Nguồn: Báo Người Lao Động, số 4892 Ngày mới cưới nhau, mỗi lần nhắc tới em, má hay nói: “Cái con vợ mày…”. Mấy dấu chấm lửng phía sau thường đi kèm với những lời phiền trách. Khi thì “đàn bà con gái gì mà đi đứng như dông, như gió”, khi lại là “có cái miệng sao không nói mà chỉ cười trừ khi người ta nói không đúng về mình?”…Khi má nói vậy, em chỉ cười chứ không giải thích hay chống chế. Năm tháng trôi qua. Em vẫn đi đứng “như dông, như gió”, vẫn nói ít, cười nhiều; vẫn thích mua sắm “vung tay” nhưng phần nhiều là cho người thân chứ không phải cho mình; vẫn ân cần bóp chân tay, nhổ tóc sâu cho má mỗi khi rảnh rỗi… Được một thời gian thì ba má cho chúng mình ra riêng. Những khi bận bịu, em không về được, anh đi một mình thì lại nghe má nói: “Cái con vợ mày…”. Ra là má nhớ em, má thấy thiếu vắng cái dáng lăng xăng cơm nước, dọn dẹp; má thèm được nghe tiếng em cười giòn tan quên cả ý tứ…Em biết vậy nên rảnh lúc nào thì lại chạy về với má. Nhìn cảnh mẹ chồng, con dâu quấn quít, nhiều khi anh quên mất rằng mình mới là ruột thịt của má… Rồi má trở bệnh. Hôm đó, em lại đi công tác xa. Má gọi các con về. Má căn dặn từng đứa như thể bầy con của má mới lên măn, lên mười. Đến lượt anh, má nắm tay anh thật chặt: “Con bảo con Thư giữ gìn sức khoẻ. Má thấy nó chỉ biết lo cho người khác…Mà con cũng không được ăn hiếp nó…”. Lần đầu tiên khi nhắc tới em, anh không nghe má nói câu quen thuộc “cái con vợ mày”. Tối đó, má đi. Giờ anh mới thấm thía những yêu thương chất chứa trong câu nói tưởng chừng quê mùa, cục mịch ấy. Riêng em thì ngay từ đầu, em đã hiểu, phải không? YÊN PHONG