Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi_3

MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG
Ga 3, 16-18

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao cả, cũng là một mầu nhiệm thách đố trí tuệ loài người. Chúng ta biết rằng mầu nhiệm là một điều con người không thể đạt thấu bằng trí tuệ, nhưng lại có thể cảm nghiệm bằng đức tin, bằng lòng mến, bằng sự hiệp thông chân thành yêu mến với Thiên Chúa, nhất là khi Chúa muốn ban cho ta hồng ân đó. Xin được chia sẻ một vài suy niệm hết sức thô thiển, nhân ngày đại lễ hôm nay. Kính mời cùng suy niệm….

    a/. Câu hỏi ta sẽ nêu trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi là gì? Thưa đó chính là một mầu nhiệm; vì thế qua bao thế kỷ, đây vẫn còn là một câu hỏi thách thức trí tuệ con người; và cho đến ngày tận thế cũng vẫn luôn là một dấu hỏi lớn. Dù vậy con người biết chắc rằng mình đang sống trong mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai hiểu rõ được dòng đời? Ai cũng cảm nghe được điệu nhạc, nhưng không thể lấy ra cho người ta xem được. Con cá đang sống trong nước, nếu bắt nó ra khỏi nước, nó sẽ chết. Tách biệt con người khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Mỗi nốt nhạc khi đánh lên riêng rẻ, chỉ là một âm thanh trơ trọi,  không thành bài ca. Một ca khúc sống động chính là một sự kết hợp các nốt nhạc trôi chảy, nhịp nhàng. Mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là một vấn đề để con người nghiên cứu, cân đo bằng trí tuệ giới hạn. Nếu ta chỉ học về Thiên Chúa để làm giàu thêm kiến thức, thì Thiên Chúa vẫn luôn là một vị thần xa lạ. Nếu niềm tin của ta chỉ dựa vào những công thức máy móc, những cách cầu nguyện vô hồn, Thiên Chúa vẫn luôn xa lạ với con người chúng ta. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là lời mời gọi hiệp thông trong tình yêu, là tham dự vào sức sống thần linh của Thiên Chúa. Hiểu được điều này, có làm cho chúng ta kinh ngạc không?

    b/. Ba Ngôi Thiên Chúa có phải là một mầu nhiệm tình yêu, và luôn muốn đồng hành với con người không? Thưa phải. Ngay từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa luôn yêu thương, vẫn ở bên họ, luôn muốn đồng hành với họ. Kinh thánh thuật lại: chiều chiều Thiên Chúa đi dạo trong vườn và đàm đạo với Adam, Evà. Thiên Chúa cũng ban cho con người quyền làm chủ cá biển chim trời, vì Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc như Chúa….Khi Môisen dẫn dân Do Thái ra khỏi đất Ai cập, Thiên Chúa vẫn luôn ở với họ: ban ngày là cột mây, ban đêm là cột lữa trên đầu họ…Sau đó, bao nhiêu lần dân chúng phản bội, bị phạt; rồi họ ăn năn chạy tới cầu khẩn Môisen, cầu khẩn Chúa, Chúa vẫn luôn tỏ ra dung mạo Người là Đấng đầy lòng yêu thương, luôn đồng hành với họ…Dù vậy, những bí ẩn muôn đời của Thiên Chúa chỉ được bày tỏ trọn vẹn qua Con Người và cuộc đời của Đức Kitô làm người. Với Đức Kitô, Ba Ngôi Thiên Chúa được gọi là Tình Yêu, Đấng luôn yêu thương và muốn đồng hành với con người. Với Đức Kitô, mầu nhiệm sâu thẳm về Ba Ngôi không còn là bức tường thành kiên cố, bất khả xâm phạm, nhưng lại là nhịp cầu nối liền trời với đất. Mấu nhiệm Ba Ngôi khi xưa là Thiên Chúa vô hình, nay trở nên bằng xương bằng thịt, nay trở nên là Đấng Cứu thế đầy lòng yêu thương, luôn cảm thông và đồng hành với con người, sẵn sàng cùng vui với tiệc cưới Cana, cảm thấy đau xót trước bệnh tật, trước nạn ma quỉ ám ảnh của dân chúng, và cũng khóc thương với Ladarô bạn thân, vì anh này đã chết. Với Đức Kitô, Thiên Chúa đó sẵn sàng cảm thông ngay cả tội lỗi, yếu đuối của con người, đã dang rộng cánh tay trên thánh giá để mở rộng cửa trời, ôm ấp cả nhân loại về cho Thiên Chúa . 

    c/. Mầu nhiệm của Ba Ngôi có phải còn là lời mời gọi hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người? Có phải cũng là lời mời gọi con người sống bằng sức sống của Thiên Chúa sáng tạo và đổi mới không? Thưa phải. Đức Kitô đã nói: “Thầy là cây nho, chúng con là cành, là nhánh..” Người Kitô hữu khi được tham dự vào sự hiệp thông, vào sức sống của Thiên Chúa, họ phải sẵn sàng bỏ qua tính ganh tị, tính loại trừ, chia rẻ nhau để xây dựng tình huynh đệ trong Thiên Chúa, y như hình ảnh nhánh nho, muốn được tháp chặt vào Thân Nho, nó phải loại bỏ nhựa của chính mình, để chỉ hút nhựa từ Thân Nho mà thôi. Ngược lại, nhánh nào không hút nhựa từ Thân Nho, nó phải khô héo và phải chết…

    Người đời có nói:  “đừng phàn nàn cà phê đắng, có thể tại vì đường của bạn chưa đủ ngọt”. Nếu đường chúng ta đã đủ ngọt và cà phê không còn đắng nữa, đó là lúc ta khám phá ra dung mạo rạng ngời của Ba Ngôi Thiên Chúa , cũng là lúc Thiên Chúa ban cho ta được tham dự vào sự hiệp thông thần thánh, đầy yêu thương, cũng là lúc ta sống bằng chính sức sống của Thiên Chúa Ba Ngôi sáng tạo và đổi mới trong một nền văn minh tình thương.

    d/. Gợi ý sống và chia sẻ: nhân ngày mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, ta có nhận ra rằng: lời mời gọi sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, thúc bách chúng ta mở rộng tâm hồn mình ra với thế giới và với mọi người chung quanh, để cố gắng xây dựng xã hội, gia đình chúng ta hôm nay, thành nền Văn minh Tình thương như ý Ba Ngôi mong muốn không?

BA NGÔI GIÁO DỤC BẰNG TÌNH YÊU
Ga. 3, 16- 18 

Chúng ta đang sống trong giai đoạn hai của mùa Thường niên năm Phụng vụ 2008. Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo. Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm đặc trưng của đạo chúng ta. Dù rằng với mầu nhiệm này, trí khôn giới hạn của con người chúng ta sẽ khó mà hiểu thấu. Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy với tất cả lòng tin.

Nhưng phải nhìn nhận rằng: càng chiêm ngắm chúng ta càng cảm nhận được nhiều sự ngọt ngào thiêng liêng. Đặc biệt, chúng ta học được nhiều bài học bổ ích nơi mầu nhiệm cao cả này. Trong khung cảnh năm giáo dục và dưới ánh sáng của đoạn Tin mừng hôm nay chúng ta cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ khi tổ tông chúng ta đi lầm đường lạc lối thì Thiên Chúa vẫn không nản lòng. Người dư khả năng để dựng nên một giống người khác ngoan ngoãn và biết vâng lời hơn. Hay là Thiên Chúa không tiếp tục ban cho họ quyền tự do nữa. Nhất nhất con người phải vâng phục Người. Thế nhưng, Thiên Chúa không làm thế. Thiên Chúa dùng mọi cách để cứu con người. Cuối cùng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 16)

Chúa Giêsu xuống thế làm người theo thánh ý Chúa Cha. Mọi việc Người làm và mọi lời Người nói đều do Chúa Thánh Thần tác động. Do đó, chúng ta thấy Thiên Chúa tuy Ba Ngôi nhưng cùng một bản tính và cùng một ý hướng. Ý hướng ấy là dùng tình yêu để giáo dục con người. Bởi thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi đã giáo dục và cảm hoá con người chúng ta bằng chính tình yêu của Người. Tình yêu ấy được thể hiện nơi Chúa Giêsu “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 13, 9b). Chính Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng để chúng ta nhận ra điều ấy. Nhờ tình yêu đó mà bao nhiêu người lầm lỡ được trở lại đường ngay nẻo chính.

Là tín hữu Công giáo, chúng ta hãy hãnh diện vì luôn được được chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa giáo dục để trở thành người tốt, được hướng tới sự sống vĩnh cửu. Đồng thời, chúng ta cũng hãy noi gương Chúa mà dùng tình yêu mà giáo dục lẫn nhau.

MỘT THIÊN CHÚA CỦA TÌNH YÊU
Ga 3,16-18

Ngày nọ, có hai người đàn ông trí thức đi dạo trên bãi biển. Họ vừa đi vừa thảo luận với nhau về mầu nhiệm Thiên Chúa. Tuy nhiên, cuộc thảo luận của họ vẫn không có gì tiến triển. Thình lình, họ thấy một trẻ nhỏ đang chơi trên bờ biển. Nó đào một cái lỗ trên cát và chạy xuống biển lấy cái thùng đồ chơi trẻ em, lấy nước biển, chạy lên đổ vào cái lỗ nó đã đào.

Hai nhà trí thức thấy nó chạy lên chạy xuống nhiều lần lấy nước biển và đổ vào cái lỗ. Họ thấy cảnh buồn cười. Bèn đến gần thằng bé để hỏi xem nó tại sao nó lại làm chuyện ngốc nghếch như vậy. Họ hoàn toàn ngạc nhiên khi nghe nó nói, nó muốn tát cạn đại dương với cái lỗ nó đào trên cát.

Hai người đàn ông trí thức mỉm cười, bỏ đi và tiếp tục thảo luận về mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau một lúc, một trong hai người dừng lại và nói với người kia: "anh có biết không, việc làm của chúng ta thật đáng buồn cười như chuyện thằngbé nói, nó muốn tát cạn đại dương vào một cái lỗ trên cát vậy đó". Chuyện chúng ta đang thảo luận về Thiên Chúa cũng giống như thế. Chúng ta thật không thể hiểu hết được mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng như đứa bé không thể dồn hết nước của đại dương vào một cái lỗ. Trí khôn của chúng ta quá nhỏ như cái lổ trên cát, còn Thiên Chúa như là đại dương mêng mông, làm sao có thể đặt vào được.

Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta rằng: Thật khó có thể hiểu hết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là mầu nhiệm. Nhưng mầu nhiệm ấy không phải là cái gì không thể hoàn toàn không thể hiểu được gì hết. Mầu nhiệm Thiên Chúa là một cái gì đó chứa đầy ý nghĩa, cho dù cố gắng đến đâu, con người cũng không thể hiểu thấu đến ngọn nguồn. Tuy nhiên, câu chuyện trên không nhằm bào chữa cho sự lười biếng hoặc cho sự nông cạn của chúng ta không cố gắng để hiểu một chút gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa.

Cũng như chúng ta hoàn toàn có thể biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng lý trí của mình. Ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, một người có thể biết được mọi vật không phải tự nó mà có, vì chỉ có một mình Chúa mới là Đấng tự hữu .

Nhưng chúng ta sẽ biết rất ít về Thiên Chúa nếu như chúng ta không được Ngài mạc khải. Đặc biệt qua Thánh Kinh, chúng ta có thể biết về Thiên Chúa cách rõ ràng nhất. Và cũng từ Thánh Kinh, chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

Và cũng nhờ Thánh Kinh, chúng ta học biết được Thiên Chúa là Đấng như thế nào. Như qua bài đọc I, chúng ta biết được Thiên Chúa là Đấng quảng đại, hay thương xót, chậm giận và giàu lòng tình thương và trung tín. Còn Tin Mừng thì nói cho chúng ta biết: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đền nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".

Tất cả các bài Thánh Kinh hôm nay đều có chung một sứ điệp: "Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu". Đây là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể biết được về Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành nhưng vì Ngài tốt lành. Sự hiên diện của chúng ta trong cuộc đời này là một dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa. Và điều mà chúng ta gọi làTin Mừng chính là tình yêu không điều kiện mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Và điều chúng ta có thể đáp trả với Ngài chính là biết đặt niềm tin vào Ngài và yêu thương anh em. Do đó, những gì mà thánh Phaolô đã nhắn nhủ với Tín hữu thành Côrintô cũng vẫn còn ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay: "Hãy giúp đỡ nhau, hiệp nhất với nhau, hãy sống trong bình an. Vì như thế, tình yêu và sự bình an của Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng bạn".

BA NGÔI THIÊN CHÚA, MỘT CÔNG ĐOÀN HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG        
Ga 3, 16-18

Người ta kể rằng: Thánh Augustin, một hôm đi bách bộ dọc bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng nhiên Thánh nhân gặp một em nhỏ lấy vỏ sò múc nước đổ vào một cái lỗ. Đang còn ngạc nhiên về công việc luống công vô ích này, em bé đã trả lời: việc em múc hết nước biển đổ vào lỗ nhỏ, còn dễ hơn điều mà Thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Rồi em bé biến đi.

Nhớ lại lớp giáo lý xa xưa, ở đó, Chúa Ba Ngôi được ví như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau. Hay chúng ta cũng được nghe so sánh Chúa Ba Ngôi với nước ở ba thể: khí, lỏng và rắn… Tuy nhiên, tất cả những lối so sánh ấy dường như quá khô khan, vì không phản ánh một cách trung thực và sống động hình ảnh thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cách đây vài năm, vào ngày cuối của khoá học về Chúa Ba Ngôi, cha giáo sư hỏi chúng tôi:

- Bây giờ các anh chị đã hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chưa?

Gần như cả lớp đồng thanh:

- Thưa cha hiểu.

Cha bật cười:

- Vậy thì các anh chị giỏi hơn tôi rồi!

Dĩ nhiên, con người giới hạn của chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm quá siêu vượt này, nhưng để sống, lại là điều hoàn toàn có thể. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi nếu nhìn Ba Ngôi dưới khía cạnh tình yêu. Vâng, Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tình yêu ấy đã không giữ lại cho mình, nhưng đổ tràn vào trần gian. Một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài; là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con chí thánh; là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần. Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi: Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha-Con là Thánh Thần. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao, không phải chỉ là trao quà tặng hay cái gì đó ở bên ngoài mình, nhưng là trao đi điều quý nhất: "Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi tặng ban cả Con Một…"

Thiết nghĩ không có hình ảnh nào diễn tả đẹp hơn mầu nhiệm Ba Ngôi cho bằng hình ảnh một gia đình: vợ chồng yêu thương nhau và con cái là kết tinh của tình yêu." Mình với ta tuy hai mà một… Ta thương nhau quá nên hai hóa ra thành một". Dù là hai, bốn, mười hoặc nhiều hơn đi nữa, nhưng gia đình, cộng đoàn chúng ta sẽ thực sự phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương, một niềm vui để chia sẻ, một nỗi buồn để cảm thông nâng đỡ, một khát vọng nên thánh… Tiếc rằng ngày nay, nhiều gia đình, cộng đoàn đã không còn là tổ ấm, nhưng biến thành nhà trọ: khách đến rồi khách lại đi, chẳng cần biết những người thân yêu của mình đang nghĩ gì, làm gì, cần gì và sống như thế nào! Đời sống gia đình nặng nề, khó thở và tẻ nhạt, bởi vì nơi ấy đã không còn tình yêu nữa.

Chợt nhớ lại câu chuyện khá ngộ nghĩnh xảy ra tại một cộng đoàn các sư huynh ở Việt Nam. Cộng đoàn gồm ba vị, người Việt mình thường quen gọi là các "phe"(Frère). Lần kia, một nhân viên của sở bưu điện đem thư đến, vừa giao thư vừa lẩm bẩm: "Nhà có ba người thì ba phe, sống chó gì được!" (chỉ là vì trên bì thư, người gởi viết: Kính gởi phe M., phe H., phe B.). Thật là một sự hiểu lầm tai hại!

Chúng ta sẽ mãi còn xa lạ với mầu nhiệm Ba Ngôi, nếu chung ta còn xa lạ với tình yêu được bắt đầu ngay trong gia đình, cộng đoàn. Gia đình, cộng đoàn chúng ta hãy trở thành một bản nhạc du dương hòa điệu, trong đó mỗi người là một nốt nhạc đã được Thiên Chúa đặt để. Xin đừng tự ý thăng giáng, cũng đừng thay đổi vị trí, vai trò của mình. Hãy sống đúng bổn phận Chúa trao, và như thế, mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn và quy hướng về tình yêu, tình yêu của mầu nhiệm Ba Ngôi mà mỗi ngày chúng ta lặp lại nhiều lần khi làm dấu thánh giá: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Sr Têrêsa

DẤU THÁNH GIÁ
Ga 3,16-18

“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Te-tu-li-a-nô, đã viết : “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phao-lô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự : “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.

Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu Thánh giábên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy : “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. 

Trước hết, chúng ta phải nói ngay : Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ đại nhất của đạo Công giáo : một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệmvề đời sống thấm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha.

Đại khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau : Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩ, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba : Chúa Thánh Thần.

Khó hiểu quá phải không ? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các công đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, công đồng Côn-tăng-ti-nốp năm 381, công đồng La-trăng IV năm 1215, công đồng Li-ông II năm 1274, công đồng Fơ-lo-ren năm 1439. 

Mầu nhiệm Ba ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt : từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính. 

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

 LỄ CHÚA BA NGÔI - NGÀY LỄ TÌNH YÊU 
Ga 3, 16-18

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi luôn là chân lý vượt quá sự hiểu biết của con người. Câu chuyện của thánh Augustine với cậu bé bên bờ biển năm nào khiến không ít người trong chúng ta nghĩ rằng tín điều này sao mà khô khan khó hiểu, quanh đi quẫn lại cũng chỉ “Một - Ba”, “Ba- Một”. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy. Tin mừng hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm về một Thiên Chúa không quá khô khan, không quá khó hiểu và rắc rối như chúng ta vẫn nghĩ.

Thánh sử Gioan trong tác phẩm của mình có nhắc đến một khái niệm về Thiên Chúa khi ngài định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1, Ga 4, 8). Đây là một khái niệm rất rõ ràng và được cụ thể hoá trong câu đầu tiên của Tin mừng hôm nay, diễn tả Thiên Chúa tình yêu trong việc sai Con của Người xuống thế gian, làm của lễ dâng hiến hầu đem lại sự sống cho con người. “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. 1Ga 4, 9).

Chúng ta thấy tình yêu có sức mạnh phi thường mà hiệu quả của nó chính là việc làm cho con người khỏi phải chết và sống đời đời nếu họ tin vào Đấng là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương thế gian không bằng những lời nói suông, nhưng bằng hành động cụ thể. Vì yêu thương con người, muốn cho họ được hưởng tình yêu cứu độ, Chúa Cha đã không tiếc ngay cả người Con Một dấu yêu của mình. Tình yêu của Chúa Con đối với Cha cũng vậy. Vì tình yêu đối với Cha cũng như với thế gian mà Chúa Con đã vâng lời, chấp nhận thân phận con người, hoà mình trọn vẹn vào thân phận kiếp người để sẻ chia kiếp “sinh- lão- bệnh- tử” mỏng giòn của họ. Chúa Thánh Thần luôn âm thầm làm công việc hướng dẫn, thánh hoá con người để họ ngày một nên hoàn thiện trong tình yêu với Thiên Chúa.

Lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa không tự mình vẽ hay phác hoạ ra một mô hình về tình yêu để rồi bắt chúng ta áp dụng, còn Người thì ngồi đó để đúc kết hay báo cáo thành tích. Chính Thiên Chúa Ba Ngôi đã đi bước trước, nghĩa là các Ngài đã sống, đã cảm nghiệm, đã chia sẻ cho nhau từ trước muôn đời và giờ đây các Ngài vì muốn cho con người cũng được chiêm ngưỡng, được sống và chia sẻ tình yêu ấy nên đã sai Con Một và Chúa Thánh Thần xuống thế để làm mẫu gương sống động cho con người noi theo. 

Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu đó chân chính và đích thực. Tình yêu đích thực đòi buộc cần phải có nhiều thành phần. Lý do là bởi vì một con người cô độc, luôn tự mãn thì không thể nào có tình yêu được, vì anh ta không có “đối tác” để yêu thương. Tình yêu đích thực cần đuợc đón nhận và trao ban qua “đối tác”, tức qua tha nhân. Chúng ta còn thấy một tình yêu trao ban thực sự khi nó loại bỏ được sự chiếm đoạt, tính ích kỷ và mưu đồ. Tình yêu trao ban đích thực chỉ xảy ra khi và chỉ khi cả hai đều hướng về nhau, cùng lãnh nhận và trao ban, cùng yêu và được yêu. Tình yêu đó không làm cho bên nào phải nghèo đi, phải mất mát nhưng nhờ thế cả hai đều thực sự phong phú và có ích cho nhau. Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta thấy một bản tính Thiên Chúa và Ba ngôi vị phân biệt nhau là thực sự cần thiết, bởi nhờ đó, tình yêu đích thực trao ban và lãnh nhận giữa Ba ngôi thực sự sống động, thực sự hiệu quả và phong phú mà nếu mất đi một trong ba, chỉ sẽ dẫn đến tình trạng ích kỷ, chiếm hữu và tự mãn mà thôi.

Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng Một Thiên Chúa tình yêu, đào sâu thêm về tình yêu giữa Ba Ngôi cũng như tình yêu mà Ba Ngôi đã trao ban cho chúng ta. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta tự vấn lương tâm về các mối quan hệ của chúng ta giữa vợ chồng, bố mẹ con cái, gia đình, xã hội, Giáo hội cũng như những mối tương quan khác,… để xem đó có thực sự là mối quan hệ dựa trên tình yêu vô vị lợi mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu thương cũng như tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ bày cách cụ thể nhất khi Người xuống thế, chịu chết và sống lại vì nhân loại. 

Ước mong đây là dịp thuận lợi để chúng ta xin Ba Ngôi Thiên Chúa tiếp tục dạy dỗ và hướng dẫn ngõ hầu mỗi người chúng ta được nên hoàn thiện trong tình yêu và ân sủng của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

1348    16-06-2011 19:40:40