Chủ đề: CẦU NGUYỆN CHO CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
I. ĐỌC THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN số 10
Cầu nguyện cho việc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu. Vì khi nhìn thấy đồng lúa chín bao la mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu đã truyền cho cac môn đệ cầu nguyện: "xin chủ ruộng sai thợ gặt đến" (Mt 10, 38). Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đại biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt; có nhiều tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng. Ngoài ra nên có những Thánh lễ đặc biệt, những giờ Chầu Thánh Thể chung và những buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hơn nữa việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo phải được tiếp tục trong gia đình và với bản thân mỗi người, không những bằng lời kinh mà bằng những hy sinh hãm mình hằng ngày.
II. DẪN GIẢI
Trong đoạn nầy, Thư HĐGMVN nhấn mạnh cho chúng ta xác tín: cầu nguyện là quan trọng hàng đầu, vì có ơn Chúa mới có nhiều người được gọi dấn thân nhiệt tình cho cuộc truyền giáo. Và cũng nhờ ơn Chúa, người ta mới đón nhận giáo lý hay đúng hơn đón nhận chính Chúa.
Thấy việc cầu nguyện là quan trọng, thì nên tổ chức thường hơn những buổi Thánh lễ, giờ Chầu, ăn chay, bố thí...cho truyền giáo. Gợi ý sống cho truyền giáo nghĩa là làm và dâng tất cả mọi việc cho truyền giáo! Dường như thường xuyên hoá việc truyền giáo.
Câu sau cùng HĐGM nhắc chúng ta dùng cuộc sống để làm chứng, hay gợi cảm cho người ta tìm mến Chúa: Truyền giáo bằng chính cuộc sống.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cầu nguyện và biết sống cho Truyền giáo.
III. CHUYỆN MINH HOẠ
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG
VÀ CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG
Sáng Chúa nhật 19-10-1997, trước sự hiện diện của gần 100 ngàn tín hữu, trong đó có 23 Hồng Y và hàng chục Gíam Mục các nước, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Nhân trở thàh vị nữ Tiến Sĩ thứ 3 của Giáo Hội và là vị trẻ nhất, chỉ có 24 tuổi, trong số 33 vị Tiến Sĩ của Hội Thánh.
Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC nhận xét Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng không hề cắp sách đến đại học hoặc dự các khóa thần học quy củ nào, và cũng chẳng có bằng cấp. Nhưng sở dĩ Giáo Hội tôn phong Thánh Nữ làm Tiến Sĩ Hội Thánh chính là vì Thánh Nữ đã mở ra một con đường nên thánh đặc biệt cho các tín hữu, con đường thơ ấu thiêng liêng. ĐTC nói: "Khi tuyên bố một vị nào là Tiến Sĩ Giáo Hội, Huấn Quyền củ Hội Thánh muốn giới thiệu với tất cả các tín hữu, đặc biệt là những người thi hành sứ vụ rao giảng trong Giáo Hội hoặc những người thi hành công tác nghiên cứu và giảng dạy thần học, rằng đạo lý được một người tuyên xưng và rao giảng có thể là một điểm tham chiếu, không những vì đạo lý ấy phù hợp với chân lý mạc khải, nhưng còn vì đạo lý ấy mang lại ánh sáng mới cho các mầu nhiệm đức tin, một sự hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô."
IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN
Chúa Giêsu từng dạy ta hằng ngày phải cầu xin cho Nước Cha trên trời trị đến (Mt 6:10 ). Lời đó ngầm chứa trách vụ buộc ta không những phải cầu xin cho Nước Chúa trị đến, mà còn phải dùng mọi phương tiện vừa tầm sức ta, để hoạt động cho mục đích ấy nữa. Tất nhiên hoạt động để Nước Chúa hiển trị trong các tâm hồn là việc cần trước hết. Hoạt động ấy hệ tại việc cầu nguyện, ở cuộc sống thánh thiện nội tâm âm thầm, hơn là ở những việc làm cổ động rầm rộ bên ngoài.
"Lúa chín ầy đồng mà thiếu thợ gặt". Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Đức Giê-su không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gương thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su. Vị thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong bốn bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.
Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: "Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép" để ta biết sống khó nghèo để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình, để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.
Như vậy, cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì chúng ta rao giảng, nhưng chính Chúa thay đổi tâm hồn con người, làm cho người ta tin vào Chúa. Chính vì thế, thái độ trước tiên phải có khi truyền giáo là cầu nguyện. Nhà truyền giáo trước tiên phải là một vị thánh. Vì qua đời sống thánh thiện của mỗi người, chúng ta thông ban Chúa cho người khác. Đó chính là truyền giáo vậy.
1. "Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đại...nhiều tâm hồn thiện chí..." (số 11).
Cần phải có lòng nhiệt thành truyền giáo (x. LBTM số 43). Chính lòng nhiệt thành ấy sẽ thúc giục mỗi người tín hữu cách thế phù hợp để làm chứng về Chúa cho anh em mình.
Chúng ta không thể truyền giáo theo phương thức của Thánh Phanxicô Xaviê, đi khắp Năm Châu Bốn Bể để rao giảng Tin Mừng; nhưng mỗi người trong chúng ta luôn luôn có thể truyền giáo, trong bất cứ hoàn cảnh nào, theo kiểu cách của Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, nghĩa là bằng hy sinh và cầu nguyện hoặc bằng các công việc từ thiện bác ái, bằng việc cầu nguyện và dâng cúng tiền của, tùy khả năng của chúng ta cho các xứ truyền giáo.
Trong sứ điệp ngày truyền giáo thế giới năm nay, ĐTC nhắc lại lời kêu gọi trong Tông thư "Khởi đầu ngàn năm mới" (Novo Millennio ineunte): "Duc in altum": hãy ra khơi, bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào. Việc thúc đẩy tiến về tương lai, được hướng dẫn bởi niềm hy vọng, phải là nền tảng của hành động của toàn Giáo hội trong ngàn năm mới này".
Nhìn lại lịch sử truyền giáo tại Á Châu, chúng ta thấy rằng: ngay từ đầu, các giáo lý viên đã góp công rất lớn lao trong công việc truyền giáo: giảng dạy giáo lý, chuẩn bị các anh chị em tân tòng lãnh các Bí tích. Gương Thầy Giảng Anrê Phú Yên, tử đạo, được phong Chân phước Năm Thánh 2000, cho thấy rõ công việc của các giáo lý viên đem lại nhiều ích lợi cho công việc truyền giáo.
Ngoài ra, còn phải lưu ý đến các Phong trào và Hội đoàn Giáo hội, được duy trì và phát triển nơi các họ đạo. Các Phong trào và Hội đoàn này rất hăng say và nhiệt thành trong công việc tông đồ và truyền giáo. Chúng ta phải công nhận rằng: Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động trong Giáo hội. ĐTC Gioan Phaolô II quả quyết như sau: "Các Phong trào và Hội đoàn này là một yếu tố quan trọng và không thể phủ nhận trong việc thiết lập các Giáo hội mới tại địa phương" (Christifideles laici).
Góp công vào việc truyền giáo, chúng ta còn phải kể đến các gia đình công giáo, trường dạy đức tin đầu tiên cho các thế hệ trẻ và là nơi phát xuất nhiều ơn kêu gọi trong xã hội Châu Á. Dầu vậy, công việc giáo dục về đạo đức, tôn giáo, trong hoàn cảnh thay đổi hiện nay, bị sa sút rất nhiều. Nhiều gia đình không còn giữ thói quen đọc kinh chung, cầu nguyện chung nữa, nhất là tại các thành phố lớn. Gia đình hư hỏng, xã hội cũng không thể lành mạnh được.
Cúng ta còn phài cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân phục vụ Chúa trong đời tận hiến.
Trong sứ diệp ngày Truyền Giáo năm nay, ĐTC viết: "Ai đã gặp được Chúa Kitô rồi, không thể chỉ giữ lại cho mình thôi". Các linh hồn tận hiến, với những lời khấn, có khả năng hiến thân hoàn toàn cho công việc rao giảng Tin Mừng, vì sự lựa chọn của các ngài, vì tính cách sẵn sàng hoàn toàn: "Này con đến", vì tính cách sáng tạo những phương pháp truyền giáo - như lịch sử truyền giáo đã minh chứng - và về lòng quảng đại, nhiệt thành. Biết bao nhà truyền giáo từ đầu Giáo hội đến ngày nay đã hy sinh mạng sống tại các xứ truyền giáo, đề vun trồng và làm cho lớn mạnh Giáo hội tại đây.
2. "Nên có những Thánh lễ đặc biệt, những giờ Chầu Thánh Thể và những buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho việc Truyền giáo" (số 11)
Không có lời cầu nguyện nào có giá trị hơn Thánh lễ Misa, chính vì thế mà Thư Mục Vụ mời gọi có những Thánh lễ đặc biệt dành riêng cho việc Truyền giáo hầu lôi kéo ơn Chúa và nung đúc tâm hồn người tín hữu. Hơn nữa, trong việc cử hành Thánh lễ hàng tuần, ngày Thứ Năm thường dành riêng Kính Chúa Giêsu Linh Mục, cũng là dịp để cầu cho ơn thiên triệu và cho công cuộc truyền giáo.
Việc tổ chức Chầu Chúa mỗi thứ Sáu Đầu Tháng, dịp Chầu Lượt của mỗi Họ Đạo, Chầu Chúa Ngày Truyền Giáo hằng năm, là những dịp thuận tiện giúp người tín hữu ý thức về bổn phận đền tạ Trái Tim Chúa Giêsu vì lòng yêu thương của Người và cầu cho anh em biết đón nhận tình yêu thương ấy.
Khuyến khích việc học hỏi và lần chuổi Mân Côi trong mỗi Họ Đạo là việc tốt đẹp để thánh hoá đời sống và nhờ Mẹ Maria , Nhà Truyền Giáo đầu tiên, khi mang Chúa đến Nhà Bà Isave, làm cho người ta đón nhận Đạo Chúa.
Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trọng tâm của Kinh Mân Côi là Chúa Kitô. Bởi thế, ngài minh định: "Bản chất của việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là việc chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa. Kinh Mân Côi chỉ là một trong những đường lối của người Kitô hữu cầu nguyện là hướng đến Chúa Kitô" (Tông Thư Kinh Mân Côi, Đoạn 18).
Kinh Mân Côi có hai phần rõ rệt: Phần khẩu nguyện, nghĩa là phần đọc kinh Mân Côi, phần tâm nguyện là suy niệm mầu nhiệm Chúa Kitô. Đọc kinh Mân Côi mà không suy về mầu nhiệm thì chẳng khác gì như xác không hồn. Thiếu suy niệm, Kinh Mân Côi chỉ là cái xác không hồn và việc lần hạt sẽ trở thành công thức máy móc. "Họ thờ Ta như dân ngoại, vì tưởng rằng cứ nhiều lời là thanh công" (Mt. 6:7).
Lịch sử Giáo Hội đã minh chứng sự hữu hiệu của việc lần chuỗi Mân Côi trong việc bào vệ Hội Thánh khỏi tai ương, giặc giả, tà thuyết...thì trong việc Truyền Giáo, Kinh Mân Côi cũng tiếp tục là khí cụ hữu hiệu để đưa các linh hồn về với Chúa.
3. "Việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo...không chỉ bằng lời kinh mà còn bằng những hy sinh hãm mình hằng ngày" (số 11).
Việc cầu nguyện đi kèm với ăn chay hãm mình làm cho ta cảm thông với Chúa Giêsu, chia sẻ cuộc khổ nạn của Người và nên đồng hình đồng dạng với Người, nhưng đồng thời cũng một phương thế để truyền giáo nữa.
Tiết giảm và điều độ trong việc ăn uống luôn là phương thế tốt giúp con người hành động thông suốt và khôn ngoan. Bên cạnh đo, Giáo Hội vẫn khuyên chúng ta sống tinh thần khổ chế và hy sinh, không chỉ trong việc ăn uống, và hãm dẹp thân xác, nhưng trong mọi lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực tinh thần, như Tiên Tri Gioel đã căn dặn trong đoạn sác trích đọc ngày Lễ Tro: "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo"(Ge 2,13).
Hơn thế, việc chay tịnh thể xác chỉ trở thành hữu ích cho linh hồn, khi nó là dấu chỉ biểu lộ tâm tình sám hối thực sự, muốn trở về với Thiên Chúa, muốn từ bỏ cuộc sống buông thả để tự ghép mình vào khuôn khổ luật lệ của Thiên Chúa. Bởi vậy, việc chay tịnh ngày nay cần được thể hiện qua việc kìm hãm những đam mê, bỏ bớt đi những nhu cầu không cần thiết trong việc ăn uống, mua sắm, tiêu dùng để giúp đỡ những người nghèo, cảm thông với những nỗi đau của những người tàn tật, bị bỏ rơi đang sống ngoài lề xã hội. Họ là "những gười bé mọn nhất" (Mt 25, 40.45). Đó là những kẻ khốn cùng, những người nghèo, những kẻ đói khát, những kẻ không áo mặc, những bệnh nhân, những anh chị em bị giam tù" (Sứ Điệp Mùa Chay của ĐGH GP II 2004). Thương giúp họ, cảm thông nỗi khổ cực của họ, hãy cho họ những gì ta có thể cho, vì cho họ là cho chính Chúa.
Thương giúp các trẻ nhỏ, các bệnh nhân, những người tàn tật, những người nghèo, những kẻ bé mọn là những việc từ thiện chúng ta phải gia tăng thực hiện trong năm thánh truyền giáo này, vì đó là phươngthế rất bén nhậy có sức lôi kéo không chỉ những người được giúp đỡ, nhưng cả những người chung quanh về với Chúa. Bởi vậy, nó cũng là một phương thế truyền giáo rất đắc lực.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, để nhờ Mẹ, chúng con sống gắn bó với Chúa Giêsu Con Mẹ và qua đời sống tốt đẹp của chúng con, ơn Chúa cũng tràn lan đến anh em, hầu Chúa được đón nhận nơi tâm hồn những người chúng con gặp gỡ. Amen
V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi đọc kinh sáng tối thất thường, và hay lo ra, chia trí.
Tôi chỉ cầu nguyện cho những chu cầu vật chất, mà không nhớ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.
Tôi cầu nguyện với tâm trạng thiếu chân thành, thiếu tin tưởng, thiếu khiêm tốn, thiếu nhẫn nại.
LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Khi đọc sách tiên tri Isaia: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng", Chúa Giêsu ý thức sứ mạng truyền giáo. Khi rao giảng, nhận thấy cánh đồng truyền giáo bao la, Chúa mời gọi các môn đệ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Chúng ta cùng kết hợp với Chúa Giêsu mà cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu phán: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai những thợ gặt đến". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, vừa là chứng nhân loan báo Tin Mừng, vừa sốt sắng cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.
2. Chúa Giêsu phán: "Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này, tôi còn phải đưa chúng về". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, được hiệp nhất trong một Chúa Kitô, một đức tin, một lời cầu nguyện, một đoàn chiên và một chủ chiên.
3. Chúa Giêsu dạy: "khi cầu nguyện hãy thưa: "Lạy Cha, xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, trong kinh nguyện hằng ngày, biết chuyên cần dâng những hy sinh chịu khó, mà xin cho việc truyền giáo đạt nhiều kết quả.
4. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy cầu nguyện luôn, đừng bao giờ chán". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, không ngừng cầu nguyện sáng tối, cho những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần, và nhất là cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.
Kết thúc: Lạy Chúa, Con Một Chúa dạy chúng con cầu nguyện và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Chúng con xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con siêng năng cầu nguyện, và cầu xin những điều hợp với thánh ý Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH
TÊRÊSA THÀNH LISIEUX,
NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN.
Đối với Têrêsa, kinh nghiệm tu đức chị có từ năm 1896, gắn liền với ý thức về sự kiện vô thần. Ngay trong phần vào đề cuốn Tự Thuật của chị, Têrêsa đã cho biết chị ý thức như thế nào "trước và sau" cơn thử thách vào dịp Phục Sinh 1896.
Trước : "Bấy giờ con không thể tin được rằng có những người nghịch đạo không có niềm tin. Con tưởng họ giả đò, nói phản lại ý nghĩ của họ khi họ phủ nhận sự hiện hữu của thiên đàng" (Tự Thuật C.5).
Sau :"Vào những ngày vui mừng nhất của mùa Phục Sinh, Chúa Giêsu cho con cảm nghiệm rằng: quả thực, có những tâm hồn không có đức tin" (Tự Thuật C.5).
Trước, Têrêsa nghĩ rằng thuyết vô thần chỉ là một lập trường quảng cáo, một cớ giả tạo vậy thôi. Về sau, Têrêsa nhận rõ rằng có những người không tin tưởng gì cả. Từ đó, Têrêsa xác tín rằng "chính nhờ Chúa Giêsu mà chị mới có cái nhìn mới về những người không tin tưởng", rằng "chính ân sủng đã mở mắt chị và đã cho chị nhìn thấy có những người không tin". Sau khi cho Têrêsa nhìn thấy thực tại của những người không tin tưởng, lập tức Chúa Giêsu để cho "những bóng tối dầy đặc nhất" xâm chiếm linh hồn chị.
Như thế, Têrêsa không rơi vào đêm tối của đức tin như một người cô đơn, đối diện với Thiên Chúa, và thấy mình là hư vô, nhưng Têrêsa, một nữ tu dòng kín trẻ tuổi, xao xuyến băn khoăn đến cực độ trước tình trạng "không tin tưởng" của người thời đại. Vô cùng xao xuyến nhưng Têrêsa vẫn giữ vững đức tin. Têrêsa ở vào tình trạng lưỡng diện: một mặt chị chia sẻ với những bóng tối "không tin nhận Đức Kitô là Ánh Sáng của muôn dân", mặt khác, Têrêsa tham dự vào ánh sáng Chúa Giêsu trao ban:"Lạy Chúa, Con Chúa đã cho con chia sẻ ánh sáng thần linh của Chúa". Hai câu này tiếp theo nhau và không tách bỏ câu này hay câu khác.
Vừa thoáng nhìn, chúng ta thấy đời sống thần bí của Têrêsa như hoàn toàn mâu thuẩn: Têrêsa luôn tham dự vào ánh sáng của đức tin và đồng thời vào những bóng tối mà những người vô tin tưởng đang trải qua. Nói khác đi, chị ở trong một đau khổ chưa từng nếm thử và trong một niềm hoan lạc lớn lao chưa từng có. Têrêsa nói:"Cho dù thử thách này cướp hết niềm hoan lạc của con, con vẫn có thể kêu lên rằng:"Lạy Chúa, Chúa đổ tràn xuống cho con niềm hoan lạc qua mọi điều Chúa làm cho con" (Tv 16) (Tự Thuật C.7).
Nhưng cần thấy rõ lý do của niềm vui này. Têrêsa nghĩ rằng nếu Chúa Giêsu cho chị nhìn thấy cái thực tại của sự bất tín, chính là để chị sống cái trạng huống tối tăm này vì phần rỗi của những người không tin. Và kể từ đó, chị có thêm một niềm vui mới mà cho đến bấy giờ chị chưa hề nếm. Niềm vui mới là "hy sinh không sống niềm vui đức tin" để cho những người không tin, là những người không hề biết đến niềm vui đức tin, sau cùng cũng đạt tới niềm vui đức tin. Têrêsa thổ lộ:"Con nói với Chúa rằng con sung sướng không thưởng thức bầu trời xinh đẹp trên trần thế, để Chúa mở bầu trời đó đến muôn đời cho những người bất tín đáng thương" (Tự Thuật C.7).
Có thể nói Thiên Chúa dẫn Têrêsa vào đêm tối, đã cho chị nhìn thấy rõ ràng một thực tế:"có những người không tin". Và lập tức Têrêsa đã coi đêm tối ấy như một sự chia sẻ vừa vào đời sống của Chúa Giêsu, vừa vào đời sống của những người bất tín. Vì vậy, thật không có gì ngỡ ngàng khi minh xác rằng: Têrêsa dã dấn thân làm bạn đường với những người không tin, "bạn đồng hành", bạn chí thiết", nghĩa là những người chia nhau một tấm bánh; Têrêsa muốn ngồi ăn cùng bàn với họ. Ngay khi chị biết đến sự hiện hữu của những người không tin, Têrêsa nhìn họ, không phải từ trên cao nhìn xuống như phần lớn các nữ tu muốn hiến mình làm lễ vật đền tội cho các tội nhân, và như vậy, họ trở thành hiền mẫu sinh ra những người ấy trong đời sống đức tin. Têrêsa thì khác. Chị nhìn những người bất tín như những anh em của chị, và chị ao ước đồng bàn với họ:"Lạy Chúa, Con Chúa đã ban cho con ánh sáng thần linh, con xin Chúa ban ơn tha thứ cho anh em con, con chấp nhận đồng bàn với họ, cùng ăn tấm bánh đau khổ với họ, bao lâu Chúa muốn" (Tự Thuật C.8). Chị sẳn sàng ở lại đó như người cuối cùng, cho đến lúc "mọi người chưa hề được bó đuốc rực sáng của đức tin soi dẫn, sẽ cùng nhìn thấy bó đuốc ấy sáng tỏa ra". Chị còn bảo:"Con rất muốn cùng ngồi ăn tấm bánh thử thách, cho đến khi nào Chúa hài lòng dẫn con vào trong vương quốc đầy ánh sáng".
Cách chia sẻ tấm bánh bất tin này là cách bẻ bánh với Chúa Giêsu, hay cách chia nhau tấm bánh ở bàn tiệc Thánh Thể. Bởi lẽ, như Têrêsa xác tín, chính Chúa Giêsu đã dẫn Têrêsa đến bàn tiệc bất tín này. Chính ở bàn ăn này, mỗi lúc Têrêsa một vững bước trong đức tin và đức cậy. Vào tháng 6 năm 1897, Têrêsa đã nói về thử thách này như sau:"Bây giờ con không còn thích thú ước vọng về thiên đàng nữa" (Tự Thuật C.8). Và cũng chính ở bàn ăn của những người bất tín này, Têrêsa biết niềm vui trọn hảo. Giống như câu chuyện trong tập Floretti của thánh Phanxicô Assisi: Người nghèo bé nhỏ, đói rét vì bảo tuyết, đã hưởng niềm vui trọn hảo khi vừa tới cửa nhà dòng, lại không được người gác cổng nhìn nhận, và bị anh em tống cổ ra ngoài. Đối với Têrêsa, niềm vui tuyệt hảo là thấy mình sống giữa những người không tin, và ngồi ăn cùng bàn với họ, rồi xao xuyến trườc những vấn đề họ thắc mắc nêu lên mà vẫn giữ vững đức tin. Têrêsa sánh mình với "con chim nhỏ" (Tự Thuật C. 7) "bị giông tố tấn công"; "Têrêsa đinh ninh rằng bên kia mây mù bao quanh, còn có cái gì hiện hữu nữa. Chính đó là lúc con người bé nhỏ và yếu hèn tràn đầy niềm vui tuyệt hảo. Hạnh phúc thay cho người ở lại đó, nhìn thẳng vào ánh sáng vô hình làm rạng rỡ đức tin" (Tự thuật B. 5). (trích trong TÊRÊSA, vị thánh lớn nhất của thời đại mới, trang 165 - 168)
VII. SUY NIỆM THÁNG MÔI KHÔI
TÂM TÌNH VỚI MẸ
Lạy Mẹ Maria, đời người ai cũng có lúc đẫm một chút mưa rồi lại một chút nắng - tất cả còn nguyên vẹn trong con như nỗi nhớ niềm thương...
Con có thói quen đọc kinh Truyền Tin ngay sau khi dâng ngày sáng. Buổi sáng hôm nay cũng thế. Con tung chăn ngồi bật dậy dâng ngày sống cho Chúa và đọc kinh Truyền Tin. Ngoài sân những hạt mưa bụi tháng 10 lất phất bay. Mây đen chắc nhiều lắm, đã năm giờ, trời vẫn còn tối mịt. Mưa bụi trở nên nặng hạt rồi lớn dần. Gần một giờ đồng hồ sau, hạt mưa lại nhẹ nhàng, mong manh...
Cuộc sống của một ngày mới lại bắt đầu. Ngoài kia, chị bán hàng đã bày hàng ở chợ. Những em bé và những người bán dạo vẫn cất lên trong trẻo hoặc khàn đục tiếng rao. Cô công nhân và bác nông dân đã vội vã ra khỏi nhà Và con cảm nhận, vầng tráng họ có lẽ bây giờ đã lấm tấm những giọt nước trong, chắc hẳn không phải giọt nước mưa vô tình để lại...!
Lạy Mẹ dấu ái, mưa đó rồi lại nắng. Chín giờ rưởi ngọn nắng đã lên cao như bù lại buổi bình minh không có. Và dù nắng hay mưa, cuộc sống vẫn tấp nập, vẫn ồn ào. Nó vẫn mang trong mình bao nhiêu nhịp thở của nhân loại, có khi hạnh phúc, có khi buồn thương.
Lạy Mẹ Maria, cuộc đời dẫu có mưa, có nắng - tất cả dệt trong con thành nỗi nhớ niềm thương dâng tiến Mẹ.
Nhưng con hiểu mưa nắng không chỉ là hiện tượng của thời tiết đổi thay, mà mưa nắng vẫn rơi trong lòng của cả một kiếp làm người nữa.
Kiếp sống con người có vui, có khổ, có khóc, có cười. Là Mẹ Thiên Chúa, định luật cuộc đời, Mẹ cũng không thoát khỏi. Đọc lại những trang Tin mừng, con cảm nhận sâu xa về niềm đau và nỗi vui của Mẹ. Vừa được báo tin Mẹ sẽ làm mẹ Thiên Chúa, thì sau đó lại bị thánh Giuse hiểu lầm bởi bào thai đang lớn dần. Vui chưa trọn với ngày Con Chúa sinh ra, đã phải khăn gói lên đường di tản vì bạo vương Hêrôđê tìm giết. Khi người con ấy lên mười hai tuổi, có lần lại phải tìm con thất lạc. Và hơn hết mọi đau khổ, biến cố Canvariô đã làm Mẹ tan nát cõi lòng. Nhưng niềm đau lớn thì nỗi vui cũng lớn. Chắc Mẹ đã vui nhiều trong niề tin vào Con của Mẹ phục sinh. Là Mẹ Thiên Chúa, để đạt tới đỉnh vinh quang, Chúa cũng không để Mẹ đứng ngoài đau khổ. Con hiểu mầu nhiệm cuộc đời là như thế: Có nỗi vui và nỗi buồn làm tăng giá trị.
Mẹ đã xin vâng để rồi tiếp sau đó là cả một đời chấp nhận, không ồn ào, không than vãn. Niềm vui hay nỗi buồn Mẹ đều ghi sâu và suy niệm. Mẹ đẹp lòng Chúa không vì những thành đạt vĩ đại, mà chỉ đơn giản là xin vâng với tất cả con người bé mọn của kiếp làm người mà Mẹ được Chúa ban. Mẹ không xem thường nhữn biến cố rơi vào giữa đời người, nhưng Mẹ cũng không quan trọng hóa chúng. Mẹ đón nhận cách tự nhiên bằng lòng tin vào sự quan phòng của Chúa. Mẹ đã nội tâm hóa tất cả, đã suy niệm trong lòng tất cả, và Mẹ đã đọc trong mỗi biến cố sự nhiệm mầu mà Chúa muốn tỏ bày nơi Mẹ. Mẹ vĩ đại không nhờ vào sự vĩ đại, lớn lao nơi những công trình trần thế. Nhưng Mẹ vĩ đại chỉ có một điều duy nhất: lắng nghe tiếng lòng. Ở đó, trong im lặng, nơi hoang vu của sa mạc đời mình, Mẹ đã nhận ra ý Chúa. Tiếng nói tự cõi lòng không cất lên chỉ trong một thời, một buổi, mà âm vang cả cuộc đời của Mẹ, vì Mẹ đã giữ kỹ các điều ấy trong lòng, và mỗi ngày tiếng ấy càng thôi thúc Mẹ khẳng định rõ lời xin vâng bằng chính đời sống của Mẹ.
Vâng! Mẹ là như thế: Tất cả vì tình yêu Thiên Chúa. Hôm nay trong đời sống hiện tại, có khi mưa có khi nắng, mỗi chúng con, dù sống ơn gọi tu trì hoặc sống ơn gọi giữa đời, đều có những ưu tư, khắc khoải trong mỗi trách nhiệm khác nhau của mình. Chúng con biết rằng khi cố gắng chu toàn trách vụ là chúng con cố tạo hạnh phúc cho đời mình. Vì niềm vui không đến tự nhiên nhưng nó phải đến sau vất vả phải không Mẹ. Mưa nắng cuộc đời Mẹ đã đi qua, Mẹ đã cảm nếm, và Mẹ nêu gương cho chúng con khi biết vâng lời chịu đựng. Ngày mỗi ngày dẫu có những lo toan, vất vả, những giọt mưa hay những sợi nắng đan chéo trong đời, chúng con sẽ ấm lòng khi ngước trông lên Mẹ, và học lấy gương của Mẹ.
Thưa Mẹ con muốn lắng nghe tiếng nói của lòng mình. Tiếng nói mà ngoài Chúa ra, chỉ có con là người thứ hai được hiểu. Mưa hay nắng của cuộc đời sẽ làm tiếng nói ấy có giá trị hơn. Vì nếu nhịp sống cứ bình lặng mỗi ngày như nhau có lẽ sẽ buồn chán lắm và con cũng chẳng đọc được giá trị đời mình. Tiếng nói đó sẽ giúp con hiểu ý nghĩa của từng cơn mưa, đợt nắng rơi vào hồn con. Con sẽ được biết và càng biết nhiều hơn nếu mưa trở thành vũ bão, và nắng trở thành nóng rát quay cuồng trong con. Chỉ có quay về với lòng mình, con mới có đủ sức đón nhận. Chúa sẽ nói cho con và nói nhiều lắm khi con biết xua đi những ồn ào của cõi lòng con. Chúa an ủi con. Ngài âu yếm nhìn con và hướng về Mẹ mà bảo: Này là con Bà. Chúa sẽ giải thích cho con hiểu về thánh ý của Ngài: Ai muốn theo Ta hãy vác thập giá mà theo Ta. Trên quảng đường đầy mưa, đầy nắng đó, có Chúa cùng con song hành. Ngài không đánh con đau khi con sai trái, nhưng Ngài nâng con dậy mỗi khi con quỵ ngã. Ngài luôn ở bên con vì Ngài đã hứa rất nhiều lần: Ta sẽ ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế!. Mẹ ơi, con nhớ ngày xưa thiên thần cũng đã từng nói với mẹ: Chúa Trời ở cùng Bà. Vâng Giống như Mẹ, mỗi người chúng con hôm nay đang mang Chúa trong cuộc đời mình. Nhận ra mình đang mang Chúa - một Giêsu đi qua thập giá để đến vinh quang mới là điều hệ trọng. Mẹ ơi, con hiểu ý nghĩa cuộc đời là khi con chấp nhận ý Chúa dù thương đau hay hạnh phúc.
Lạy Mẹ Maria, đời người ai lại không có lúc đẫm một chút mưa rồi một chút nắng - tất cả còn nguyên vẹn trong con như nỗi nhớ niềm thương. Xin dâng lên Mẹ tất cả. Xin bàu cử cho chúng con trước mặt người Con yêu dấu của Mẹ. Amen.
VIII. MỘT VÀI SUY NGHĨ
TU THIỆT
Có người tu thiệt trăm phần,
Thiệt tình, thiệt ý từ chân lên đầu.
Dù cho vất vả đến đâu,
Dù cho cực khổ thế nào cũng tu.
Đông,Hè cho tới Xuân,Thu,
Quanh năm ngày tháng bốn mùa tu luôn.
Vì tu hiến trọn xác hồn,
Vì tu chấp nhận nghìn lần bảo ban.
Vì tu từ bỏ giàu sang,
Học gương Đức Mẹ xin vâng khiêm nhường.
Khiêm nhường được chín phần đường,
Khiêm nhường tiến bước vững vàng không sai.
Nghe lời trên dưới dạy bày,
Tuân theo kỷ luật là thầy khôn ngoan.
Đêm ngày suy gẫm Phúc Âm,
Cầu xin để Chúa Thánh Thần dẫn đi,
Thánh Thần dạy phải nói chi,
Thánh Thần cho biết làm gì ở đâu...
TU GIẢ
Có người mặc áo cà sa,
Áo Dòng này nọ, nhưng mà không... tu !
Cười cười nói nói búa xua,
Uống ăn, nhậu nhẹt không ra kiểu gì.
Bên ngoài có vẻ nhu mì,
Bên trong chất chứa cả bì dao găm.
Tính tình nóng nảy hung hăng,
Ba hoa khoác lác, kiêu căng khinh người....
Lối tu này thật ngược đời,
Để bao tai tiếng cho thời cháu con...
TU CHƠI
Có người chỉ muốn tu chơi,
Ở đây ở đó mấy ngày mấy hôm.
Không lo chi đến phần hồn,
Chỉ lo ngày tháng vui buồn thoáng qua.
Tu chơi không mấy thiết tha,
Nhiệt tâm chẳng có, thiệt thà cũng không.
Tu chơi không thể thành công,
Ai tu như vậy Chúa không bằng lòng.
Tu chơi thiệt hại vô cùng,
Mẹ cha thất vọng, họ hàng tiếc thương.
Tu chơi không hiểu rõ đường,
Đường lên thánh thiện, thiêng liêng tuyệt vời.
Đời tu vất vả một thời,
Âm thầm chịu khó được lời gấp trăm...
Lm. Cao Vĩnh Sang
Nhà Hưu dưỡng Chí Hoà