Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Canh Tân Đời Sống Bằng Lời Chúa - Tháng 09 năm 2006

CHỦ ĐỀ: CANH TÂN ĐỜI SỐNG BẰNG LỜI CHÚA

I. THƯ MỤC VỤ số 9

Với anh chị em giáo dân:  chúng tôi mời gọi anh chị em trở lại với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Thánh Luca để ý thức rằng mỗi Kitô hữu vừa là người gieo giống vừa là thửa đất để đón nhận Lời Chúa (x. Lc 8,5-15). Đối với Lời Chúa, anh chị em hãy sửa soạn tâm hồn để trở thành mảnh đất màu mỡ. Đối với tha nhân, anh chị em hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá.

Đây là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng để khắc phục mọi nghịch cảnh. Cuộc sống hôm nay đặt ra những thách đố lớn lao, nhiều lúc khiến anh chị em chao đảo, thất vọng. Trong những hoàn cảnh như thế, anh chị em hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Khi đồng hành với hai môn đệ đang bi quan chán nản, Người đã đem lại cho các ông niềm vui và sức mạnh qua việc diễn giải Thánh Kinh. Người cũng sẵn sàng hiện diện để nâng đỡ anh chị em, nếu anh chị em biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe Lời Người.

II. DẪN GIẢI

Nhờ Lời Chúa canh tân

Thơ mục vụ dạy chúng ta qua bài Phúc Âm gieo giống: Chính chúng ta phải cải tạo tâm hồn để nhờ ơn Chúa gieo vào, chúng ta đạt hiệu quả tốt, sinh nhiều bông hạt (canh tân).

Cũng nhắc chúng ta phải là người gieo giống để canh tân anh em.

Canh tân mình, canh tân anh em, dĩ nhiên đòi nhiều khổ nhọc, hy sinh. Chúng ta phải biết nghe Lời Chúa như hai môn đệ Emmau, để khỏi chán nản mà được vui phúc.

Xin Chúa cho chúng ta biết nghe Lời Chúa để được canh tân.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

LỜI DẶN

Theo Hãng tin Zenit, ngày thứ sáu, 6.12.2002, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã tiếp kiến 80 nhà báo thuộc Hiệp Hội Báo Chí Công Giáo Thế Giới dịp Kỷ Niệm 75 năm ngày thành lập. Đức Thánh Cha lưu ý rằng con số các nhà báo Công giáo gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Vào năm 1933, chỉ có 230 nhà báo thuộc 33 quốc gia, và năm 2001 là 1080 người thuộc 106 quốc gia.

Theo Đức Gioan-Phaolô II, nét đặc thù của các nhà báo Công giáo chuyên nghiệp đòi họ phải là những người liêm chính trong đời sống cá nhân cũng như trong nghề nghiệp . Đời sống của họ phải phản ánh giáo huấn của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Điều nầy có nghĩa là, bằng đời sống cầu nguyện, họ phải cố gắng phổ biến lý tưởng nghề nghiệp của mình một cách tuyệt hảo. Lại nữa, đó cũng chính là nguyên tắc giúp họ tìm kiếm chân lý và công bố cho mọi người, bất chấp những phiền toái hay bị coi như có “chính kiến không đúng”.

Sống Theo giáo huấn và Tin Mừng của Chúa Kitô còn có nghĩa là - Đức Thánh Cha giải thích tếp - nhạy cảm trước vấn đề luân lý, tôn giáo và tinh thần của cuộc sống con người, rất thường hay bị hiểu lầm hoặc cố tình không biết đến. Đồng thờ các nhà báo không chỉ thông tin về những tội ác, hay những thảm cảnh, nhưng những tin tức còn phải có tính tích cực và xây dựng, chiếu cố đến những người đang lâm cảnh túng thiếu, nghéo khó, bệnh hoạn, tật nguyền, những người dễ bị tổn thương nhất (trẻ em, phụ nữ) và những ai đang bị xã hội quên lãng. Và cuối cùng, báo chí cần cung cấp những mẫu gương về niềm hy vọng, về tính anh hùng, cho một thế giới đang thật sự thiếu cả hai điều đó!

Là người Công giáo, trong bất cứ bậc sống nào, cũng đều có thể áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống thực tiễn nghề nghiệp mình, theo định hướng của đường lối Chúa.

IV. DIỄN GIẢI

Theo Chúa Giêsu ba năm, nhưng hai môn đệ làng Emmau chỉ nhận ra Thầy Giêsu của mình đích thực là Đấng Cứu Thế, đã chết, nay đã Phục sinh, chỉ sau khi được Ngài giải thích Kinh Thánh tỏ tường, dẫn đến việc họ nhận ra Ngài lúc bẻ bánh; tức thì, lòng trí họ cũng ’được phục sinh’ và họ tức khắc chổi dậy trở về Giêrusalem chia sẻ tin mừng với cácTông đồ khác.

Nhóm Mười Hai Tông đồ cũng chỉ xác tín một cách tỏ tường về Vị Thầy Chí Thánh Giêsu của mình là Cứu Chúa, khi lãnh nhận tràn đầy ân sủng của Thánh Thần trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Là Kitô hữu, muốn sống sung mãn cuộc đời của người có Chúa Kitô hiện diện trong lòng, chúng ta cần phải đọc Kinh Thánh, suy ngắm Lời Chúa, và với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta sẽ sống một tinh thần mới, tinh thần của “Ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống mới”, như các Tông đồ xưa.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngỏ lời với các bạn trẻ tại Nhà Thờ Chánh Toà Cologne, dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005, đã nói: “Hãy để ngọn lửa Thánh Thần thiêu cháy các con, để một cuộc Phục sinh mới được canh tân trong tâm hồn các con. Nhờ đó, qua các con, các bạn trẻ trên khắp cùng thế giới nhận ra nơi Chúa Kitô, lời đáp xác đáng cho mọi khát mong của họ và đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, đã chết và sống lại cho phần rỗi thế gian”.

Thư Mục Vụ đề nghị chúng ta học hỏi Lời Chúa để có tinh thần của người gieo giống, để nên mảnh đất mầu mỡ và phục sinh đời mình như hai môn đệ làng Emmau.

Mỗi Kitô hữu đều là người gieo giống

Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa Dụ Ngôn Người Gieo Giống trong Tin Mừng. Các Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến dụ ngôn người gieo giống (Mt 13, 1-23; Mc 4, 1-20; Lc 8, 4-15). Trước tiên dụ ngôn nầy nhấn mạnh đến khía cạnh hạt giống Lời Chúa. Có ba tình trạng khiến hạt giống Lời Chúa không thể đâm bông trái là: hạt rơi xuống vệ đường, hạt rơi trên đá sỏi, hạt rơi vào bụi gai. Chúng ta nghe đâu đây vang vọng lên những lời rao giảng của Chúa..và tấm lòng người nghe đón nhận Lời Chúa một cách hửng hờ như thế nào! Dù vậy Chúa Giêsu vẫn có cái nhìn tích cực, đầy hy vọng khi nói về hạt giống rơi nhằm đất tốt, đem lại mùa bội thu.

Tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, ngày nay cũng thế, chúng ta cũng gặp phải những rào cản, những trở ngại y như Chúa Giêsu vậy. Con người ngày nay vẫn chạy theo quyến rũ của bạc tiền, danh vọng, đam mê xác thịt, khiến họ trở nên dửg dưng trước lời mời gọi sống theo đường lối của Tin Mừng. Người ta không có thì giờ cho Chúa, vì mọi thời biểu cuộc sống đều được thiết lập cho việc tìm tòi hưởng thụ, sống ích kỷ cho bản thân mình…chẳng còn giờ đâu quan tâm đến Chúa, đến tha nhân.

Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu trong dụ ngôn Người Gieo Giống mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn của Chúa, cái nhìn tích cực về, ít ra, một góc khuất nào đó của tâm hồn con người, vẫn còn khát vọng đến sự thiện hảo và giúp khơi gợi lại nơi họ những khát vọng tốt đẹp sống theo tinh thần Tin Mừng. Chúa Giêsu không mệt mỏi, dong ruổi khắp các làng mạc, thị thành xứ Palestine để dạy dỗ dân chúng, làm các phép lạ củng cố lời rao giảng, vì Chúa tin vào sự sám hối trở lại của họ. Ngày nay cũng thế, chúng ta, những kẻ tin vào Chúa Giêsu, cũng phải nhiệt thành dấn thân cho phần rỗi anh em mình, vì tin vào lương tri con người, cùng với ơn trợ giúp của Chúa, cho dù có những hạt giống Lời Chúa có thểõ rơi bên vệ đường, trên đá sỏi hay bụi gai, nhưng cũng có những hạt rơi vào đất tốt làm phát sinh vụ mùa bội thu, như Thư Mục Vụ mời gọi : “Anh chị em hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá.” (9)

Và trở thành mảnh đất màu mỡ

Về sau nầy, tức khoảng 50 năm sau, trong phần giải thích dụ ngôn người gieo giống, Thánh Matthêô đã giải thích Lời Chúa theo hướng củng cố đức tin của các tín hữu buổi đầu: kết quả của việc gieo giống tuỳ thuộc vào mảnh đất tâm hồn tức là tùy vào thái độ tâm hồn đón nhận của người nghe là vệ đường, đất đá sỏi, đất đầy gai hay đất tốt, mà vụ mùa thu hoặch được 100, 60 hay 30.

Thất bại của việc đón nhận Lời Chúa là do: Ma quỷ, không kiên trì và quá bận tâm sự đời. Chúa Giêsu cũng đã gặp những cơn cám dỗ buổi đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Ngài và có thể nói trong suốt cuộc đời dương thế của Ngài cho đến cái chết trên thập giá; nhưng Ngài đã chiến thắng bằng việc Phục Sinh, qua đó tình yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết.

Theo Thánh Matthêô, lý do mà những người khác không đón nhận Lời Chúa vì họ không biết. Chúng ta chỉ có thể đón nhận sứ điệp của Tin Mừng, nếu biết mở rộng lòng ra đón nhận những điều mới mẻ từ Lời Chúa gởi đến. Người ta không thể hiểu Lời Chúa, nếu không sống và thay đổi đời sống theo lời dạy của Chúa. Cần thấu hiểu Lời Chúa với tất cả trách nhiệm, tự nguyện dấn thân đáp trả bằng cả cuộc sống của mình, biến tâm hồn chúng ta trở thành mảnh đất màu mỡ để Lời Chúa được phát triển một cách sung mãn.

Một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng

Việc loan báo Lời Chúa đòi hỏi phải kiên trì, chấp nhận gian khổ vì : ”Đây là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng để khắc phục mọi nghịch cảnh“ (TMV 9). Trong hoàn cảnh như thế Thư Mục Vụ mời gọi chúng ta hãy nhìn về sự kiện Hai Môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35).

Chán nản, thất vọng, hụt hẩng, vì công sức ba năm theo Thầy Giêsu, những tưởng sẽ được một chổ đứng nào nó trong vương triều của Ngài, nhưng sự thật rõ ràng quá bi đát, Thầy đã chết thập giá; hai môn đệ làng Emmau thất thểu trở về làng quê của mình, cam phận với những gì trước đây của mình. Đúng lúc ấy, Chúa Phục sinh hiện đến, giải thích tường tận những điều mà Kinh Thánh nói về Đấng Cứu Thế và những điều trước đây Người đã dạy các ông và lòng các ông “đã bừng cháy lên” (x.Lc 24, 32)!

Tại sao? Bởi vì chương trình của Chúa không phải là chương trình của hai ông, như hai ông dự tính. Các ông chọn theo Chúa trên con đường vinh quang, chứ không phải con đường đau khổ thập giá. Khi Chúa làm phép lạ, được người ta tung hô, các ông hoan hỉ đi theo; khi Chúa bị hành hình thập giá, các ông thất vọng bỏ rơi Ngài, trở về lối nghĩ, nếp sống xưa của mình. Ý Chúa và ý người ở đây không gặp nhau: hai môn đệ chỉ quan tâm đến những nhu cầu của họ, tham vọng của họ, những lợi lộc trước mắt, chứ đâu bận tâm hay nói đúng ra chưa hiểu hết được ý nhiệm mầu của Chúa, chương trình của Chúa; vì thế các ông chán nản, thất vọng và không nhận ra Thầy đang hiện diện bên mình suốt dọc đường đi.

Và khi, trong bàn ăn Chúa Phục sinh diễn lại cử chỉ Ngài đã làm trong Bửa tiệc Ly: ”Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ” (Lc 24, 30). Lúc bấy giờ họ bừng mắt, nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Đức Kitô, Vị Mục tử nhân lành, không bao giờ bỏ rơi đàn chiên của mình. Trong cơn nguy khốn ngã lòng của hai môn đệ Emmau, Chúa đích thân hiện ra nâng đở, chia sẻ, củng cố niềm tin cho các ông và điều quan trọng nhất đã xãy ra: tâm hồn các ông đã phục sinh với Đức Kitô Phục Sinh.

Những khó khăn đôi khi nản lòng trong việc làm chứng cho Tin Mừng Chúa của mỗi Kitô hữu sẽ được khích lệ lớn lao, nếu chúng ta trở về múc nguồn sức mạnh nơi bài Tin Mừng nầy, để rồi tâm hồn chúng ta cũng sẽ được phục sinh, hăng say làm chứng cho Chúa Phục sinh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận chương trình của Chúa, trên chương trình của mình; biết làm việc cho Chúa, nhưng kết quả xin tuỳ thuộc nơi Chúa. Xin hiện diện bên cạnh chúng con suốt cuộc hành trình đức tin của mình; nâng đỡ chúng con trong những lúc gặp khó khăn khi loan truyền Chúa cho anh em chúng con. Amen

Kiểm điểm:

1/ Tôi có nhận thức đời tôi phải canh tân mãi không?

Tôi có biết cái tốt cái mới của tôi là vô hạn không? “Trọn lành như Cha các con ở trên trời”.
Tôi có xác tín: tôi phải nhờ Lời Chúa mới sửa đổi, mới nên mới được?

Để tiến, tôi có nhận thấy Lời Chúa không những soi sáng, chỉ dẫn, mà lại là sức mạnh, nâng đỡ cho tôi chiến thắng?

GỢI Ý SÁM HỐI
Tôi muốn thay đổi những tập quán xấu, nhưng tôi lại không dùng Lời Chúa làm “đèn soi đời sống” tôi. Xin Chúa thương tha thứ.

Tôi nghe Lời Chúa sửa dạy tôi, nhưng tôi không canh tân đời sống.

Tôi chỉ canh tân đời sống bằng Lời Chúa, nếu điều đó hợp với ý riêng tôi.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Khi tội nhập vào trần gian, đời sống loài người đã mất phương hướng đến sự thiện. Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách “ban Lời giáo huấn” con người, nhằmcanh tân đời sống con người. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

- “Lời Chúa là ánh đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục, phó tế và các tu sĩ: luôn gắn bó với Lời Chúa, dùng Thánh Kinh làm nền tảng cho việc giảng dạy và canh tân đời sống.

- “Những điều được ghi chép là để anh em tin mà được sự sống”. Chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em lương dân: có dịp lắng nghe Lời Chúa, và dám điều chỉnh đời sống mình theo Lời Chúa dạy.

- Kết thúc dụ gôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa phán: “Con hãy đi và làm như vậy”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu: nhờ suy niệm, hiểu được ý nghĩa Lời Chúa và luôn canh tân đời sống theo Lời Chúa dạy.

- “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta: biết dùng đời sống đạo của mình, mà làm sáng danh Chúa trước mắt mọi người.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Ngôi Lời của Chúa làm người ở giữa trần gian. Xin Chúa lại ban Thánh Thần gúp chúng con can đảm chọn Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống mình, hầu cho mọi người được hưởng Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

VÂNG HAY KHÔNG VÂNG ?

Một hôm tôi đã phải chạm trán với tội lỗi trong tất cả sự trần trụi lộ liễu của nó.
Vấn đề phải tha thứ được đặt ra.
Chính sự kiện phải tha thứ khiến cho tôi rối loạn.
Tha thứ là phải chấp nhận quên tất cả, không giữ lại một chút gì trong lòng!
Không phải, những cử chỉ phải làm để tha thứ, làm cho tôi bất bình, vì lúc bấy giờ, Chúa chưa đòi tôi phải có những cử chỉ đó.
Mà Ngài chỉ cho tôi thấy và một cách thật rõ rằng: Ngài muốn cho tôi đi tới đâu và Ngài muốn cho tôi chấp thuận đi tới đó.
Cả con người tôi đáp lại: Không !
Tôi không thể chịu đựïng được cái ý tưởng là tôi phải vâng phục, phải đáp: Vâng.
Và bấy giờ, tôi đã hiểu gần như một cách thể lý, bằng cả xương thịt tôi, thế nào là tội.
Tội là nói “không” với Chúa.
Lúc ấy, tôi đã đứng trên bờ hỏa ngục, và tôi thà xuống hỏa ngục hơn là thưa “vâng”.
Và tiếp theo,
Tôi thấy như nhảy múa trước mắt tôi câu ngắn ngủi này:
“Hãy yêu thương kẻ thù . . . con sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6, 35).
Tôi đã đáp “vâng” một cách ý thức.
Giây phút đó không kéo dài lâu lắm đâu: tôi đã chọn Ngài,
Tôi chống lại tôi, bởi vì rõ ràng tôi có cảm tưởng là khi đáp “vâng”, tôi chết đắm.
Tôi từ khước không còn là tôi nữa.
“Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16, 24).
Giờ đây, nghĩ lại chuyện đó, Tôi chẳng có chút gì cay đắng, nhưng chỉ cảm thấy vui sướng và tri ân cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã giúp tôi ưng nhận điều Ngài muốn.
Kỳ diệu thay sự tự do ưng nhận Lời Chúa.

VIII. HỌC HỎI KINH THÁNH

Bài 9: Giuse đến Ai cập (Stk 37-40).

1/ Câu chuyện về Giuse như thếá nào?

Giuse là một trong 12 người con của Giacob bị các anh em ghen ghét. Họ bán ông cho người Ai cập và ông phải làm nô lệ ở đó. Nhờ Thiên Chúa phù trợ cũng như do đức độ mà ông được cất nhắc lên địa vị cao sang trong đất nước Ai cập chỉ sau Pharaon.

Trong thời kỳ đói kém, các anh của ông đã tìm đến Ai cập mua lương thực, ông đón tiếp họ cách nhân từ và độ lượng. Sau đó cả gia đình ông di cư sang Ai cập sinh sống (Stk 41-46).

2/ Tác giả Stk đã quan tâm điều gì khi thuật lại câu chuyện Giuse bị anh em đem bán cho người Ai cập?

Tác giả muốn nhấn mạnh đến sự quan phòng của Thiên Chúa qua những cách thế không ai ngờ.

Lời Chúa: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (Stk 45, 5).

Cầu nguyện: Xin cho con luôn tin vào sự quan phòng đầy tình yêu thương của Chúa.

IX. ĐẠO LÀ GÌ ?

CĂN BẢN VÀ ĐIỂM CAO CỦA ĐẠO LÀ: THỜ

Đạo có thể hiểu là một lề lối, một luật lệ hướng dẫn con người sống đúng sống tốt với Trời, với người, với xã hội và cũng có thể với mọi vật…

Điểm cao nhứt của đạo là việc tôn thờ. Chúng ta hiểu tiếng thờ Chúa nghĩa là nhìn nhận Chúa là Tuyệt đối, là Đấng lớn lao cao trọng hơn hết. Không người nào, không thần thánh nào bằng Chúa được. Chúa là Chủ tể.

Tương quan với việc nhìn nhận Chúa là Tuyệt Đối, là Chủ tể, thì cũng phải nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa. Hai điểm tương quan đi đôi với nhau. Thờ thì phải tuân phục hoàn toàn mới gọi được là Thờ (quân sử, thần tử, thần tất tử… thần bất tử, bất trung).

(Thờ theo Đạo mình hiểu thì khác với tiếng thờ theo nghĩa tiếng Việt. Thờ cha mẹ, thờ thần phật, ngay việc thờ vua, thường là có nghĩa: cung kính đặc biệt, hơn việc cung kính thông thường).

Khi nói Chúa tuyệt đối, Chúa Chủ tể và con người lệ thuộc, có lẽ tâm trí chúng ta đặt vấn đề: “Còn đâu là tự do của con người?”. Tự do là yếu tố căn bản của nhân vị.

Thật ra Chúa dựng nên chúng ta, Chúa đã ban cho được tự do, mặc dầu Chúa đặt luật lệ, nhưng không áp đặt, không đàn áp. Vì trong tự do nên Chúa tế nhị mạc khải, để chỗ cho con người tìm kiếm, Chúa cũng không nghiêm khắc phạt ngay, để cho con người có thể tự do cảnh tỉnh.

Chúa ban tự do để con người không là nô lệ, mà là người con tìm thấy trách nhiệm, tự do tuân phục và do đó mới có công đáng thưởng. Chúng ta phải hiểu: tự do không phải muốn làm chi thì làm, mà tự do phải nằm trong khuôn khổ. Chúa có quyền định đặt khuôn khổ, mà người khác, vật khác vì cũng có quyền lợi riêng, nên cũng đặt khuôn khổ cho tự do chúng ta. Chúng ta không có quyền vượt trên tự do quyền lợi của người khác.Tự do thờ phượng nghĩa là làm cho con thuận ý tôn thờ, không phải nô lệ, bị bắt buộc.

Nói những điều trên nầy để nhắc chúng ta nhớ: mình không nên tôn thờ Chúa theo lệ thói, theo máy móc, theo cảm tính,… thiếu ý thức.

Và vì do thiếu ý thức, mình phạm tội dễ dàng… quên Chúa là Chủ tể, quên mình hoàn toàn lệ thuộc. Thường thường, người ta đấm đá mình thì mình đấm đá lại. Dầu chưa nghĩ đến nhưng thật sự mình quên Chúa!

Vậy trước vấn đề thờ phượng, chúng ta không nên tự phụ: Tôi là người đạo dòng, tôi là con Chúa, là người lành, người thánh. Thật ra, điểm sơ khởi (mặc dầu là điểm cao) chúng ta chưa chu toàn, chưa biết sống theo ý Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết thờ Chúa và cố gắng nhờ ơn Chúa tiến mãi.

X. TẢN MẠN

Dị Đoan?

Thờ Chúa theo điệu Thầy Pháp thờ Ông Tướng!

Thầy Pháp hành nghề chánh hiệu thì thường rước một ông tướng về thờ. (Rước cách nào, mình không trong nghề, không biết được). Thờ để cho mình hành nghề đắc lực, nghĩa là thực hiện được những hô phong, hoán vũ, trừ tà, chữa bịnh, bùa chú…. Được nhiều thì cúng nhiều, được ít thì cúng ít, không được chi hết thì không cúng nữa, có khi đem ông tướng liệng luôn!

Trong đạo Chúa, có tín hữu tôn thờ Chúa cách thầy pháp không? Đừng tưởng không có! Có nhiều tín hữu, giữ đạo để được Chúa phù họ, sống an toàn, giàu sang,… bố thí một để Chúa cho lại một trăm – bố thí rộng rãi để Chúa ban cho công trình kinh doanh được phát triển, được phúc lợi dồi dào. Không nói tình trạng này phổ quát, nhưng vẫn có trong đạo.

Chúa cho thịnh vượng thì giữ đạo, đến khi gặp tai nạn, thì quên Chúa, bỏ đạo, có khi chửi Chúa nữa. (Tác giả bài này đã có gặp trường hợp như thế).

Trước những nhu cầu thể xác, như cần được may mắn, cần được khỏi cơ cực, khỏi hiểm nguy, cần được làm ăn khá, được an ổn, v.v…

Nhiều người quên Chúa, quay sang nhờ các thánh. Đi cầu cha Trương Bửu Diệp chẳng hạn. (Không nói đến tín hữu vò nghĩ mình hèn kém, tội lỗi quá, không dám trực tiếp cầu xin Chúa, nên nhờ Cha Trương Bửu Diệp).

Quên Chúa, kể cha Trương Bửu Diệp là chính nguồn ơn, quên hẳn chính Trời ban phúc qua Cha!

Có hai mẹ con, nhà giàu nhưng đã suy sụp, cô con gái đang bước vào giai đoạn ế hàng. Bà mẹ tợp tò – không biết xoay xở ra sao, sực nhớ thánh Antôn, Đấng thánh có đặc sủng giúp gặp được những vật khó tìm. Hai mẹ con mang tượng thánh về, chưng bông, đốt đèn… làm tuần cửu nhật.

Ngày qua ngày, qua cả ngày thứ chín mà mẹ con không thấy tâm hơi người mà cô gái mong chờ. Bà mẹ bực tức quá, mang tượng thánh ném qua cửa sổ, bất đếm rơi vào đâu! Đúng là cử chỉ thầy pháp thờ ông tướng!

Nhưng hiệu quả bất ngờ. Tượng thánh rơi trúng một người qua đường. Rủi hay may? Tượng rớt xuống, không bể. Ông ta lượm lên, gõ cửa, mang tượng vào nhà, giao lại cho gia chủ. Có ai ngờ ông khách qua đường cũng là con người trong tình trạng tìm kết hôn! Biết nhau, rồi giàn xếp cho ông khách qua đường và cô gái ế được thành giai ngẫu.

Thánh Antôn quá hiền, hay sợ mất uy tín?
Hoặc là vì chính Chúa quá thương người khó khổ…

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

7 ĐIỀU GIẢN DỊ

Bạn không thể thành công khi đơn độc. Câu chuyện nào kể về những thành công, đều nói về những con người hết sức tương trở lẫn nhau. Ai cũng có tài năng và điều kiện riêng biệt. Hãy làm những gì bạn làm tốt nhất và khích lệ mọi người phát triển trên “đất” của họ.

Sự bền chí luôn luôn thắng cuộc. Nếu không bỏ cuộc, bạn không thể nào thất bại. Khi gặp trở ngại, cố gắng tìm những con đường khác nhau để vượt qua. Hãy lắng nghe những lời đanh thép của Winston Churchill thét lên trong những giờ phút đen tối nhất của Nước Anh: “Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ bỏ cuộc .!”

Mỗi ngày nên dành một chút thời gian để tập trung vào nội tâm. Có người gọi đó là thiền. Hãy lắng nghe những lời thì thầm tận đáy lòng của bạn!

Nếu bạn không bằng lòng với bản thân của ngày hôm nay thì đừng mong rằng ngày mai sẽ khác. Hãy thay đổi thái độ, cách nghĩ và cách sống, để sớm nhận được những thay đổi mới trong tương lai.

Bạn trở nên những gì mình nghĩ! Nếu bạn muốn có nhiều hơn những gì bạn nghĩ, bạn đang sở hữu, thì đừng bao giờ tốn thời gian và năng lượng cho những ý nghĩ tiêu cực.

Bạn luôn nhận được những gì bạn gửi. Nếu bạn muốn được giúp đỡ, trước hết hãy là người luôn sẳn sàng giúp người khác. Nếu bạn muốn thành công, hãy giúp hết lòng để mọi người có được những gì họ muốn.

Cuộc đời cũng giống như một bộ phim. Bạn là người viết kịch bản. Bạn là nhân vật chính. Bạn là đạo diễn và là nhà phê bình. Rồi phim cũng chấm dứt. Sống không phải để tồn tại, mà là sống để làm nên giá trị của cuộc đời. Điều quan trọng là làm sao mỗi ngày trôi qua là những giây phút tuyệt vời nhất. Vì bạn chẳng có gì ngoài những khoảnh khắc của hiện tại. (Hoài Bảo)

XII. LỜI HAY Ý ĐẸP

TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

“Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).

“Xin Đức Giêsu Kitô là vị chứng nhân trung thành, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết chổi dậy, là thủ lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình mà rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1, 5).

Từ xa Đức Chúa đã hiện ra với tôi: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3).

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).

924    20-04-2012 14:56:17