên phải diệt khổ bằng lối sống siêu thoát. Dùng thiền (toạ thiền) để đạt tình trạng thường còn, hết biến đổi, hết khổ đạt phúc.

Một số người chỉ biết than van vì cái khổ! Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. Ngay giới Công Giáo, và có thể một số người đã tin tưởng vào Phật, Thần, Thánh, hay vào một linh vật nào đó, cốt yếu là được khỏi khổ và được phước!

Chính Công Giáo của chúng ta không tìm cách thoát khổ, mà lại xin Chúa ban cho mình biết dùng khổ làm phương tiện, đón nhận khổ để được theo Chúa, giống Chúa: Ai muốn theo ta hãy vác thập giá!

Đối với khổ, chúng ta nghĩ thế nào, áp dụng ra sao?

1. Thường chúng ta hay nghĩ khổ là hậu quả của tội. Sau khi ăn trái Chúa cấm, Adong phải làm lụng khổ nhọc, Eva đau đớn khi sinh nở.

Thiết nghĩ dầu không có nguyên tội, thì vật thọ tạo vì không hoàn hảo, cho nên phải có ít nhiều đau khổ. Vật có cảm giác biết đau để bảo vệ cuộc sống, vật có lý trí biết đau để việc hiến thân, hy sinh mới có giá trị.

2. Có thể nói đau khổ là tài sản riêng của con người. Vì ngoài đau khổ thì con người có được những gì? Tất cả đều do Chúa. Tài lực sinh hoạt chính là triển khai năng khiếu Chúa ban. Cái khổ nhọc đẩy năng khiếu tác động là của mình.

- Khổ nhọc kết hiệp với Chúa, có khả năng đền tội cho mình và cho người.

- Khổ nhọc cũng có được khả năng phần nào đòi Chúa trả công (lao công đáng giá).

- Khổ nhọc triệt để là cái chết dâng lên Chúa như dấu chứng tình yêu.

- Cái chết dâng lên Chúa là hy lễ toàn thiêu, vật thọ tạo (vừa là phần của mình mà cũng thể đại diện, thay thế vạn vật) dâng lên Chúa để tôn thờ, cám ơn.

Qua đó, chúng ta thấy không lý do phiền trách Chúa đã đẩy những khó nhọc vào đời sống con người.

Dòng Mến Thánh Giá, không coi khổ, mê khổ như mục đích (đó là một thứ bệnh hoạn!) mà thật sự Mến Thánh Giá như phương tiện và nhờ Thánh Giá (đau khổ) để nên thánh thiện và đạt phúc lạc thường hằng.

IX. TẢN MẠN

VĂN MINH

Thời đại hiện nay, không ai còn muốn sống ăn lông, ở lỗ, mọi người đều muốn sống văn minh, văn hoá tốt, thụ hưởng được nhiều tiện nghi.

Sống văn minh có thể hiểu là sống nghe, thấy, thụ hưởng được lối sống tươi sáng hạnh phúc. Đúng là hoài bão của loài người!

Nhưng thử hỏi văn minh thật sự có đem lại cho con người hạnh phúc thật không? Có người còn mỉa mai: văn minh sự chết. Sao nói được như thế?

Vì văn minh có thể nói là một mánh khóe con người tìm thực hiện để đạt những thỏa thích của xác thể, và cả những thoả mãn cho tâm ý tự cao, tự đại, ích kỷ của mình. Người xưa đã nói: Tửu, sắc, tài, khí, tứ đổ tường … (chữ “ khí ” có thể hiểu là tự kiêu, tự ái); có tiền mua tiên; có tài mua danh mua quyền.

Nhưng thời xưa vẫn có người quả quyết “ giảm danh khóa lợi ” ; ít ra danh lợi làm cho con người mất tự do. Chúng ta cũng thấy trong dĩa kiểu xưa có vẽ bức tranh trúc lâm thất hiền. Bảy nhà hiền triết khinh thường danh lợi, sống ẩn dật kể là hạnh phúc (tịch cư ninh thể).

Cớ trêu một chút: Lưu Linh bất đếm thiên hạ, sống khỏa thân ; Có người đến thăm phê bình ông sống dị hợm hơn người. Lưu Linh trả lời: trời là nhà của tôi, còn lều là cái quần của tôi, các ông chui vào đó làm gì!

Những điều mà văn minh tìm hưởng cho đó là hạnh phúc, thì những điều đó có người còn cho là oan nghiệt (tình là dây oan).

Cho đi là có chút vui sướng khi thụ hưởng văn minh, nhưng điều đó không bền, không đầy đủ, có thể sinh bịnh, ăn no phát ách, tính dục quá độ sinh yếu liệt bệnh hoạn, nhiều tiền nhiều lo âu.

Tất cả những cái chi văn minh vật chất kể là hạnh phúc thì Phật Giáo kể là khổ vì không thường còn (hưởng nhưng mai mốt không còn được hưởng nữa thì khổ thôi). Cái vô thường (không thường còn) thì khổ!

Vậy người đời có lý để nói văn minh hiện nay là văn minh sự chết. Vả lại, vì tự ái ích kỷ, họ chỉ tìm tiện nghi hạnh phúc cho mình, mà không nghĩ đến người khác. Càng hưởng nhiều tiện nghi, thì càng tạo nên những tách biệt giữa giàu, nghèo. Không tôn trọng người nghèo. Chết mặc bây! Những “ phong trào xoá đói giảm nghèo ” , có thể là do thiện tâm, mà cũng có thể là phương tiện để giảm bớt phiền trách, hoặc để mua danh!

Không trọng phẩm giá con người, kể con người như một vật dụng trong tay mình, coi mình là chủ sự sống của người khác. Khinh thường sự sống nói được là gieo sự chết. Do đó, nói văn minh sự chết có thể không quá đáng.

Sự sống nhất là sống siêu linh là ân hụê của Chúa. Chúa mới có toàn quyền trên sự sống.

Nhớ Lời Chúa: ai nhận chịu mất sự sống thì sẽ được sống, ai ham những chi của sống tạm, muốn bảo vệ nó, thì sẽ mất sự sống. Chính Chúa mới có lời ban sự sống.

CÁI KHĂN LƯƠNG

Khăn “ lương ” , khăn “ xếp ” hay khăn “ đóng ” là bộ phận chính cấu thành trong cách ăn nết mặc của người Việt, là một phần không thể thiếu trong bộ quốc phục “ giày da, khăn điều, áo đoạn ” của truyền thống Việt ta.

Quá trình hình thành thói quen đội khăn của người Việt, bắt đầu từ nhu cầu cấp thiết của công việc hàng ngày phải có một cái gì đó đội đầu che nắng, che mưa để giữ gìn sức khoẻ, tính mạng, chẳng hạn như nón lá kèm áo tơi, mũ lá, mũ sắt, mũ “ cối ” rồi khăn trùm đầu, vải che mặt, sà cạp quấn chân, tay, lâu dần những dụng cụ thiết yếu ấy trở thành những vật “ trang điểm ” trên người của mỗi cá nhân và bắt đầu từ phái nữ.

Phái nữ ta ngày xưa lấy vải vuông đen đội lên đầu chít nó lại, túm chỗ vải trước trán, beo beo nó, kéo nó lồi ra chút xíu, nhìn giống như một cái mỏ chim và có lẽ khăn vải có màu đen giống như màu quạ đen nên gọi luôn thành tên là (chít) khăn mỏ quạ. Dần dà kinh tế khấm khá, giàu có lên nên các bà các cô độn tóc, cuốn khăn nhung đen, chít khăn mỏ quạ nhung đen lượt là, quý phái.

Phái nam, cũng xuất phát từ công việc hàng ngày, không để tóc lò xoà, vướng mắt, che tai, nên đã “ xé ” một miếng vải, cốt lấy chiều dài để buộc túm tóc lại, rồi thắt nút chặt trước trán, trông giống như đầu của cái rìu nên kiểu chít khăn này được gọi là kiểu chít khăn đầu rìu. Khăn đầu rìu đầu tiên làm bằng các loại vải thô mộc màu nâu để đi làm, còn lúc đi tiệc tùng, hội hè, đình đám thì chít khăn làm bằng loại vải nhiễu màu nâu đỏ hoặc tím. Dần dà chiếc khăn đầu rìu được cải tiến cho tương xứng với trình độ học vấn, văn minh và cũng là cách phân đẳng cấp, địa vị trong làng xã nên chiếc khăn đầu rìu cải tiến thành chiếc khăn “ lương ” .

Khăn “ lương ” cũng được làm bằng loại nhiễu màu tía, nâu đỏ hay màu tím. Cách chít khăn lương đã khác nhiều so với cách chít khăn đầu rìu ở chỗ, ngay lúc bắt đầu việc chít khăn, đầu miếng vải phải giữ sao cho vòng vải đầu tiên quấn quanh đầu bắt chéo cho được hình kiểu chữ “ Nhân ” (gốc chữ Hán) rồi tiếp tục quấn vải quanh đầu, cuối khăn giắt lại sau gáy, để giữ cho được chặt. Việc nam giới chít khăn đầu rìu rõ ràng là nhớ về cội nguồn lao động, tiếp đến đội khăn lương bằng loại vải có tên là vải lương.

Cái tên “ Lương” (khăn lương, vải lương) gắn với nghĩa thiên lương, lương thiện, lương tâm. Đội khăn “ lương ” là đội trên đầu sự “ lương thiện, lương tâm ” , chẳng những thế khăn lương lại được xếp để vòng khăn đầu tiên có được kiểu chữ “ Nhân ” . Chữ “ nhân ” trong chữ Hán đã Việt hoá có nghĩa là con người, là lòng nhân ái, là hạt nhân ngưng tụ, nơi tập hợp sức người, cũng là con người có lương tâm. Việc đội khăn lương, xếp chữ “ nhân ” đến giai đoạn phát triển này có mục đích, dụng ý giáo dục nhân cách rất rõ, rất cao thượng, rất con người, hết sức tôn vinh, tôn trọng con người. Sau này văn minh hơn, để tiện dụng người Việt làm chiếc khăn xếp (còn cách gọi khác là khăn đóng) và đã đi sâu thêm vào chi tiết kỹ thuật là xếp bảy tầng vải chồng lên nhau, tầng dưới cùng, bắt mối vải, bắt chéo để có chữ Nhân.

Việc đội khăn lương xếp chữ nhân nhắc nhở con người đội nó phải ý thức được việc nghiêm cẩn giữ gìn lương tâm cao thượng, làm người. Phải học lại để biết những biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hoá dân tộc trong nếp sống, cách ứng xử do nghìn đời tổ tiên ta để lại, chắc chắn chúng ta không bị hoà tan trong không gian WTO kinh tế thị trường.

(Mạc Tuấn)

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

GỞI CON...

Có ai khen con đẹp. Con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy.
Có ai bảo con ngoan. Hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.
Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang. Con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.
Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ. Con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.

Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng họ hai đồng. Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.

Con hãy biết khen. Nhưng đừng vung vãi lời khen như những cậu ấm cô chiêu vung tiền qua cửa sổ.
Lời chê bai con hãy giữ riêng mình.
Nụ cười cho người. Con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa nắng ấm.
Nỗi đau. Con hãy nén vào trong.
Nỗi buồn. Hãy biết chia cho những người đồng cảm.
Đừng khóc than - quỳ lụy - van nài. Khi con biết ngày mai rồi sẽ đến có bầu trời, gió lộng thênh thang.
Con hãy đưa tay. Khi thấy người vấp ngã.
Cần lánh xa. Kẻ thích quan quyền.
Bạn. Là người biết đau hơn nỗi đau mà con đang có.
Thù. Là người quặn đau với niềm vui mà con đang có.
Chọn bạn sai. Cả đời trả giá.
Bạn hóa thù. Tai họa một đời.
Con hãy cho. Và quên ngay.
Đừng bao giờ tham. Dù chỉ một que tăm, sợi chỉ.
Chớ thấy vui khi mình thanh thản trước điều cần nghĩ. Sự thanh thản chỉ có ở người vô tâm.
Đừng sợ bóng đêm. Đêm cũng là ngày của những người thiếu đi đôi mắt.
Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn.
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui.
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại.
Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa. Chẳng sao.
Hãy ngước nhìn lên cao. Để thấy mình còn thấp.
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.
Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ.
Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay.
May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may.
Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều - những điều có nghĩa của trái tim.
Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công.
Những điều cha viết cho con - được lấy từ trái tim chân thật.
Từ những tháng năm lao khổ cuộc đời.
Từ bao đêm chơi vơi giữa sóng cồn. Từ bao ngày vất vưởng long đong.
Cha viết cho con từ chính cuộc đời cha.
Những bài học một đời cay đắng.
Cha gởi cho con chút nắng. Hãy giữ giữa tim con.
Để khi con cất bước vào cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy.
Con sẽ bớt thấy đau và đỡ tủi hờn.
Đừng hơn thua làm gì với cuộc đời, con ạ.
Hãy để chị, để anh giành lấy phần họ muốn.
Con hãy chậm rảibước dù là người đến muộn.
Dù phần con chẳng ai nhớ để dành!
Hãy vui lên trước điều nhân nghĩa.
Hãy buồn với chuyện bất nhân.
Và hãy tin vào điều có thật:
Con người - sống để yêu thương.

BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

1753    21-04-2012 09:53:02